Người có tài mà không có đức la vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó

Thấm thía lời dạy ‘Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó’

(VOH) – Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe câu “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vậy câu nói đó đang ẩn ý điều gì?

Ai ai trong chúng ta đều mong muốn có thể trở thành một người tài giỏi và có ích cho xã hội, thế nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Người có tài thì chưa chắc đã có tâm và ngược lại, giống như câu nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

1. Câu nói ‘Có tài mà không có đức’ có ý nghĩa gì?

Trong buổi trò chuyện thân mật với các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ nỗi lòng chân thành của mình tới những mầm non nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Khi ấy Bác đã nói rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

Đây chính là lời răn dạy và là tư tưởng mà Bác muốn truyền tải tới các em, để các em luôn nỗ lực phấn đấu, trở thành một người tài đức vẹn toàn. Để hiểu được ý nghĩa của câu nói trên, trước hết ta cần hiểu được ẩn ý trong từng con chữ.  

‘Tài’ có thể được hiểu là năng lực, là thiên phú của mỗi người trong cuộc sống hoặc trong công việc. ‘Tài’ được biểu hiện rõ nét ở trình độ học vấn, khả năng tiếp thu kiến thức và sự nhanh nhạy khi học hỏi, khám phá các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. 

‘Đức’ có thể hiểu là những đức tính tốt đẹp của con người. Đức chính là đạo đức, là lối sống và cách hành xử giữa người với người. Người có ‘Đức’ sẽ biết cách cư xử đúng đắn, lịch thiệp, lễ phép và biết tôn trọng mọi người xung quanh. Biểu hiện của ‘Đức’ phần lớn nằm ở tính cách, là sự ngoan ngoãn hiểu chuyện, biết kính trên nhường dưới, sống thật thà, khiêm tốn

Tuy hai vế này không thuộc cùng một phạm trù, nhưng nếu như con người ta chỉ có tài hoặc chỉ có đức mà thiếu mất vế còn lại thì không thể được xem là một người tốt đẹp. Bởi lẽ nếu chỉ có tài mà không có đức thì sẽ khó nhận được sự trọng dụng và yêu quý. Ngược lại người có đạo đức nhưng lại không có tài thì cũng sẽ khó lòng làm nên “đại sự”. Tuy nhiên, kiểu người này vẫn nhận được tình cảm và sự trân trọng của những người xung quanh.

Như vậy, câu nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng” như muốn nhấn mạnh, chúng ta ai cũng có những điểm mạnh-yếu khác nhau, nếu như bạn chỉ nhìn vào điểm mạnh mà lờ đi điểm yếu thì sẽ khó lòng thành công. Muốn trở thành một người con có ích cho đất nước, bạn cần phải nỗ lực phát huy điểm mạnh và đồng thời cải thiện mặt yếu kém của chính mình. Có như vậy mới phát huy được tối đa năng lực, và nhanh chóng gặt hái được những thành quả trong cuộc sống.

Xem thêm: Học theo câu tục ngữ ‘Có chí thì nên’ - Rèn luyện ý chí để thành công

2. Có tài mà không có đức sẽ gây ra hệ lụy gì cho đất nước?

Người có tài đương nhiên sẽ được ngưỡng mộ và trọng dụng, tuy nhiên tài năng cần đi kèm với đạo đức và phẩm chất tốt đẹp thì mới có thể tồn tại lâu dài. 

Đức và tài chính là một thể song hành đi cùng với nhau, giúp nâng đỡ nhau cùng phát triển. Đức là gốc, khi có gốc vững vàng bạn mới có đủ điều kiện để phát triển tài năng. Và cũng chính tài năng sẽ góp phần tô điểm cho cái đức thêm tỏa sáng. 

Xã hội ngày càng phát triển, những người tài đức càng được đất nước trọng dụng. Thiếu một trong hai cũng khó lòng góp sức giúp đất nước ngày càng đi lên, giàu mạnh. Đặc biệt là với những người có tài mà không có đức, sớm muộn gì cũng sẽ gây tổn thất lớn và bị đào thải.

Bởi lẽ trong bất cứ một môi trường làm việc nào cũng vậy, không một ai muốn giữ một người xấu tính bên mình. Thậm chí trong trường hợp bạn làm chủ, bạn giỏi nhưng lại sống không có tâm, đối xử không tốt với đồng nghiệp và cấp dưới thì cũng chẳng ai muốn làm việc cùng với bạn.

‘Đức’ mới là cái giúp bạn nhận được sự yêu mến và trân trọng thực lòng từ những người xung quanh. Nếu chỉ có tài mà không có đức, thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ rất hạn chế, các mối quan hệ xã hội cũng sẽ bị ỳ trệ hoặc dần dần biến mất. Ngay cả những mối quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm cũng sẽ chẳng thể bền lâu, bởi chúng ta đâu ai muốn kết giao với những người có đạo đức kém.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Thả con săn sắt bắt con cá rô’ và bài học về tầm nhìn, giá trị và cơ hội

3. Có tài mà không có đức thể hiện ra sao trong đời sống?

‘Có tài mà không có đức’ cho thấy sự yếu kém và suy đồi về mặt đạo đức, người có tài có thể thành công và giàu có, nhưng nếu không có đức thì họ sẽ chẳng nhận được sự tôn trọng thật lòng từ những người xung quanh.

Ví dụ như: 

“Bạn A là một học sinh giỏi, thành tích rất tốt thế nhưng tính cách lại không tốt. Bạn ấy sống rất ích kỷ, vì thấy mình giỏi nên coi khinh người khác, có những lời lẽ xúc phạm người kém hơn. Như vậy chính là sống không có đức, dù không ai phủ nhận cái giỏi của bạn, nhưng cũng sẽ chẳng có ai yêu mến bạn.”

“Nhân viên B là một người có tài, bạn ấy có thành tích học tập xuất sắc, có kỹ năng chuyên môn thế nhưng thái độ làm việc lại rất hống hách. Bạn ấy không hề có tinh thần đồng đội, thường hay khinh thường hoặc cố ý gây khó khăn cho người khác. Người như vậy sẽ không nhận được sự tôn trọng từ phía đồng nghiệp, thậm chí ngay cả cấp trên cũng sẽ ghét bỏ. Dù bạn có giỏi đến đâu mà không được trọng dụng, không được cất nhắc thì mãi mãi vẫn chỉ là một nhân viên nhỏ bé.”

Không có đức thì tài năng của bạn rồi sẽ bị mài mòn, sẽ trở nên phí phạm vì nó không thể được phát huy tối đa. Tài và đức luôn phải song hành với nhau, bằng không cái tài ấy sẽ trở thành thứ vô dụng. 

Những biểu hiện của người ‘Có tài mà không có đức’ có thể kể đến như:

  • Vì giỏi mà kiêu ngạo, khinh thường người khác
  • Cậy quyền cậy thế không coi ai ra gì
  • Cậy mình có tiền mà khinh miệt người khác
  • Dùng tiền tài và quyền lực để sỉ nhục người khác
  • Cố ý gây khó dễ cho những người có địa vị thấp kém hơn mình
  • Khinh thường những công nhân viên làm việc ngoài xã hội
  • Dùng tiền tài để mua chuộc địa vị, thăng quan tiến chức
  • Nhận hoặc đi hối lộ để trục lợi cho bản thân
  • Lợi dụng cấp dưới, chèn ép, bóc lột sức lao động
  • Sống ích kỷ, chỉ biết thu lấy cái lợi cho bản thân
  • Không biết dạy dỗ con cái, để những đứa nhỏ trở nên kiêu căng và xấu tính

Có tài, có năng lực và sự hiểu biết nhưng lại không biết cách phát huy và sử dụng đúng chỗ, không biết cách để bản thân trở nên tốt đẹp hơn thì có tài thế nào đi nữa cũng vô ích. 

Một người có tài nhưng lại bỏ bê chữ “đức”, chỉ biết lo nghĩ cho bản thân thì sẽ khó mà có được tình cảm chân thành, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một kẻ cô độc. Khi đó cái tài của bạn sẽ không còn đáng được trân trọng nữa, sống không có đạo đức thì ngay cả bạn bè hay người cũng sẽ quay lưng lại với bạn.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ bàn về đạo lý nào trong cuộc sống?

4. Những câu ca dao, tục ngữ về đạo đức

Việt Nam ta có rất nhiều câu ca dao và tục ngữ xưa nói về đạo đức, qua những câu nói ấy, cha ông ta muốn răn dạy con cháu rằng hãy luôn giữ mình trong sạch, sống tử tế và có đạo đức. Người sống có đạo đức mới là bậc quân tử, là người được bạn bè và người thân nể trọng.

  1. Uống nước, nhớ kẻ đào giếng.
  2. Nhân vô tín như xa vô luân.
  3. Thà chết vinh còn hơn sống nhục.
  4. Chữ tín còn quý hơn vàng.
  5. Đất lành chim đỗ, đất ngỗ chim bay.
  6. Một lần bất tín, vạn lần bất tin.
  7. Lời nói như đinh đóng cột.
  8. Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
  9. Cái nết đánh chết cái đẹp.
  10. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
  11. Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên.
  12. Đừng ham nón tốt dột mưa, đừng ham người đẹp mà thưa việc làm.
  13. Dù đẹp tám vạn nghìn tư, mà chẳng có nết cũng hư một đời.
  14. Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
  15. Người đừng khinh rẻ người.
  16. Người chết, nết còn.
  17. Kính già yêu trẻ.

Xem thêm: ‘Rút dây động rừng’ và hàm ý được ẩn giấu đằng sau về một đức tính con người cần rèn luyện

Những ẩn ý trong câu nói ‘Có tài mà không có đức là người vô dụng’ dường như luôn đúng trong mọi hoàn cảnh dù đã bao nhiêu năm trôi qua. Rõ ràng, một người sống có đạo đức, có khiêm nhường thì mới có thể ngày càng phát triển và có một cuộc sống đầm ấm hòa thuận. Hãy luôn nhớ rằng, nếu có tài mà không có đức thì sớm muộn cũng sẽ trở thành kẻ vô dụng.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet               

Đức và tài là hai tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá một con người và trở thành mục tiêu phấn đấu rèn luyện tu dưỡng của thanh niên. Khi bàn về mối quan hệ giữa đức và tài, trong một. cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ đã phát biểu: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vậy thế nào là đức, tài và mối quan hệ giữa đức và tài như thế nào? Tài là tài năng trí tuệ được biểu hiện ở trình độ học vấn, năng lực tiếp thu và sáng tạo khoa học công nghệ, có trình độ nghề nghiệp cao, là những lao động trí óc hoặc chân tay gỏi, những nhà khoa học có tài năng, nhà quản lý, kinh doanh thành thạo. Tài cũng là sự hiểu biết sâu sắc về lý thuyết và kỹ năng thao tác thực hành điêu luyện. Tùy theo từng nghề nghiệp chuyên môn, cái tài của mỗi người được thể hiện một cách cụ thể nhưng suy cho cùng “tài” được đánh giá ở năng suất và hiệu quả của công việc.

Đức là đạo đức, phẩm chất, nhân cách của mỗi người được biểu hiện cụ thể trong cuộc sống với nhiều mối quan hệ khác nhau. Trước hết, đạo đức được thể hiện sinh động trong đời sống hàng ngày, đó là lòng hiếu thảo với cha mẹ, đạo nghĩa với thầy giáo, cô giáo, hết lòng vì bạn bè, thương yêu mọi người. Đạo đức trong thời đại chúng ta gắn liền với lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng. Đạo đức cách mạng được xây dựng trên cơ sở của một lý tưởng sống đẹp đẽ “vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hi sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiệu rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”. (Bác Hồ)

Cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng để tất cả chúng ta noi theo. Cả cuộc đời Bác đã chiến đấu và hi sinh vì lợi ích của nhân dân, Bác chỉ có ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc là làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành’’ (Trả lời các nhà báo - Tháng 1 năm 1946.)

Người là hiện thân của những đạo đức, phẩm chất cách mạng cao quý đồng thời nêu cao tấm gương sáng về ý chí nghị lực tự học hỏi để không ngừng trau dồi tài năng nhằm phục vụ tốt cho yêu cầu của cách mạng.

Đối với thế hệ trẻ, Bác thường xuyên quan tâm, giáo dục. Trong lời căn dặn với toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa “là việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ”. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” (Di chúc). “Hồng”, “chuyên” tức là đức và tài. Đức, tài có những biểu hiện cụ thể và riêng biệt đồng thời có mối quan hệ khăng khít làm nên giá trị của mỗi con người. Có tài đồng thời phải có đức và ngược lại, nếu thiếu một trong hai tiêu chuẩn đó con người trở nên “què quặt”, phiến diện, không giúp ích gì cho xã hội, thậm chí còn gây nên những hậu quả xấu.

“Có tài mà không có đức là người vô dụng”, bởi lẽ người có tài nàng mà thiếu đạo đức thì tài năng đó không phục vụ cho một mục đích cao cả, tài năng đó trở thành vô dụng, phí hoài. Có khi tài năng đó lại sử dụng vì những mưu đồ cá nhân ích kỉ, đen tối thì cái tài đó không những vô dụng mà còn đi ngược lại lợi ích của tập thể, của nhàn dân. Cái “tài” đó thật là tai hại! Người có tài mà không chịu rèn luyện đạo đức sẽ tách mình ra khỏi tập thể, tự cao tự phụ, coi khinh tập thể và tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm và tội lỗi. Vì vậy, đạo đức là nền tảng của tài năng, tài năng thật sự có nghĩa khi nó được hình thành và phát triển trên một cơ sở lý tưởng trong sáng, đẹp đẽ.

Hiện nay, bên cạnh nhiều tấm gương tốt về tinh thần tu dưỡng đạo đức phẩm chất cách mạng cũng có những biểu hiện chỉ chăm lo học hành để mong đỗ đạt có bằng cấp mà coi nhẹ việc rèn luyện nhân cách. Khi đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, bên cạnh những mặt tích cực đã nảy sinh một số biểu hiện thiếu lành mạnh, vì vậy việc rèn luyện đạo đức, bảo tồn những giá trị tinh thần, bản sắc của dân tộc, chống lại những nọc độc của văn hóa đồi trụy, phản động càng trở nên bức thiết đối với thanh thiếu niên.

Đức là quan trọng, nhưng “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đúng vậy, không có tài năng, hiệu quả lao động, sự cống hiến đối với xã hội sẽ rất hạn chế thậm chí vì thiếu tài năng (hoặc là do dốt nát) mà không hoàn thành được nhiệm vụ, gây những hậu quả xấu làm thiệt hại cho đất nước. Ngày nay, nhân dân ta đang phấn đấu để thực hiện hoài bão lớn lao là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, làm cho dân giàu nước mạnh. Để thực hiện lý tưởng đó nhất thiết mỗi người phải nâng cao năng lực và trí tuệ. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới mới với những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật. Chỉ có tài năng trí tuệ về văn hóa, khoa học, công nghệ, quản lý... mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại và của đất nước. Vì vậy, chế độ ta rất coi trọng tài năng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho tài năng phát triển.

Đức và tài là một thể thống nhất có tác dụng nâng đỡ lẫn nhau. Đức là gốc, cái gốc vững vàng thì tài năng có điều kiện nảy nở đơm hoa kết trái, ngược lại, tài năng là biểu hiện sinh động cụ thể của đức càng tô thắm thêm cái đức. “Hồng thắm”, “chuyên sâu”, “hồng” càng thắm, “chuyên” càng sâu và ngược lại. “Hồng thắm”, “chuyên sâu” trở thành mục tiêu tu dưỡng phấn đấu của các thế hệ thanh niên, đó là hành trang để bước vào đời.


 

Để trở thành người có ích cho xã hội, chúng ta cần phải có những phẩm chất nào? Có trí tuệ siêu việt hay là phải có đạo đức tuyệt vời cao cả? Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, những người đang ra sức rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội, Hổ Chủ tịch đã nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Cô đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Câu nói của Hồ Chủ tịch đã khẳng định giá trị cơ bản của một con người là tài và đức. Trong ý kiến của Bác, tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Đức chính là đạo đức, là tư cách tác phong, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng chân thiện, mĩ… Người có đức biết tôn trọng và bảo vệ chân lí, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hi sinh quyển lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể. Tài và đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi vì tài năng đó không được sử dụng để phục vụ nhân dân mà chỉ để mưu cầu lợi ích cho cá nhân thì cũng trở thành vô ích. Người ta không thể sống một mình, càng không thể tách rời giạ đình, bạn bè, giai cấp, dân tộc và đồng loại. Giá trị của một con người được xem xét trên cơ sở những đóng góp hữu ích đối với cộng đồng. Người ích kỉ là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ tìm cách sao cho có lợi cho mình. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại gây ra cho gia đình và xã hội càng lớn. Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, tức là có khát vọng hành động, cống hiến vì lợi ích của mọi người nhưng kiến thức ít ỏi và năng lực kém thì những ý định dù tốt đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp cho con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta phải làm việc rất vất vả mà chất lượng công việc lại không cao. Rõ ràng là giá trị của con người phải bao gồm cả tài và đức. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Nhưng trong ý kiến của Hồ Chủ tịch, rõ ràng vị trí của đức được coi là hàng đầu, là yếu tố quyết định. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó. Cách nói của Bác rất giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức trong phẩm chất của mỗi con người.

Để trở thành công dân hữu ích, chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai, ngay từ tuổi học sinh, chúng em phải không ngừng học tập, tu dưỡng. Như vậy mới có đủ đức và tài – tiêu chuẩn của con người mới như Bác Hồ hằng mong ước.

Thế hệ học sinh chúng ta là một nhân tố quan trọng đối với vận mệnh, tương lai và sự phát triển của đất nước, việc chúng ta là những người như thế nào và sẽ trở thành như thế nào sẽ quyết định đến bộ mặt và sự tồn vong của cả quốc gia, dân tộc. Ý thức được điều đó chúng ta phải học tập, tu dưỡng và rèn luyện sao cho xứng đáng là một chủ nhân tương lai đất nước, Bác Hồ đã có lời răn dạy thế hệ học sinh chúng ta rằng "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó", có tài đức vẹn toàn mới có thể đưa đất nước đi lên sánh vai với cường quốc năm châu.

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, Bác là tấm gương đạo đức ngời sáng, những lời răn dạy của Bác giản dị, gần gũi lại vừa thiết thực, sâu sắc, từng lời bác dạy in sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Trong lời dạy của Bác "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó" đề cập tới hai phạm trù là "tài" và "đức", thứ nhất "tài" ở đây là tài năng, tài trí của mỗi con người và "đức" là đức hạnh, phẩm chất, đạo đức của một con người.

Cả tài và đức đều là những thứ phải trải qua cuộc sống, rèn luyện và trau dồi mới có được và trong cuộc sống của cá nhân mỗi người cả hai đều có vai trò quan trọng tương đương nhau, đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng bổ sung cho nhau và luôn song hành với nhau, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó rất khó khăn để chúng ta đối mặt với cuộc sống.

Vậy tại sao "Có tài mà không có đức là người vô dụng"? Một người được trời phú cho tài năng thiên bẩm vượt trội hơn người, hoặc nhờ sự phấn đấu rèn luyện mà có được tài năng nhưng lại không có đạo đức thì việc sử dụng tài năng của người đó hoặc là sai trái hoặc là ích kỉ. Sai trái vì họ có thể làm điều trái với luân thường đạo lí, trái pháp luật, ích kỉ vì họ chỉ dùng tài đó cho lợi ích của mình, đạt được mục đích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích của tập thể. Ví dụ như những bạn học sinh giỏi, học rất giỏi nhưng khi các bạn khác hỏi bài lại bày sai cho bạn hoặc ích kỉ không chia sẻ kiến thức, những người như thế dù có tài giỏi đến đâu cũng khó để hòa đồng với mọi người, ngược lại còn bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Dần dần sẽ chẳng có ai cần đến sự tài giỏi của họ nữa và họ sẽ trở thành người vô dụng vì là người không có đạo đức, phẩm chất.

Ngược lại "Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó", sự thật là như vậy vì đức độ, phẩm hạnh tốt có thể giúp ta có được những mối quan hệ tốt, có được sự tôn trọng, yêu mến của mọi người nhưng khi làm những việc cần đến trình độ, tài năng mà ta lại không có thì ta không thể làm tốt việc đó được. Ví dụ như một cô lao công rất tốt bụng nhưng khi gặp người bị ngất xỉu trên vỉa hè lại không biết làm cách nào cho người đó tỉnh lại. Những người có đức lại càng phải có tài bởi họ sẽ dùng tài đó vào những việc đúng đắn, hợp tình hợp lý và luôn vì lợi ích chung nhất. Cũng giống như một người học sinh ngoan ngoãn lễ phép nhưng học yếu kém thì khó có thể tốt nghiệp, tuy nhiên chỉ cần chăm chỉ học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức, chắc chắn việc học sẽ được cải thiện, bản thân sẽ hoàn thiện được cả tài lẫn đức. Như vậy, lời dạy bảo của Bác Hồ chính là muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của tài và đức, đồng thời phải không ngừng học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những con người tài đức vẹn toàn, hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội.

Là một người học sinh, thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước, học sinh chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân rằng muốn thành công và muốn giúp ích cho xã hội phải cố gắng học tập, rèn luyện sao cho tài đức vẹn toàn. Luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ và luôn luôn học tập theo tấm gương của Bác - một tấm gương ngời sáng tài đức vẹn toàn.

Trong chúng ta, không ít những người mải mê học tập mà quên cả rèn luyện tính cách, đạo đức. Ngược lại, có những thanh thiếu niên được uốn nắn kĩ càng về đạo đức nhưng lại kém cỏi về tài năng. Cho nên có câu: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Câu nói ngắn gọn này thật có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta thử tìm hiểu kĩ hơn sẽ rút ra được bài học bổ ích cho mình.

Tài là gì? Đức là gì? Tài là khả năng thực hiện một công việc hoặc sáng tạo một sản phẩm nào đó cho mọi người, có những người có thể thực hiện được những việc khác nhau một cách xuất sắc, ta gọi đó là người “đa tài”, có những người làm gì cũng thất bại, thất bại luôn luôn trong mọi lĩnh vực, ta gọi đó là người “bất tài”. Bên cạnh khả năng cống hiến cho xã hội, giá trị con người còn được đánh giá qua “đức”, tức là những phẩm chất về tâm hồn, tính cách, lối xử sự của một con người trong xã hội. Ví dụ: một con người có những phẩm chất như: nghị lực, trọng danh dự, giữ chữ tín, siêng năng, nhân ái... Người ta gọi đó là người có đạo đức tốt. Ngược lại, kẻ nào mang thói biếng nhác, đê hèn, xảo, trá, tham lam, độc ác... Ta gọi đó là loại người vô đạo đức. Thế nào là người vô dụng? Người vô dụng là người không giúp ích gì cho xã hội, không mang lại hạnh phúc cho một ai. Con người ấy sống cũng như đã chết, gọi là “sống thừa” trong xã hội. Tại sao thế? Vì một người có tài mà không có đức sẽ không biết sử dụng đúng chỗ tài năng của mình. Đôi khi tài năng ấy dùng vào những mục đích ngu xuẩn, độc ác thì thật là nguy hiểm và bất hạnh cho xã hội và dân tộc. Ví dụ: một kĩ sư hóa học giỏi mà vô đạo đức có thể kết cấu với bọn côn đồ để dùng hóa chất giết người, cướp của, phản bội dân tộc, chế tạo vũ khí sát hại nhân loại. v.v...

Hơn nữa, người có tài mà không có đức sẽ thành vô dụng, vì: người ấy sẽ bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ và cô lập, một con én sẽ không làm nổi mùa xuân. Trái lại, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, vì tuy đạo đức người ấy đáng tin cậy nhưng bên cạnh thiện chí, anh ta lại thiếu trình độ, thiếu khả năng chuyên môn hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Ví dụ: một giám đốc có nhiều phẩm chất như: yêu nước, tận tụy, có tinh thần trách nhiệm... nhưng lại không có tài điều khiển nhân viên, không đủ khả năng kiểm tra công việc của những người kĩ sư dưới quyền... thì xí nghiệp ấy khó lòng đứng vững, nói chi đến việc mở rộng hay phát triển. Từ đó, người có đức mà bất tài dễ bị coi thường, bị mất uy tín... Chẳng bao lâu sau ông ta sẽ không thuyết phục, không cộng tác, không làm ăn được với ai trong nước, còn hi vọng gì đưa sản phẩm của mình đi xuất khẩu? Một nguy cơ rất dễ xảy ra là khi người chỉ huy không thể kiểm soát được công việc của các nhân viên, những nhân viên có tài mà không có đức dễ dàng làm những việc gian tham, móc ngoặc gây phương hại đến cho xí nghiệp, mang hậu quả nặng nề cho vị chủ quản.

Qua phần tìm hiểu ý nghĩa và nguyên nhân của lời khuyên trên, chúng ta hẳn thấy rõ tầm quan trọng của TÀIĐỨC. Vậy tại sao Bác lại nói đến TÀIĐỨC với thanh niên? Không nói, hẳn mọi người cũng đã hiểu mục đích của Bác muốn gởi gắm một lời nhắc nhở quan trọng với thanh niên trong việc học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và rèn luyện trau dồi tư cách đạo đức. Lời khuyên của Bác đã nói lên sự tương quan mật thiết giữa ĐỨCTÀI, nói lên tầm quan trọng không thể thiếu giữa TÀIĐỨC trong từng thanh niên. Vậy muốn trau dồi tài và đức, chúng ta phải biết quý trọng tuổi xuân, dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trau dồi ngôn ngữ nước ngoài ta sẽ có chìa khóa mở cửa thế giới. Trường học sẽ là môi trường thích hợp nhất cho học sinh chúng em rèn luyện nhũng đức tính siêng năng, nhân ái, nghị lực, yêu đồng bào, tổ quốc và đoàn kết tương thân tương trợ...

Sau khi giải thích câu nói trên của Bác, chúng ta đã hiểu được ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng của TÀIĐỨC, nguyên nhân và mục đích của lời dạy trên. Đó là một lời nói thâm thúy nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của đạo đức, sau đó là tài năng. Nếu ai trong thanh niên chúng  ta cũng biết thực hiện được điều này thì thật là một tương lai sáng lạn cho tổ quốc ta. Một doanh nhân thế giới đã nói: “Chín mươi phần trăm thiên tài là sự nhẫn nại”. Vậy chúng ta hãy cố gắng nhẫn nại trong việc rèn luyện tài và đức.