Người khẳng định việc gì khó khăn máy và to lớn máy nhân dân cũng làm được nếu như có điều gì

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cán bộ là gốc của mọi công việc. Ảnh: internet

Với mục đích đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, trong sự khát khao giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Đảng, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

1. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Trước hết, Người coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[1]. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Vì vậy trong mọi việc mà không có cán bộ thì không thể hoàn thành.

Cán bộ còn được hiểu "là cái dây chuyền của bộ máy"[2]. Trong cỗ máy công nghiệp, dây chuyền liên quan đến nhiều bộ phận, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Sự chuyển động của xã hội được coi như một "cỗ máy" khổng lồ. Trong "cỗ máy" đó, cán bộ là dây chuyền, "cầu nối" giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Đây là một "dây chuyền" đặc biệt. Bởi vì, cán bộ phải đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ dở thì một mặt chính sách không thể thực hiện được, mặt khác việc hoạch định, xây dựng chính sách mới sẽ sai lầm hoặc không phù hợp.

Cần hiểu rằng, cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã là một người cán bộ cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì "tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân"[3].

Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm dân như nước, cán bộ như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết. Người chỉ rõ "cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được"[4]. Từ đó, Người khẳng định nước lấy dân làm gốc, "cán bộ quyết định mọi việc"[5]. Sự "quyết định" ở đây là cán bộ phải đi trước, làm gương về tư tưởng, đạo đức, thái độ, lề lối làm việc. Muốn phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng chục triệu người, thì cán bộ phải đi trước, tự cải tạo mình, tự nâng cao mình. Cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; phải rửa sạch ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện tinh thần và ý thức tập thể.

2. Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng

a/. Đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ.

Đạo đức là sự tổng hòa những nguyên tắc, quy định, chuẩn mực nhằm hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ, chống lại cái giả, cái ác, cái sai trong mỗi thời đại lịch sử, phù hợp với tiến bộ xã hội để con người tự giác điều khiển hành vi của mình trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao đạo đức truyền thống của dân tộc, coi đó là một sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ khi cách mạng có Đảng lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chỉ giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đây chính là nhân tố làm cho sức mạnh cách mạng tăng lên bội phần, góp phần vào chiến thắng kẻ thù ngoại xâm và nghèo nàn, lạc hậu. Bàn về vai trò của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"[6].

Đã là cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Giữ được đạo đức cách mạng mới là người cán bộ chân chính. Bởi vì, mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.

Với tinh thần đó, đạo đức cách mạng là nguồn động lực giúp cán bộ vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ, thử thách. Hơn thế nữa, đạo đức cách mạng và chủ nghĩa xã hội là một cuộc đồng hành. Một khi chưa trừ bỏ được chủ nghĩa cá nhân thì chưa thể nói tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội chỉ có thể khẳng định được mình với tư cách là một chế độ xã hội ưu việt khi cùng với sự phát triển của kinh tế, của lực lượng sản xuất, khoa học - công nghệ, là những tiến bộ của đời sống tinh thần và giá trị đạo đức, nhân văn phải trở thành nhu cầu sống cao đẹp của mỗi con người và toàn xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một thứ "vi trùng rất độc", nó là thứ "bệnh mẹ", do nó mà sinh ra các thứ "bệnh con", các chứng bệnh nguy hiểm như: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh lười biếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương…

b/. Nội dung đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ nhất là, trung với nước, hiếu với dân.

Từ xưa đến nay ở Việt Nam, trong quan hệ văn hóa - đạo đức thì mối quan hệ giữa dân và nước, giữa nhân dân với Tổ quốc là mối quan hệ lớn nhất, có vai trò chi phối mọi quan hệ khác. Do đó, trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất đạo đức hàng đầu.

Người khuyên cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Người xác định, cán bộ các cấp đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, cán bộ phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia sẻ công việc rõ rệt, cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, theo dõi giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn. Cán bộ phải đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"[7]. Đó là một tổng kết mang tính chân lý về mối quan hệ giữa cán bộ với dân.

Trung với nước, hiếu với dân là hạt nhân cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên.

Thứ hai là, thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tình thương yêu con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, có tính gương mẫu trong mọi hoạt động và phải luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người, nhất là tình yêu thương đồng bào, đồng chí, luôn bao dung, độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ.

Thứ ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đó là nét đặc trưng của đạo đức theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng. Việc tu dưỡng, rèn luyện phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt gia đình, xã hội, ở mọi không gian, thời gian và lấy chính bản thân mình làm đối tượng. Phẩm chất này là một biểu hiện cụ thể của phẩm chất "trung với nước, hiếu với dân". Bởi vì "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" sẽ tạo khả năng giữ vững độc lập, xây dựng đất nước.

Như vậy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ… phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ giúp người cán bộ có nhiều phẩm chất tốt đẹp khác, có thể vững vàng trước mọi thử thách.

Thứ tư là, tinh thần trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, thì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Trái lại, làm một cách cẩu thả, làm cho xong chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm; còn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả. Bởi lao động là vẻ vang. Do đó, tình yêu lao động và lao động sáng tạo là một trong những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong lao động, đem hết nhiệt tình, trí tuệ làm cho lao động của mình, của tập thể đạt được năng suất và hiệu quả ngày càng cao trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc mau đến thành công.

3. Người cán bộ phải tích cực học tập

Để lao động đạt hiệu quả cao đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần học tập không ngừng. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông"[8], phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực chủ động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.

Một thái độ học tập đúng là phải nêu cao tác phong học tập, suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi "vì sao?", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều.

Từ quan niệm "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng"[9]. Đào tạo bao gồm "nuôi dạy", huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Đó là công việc mà Đảng phải bỏ nhiều công sức tiến hành "chu đáo, công phu". Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, huấn luyện, học tập không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu cho rõ. Trước hết, phải xác định đúng mục đích huấn luyện, học tập; điều này phải được quán triệt ở cả chủ thể huấn luyện và đối tượng huấn luyện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ đi học là để "làm việc, làm người, làm cán bộ"[10]. Tuy ba mục đích ấy là thống nhất, quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng trong thực tế dễ bị đảo lộn thứ tự, nhận thức và hành động sai mục đích, nhất là đối với người học. Do đó, đối với người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại của Đảng. Đào tạo thế là phí công, phí của, vô ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách đào tạo hình thức, chạy theo số lượng mà không thiết thực, chu đáo, chất lượng kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học"[11]. Người học phải biết tự giác học tập, xác định mục đích, động cơ học tập. Học tập lý luận "theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau". Cách học tập là: "lấy tự học làm cốt". Trong mục "học ở đâu", Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn"[12].

4. Người cán bộ phải có tác phong dân chủ.

Trong những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta thấy rõ yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên như khiêm tốn, giản dị, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo. Bên cạnh đó, Người còn đề cập đến cách lãnh đạo, cách công tác, cách dân chủ, tác phong độc lập suy nghĩ.

Khả năng tổ chức thực hiện đường lối của người cán bộ được quyết định bởi cách làm việc theo quan điểm quần chúng, chứ không phải làm việc theo cách quan liêu. Đây là bài học lớn từ tấm gương của Lênin như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Với phương pháp khéo léo của mình, Lênin đã lay động được quần chúng nhân dân chưa giác ngộ và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Cán bộ, đảng viên phải xung phong gương mẫu, bàn bạc một cách dân chủ với mọi người, khuyên mọi người phát biểu ý kiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ, phải chống bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối nhằm vào lợi ích của toàn quốc, lợi ích của toàn Đảng. Nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác… Cán bộ mắc bệnh hẹp hòi đẻ ra nhiều thứ bệnh khác như không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Thậm chí dìm người giỏi.

5. Người cán bộ phải có phong cách nói đi đôi với làm

Nói đi đôi với làm là một truyền thống, một chuẩn mực hành vi đạo đức của dân tộc Việt Nam. Nó xa lạ với lối nói suông, nói nhiều làm ít, thậm chí nói một đường, làm một nẻo. Nói đi đôi với làm cũng là một nét đẹp truyền thống đạo đức phương Đông như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Người phương Đông giàu tình cảm, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Đặc biệt, chủ nghĩa Mác - Lênin với một nguyên tắc cơ bản là lý luận gắn liền với thực tiễn đã tạo ra một bước chuyển biến về chất trong nhận thức và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dạy: muốn đánh giá đúng con người không phải chỉ căn cứ vào người đó nói và viết như thế nào, mà quan trọng là phải xem người đó làm như thế nào. Người yêu cầu cán bộ phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

Kiểm tra là công đoạn cuối cùng của quá trình nói và làm. Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách thức tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và do kiểm tra. Nếu ba việc đó không được thực hiện tốt, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Đó là tư tưởng cơ bản, nhất quán, chỉ đạo quá trình xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS. TSKH. Nguyễn Viết Vượng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn

------------------------------

Ghi chú:

[1], [2], [3], [6], [7], [8], [9], [10], Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.269; tr.269; tr.254; tr.252-253; tr.409-410; tr.234-235; tr.269; tr.684.

[4], [5], [11], [12], Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.267; tr.480; tr.50; tr.50.


Nguồn: tcnn.vn




Video liên quan

Chủ Đề