Nghị quyết chuyên de của Đảng là gì

Quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề

Ngày đăng: 02/09/2016 02:40
Mặc định Cỡ chữ

Để HĐND đưa ra một nghị quyết chuyên đề khoa học, đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả, cần phải tuân thủ đúng quy trình các bước từ dự thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thảo luận... đến triển khai và giám sát việc thực hiện nghị quyết đó.

Việc ra các quyết định của HĐND có chất lượng là hết sức quan trọng. Nếu các quyết định kịp thời và trúng với những vấn đề thực tiễn địa phương đang đòi hỏi thì các quyết định sẽ đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Qua đó, củng cố, nâng cao vai trò của HĐND, đẩy lùi tính hình thức trong hoạt động của HĐND. Còn ngược lại, quyết định của HĐND sẽ không đi vào cuộc sống hoặc chỉ đi vào một phần.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, HĐND tỉnh có thẩm quyền quyết định gần 30 nhóm vấn đề thuộc 9 nhóm nội dung và lĩnh vực. Trong đó, có những nhóm nội dung vô cùng quan trọng như tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; quyết định về xây dựng chính quyền; quyết định trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; chủ trương đầu tư, chương trình dự án của tỉnh Tương tự thì thẩm quyền thực hiện chức năng quyết định của HĐND cấp huyện, xã cũng được quy định khá chi tiết trong luật.

Có thể chia các quyết định của HĐND làm hai loại là những quyết định thường kỳ theo kỳ họp và những quyết định chuyên đề. Làm thế nào để nâng cao chất lượng của các quyết định chuyên đề của HĐND tỉnh? Chúng ta cùng xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của các quyết định chuyên đề, bao gồm các chính sách cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực, thông qua việc xem xét các bước cần thiết trong quá trình dự thảo, ban hành quyết định.

Thứ nhất, phát hiện vấn đề cần ban hành chính sách, còn có cách gọi khác là sáng kiến chính sách: Nội dung này có thể do Thường trực HĐND, UBND, các cơ quan chức năng phát hiện đề xuất. Vấn đề, nội dung được đề xuất, đưa ra để HĐND xem xét, quyết định là rất nhiều, trong khi nguồn lực để thực hiện có hạn, đòi hỏi làm rõ sự cần thiết, vấn đề ưu tiên để ban hành chính sách. Một vấn đề được xác định là cần thiết ban hành chính sách khi thỏa mãn các tiêu chí: Thể chế hóa các đường lối chủ trương chính sách của Đảng; đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân; có tính cấp thiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, dự thảo chính sách: Xây dựng dự thảo chính sách thường được giao cho một cơ quan chuyên môn chủ trì có sự phối hợp của các cơ quan khác. Để khâu dự thảo có chất lượng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lựa chọn người có chuyên môn sâu và am hiểu pháp luật và thực tiễn thực hiện. Việc dự thảo chính sách cần bảo đảm hài hòa các lợi ích, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn, đúng pháp luật, có đủ nguồn lực thể thực hiện.

Phiên họp lãnh đạo chủ chốt thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp do Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì

Thứ ba, tham vấn ý kiến các cơ quan chức năng; đối tượng chịu tác động của chính sách và các chuyên gia: Bước này có thể được thực hiện bởi cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Kinh nghiệm cho thấy, không làm tốt khâu này thì chính sách dễ không sát thực tiễn, vì nó mang nặng ý chí chủ quan của người soạn thảo cũng như người quyết định. Việc tham vấn ý kiến rộng rãi, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách là điều kiện quan trọng để bảo đảm chính sách khi ban hành có thể đi ngay vào cuộc sống.

Thứ tư, thẩm định; thẩm tra của cơ quan tư pháp và ban HĐND: Việc thẩm định của các cơ quan tư pháp nhằm bảo đảm thể thức văn bản; sự phù hợp và thống nhất với các quy định của pháp luật. Việc thẩm tra do các ban HĐND được phân công thực hiện, nhằm giúp cho HĐND bàn bạc thảo luận để quyết định, trong đó các kiến nghị đề xuất của các ban về những nội dung chưa phù hợp, chưa có tính khả thi hoặc những nội dung còn có ý kiến khác nhau là rất quan trọng. Do đó, các ban cần tham gia, phối hợp ngay từ khâu đầu tiên của quá trình soạn thảo để nâng cao chất lượng dự thảo, rút ngắn thời gian xây dựng chính sách, tránh những dự thảo không bảo đảm chất lượng khi trình ra HĐND.

Thứ năm, trình kỳ họp HĐND thảo luận, biểu quyết thông qua: Chúng ta đều nhận thấy việc quyết định tại các kỳ họp HĐND là quan trọng nhất và chất lượng quyết định của HĐND trước hết phụ thuộc vào năng lực của từng đại biểu. Để nâng cao năng lực của đại biểu, cùng với việc đại biểu phải tự thân nỗ lực, nâng cao hiểu biết, nắm chắc các thông tin thông qua cử tri và các kênh thông tin khác, thì cần phải tăng cường tập huấn kỹ năng cho đại biểu. Cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, sinh sống cần bố trí đủ thời gian cũng như các điều kiện khác cho đại biểu hoạt động.

Thứ sáu, tổ chức triển khai thực hiện quyết định: Đây là nhiệm vụ của UBND. Nghị quyết của HĐND sau khi ban hành cần phải được các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc. Từ khâu quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết, đến xây dựng kế hoạch thực hiện, hướng dẫn, bố trí nguồn lực để thực hiện. Có thể nói đây là khâu rất quan trọng, một nghị quyết dù có tốt đến đâu mà khâu tổ chức thực hiện không tốt cũng sẽ không đem lại kết quả.

Thứ bảy, giám sát việc thực hiện quyết định; sơ kết, tổng kết đánh giá: Sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND có nhiệm vụ giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các cấp, các ngành. Qua đó, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót, những bất cập để kiến nghị yêu cầu UBND và các cơ quan liên quan có các giải pháp để bảo đảm nghị quyết được thực thi hiệu quả. Mặt khác, định kỳ 1 - 2 năm phải tiến hành sơ kết, 5 năm phải tổ chức tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút ra các ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân. Thông qua đó, đề nghị HĐND xem xét để quyết định bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp.

Có thể thấy rằng, để nâng cao chất lượng các nghị quyết chuyên đề, cũng như các quyết định của HĐND nói chung, cần phải thực hiện đầy đủ các bước quy trình như đã nêu. Ngoài ra, chất lượng của các quyết định của HĐND còn phù thuộc vào chất lượng của đội ngũ tham mưu, giúp việc chuyên sâu, chuyên nghiệp. Do đó, cần phải nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giúp việc cho thường trực, các ban và các đại biểu HĐND, đặc biệt là đội ngũ chuyên viên giúp việc ở cấp huyện xã. Ngoài ra cần bảo đảm các điều kiện liên quan cho hoạt động của cơ quan HĐND trong việc quyết định các chính sách như phương tiện làm việc, kinh phí.

Đoàn Đình Anh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Theo: daibieunhandan.vn

Về trang trước
Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề