Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Dành một chút thời gian để quan sát những hiện tượng, sự kiện diễn ra xung quanh mình, bạn sẽ “vô tình” nhận ra vốn dĩ không hề có công bằng hay nói cách khác là tỉ lệ 1:1 trong cuộc sống dường như không tồn tại. Nguyên lý Pareto xuất hiện với mục đích khẳng định chắc chắn hơn về sự thật không mấy vui vẻ này. Tuy vậy, nếu Pareto đã chứng minh nguyên nhân – hệ quả tỉ lệ với 80/20 được áp dụng hầu hết cho những điều quanh ta, vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng quy tắc này cho quy trình quản trị năng suất của cá nhân và doanh nghiệp? 

Nguyên lý Pareto: Một công thức trùng hợp hay nguyên lý thực sự của vạn vật?

Vào thế kỉ 19, Vilfredo Pareto, một nhà kinh tế học người Ý, trong khi đang nghiên cứu về sự phân bố tài sản và thu nhập tại nước Ý, đã phát hiện ra: phần lớn diện tích đất đai và thu nhập được kiểm soát bởi một lượng nhỏ số người trong xã hội: 80% của cải và thu nhập do 20% dân số kiểm soát.

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Tương tự, trong vườn của ông, sau nhiều năm trồng đậu Hà Lan, 80% hạt đậu mà ông thu hoạch được cho ra từ 20% cây đậu Hà Lan ông trồng.

Nguyên lý Pareto hay còn được biết đến với tên gọi quy luật 80/20 được giải thích như một quy luật về thiểu số quan trọng và sự phân bố không đồng đều của các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Nói một cách khác, trong hầu hết hiện tượng, 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân gây ra. Một vài ví dụ để chúng ta có thể hình dung:

  • 20% công nhân tạo ra 80% kết quả
  • 20% tính năng tạo ra 80% nhu cầu sử dụng 
  • 20% khiếm khuyết tạo ra 80% sự cố 

Quy luật 80/20 không chỉ được áp dụng phổ biến trong kinh doanh, chúng ta có dễ dàng nhìn thấy “sự trùng hợp” đến từ các khía cạnh khác của cuộc sống. Một báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc năm 1992 cho thấy sự phân bố thu nhập trên toàn cầu rất không đồng đều trong đó 20% dân số chiếm 82.7% thu nhập cả thế giới.

Quy luật 80/20 trong quá trình quản trị doanh nghiệp

Chắc chắn rằng với sự phổ biến trong tính đúng đắn của quy luật này, nguyên lý Pareto được áp dụng vào rất nhiều quy trình trong các doanh nghiệp. 

Quan điểm cần chú tâm ở đây chính là thay vì dàn trải những nỗ lực vào toàn bộ, chúng ta có thể tập trung sức lực vào 20% để có thể tạo nên sự khác biệt.

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Nguyên lý Pareto có thể được áp dụng trong một loạt các lĩnh vực như sản xuất, quản lý và quản trị nhân lực. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp sử dụng một loạt các phần mềm huấn luyện và quản lý quan hệ khách hàng (CRM). 

Doanh nghiệp đó phụ thuộc vào khả năng cung cấp dịch vụ khách hàng của cố vấn, vì phí được chi trả sẽ phụ thuộc vào sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, từ Nguyên lý Pareto, với 100 khách hàng, 80% doanh thu sẽ đến từ 20 khách hàng hàng đầu. 20 khách hàng này có số lượng tài sản cao nhất và chi trả khoản phí cao nhất.

Tạo động lực và duy trì hiệu quả cho bản thân 

Với hầu hết chúng ta mỗi ngày đều bắt đầu với một danh sách những công-việc-cần-phải-làm, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, bao nhiêu phần trăm trong số những việc ta đã, đang, sẽ làm mang lại hiệu quả (cho cộng đồng, cho bản thân)? 

Như vậy, với nguyên lý Pareto, chúng ta có thể áp dụng quy luật 80/20 vào quy trình tạo động lực cũng như duy trì hiệu quả cho bản thân. Đầu tiên, trước khi bắt đầu một ngày dài với danh sách công việc dài không kém, bạn hãy thử tìm ra 20% thời gian trong ngày mà mình làm việc hiệu quả nhất, đem lại 80% thành quả. Bên cạnh đó, giống như các lời khuyên trong việc lên kế hoạch và sắp xếp thời gian, hãy đặt 20% công việc quan trọng nhất lên đầu tiên (20% công việc có khả năng tạo ra 80% hiệu quả cho bạn). Nói một cách khác, với nguyên lý Pareto, bạn cần đặt chú tâm vào vấn đề sự phân bố không đồng đều trong một sự việc, hiện tượng trong đời sống. Sự dàn trải trong vấn đề thời gian có vẻ như sẽ không mang lại 100% hiệu quả công việc của bạn.

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Nguyên lý Pareto cũng đưa ra một vài lời khuyên cụ thể trong cách làm việc: 

  • Thay vì dành một giờ để soạn thảo một bài viết cho blog mà bạn không chắc chắn là cần thiết, hãy dành 10 phút để nghĩ ra ý tưởng. Sau đó dành 50 phút để viết về cái tốt nhất. 
  • Thay vì vật lộn suốt ba tiếng với một thiết kế, hãy tạo 6 bố cục (mỗi bố cục 30 phút) và chọn cái mà bạn thích nhất. 

Nguyên lý Pareto có thể được áp dụng cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa trên dịch vụ khách hàng. Nguyên lý này cũng có thể được áp dụng ở cấp độ cá nhân. Quản lý thời gian là cách sử dụng phổ biến nhất cho Nguyên lý Pareto, vì hầu hết mọi người có xu hướng trải đều thời gian của họ thay vì tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhất.

Hiểu được nguyên lý Pareto và cách áp dụng quy luật 80/20 vào các khía cạnh khác nhau của đời sống công việc và cá nhân, bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát năng lượng cũng như hiệu suất bản thân tạo ra. 

Với nguyên lý Pareto, 80% cây cầu được hoàn thành vào 20% thời gian đầu tiên, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần 20% còn lại để hoàn thiện hoàn toàn. Chính vì vậy, bạn nên nhớ rằng, bởi vì đây là nguyên lý 20% nguyên nhân tạo ra 80% hiệu quả, nhưng bạn cũng cần 20% hiệu quả còn lại để đạt mức tối đa. Khi bạn đang tìm kiếm chất lượng hàng đầu, bạn cần tất cả 100%. Khi bạn đang cố gắng tối ưu hóa lợi ích của mình, việc tập trung vào 20% quan trọng là tiết kiệm thời gian. Xem xét những hoạt động nào tạo ra nhiều kết quả nhất và dành cho chúng sự quan tâm thích đáng.

Nguyên lý Pareto là một quan sát, không phải là quy luật tự nhiên. 

JobHopin Team

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian

Nguyên lý Pareto trong quản lý thời gian
Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng mềm tối quan trọng mà một người phải có nếu muốn thành công trong công việc

Nhiều hệ thống quản lý thời gian thực ra lại đang giúp bạn lãng phí thời gian. Đây là một cách đơn giản giúp bạn sử dụng thời gian thông minh hơn. Khi bạn lập ra những danh sách việc cần làm, tạo thời gian biểu, đặt lịch hẹn, v.v…, nhiều khả năng là bạn đang lãng phí phần lớn thời gian của mình.

Hoá ra, một định luật Toán học, gọi là Quy luật Pareto, nói rằng (trong phần lớn trường hợp) 80% các kết quả đến từ 20% các nguyên nhân. Ví dụ nổi tiếng nhất của điều này là một thực tế thường thấy trong công việc kinh doanh: 80% doanh thu được tạo ra bởi 20% đội bán hàng. (Có cả chục ví dụ khác, từ phân bổ của cải cho đến các thảm hoạ tự nhiên.)

Quy luật Pareto đúng với phần lớn các nỗ lực trong công việc. Phần lớn mọi người đạt được 80% thành quả của họ từ 20% nỗ lực họ bỏ ra. Nếu bạn nghĩ thật kỹ về điều đó, điều này có đúng với bạn không? Nó đúng đối với tôi.

► Nghĩ lại về danh sách “việc cần làm”

Thật không may, phần lớn việc quản lý thời gian bao gồm những danh sách những “việc cần làm”, thứ mà 20% công việc thực sự quan trọng của bạn ngang bằng với số 80% việc không quan trọng còn lại. Có một danh sách dài những việc cần làm buộc bạn phải lãng phí thời gian vào những việc mà không thực sự có ý nghĩa.

Điều này đúng kể cả khi bạn cố gắng ưu tiên những việc quan trọng. Rất nhiều việc quan trọng tốn công sức đến nỗi, về dài hạn, chúng không đáng để làm.

Vậy đây là cách mà Quy luật Pareto 80/20 giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả hơn.

► Viết ra một bảng xếp hạng mới

Khi bạn lập một danh sách “việc cần làm” nên ưu tiên cho mỗi việc theo công sức mà bạn phải bỏ ra (từ 1 đến 10, với 1 tượng trưng cho “ít công sức nhất”) và theo thành quả có thể đạt được (1 đến 10, với 10 tượng trưng cho “nhiều lợi ích nhất”)

Bây giờ, hãy chia điểm Thành quả cho điểm Công sức phải bỏ ra để tìm ra xếp hạng “ưu tiên” của mỗi việc. Hãy làm việc có xếp hạng “ưu tiên” thấp nhất. Dưới đây là một ví dụ đơn giản

– Việc 1: Viết báo cáo trên đường đi dự họp.

Công sức = 10, Thành quả = 2, Ưu tiên = 5

– Việc 2: Chuẩn bị bài thuyết trình về marketing.

Công sức = 4, Thành quả = 4, Ưu tiên = 1

– Việc 3: Gọi điện cho khách hàng để đặt lịch hẹn.

Công sức = 1, Thành quả = 10, Ưu tiên = 0,1

Bạn thấy xếp hạng ưu tiên mới rồi chứ? Bạn nên làm việc 3 đầu tiên, sau đó đến việc 2, rồi cuối cùng mới đến việc 1 (nếu bạn còn muốn làm).

Phương pháp đơn giản này đảm bảo rằng 20% công sức thực sự đem đến kết quả luôn luôn phải được thực hiện trước. 80% công sức không thực sự có ý nghĩa sẽ tự động bị trì hoãn, và có thể mãi mãi chỉ ở trên lịch.

Tôi biết điều này nghe rất đơn giản, và có thể là quá đơn giản. Tuy nhiên, tôi có thể nói với bạn từ kinh nghiệm của tôi, rằng chưa có một bí quyết gì — thực sự là chưa từng có — giúp tôi làm việc năng suất hơn ngoài cách ưu tiên công việc này cả.

Và chúng ta có một số bí quyết khác để tối ưu hóa việc quản lý thời gian của bản thân

► Thử thách mình với lịch làm việc thật “dày”

Bạn dự định làm bao nhiêu việc mỗi ngày? Bạn có thấy rằng nếu đặt mục tiêu hoàn thành 1 việc mỗi ngày, bạn sẽ dành gần hết thời gian ngày đó để hoàn thành việc này? Nhưng nếu bạn đề ra mục tiêu hoàn thành 2 việc trong cùng ngày, bạn sẽ hoàn thành tốt cả hai. Vậy nếu bạn đặt ra mục tiêu hoàn thành 10 việc trong một ngày, bạn có làm hết không? Dĩ nhiên bạn sẽ không thể hoàn thành tất cả vì bị quá tải. Nhưng bạn có khả năng hoàn tất 7 đến 8 việc trong số đó. Nếu bạn thích chinh phục thử thách, việc đặt ra mục tiêu cao sẽ tạo nên áp lực thật thú vị, kích thích khả năng quản lý công việc của bạn hết sức hiệu quả.

► Tập trung cao để giải quyết dứt điểm công việc

Khả năng làm nhiều việc một ngày có thể rất thú vị đối với bạn. Tuy nhiên đừng để rơi vào chiếc bẫy ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc khiến cho công việc của bạn kém hiệu quả. Hãy áp dụng nguyên tắc “giải quyết dứt điểm từng việc một”. Biến thể của lời khuyên truyền thống “Đừng để đến buổi chiều việc bạn có thể làm ngay sáng hôm nay” có thể rất hữu ích với bạn trong trường hợp này. Đồng thời, bạn đừng để những việc linh tinh cắt ngang công việc bạn đang làm dở dang. Nhân viên cần xin ý kiến gấp, email và chat nội bộ là một trong những nguyên nhân khiến bạn mất tập trung và thế là ý tưởng của bạn đột nhiên bay biến hết! Để tăng độ tập trung cho công việc, trong ngày bạn hãy đặt ra lịch gặp cụ thể với nhân viên, dành ra những khoảng thời gian cố định để kiểm tra e-mail và chat nội bộ.

► Phát triển kỹ năng đọc nhanh

Những nhà quản lý thành công nhất là những người có khả năng đọc nhanh “siêu phàm”. Hãy tưởng tượng mỗi ngày bạn nhận hàng trăm email của nhân viên, của sếp trên, của đồng nghiệp và khách hàng, hàng chục tài liệu dài như “sớ táo quân”, bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian để đọc chúng? Một người trung bình đọc được khoảng 200-250 từ/phút, nhưng những người đọc nhanh có thể đọc đến 800-1.000 từ/phút. Họ có bí quyết gì? Thay vì đọc từng từ một, họ đọc lướt cả văn bản để nắm những ý chính. Nếu bạn dành 15 phút mỗi ngày để luyện tập, chỉ sau một thời gian ngắn, tốc độ đọc của bạn sẽ tăng gấp đôi.

► Dành 1 tiếng mỗi ngày cho riêng bạn

Tiến sĩ Donald E. Wetmore với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thời gian chia sẻ bí quyết của mình “Bạn đừng ‘hào phóng’ ban tặng thế giới hết 24 giờ quý báu của mình. Hãy giữ lại một tiếng cho riêng mình. Đó là thời gian để bạn làm những việc mà bạn nói là không có thời gian để làm: đọc một quyển sách, học bơi, nấu ăn, nghiên cứu cho kế hoạch kinh doanh của bạn trong tương lai. Nếu mỗi ngày bạn dành 1 tiếng, cả năm bạn sẽ có 365 giờ dành cho những hoạt động mà bạn từng than phiền là không có thời gian để làm trước đây.” Hẳn bạn còn nhớ nếu bạn dành 1 giờ mỗi ngày nghiên cứu lĩnh vực mình yêu thích, bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó trong vòng 5 năm? Hãy thử áp dụng bí quyết này, mỗi ngày bạn sẽ “tạo” được cho mình 1 giờ quý báu đó.

Theo Inc/ Yese/ Vietnamwork

Bài viết này hữu ích chứ?

Không