Người vĩ đại là gì

Sự giản dị và thông thái của một con người vĩ đại                                                 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Liên Xô (8-1957).                                        Nhân kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Nga - Việt, Viện Viễn Ðông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Viện Kinh tế và Pháp quyền Mát-xcơ-va đã xuất bản ấn phẩm Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Tác giả các bài viết là những cán bộ, chuyên gia, nhà dịch thuật Xô-viết với những cương vị khác nhau từng nhiều lần tới công tác hoặc làm việc nhiều năm tại Việt Nam, Nhiều người từng nhiều lần được gặp Bác Hồ và khâm phục đức độ, yêu kính vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Gri-gô-ri Lốc-sin.

Tôi trưởng thành vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi thế hệ chúng tôi cảm nhận sự thiêng liêng của các khái niệm như tinh thần quốc tế, quyền độc lập và tự do của mỗi dân tộc. Lớn lên trong những năm tháng của cuộc chiến tranh Ái quốc vĩ đại và khi còn nhỏ, tôi đã được biết ở xứ sở Ðông Dương xa xôi đang diễn ra 'cuộc chiến tranh bẩn thỉu' của thực dân Pháp mà những người con ưu tú của hành tinh chúng ta phản đối kịch liệt. Các thần tượng anh hùng của chúng tôi lúc đó là cô gái người Pháp Rây-mông Ðiêng dũng cảm nằm trên đường ray xe lửa ngăn chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam. Rồi người lính thủy Hăng-ri Mác-tanh từ chối sang đánh giết nhân dân Việt Nam, và đã bị tòa án quân sự thực dân kết án tù nhiều năm. Tiếp sau đó, chúng tôi được xem những bộ phim tài liệu của nhà quay phim chiến trường lừng danh Rô-man Các-men kể lại cho toàn thế giới biết về Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, về chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ và về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là mùa hè 1960. Ðó là chuyến đi thực tập ở Ðại sứ quán vào năm học cuối cùng của tôi ở Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va. Tôi là một trong số các sinh viên Xô-viết đầu tiên nghiên cứu Việt Nam và học tiếng Việt.

Với những người Xô-viết đầu tiên nói tiếng Việt thì ở mọi nơi đều được đặc biệt quan tâm và đối xử nồng hậu, mặc dù theo truyền thống nghề phiên dịch lúc đó chưa được coi trọng lắm. Ðiều đó liên quan tới việc chín trăm năm đô hộ của phong kiến Trung Hoa cũng như của thực dân Pháp sau này. Gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của mình trong hàng thế kỷ là một trong các hình thức đấu tranh của dân tộc Việt Nam vì sự sống còn của mình. Còn chúng tôi thì luôn tin chắc rằng nói với người Việt bằng tiếng Việt tức là thể hiện lòng tôn trọng dân tộc đó; hơn nữa, chúng tôi đến Việt Nam không phải người đi chinh phục mà là đồng minh, người bạn.

Những hồi ức sâu đậm nhất của những năm tháng với tôi có liên quan tới những cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi được gặp Người trên Lễ đài tại Quảng trường Ba Ðình trong cuộc mít-tinh và tuần hành ngày 2-9-1960 kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tư cách người phiên dịch, tôi tháp tùng Ðại sứ L.I. Xô-cô-lốp và dĩ nhiên là rất hồi hộp; bởi vì đó là cuộc gặp đầu tiên của tôi với vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Sau khi chào hỏi các vị khách, Chủ tịch đã nồng nhiệt bắt tay, vỗ vai tôi rồi nói mấy lời động viên khích lệ mà tôi hồi hộp nên không nhớ hết. Trước đó tôi đã không thể hình dung được sẽ có may mắn được bắt tay một con người mình đã có dịp đọc, tìm hiểu và kính trọng sâu sắc. Cái chính làm tôi sửng sốt là sự giản dị đặc biệt rất đỗi tự nhiên và tính chan hòa của Người. Tôi nhận thấy sự thành kính vô hạn đối với Người không chỉ ở các chiến hữu gần gũi nhất mà ở các tầng lớp quần chúng với Người. Ðó là sự tôn kính, không phải là 'sùng bái cá nhân', mà là sự ái mộ đặc biệt của tình yêu và khâm phục đối với Hồ Chí Minh - một con người suốt đời trung thành vô hạn với sự nghiệp vì tự do và hạnh phúc của nhân dân mình và đã đưa dân tộc Việt Nam tới thắng lợi cuối cùng.

Ðọc diễn văn trên diễn đàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, như mọi khi, thường nói những lời giản dị và đi sâu vào lòng người. Người nói với đồng bào mình như nói với bà con ruột thịt. Tại quảng trường hơn trăm nghìn con người chăm chú lắng nghe từng lời của lãnh tụ mình. Nhìn Người khỏe mạnh và vui tươi, mọi người đều tỏ bày sự vui mừng, phấn khởi. Quả là ảnh hưởng của chính hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tới quần chúng nhân dân thật khác thường, và ấn tượng đó được lưu mãi trong tôi.

Trong những lần tiếp theo tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vai trò người phiên dịch cho các đoàn đại biểu khác nhau từ Liên Xô tới thăm Việt Nam. Chủ tịch biết tốt tiếng Nga nhưng lại không đặc biệt cố chứng tỏ điều đó. Người rất thông cảm với sự lao động của chúng tôi, thích đùa thân mật với một vài lỗi dịch sai sót và dạy chúng tôi phát âm đúng một số từ và thành ngữ.

Trong số những hồi ức lý thú về các cuộc gặp gỡ với con người đặc biệt khác thường này, có một câu chuyện 'uống trà' ở ngôi nhà gỗ trong vườn Phủ Chủ tịch, cũng là nơi ở của Người. Thỉnh thoảng những cuộc gặp không chính thức nhưng đặc biệt thân mật đó vị đại sứ của chúng tôi được mời và tôi có dịp tháp tùng. Sau phần bàn bạc công việc thường bắt đầu những câu đùa và chuyện vui. Mà việc này quả thật khó nhất cho người phiên dịch. Một lần đã xảy ra câu chuyện khi vị đại sứ của chúng tôi bắt đầu kể một trong các chuyện tiếu lâm được yêu thích ở Liên Xô vào thời đó về 'đài ra-đi-ô Ác-mê-ni'.

Người nghe hình như hỏi: Có thể giết bà mẹ vợ bằng một ki-lô-gam bông nõn không? Trả lời: Có... nếu như gói một chiếc bàn là vào bông. Về ngôn ngữ không có gì là khó cho nên tôi đã nhanh nhẹn dịch xong. Nhưng nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam có mặt và ngay cả Chủ tịch cũng không một ai mỉm cười. Vị đại sứ khi đó buồn, nhìn tôi im lặng như hỏi: anh đã chơi khăm tôi trước những người như thế này ư? Ngay lúc đó, Bác Hồ đã cứu tôi: 'Hãy đừng giận người phiên dịch - Người nói với vị đại sứ - Trong truyện tiếu lâm của đồng chí chỉ có một chỗ chưa hiểu: Thật đáng tội, giết bà ta để làm gì?'. Và rồi Người tự giải thích quan hệ giữa con rể mẹ vợ ở gia đình người Việt Nam hoàn toàn khác với chúng ta, rằng mẹ vợ thật quý trọng con rể, do vậy mà trong đầu anh ta không bao giờ tính chuyện phải lẩn tránh mẹ vợ. Câu chuyện này đã lưu lại trong ký ức tôi mãi.

Không phải vô cớ mà người ta nói rằng mọi thiên tài đều thật giản dị. Mọi việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và làm đều bình dị và dễ hiểu. Người đã đi vào lịch sử như là một trong những nhà chính trị kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. Liên quan tới điều này tôi không thể không nhớ lại một cuộc gặp gỡ với Người vào tháng 6-1964. Lúc đó ở Hà Nội tổ chức Hội nghị kỷ niệm mười năm Hiệp định Giơ-ne-vơ về Ðông Dương. Tôi được tham gia vào công việc của hội nghị này. Tình hình lúc đó căng thẳng tới đỉnh điểm vì lúc đó chỉ sau mấy ngày Mỹ bắt đầu đổ quân xâm lược miền nam Việt Nam. Chủ tịch đã gặp gỡ các đoàn đại biểu nước ngoài, trong số đó có thượng nghị sĩ Chi-lê Xan-va-đo A-len-đê, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Trung Quốc Hồ Mộc Gia và nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng thời đó. Tôi nhớ mãi lời Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi: Trong những điều kiện khó khăn hiện nay thì chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ thế nào? Người đã khẳng định: Chính sách đối ngoại quy lại trong một công thức đơn giản: 'Thêm bạn, bớt thù'.

Những lời đó đã đi vào tâm trí tôi như là tiêu chí đơn giản nhưng sáng suốt nhất, khôn ngoan nhất để đánh giá chính sách đối ngoại của một chính phủ, một quốc gia, nó không phải là lời nói mà là việc làm nhằm bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình. Với tiêu chí đó, khi chúng ta phân tích chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qua hai thập kỷ thực hiện đường lối 'Ðổi mới', tôi một lần nữa tin chắc lời di huấn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được các thế hệ sau Người thể hiện thành công.

XUÂN HỮU (Dịch nguyên bản tiếng Nga)

Video liên quan