Nguyên nhân dùng chêm xen tiếng anh vào tiếng việt

Pha trộn ngoại ngữ khi đang giao tiếp với người Việt

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Hán Việt hoặc các từ mượn trong ngôn ngữ nước ngoài là cần thiết và đã trở nên thông dụng. Chúng ta không khó để bắt gặp các thương hiệu hàng hóa, tên quán ăn, cà phê... bằng tiếng nước ngoài hoặc phiên âm ra tiếng Việt.

Việc sử dụng một vài từ nước ngoài [thường là tiếng Anh] để thêm vào đoạn hội thoại khi đang giao tiếp bằng tiếng Việt không phải mới ở Việt Nam. Tuy vậy, thời gian gần đây, một vài nghệ sĩ trẻ, có ảnh hưởng tại Việt Nam lạm dụng việc sử dụng ngoại ngữ chèn vào tiếng Việt đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Chi Pu tiếp tục hứng chịu những chỉ trích của cộng đồng mạng khi sử dụng ngoại ngữ "không đúng lúc"

Mới đây, câu chuyện của Chi Pu [một nghệ sĩ trẻ có tiếng trong giới giải trí Việt] đang đi học tại Mỹ có những phát ngôn xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt gây ra nhiều tranh cãi và nhận được những phản ứng gay gắt từ cộng đồng.

Cụ thể, trong đoạn livestream của mình, Chi Pu nói: "Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated [mọi người cứ thích phức tạp hóa lên], nên là mình cứ enjoy cái moment [tận hưởng khoảnh khắc] này.

Mình có thời gian tĩnh lại, ở một mình nhiều hơn. Throw back [ngẫm nghĩ lại] những gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian rất là dài. Mình sẽ tương tác với mọi người nhiều hơn và có cái hoạt activities [hoạt động] nào thì sẽ show [giới thiệu] cho mọi người".

Đoạn video livestream của Chi Pu nhận được nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng. Trên các nền tảng mạng xã hội, phân đoạn Chi Pu chia sẻ nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt được nhiều bạn trẻ ghép thành những video ngắn hài hước. Câu chuyện của Chi Pu cũng mở màn cho cuộc tranh luận của giới trẻ về vấn đề pha trộn ngôn ngữ trong giao tiếp.

Sử dụng đừng lạm dụng

Vụ việc Chi Pu rồi Mỹ Anh sử dụng xen lẫn tiếng Anh một cách thái quá vào đoạn hội thoại, giao tiếp cùng người hâm mộ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích, chế giễu sự "sính ngoại" dù mới rời Việt Nam một thời gian ngắn. Rõ ràng việc sử dụng tiếng Anh một cách bất hợp lý và không cần thiết như vậy rất phản cảm và phần nào đó hạ thấp giá trị tiếng Việt.

Trần Thanh Hải [25 tuổi], cựu sinh viên trường Đại học Hà Nội, một người có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung cảm thấy việc hot girl Chi Pu nói chuyện đan xen tiếng Anh và tiếng Việt khá buồn cười và cũng có phần phản cảm với nhiều người nghe không thông thạo ngoại ngữ.

Với bạn trẻ Thanh Hải, việc sử dụng ngoại ngữ không đúng chỗ, đúng lúc dễ gây phản cảm và làm người nghe khó chịu

Thanh Hải cho biết: "Việc sử dụng tiếng Anh với tiếng Việt không còn mới, ngay cả mình cũng hay sử dụng nhưng là sử dụng với những người đã quen nghe như vậy. Tuy nhiên, những từ Chi Pu dùng như "hoạt activities" [hoạt động] thì là lần đầu mình nghe. Cho nên, mình thấy nó hài hước".

Còn Nguyễn Văn Toàn [24 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh] cho rằng việc Chi Pu nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng không quá đến mức đáng để lên án. Tuy nhiên, Văn Toàn cũng hiểu được phản ứng tiêu cực đến từ cộng đồng mạng.

"Việc cô ấy chuyển đổi ngôn ngữ luân phiên có những lúc đột ngột và không cần thiết khi người nghe đa phần sinh sống tại Việt Nam dễ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Thay vì dùng từ như vậy, mình nghĩ Chi Pu có thể nói cả câu bằng tiếng Việt hoặc cả câu bằng tiếng Anh thì sẽ là hợp lý hơn vì đối tượng nghe không chỉ có bạn bè, người thân hay người hâm mộ của cô ấy”, Văn Toàn chia sẻ.

Bạn trẻ Văn Toàn cho rằng, khi muốn chèn ngoại ngữ để giao tiếp, cần phải chú ý đối tượng mình đang hướng tới là ai

Tiến sĩ Vũ Trung [giảng viên khoa tiếng Trung, trường Đại học Phương Đông] cho biết, giống như với tiếng lóng và ngôn ngữ mạng, chúng ta chỉ nên dùng xen pha ngoại ngữ khi nói vui, giải trí một cách thân mật hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó nhưng phải trong văn cảnh phù hợp.

“Việc cố tình chèn tiếng nước ngoài vào câu nói của mình khi đang trò chuyện cùng người Việt dù mục đích có là gì thì cũng đã và đang thể hiện sự thiếu tôn trọng với ngôn ngữ của dân tộc. Mỗi người nên có ý thức hạn chế việc lạm dụng này để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Hiện tượng pha trộn ngôn ngữ sẽ ngày càng phổ biến hơn khi người ta thành thạo nhiều hơn một ngôn ngữ và sử dụng thường xuyên ngoại ngữ đó. Tuy vậy, chúng ta cũng phải biết gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt, không để sự hội nhập ăn mòn gốc gác”, tiến sĩ Vũ Trung chia sẻ.

Chủ Đề