Nhà văn phải đứng trong bóng tối

Nhà giáo Trần Đồng Minh nhận xét về tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân: “Nhà văn dùng Vợ nhặt làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã loé lên những tia sáng ấm lòng”.

Hãy trình bày cảm nhận của anh (chị) về “bóng tối” và “những tia sáng ấm lòng” trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

BÀI LÀM

Khi đứng trên bờ vực giữa sự sống và cái chết, phẩm chất, con người bộc lộ một cách chân thật nhất. Dựa vào yếu tố ấy cùng với bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945, ngòi bút Kim Lân đã cho nhân vật của mình đứng trên lằn ranh sống - chết để nói lên bao thông điệp hết sức sâu sắc. Như nhà giáo Trần Đồng Minh từng nhận xét về tác phẩm Vợ nhặt: “Nhà văn dùng Vợ nhặt làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã loé lên những tia sáng ấm lòng”.

Nhà văn phải đứng trong bóng tối

Kim Lân là cây bút truyện ngắn vững vàng. Các sáng tác của ông chủ yếu viết về những con người nông thôn hiền hậu. Và truyện ngắn Vợ nhặt - rút từ tập Con chó xấu xí là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả khi hướng ngòi bút về cuộc sống và con người thôn quê. Vợ nhặt là nhan đề lạ, hiếm gặp trong văn chương nên gợi ra nhiều sự tò mò. M. Gor-ki từng nói: “Người tạo nên tác phẩm là tác giả, nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả", nên Kim Lân đã có bước đầu thành công khi khéo léo dẫn dắt sự chú ý từ phía người đọc. Thật xác đáng khi nhà giáo Trần Đông Minh đã gọi Vợ nhặt là “cái đòn bẩy”. “Cái đòn bẩy" này dựa vào hiện thực thảm thương của nạn đói năm Ất Dậu để nâng vị trí con người lên tầm cao mới - tầm cao của tình thân ái chan hoà. Từ “bóng tối” phần nào phản ánh được thực trạng xã hội bây giờ - bóng tối lạnh lẽo của đói khát. Nhưng trong sâu thẳm mờ mịt ấy, “những tia sáng ấm lòng” của tình thương, lòng nhân ái đã loé lên trong tâm hồn những người nông dân nghèo như Tràng, bà cụ Tứ... Cũng chính sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng trong tác phẩm, người đọc đã nhìn thấy giá trị hiện thực và quan điểm nhân đạo mới mẻ của ngòi bút Kim Lân.

Bức tranh mang gam màu u ám về nạn đói được nhà văn vẽ nên bằng ngòi bút sống động lạ thường. Mở đầu tác phẩm, cái đói hiện lên giữa xóm ngụ cư: “Những gia đình từ vùng Thái Bình, Nam Định đội chiếu, lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, “người chết như ngả rạ”.... Con người ta cố gắng chạy thoát khỏi cái đói nhưng dường như bóng tối của tử thần vẫn luôn chực chờ bao vây lấy họ. Ta bắt đầu cảm thấy run sợ trước sự nhá nhem, sự rình rập từ bóng tối xung quanh. Cả không gian đặc quánh “mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, cảnh vật “tối sầm lại vì đói khát” cùng với âm thanh ghê rợn: “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”, “tiếng hờ khóc tỉ tê”, “tiếng trống thúc thuế"... Tất cả làm cho bầu không khí thêm đáng sợ, ngột ngạt và đầy hiểm nguy. Phải sống trong cảnh ấy quả thật rất khó khăn, bao nhiêu người đang cố níu vào sợi dây định mệnh dần mong manh để sống. Chỉ cần sống mà thôi! Khắp nơi đều đói, mọi người đều đói, đến nỗi “ngô lang xạc xờ” (Tố Hữu). Sự sống bị bào mòn bởi bóng tối ghê sợ ấy và con người cũng không thoát khỏi điều đó. Nhân vật người vợ nhặt chính là nạn nhân rõ nét nhất bị cái đói làm thay đổi cả hình hài lẫn tính cách. Lần đầu gặp Tràng khi anh đang kéo xe bò, thị hồn nhiên cười giỡn với anh. Nhưng đến lần gặp thứ hai, thị làm Tràng phải ngạc nhiên vì “hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sộp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Tác giả chỉ miêu tả bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ta giật mình vì cảnh đói khổ. Ắt hẳn người đàn bà ấy đã trải qua chuỗi ngày kiệt quệ sức lực vì đói. Miếng ăn trong lúc này còn quý hơn vàng khi nó chính là cứu cánh để kéo con người ta ra xa cái chết. Thế nên tình cờ gặp lại Tràng trong tình huống này, người đàn bà ấy như gặp chiếc phao của đời mình. Dựa vào câu hò bâng quơ của Tràng hôm trước: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì” nên thị “sầm sập” chạy đến đòi ăn. Thị “sưng sỉa”, “sà” xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Như thế thôi cũng đủ thấy chị ta bị cái đói tra tấn đến độ nào. Thị không màng đến điều gì cả, miễn được ăn mà thôi! Sự hào phóng của Tràng lúc này đây là một nguyên nhân quan trọng khiến chị theo anh về làm vợ sau “mấy bận tầm phơ tầm phào” của anh. Trải qua bao sự lênh đênh giữa dòng xoáy đói khổ khắc nghiệt, người đàn bà đáng thương kia rất cần một nơi để bám víu vào, vì chính chị cũng ý thức được mình đang bị dồn đến tận cùng của con đường sống, không biết ngày mai sẽ ra sao. Vợ không được cưới hỏi đàng hoàng, vợ được nhặt như nhặt nhạnh những đồ vật không giá trị. Ngay cả anh Tràng cũng thế, nếu không có nạn đói xảy ra thì làm sao anh lấy được vợ? Đến lúc này đây ta có thể nhìn thấu đáo “bóng tối” mà nhà giáo Trần Đồng Minh đã nhận xét. Sự mờ mịt ấy len lỏi vào tận ngõ ngách của mọi con người, thật xa xót biết bao!

Nhà văn phải đứng trong bóng tối

Điều đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn của Vợ nhặt chính là những tia sáng của tình thương, của lòng khát khao hạnh phúc gia đình, của niềm tin vào tương lai tươi sáng. Những tia sáng tỏa ra từ chính tâm hồn của con người, dù bé nhỏ nhưng cũng đủ sức để sưởi ấm. Nhân vật Tràng chính là tia sáng của lòng nhân hậu hết mực, dù anh chỉ là người nông dân nghèo khổ với ngoại hình xoàng xĩnh. Khi người đàn bà đòi được ăn, anh vẫn sẵn lòng đãi chị ta một bữa no nê dù bản thân anh không khá khẩm gì hơn. Khi chị ta đồng ý theo anh về nhà, anh cũng chợt nghĩ về cảnh nghèo của mình nhưng anh đã xem thường khó khăn, đưa người đàn bà ấy về nhà. Hành động đó của Tràng thật đáng trân trọng giữa cảnh đói khát cùng cực thế này. Không những thế, anh còn mua dầu để thắp sáng nhà cửa lúc dẫn chị về nhà. Lời nói ban đầu của Tràng có thể là sự bông đùa nhưng hành động bây giờ của anh hoàn toàn là sự trân trọng người đàn bà ấy. Trong khi xung quanh nhuộm một màu u tối thì căn nhà nhỏ của Tràng được sưởi ấm bởi ánh sáng của tình người. Chỉ cần có ánh sáng xuất hiện, dù leo lét thì con người ta sẽ thêm can đảm để bước về phía trước, để đi tìm nguồn sáng cho cuộc đời mình. Khi Tràng giới thiệu người vợ với bà cụ Tứ, người mẹ nông dân già yếu đã ngạc nhiên tột độ. Bà ngạc nhiên vì không tin đứa con thô kệch, xấu xí lại lấy nổi vợ, mà lại lấy giữa lúc đói kém thê thảm này. Khi đã hiểu ra, bà lão vừa mừng vừa tủi, “người ta lấy vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà đang ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này, còn mình thì..”. Lòng người mẹ già đang ngổn ngang cảm xúc. Nếu như bà cụ không chấp nhận người con dâu mới vì hoàn cảnh khôn khó của gia đình thì câu chuyện sẽ bình thường như bao tác phẩm khác. Bi-ê-lin-xki cho rằng “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết đi nếu chỉ miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”. Và cây bút tài năng Kim Lân đã miêu tả cuộc sống khắc nghiệt để làm bật lên vẻ đẹp trong hồn người. Bà cụ Tứ chấp nhận người con dâu mới: “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Ánh sáng của tình thương tỏa rạng trong câu nói rất mực chân tình của người mẹ, khiến cả câu chuyện bừng sáng. Nhà thơ Bằng Việt có câu:

Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương

Dù da dẻ khô đi, tấm lòng không hẹp lại

Và bà cụ chính là người mẹ có tấm lòng bao dung vô tận. Bà hiểu ra bao nhiêu là cơ sự, bà nghĩ đến cuộc đời cực khổ “dài dằng dặc” của mình nhưng không vì thế mà bà bi quan. Thái độ chấp nhận đầy trìu mến, những lời an ủi, động viên người mẹ ấy dành cho vợ chồng Tràng chính là động lực đưa họ về phía ánh sáng. Hạnh phúc giản dị nơi mái nhà đơn sơ của Tràng khiến “gương mặt bủng beo, u ám” của bà rạng rỡ hẳn lên, khiến Tràng thấy gắn bó với gia đình, khiến chị vợ nhặt “không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn” nữa. Tình thương yêu có sức mạnh thật diệu kì, kết chặt tâm hồn con người và đẩy lùi cái thảm khốc của đói rét ra xa, khiến con người thêm tin tưởng vào tương lai. Tuy bóng tối vẫn còn vương sót lại trong bữa ăn đầu của gia đình - nồi cám nghẹn bứ, đắng chát nhưng mọi người vẫn âm thầm chấp nhận thực tại mà nhìn về phía trước. Trong đầu Tràng đã xuất hiện hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng đoàn người đi phá kho thóc. Ánh sáng của “khởi quang cách mạng” đã dần soi vào cuộc sống, hi vọng họ sẽ đi đến bến bờ của niềm vui, hạnh phúc!

Câu chuyện dựa trên nền tối tăm của đói khát để ta thấy hiện thực thảm khốc trong nạn đói năm 1945, thân phận con người bị rẻ rúng như cọng rơm, cọng rác. Qua đó giúp ta nhìn nhận được tội ác man rợ của thực dân Pháp, Nhật và bè lũ tay sai, tấm lòng yêu thương nhân vật của nhà văn và sự phát hiện, trân trọng ánh sáng của tình người trong hoàn cảnh khôn cùng nhất. Đồng thời câu chuyên mở ra trước mắt người đọc một quan điểm nhân đạo mới mẻ của Kim Lân. Nếu như Nam Cao gửi đi thông điệp “Hãy cứu lấy con người!” qua Tư cách mõ, Một bữa no thì Kim Lân qua Vợ nhặt lại truyền tải thông điệp “Hãy tin ở con người!”. Dù đứng chênh vênh trên bờ vực của cái chết nhưng Tràng, bà cụ Tứ, chị “vợ nhặt” vẫn không bị băng hoại nhân cách, mà phẩm chất của họ lại thêm ngời sáng giữa tăm tối. Ánh sáng ấy khiến ta mỉm cười và thêm tin tưởng rằng: “Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo” (Nguyên Ngọc). Câu chuyện mở đầu bằng buổi chiều chạng vạng nhưng kết thúc bằng quang cảnh tươi sáng của bình minh. Qua đó tác giả muốn bộc lộ niềm tin vào nhân phẩm con người. Nhà văn xây dựng tình huống truyện độc đáo, éo le và hết sức cảm động. Sử dụng ngòi bút sắc nét để miêu tả tâm lí nhân vật thật sinh động. Nếu như ta bắt gặp Nguyễn Tuân với lối văn sang trọng, những nét bút tỉ mẩn trong liên tưởng, so sánh nhằm đẩy đến tận cùng sự thăng hoa của cảm giác thì Kim Lân lại ý thức thể hiện những mảnh đời, những số phận bằng giọng kể đậm “chất quê”, bằng nghệ thuật dẫn chuyện khéo léo, bằng ngôn từ rất mực giản dị. Vợ nhặt chính là cái đòn bẩy nâng con người lên trong tình nhân ái, và thông qua câu chuyện, nhà văn đã bộc lộ biết bao điều sâu sắc: Trong cái chết sự sống vẫn nảy mầm, trong đói khổ hạnh phúc vẫn vươn lên, trong bế tắc tương lai luôn mở lối.

Câu nói của nhà giáo Trần Đồng Minh đã thâu tóm hết vẻ đẹp về nội dung lẫn nghệ thuật của Vợ nhặt. Đọc Vợ nhặt ta càng thêm tin vào phẩm giá của con người Việt Nam, đặc biệt là những người nông dân chất phác. Họ mang trong mình “Cái mầm nhân bản và ham sống” (Kim Lân), luôn sẵn sàng cưu mang, yêu thương nhau trong lúc khôn cùng nhất. Hãy xua tan “bóng tối” bằng “những tia sáng ấm lòng” của tình người, như lời câu thơ:

Nguyện người thương nhau mãi

Dù cuộc đời phong ba.