Nguyên tác chọn động vật thí nghiệm

Skip to content

Trong lịch sử loài người những thí nghiệm sử dụng động vật đã có một đóng góp to lớn cho sự phát triển của nghiên cứu sinh học cơ bản và y học. Ngày nay, lĩnh vực thực hành này lại đang “có vấn đề”: tính chính xác của các kết quả thí nghiệm khi chuyển từ động vật sang người và những vấn đề đạo đức đặt ra khi sử dụng động vật làm đối tượng thí nghiệm. Phải chăng đã đến lúc chúng ta chấm dứt sử dụng động vật trong nghiên cứu?

Các thí nghiệm sử dụng động vật từng là một trong những cột trụ của thực nghiệm y học suốt từ thời cổ đại. Nó góp phần làm nên hàng loạt những khám phá quan trọng. Thế nhưng, ngày nay, khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI, với tính chất phức tạp và tinh vi ngày càng tăng lên, khoa học ngày nay đang chạm đến những giới hạn của việc thí nghiệm trên động vật. Một hiện tượng phổ biến là nhiều thí nghiệm có kết quả tích cực trên động vật nhưng khi chuyển sang người lại gây nên những nguy cơ không thể lường trước được thậm chí, trong nhiều trường hợp, có thể gây nên tử vong. Điển hình là biến cố ngày 12.3.2006 ở Anh Quốc khi việc ứng dụng một phương pháp chữa bệnh đã từng cho kết quả tích cực trên động vật đã khiến cho những người tình nguyện suýt chết.

Sự khác biệt giữa các loài.
Biến cố năm 2006 đã bắt buộc giới nghiên cứu và quản lý buộc phải có ý thức rõ ràng hơn về những giới hạn của thử nghiệm trên động vật. Hiện nay, khi chuyển sang thí nghiệm trên người, người ta chỉ được phép thí nghiệm mỗi lần một người tình nguyện (thay vì một nhóm nhiều người trước đây) và phải dãn thời gian giữa các đợt điều trị đủ dài để theo dõi những biến chuyển nơi người bệnh. Dẫu vậy, giải pháp này cũng là chưa đủ để ngăn ngừa mọi nguy cơ. Dominique Masset, một nhân viên có thẩm quyền của Cơ quan an toàn dịch tễ của các sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) cho biết như vậy.

Nguyên tác chọn động vật thí nghiệm

Hơn thế nữa, chỉ riêng ở nước Pháp, hiện nay, có hàng chục thí nghiệm y học chống lại những căn bệnh cho đến nay vẫn là nan y như bệnh Alzheimer, các bệnh về hệ cơ hay các dạng ung thư vẫn đang chờ trong phòng thí nghiệm của các hãng dược. Tình hình giống như một dạng “ùn tắc giao thông” do tiến độ thí nghiệm trên người bị làm chậm lại bởi mối lo về các hiệu ứng phụ nguy hiểm. Phillipe Moullier, một chuyên gia về điều trị gene và tế bào tại viện Inserm, Nantes, Pháp, tiết lộ tình trạng trên. Vậy mà những mẫu động vật được dùng để thí nghiệm lại không có hiệu quả lắm trong việc giúp các nhà nghiên cứu xác định hiệu quả cũng như độc tính của các phương pháp điều trị, dẫu rằng những thí nghiệm này đều được tiến hành trên những mẫu động vật đã được biến đổi gene cho phù hợp với các dạng bệnh của người.


Trong lịch sử thí nghiệm sử dụng động vật, ngày 12.3.2006 đã trở thành một dấu mốc đen tối. Trong ngày này, ở một địa điểm tại Northwick Park Hospital, Luân Đôn, tám người tình nguyện trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo, lần lượt cách nhau 10 phút, được tiêm một liều siêu kháng thể chưa từng được thử nghiệm trên người. Trong số họ, có hai người được tiêm giả dược. Loại kháng thể này – TGN1412 – trước đó, theo đúng quy định của châu Âu về thí nghiệm trên động vật đã được thử trên các động vật gặm nhấm và không gặm nhấm và đều cho kết quả tích cực. Nếu thành công, nó hứa hẹn triển vọng chữa trị nhiều căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch trong đó có cả các dạng máu trắng. Một tiếng rưỡi sau khi hoàn tất quá trình tiêm, sáu người trong số họ đã suýt chết vì những biến chứng nghiêm trọng ở phủ tạng, chỉ có hai người vô sự và họ chính là những người đã được tiêm giả dược. Điều gì đã dẫn đến thảm họa này? Rất đơn giản: tác động của TGN1412 không diễn ra theo cùng một cơ chế ở người và động vật. Ở người, chất này gây ra một hiện tượng mà giới nghiên cứu gọi là “bão cytokine” – chỉ việc kích thích khiến cơ thể tiết ra một lượng quá lớn cytokine gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Đối với những thí nghiệm trên động vật, điều này hoàn toàn không thấy xuất hiện.

Trường hợp các điều trị liên quan đến gene là một trường hợp điển hình. Người ta sử dụng một virus đã được biến đổi để đưa một gene vào trong bộ gene của tế bào bệnh. Cách điều trị này tỏ ra rất hữu hiệu trên động vật nhưng lại có thể gây ra những tai họa khôn lường nơi người. Điển hình là trường hợp những thử nghiệm điều trị cho các trẻ em bị mắc bệnh suy giảm bẩm sinh hệ miễn dịch. Ở một số em, phương pháp điều trị này tỏ ra rất hiệu quả nhưng ở một số em khác lại gây ra một dạng gần như bệnh bạch cầu. Chính Phillipe Moullier tiết lộ sự thật đáng sợ này. Một phương pháp điều trị có thể tỏ ra là “thần diệu” đối với các động vật nhưng lại không hề bảo đảm rằng sẽ cho kết quả tích cực nơi người. Cả giới nghiên cứu, bị trói buộc bởi nguyên tắc phòng ngừa lẫn giới tư bản, những người đã đầu tư hàng chục triệu Euro để thương mại hóa một loại dược phẩm đều cảm thấy lo ngại trước thực trạng này.
Đáng ngại hơn nữa là tình trạng này không chỉ diễn ra đối với các phương pháp điều trị mới mà còn với cả các phương pháp điều trị có tính “cổ điển”. Denis Corpet, một chuyên gia về ung thư ruột kết ở viện Inra, Toulouse, Pháp, đã kể lại một kinh nghiệm của ông về chuyện này. Người ta tìm ra phương pháp giúp các con chuột lớn chống lại ung thư kết tràng bằng cách sử dụng một liều lượng thuốc điều trị “cổ điển”. Để chắc chắn về kết quả điều trị, người ta áp dụng phương pháp điều trị này cho một loài chuột khác. Điều đáng sợ là kết quả hoàn toàn ngược lại. Điều này khiến cho các chuyên gia vô cùng lúng túng. Họ không biết phải tin theo kết quả thí nghiệm nào và loài thí nghiệm nào có khả năng báo trước những hiệu ứng phụ nơi người.
Hy vọng làm sáng tỏ điều này, bắt đầu từ năm 1990, tại Viện các khoa học về môi trường và sức khỏe (HESI), một tổ chức quốc tế tập hợp các giới có thẩm quyền trong lĩnh vực dịch tễ, khoa học và công nghiệp đã bắt đầu tiến hành theo dõi giá trị cảnh báo về độc tính của các thí nghiệm tiến hành trên động vật. Thực tế cho thấy rằng rất nhiều hiệu ứng nguy hiểm không hề lộ ra khi người ta tiến hành thí nghiệm trên động vật. Từ năm 1998, HESI bắt đầu lập một cơ sở dữ liệu để theo dõi một cách có hệ thống xem những thí nghiệm trên động vật có thể báo trước những hiệu ứng phụ nguy hiểm trên người hay không. Cho đến nay, việc theo dõi mới chỉ được tiến hành trên các dược phẩm truyền thống và cho kết quả là có từ 25 đến 30% các hiệu ứng phụ nguy hiểm khi áp dụng điều trị ở người không hề xuất hiện khi thử nghiệm trên động vật. Đi sâu hơn, tỉ lệ này cũng thay đổi tùy theo các loại bệnh. Tỷ lệ hiệu ứng phụ được báo trước khi thí nghiệm trên động vật ở các bệnh về máu là 91%, đối với các bệnh về tim mạch là 80% nhưng đối với các bệnh liên quan đến da và mắt chỉ là 35 cho đến 50% và thấp nhất là các bệnh liên quan đến gan.

“Người hóa” các mẫu động vật thí nghiệm bằng cách tạo nên các “đột biến”. Như đã biết, có một sự khác biệt về sinh học giữa người và động vật và chính điều đó đã khiến cho kết quả của các thí nghiệm sử dụng động vật không còn hiệu quả khi ứng dụng trên người. Làm thế nào để giảm thiểu khoảng cách này? Bằng cách “làm cho động vật người hơn”! Đó hoàn toàn không phải là một trò đùa cũng không phải là một truyện khoa học viễn tưởng. Và tất nhiên, đó cũng không phải là một lối nói theo kiểu triết học. Đó thuần túy là một kỹ thuật sinh học nhằm biến đổi một cách nhẹ nhàng di sản di truyền của một loài vật để tạo nên một hay nhiều cơ chế sinh học điển hình của người như là việc tạo nên các kháng thể, một protéin hay là một cơ chế thụ cảm tế bào đặc biệt (nghĩa là làm cho động vật có thể nhiễm một loại bệnh nhất định ở người mà ở tình trạng bình thường chúng sẽ miễn nhiễm). Nhờ các kỹ thuật cắt AND và nuôi cấy tế bào mầm mà những kỹ thuật này trở nên hoàn toàn hiện thực và phát triển rất mạnh trong những năm 1990. Thậm chí, ngoạn mục hơn nữa, một kỹ thuật gọi là “đột biến tiềm tàng” đã được tiến hành thành công. Người ta tiến hành làm đột biến gene của chuột để đến một độ tuổi trưởng thành nhất định, quá trình nhiễm bệnh mới bắt đầu. Đó chính là cơ chế mô phỏng bệnh Alzheimer của người. Dẫu vậy, kỹ thuật này có một hạn chế: nó chỉ hữu hiệu với … chuột. Rất nhiều loài khác (thỏ, mèo, chó, khỉ) đều chống lại quá trình biến đổi cưỡng bức từ bên ngoài này. Và tất nhiên, ngay cả ở chuột, các sản phẩm biến đổi gene cũng có những hạn chế nhất định. Dẫu vậy, tính hữu hiệu của nó cũng đã được xác nhận khi mà một “nền công nghiệp” sản xuất các mẫu vật chuột biến đổi gene đã được hình thành. Điển hình là Viện lâm sàng trên chuột (ICS) ở gần Strasbourg (Pháp). Ở đây, người ta “sản xuất” ra hàng loạt chuột biến đổi gene được theo dõi và chọn lọc kỹ lưỡng để phục vụ cho các thì nghiệm khoa học. Rõ ràng, với những “nhà máy” thế này, việc thử nghiệm trên động vật sẽ còn kéo dài.

Nhưng vậy thì liệu có thể bỏ qua việc thí nghiệm y học trên động vật? Chắc chắn là chưa trong một tương lai gần, Tại Mỹ, trong năm 1999, một số viện nghiên cứu đã thử thí nghiệm trực tiếp trên động vật và bỏ qua thí nghiệm trên người. Cuộc phiêu lưu này đã nhanh chóng phải dừng lại do tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay, dẫu vấp phải những khó khăn rất lớn nhưng những thí nghiệm sử dụng động vật vẫn đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy hiểu biết về bệnh tật cũng như tìm ra những phương pháp điều trị mới. Nói một cách công bằng thì nếu từ bỏ hình thức thí nghiệm này, con người sẽ mất nhiều hơn được, cả trong những nghiên cứu về độc tính cũng như những nghiên cứu về nguyên nhân và cách điều trị một số loại bệnh. Chẳng hạn, trong nghiên cứu bệnh tiểu đường típ 2, một căn bệnh mà giới nghiên cứu dịch tễ đang rất lo ngại. Nhờ có các nghiên cứu trên chuột mà người ta đang xác lập một giả thuyết mới về nguồn gốc từ trong giai đoạn bào thai của căn bệnh này để từ đó, xác định một phương pháp điều trị mới dựa trên một loại hoóc môn tự nhiên GLP-1.

Những giới hạn về đạo đức của thí nghiệm sử dụng động vật.

Nếu như trước đây, dựa trên nền tảng triết học của Descartes, người ta coi động vật là những sinh thể vô tri chẳng hơn gì các đồ vật thì ngày nay, người ta bắt đầu ý thức được rằng động vật cũng là những sinh thể có ý thức gần như con người. Sự thay đổi nhận thức này bắt đầu từ chính sự tiến triển của khoa học. Ngay từ những giai đoạn sơ khai của khoa học, người ta đã nhận thấy rằng giữa động vật và người, về mặt sinh học, có những tương đồng rất lớn. Điều này càng được củng cố khi các thành tựu của di truyền học hiện đại khẳng định sự tương đồng về cơ bản giữa bộ gene của động vật và người. Tiếp đó, học thuyết Darwin về sự tiến hóa củng cố ý niệm về tính liên tục giữa động vật và người. Cuối cùng, những quan sát đời sống động vật tiếp tục tấn công vào thành trì cuối cùng của sự phân biệt động vật – người: văn hóa. Người ta thấy rằng, ở động vật có mầm mống của mọi khái niệm văn hóa của người, dù là công cụ, ngôn ngữ, đạo đức hay thẩm mỹ. Ngay cả ý thức về bản thân cũng đã bắt đầu xuất hiện ở cá heo, tinh tinh và voi vì các động vật này có thể tự nhận ra mình trong gương. Những thay đổi về mặt nhận thức này đặt các nhà nghiên cứu trước một tình thế khó khăn về mặt đạo đức. Nói gì thì nói, ngày nay, người ta không còn có thể tùy tiện ứng xử với động vật như là hồi thế kỷ XIX. Khi chưa có ý thức rõ rệt, người ta có thể tự cho phép mình làm mọi điều đối với động vật nhưng khi ý thức về sự khác biệt bị mài mòn dần, người ta sẽ phải đứng trước một tình thế nan giải. Một mặt, để cho những thí nghiệm về y học được chấp nhận về tính chính xác khoa học, người ta phải thừa nhận việc giữa động vật và người có một sự tương đồng về hình thể cũng như về tâm lý thế nhưng, đồng thời, để cho những thí nghiệm đó có thể được chấp nhận về mặt đạo đức, người ta buộc phải tìm mọi cách chối bỏ sự tương đồng đó bởi lẽ chấp nhận nó thì khác gì con người đang thừa nhận làm một điều tàn ác trên chính đồng loại của mình hay ít nhất, một sinh thể rất gần với đồng loại của mình.
Đứng trước tình hình này, con người buộc phải có những thỏa hiệp giữa nhu cầu thực tế và đạo đức. Ngay từ cuối những năm 1950, một bộ nguyên tắc ứng xử đã được nhà động vật học William Russel và nhà vi sinh vật học Rex Burch đưa ra với ba điểm chính: thay thế, thu hẹp và giảm thiểu. Trước hết là nguyên tắc về sự thay thế. Khi người ta tìm ra một công nghệ cho phép thay thế thí nghiệm trên động vật, lập tức, nó sẽ được áp dụng. Bắt đầu từ năm 1950, công nghệ nuôi cấy tế bào đã cho phép đẩy mạnh hướng này. Nhiều phương pháp “trong ống nghiệm” (in vitro), hoặc thử nghiệm trên các mô hình máy tính đã cho phép bỏ qua việc thí nghiệm trên động vật trong một số trường hợp. Dẫu vậy, để những phương pháp thay thế này được chấp nhận, trước hết, người ta vẫn phải thử nghiệm trên động vật sống. Hơn nữa, trong nhiều thí nghiệm, một tế bào đơn lẻ không thể thay thế cho một bộ phận cơ thể được liên kết bởi vô số tế bào và chính sự khác biệt này sẽ làm vô hiệu hóa những kết quả thí nghiệm.

Người ta sử dụng động vật thí nghiệm để làm gì?
31% phục vụ các nghiên cứu và phát triển thuốc cho người và thuốc thú y.
30% phục vụ các nghiên cứu sinh học cơ bản.
11,8% phục vụ việc sản xuất và kiểm soát chất lượng thuốc cho người.
8% phục vụ việc đanh giá mức độ an toàn (độc tính và những vấn đề khác).
3,5% phục vụ việc sản xuất và kiểm soát chất lượng thuốc thú ý.
2% phục vụ việc chuẩn đoán các căn bệnh.
1,6% phục vụ giáo dục và đào tạo.
9,1% cho các mục đích khác
Trong vòng hơn một thế kỷ qua, thành công của 75 giải Nobel về y học đã ít nhiều có liên quan đến thí nghiệm sử dụng sinh vật.

Tiếp đến là nguyên tắc về việc thu hẹp số lượng động vật sử dụng trong các thí nghiệm. Tất nhiên, người ta không thể sử dụng một số lượng vô tội vạ động vật phục vụ cho các thí nghiệm như trước đây nhưng nguyên tắc về sự đảm bảo số lượng quyết định tính chính xác của kết quả thí nghiệm cũng làm cho việc thu hẹp số lượng động vật được sử dụng cũng phải có một ngưỡng. Cuối cùng là nguyên tắc về sự giảm thiểu. Ngày nay, người ta bắt buộc phải sử dụng thuốc giảm đau và thuốc gây mê cho các động vật thí nghiệm. Thế nhưng, điều này cũng có một giới hạn. Người ta không thể áp dụng điều này cho các nghiên cứu về cơn đau và điều trị giảm đau.
Trên đây mới chỉ là những nét lớn. Cần phải kể đến một khó khăn khác liên quan đến các loài khỉ. Một cách trực quan, người ta đã thấy có sự tương đồng rất lớn giữa khỉ và người. Kết quả của các nghiên cứu khoa học càng chứng tỏ điều này. Chính vì vậy nên việc sử dụng khỉ làm thí nghiệm đã gây ra những cuộc tranh cãi lớn và dẫn đến việc vào năm 2007, Nghị viện châu Âu đã phải ra một tuyên bố chấm dứt sử dụng các loài khỉ lớn trong nghiên cứu y sinh học. Tiến tới, tất cả các loài khỉ sẽ bị cấm sử dụng để làm thí nghiệm. Thế nhưng điều này cũng đặt ra một tình thế khó khăn. Nếu nó thực sự thành hiện thực thì hàng loạt các thí nghiệm liên quan đến bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh Aids sẽ bị treo lại. Đó thực sự là một lựa chọn khó khăn.

Qua những điều trên, có thể thấy rằng, với sự phát triển của nghiên cứu sinh học cơ bản và y học, ngày nay, người ta đã chạm đến một số giới hạn quan trọng của việc thí nghiệm sử dụng động vật. Nhiều nỗ lực giải quyết đã được thực hiện nhưng rõ ràng, chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả để có thể dẫn tới việc chấm dứt hoàn toàn hình thức thực nghiệm khoa học này. Rõ ràng, trong một tương lai tới, người ta sẽ còn phải “chung sống” với tình trạng khó khăn này.

Tổng hợp từ Science et Vie, số 1078 năm 2008.

Tìm địa điểm Trường Gọi trực tiếp Chat Facebook Chat Zalo