Những sáng kiến mô hình tiêu biểu trong Quân đội

Thứ Sáu, 05/02/2021 | 17:16

Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ huấn luyện chiến đấu vừa được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức thành công. Đây thật sự là một hoạt động sôi động, nơi người lính có thể thỏa sức thể hiện nghiên cứu, đam mê của mình nhằm đưa ra những sản phẩm có giá trị cao trong công tác huấn luyện chiến đấu.

Những sáng kiến mô hình tiêu biểu trong Quân đội

Đại tá Đỗ Minh Đẩu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (bìa phải) kiểm tra các mô hình dự thi. Ảnh: T.H

Năm nay, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố, Trung đoàn 894, Phòng Kỹ thuật và các Đại đội Trinh sát, Thiết giáp, Thông tin (trực thuộc Bộ CHQS tỉnh) đã mang rất nhiều sáng kiến, cải tiến đến với hội thi. Các sản phẩm phong phú về chủng loại, nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị cao, phù hợp với điều kiện huấn luyện chiến đấu của từng đơn vị được Ban tổ chức đánh giá cao. Có thể kể ra những sản phẩm nổi bật như: Bộ cờ huấn luyện chiến thuật đa năng của huyện Hồng Dân; bệ lắp mục tiêu mặt nước của huyện Đông Hải; bộ bia huấn luyện dân quân biển của TP. Bạc Liêu; hàng rào chống bạo loạn của huyện Hòa Bình hay bệ tì di động nằm bắn súng tiểu liên; kìm bóp an toàn…

Trong đó, sáng kiến bộ cờ huấn luyện chiến thuật đa năng là một trong những sản phẩm giúp huyện Hồng Dân đoạt ngôi vị Nhất toàn đoàn. Sản phẩm có thể ứng dụng trong huấn luyện chiến thuật, cấp tổ tiểu đội. Đặc biệt có thể ứng dụng huấn luyện ban đêm rất tiện lợi vì có đèn LED phát sáng và âm thanh mỏ quay thể hiện hỏa lực địch bắn ra. Một điểm ưu việt nữa là bộ cờ hoàn toàn có thể được nâng cấp lên thêm từ một người lên tổ, tốp địch co cụm, tiểu đội, cụm bia, ụ súng… Nếu được áp dụng vào thực tế công tác huấn luyện, mô hình hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại đơn vị.

Xuất phát từ thực tiễn không có thao trường chuyên dụng để huấn luyện lực lượng dân quân biển, Ban CHQS TP. Bạc Liêu đã sáng tạo ra mô hình bộ bia huấn luyện từng người bắn súng bộ binh từ bờ ra biển để đáp ứng tình hình, nâng cao chất lượng huấn luyện và kết quả học tập của dân quân. Đối với mô hình này, dân quân dễ dàng tham gia huấn luyện bắn súng sát với điều kiện thực tế. Trong khi đó, bệ lắp mục tiêu mặt nước của huyện Đông Hải cũng là một sản phẩm tiêu biểu dành cho các bài bắn biển của dân quân tự vệ, nhưng đồng thời có thể sử dụng rộng rãi trong toàn quân.

Gây nhiều sự chú ý đối với Ban chấm thi trong các sản phẩm dự thi nhóm cải tiến, đó là sản phẩm hàng rào chống bạo loạn A2 của huyện Hòa Bình. Được nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở hàng rào mái nhà truyền thống, mục đích trang bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống biểu tình, bạo loạn và lực lượng chốt giữ bảo vệ mục tiêu, hàng rào này được những ngưới lính thiết kế công phu, có gai nhọn trên dưới và xung quanh, có thể xoay để “khắc chế” đối với các đối tượng có ý đồ xấu.

Được làm ra từ chính khối óc, bàn tay của những người lính, hầu hết những sáng kiến, cải tiến mang ra “trình làng” có tính khả thi trong ứng dụng thực tiễn, ưu điểm dễ sản xuất, lắp đặt, giá thành thấp. Diễn ra sớm so với thời điểm ra quân huấn luyện năm 2021, hội thi giúp các đơn vị có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến, cải tiến mới để áp dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện ở đơn vị mình. Từ đây, Bộ CHQS tỉnh sẽ chọn ra các sản phẩm sử dụng huấn luyện có hiệu quả để đưa vào huấn luyện trong giai đoạn 1 năm 2021, đồng thời hướng dẫn từng đơn vị tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm tham gia hội thi cấp Quân khu.

Thanh Hải

Ngày đăng: 08/09/2020

Thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ", lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu “trình làng” những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Những sáng kiến mô hình tiêu biểu trong Quân đội

Mô hình “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại” của Thượng tá Khương Hữu Trọng, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh mang tính ứng dụng rất cao.

Thực tế khi hành quân dã ngoại, để nấu ăn, phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, các đơn vị sử dụng nhiều bếp nấu khác nhau như: Bếp củi, bếp than, bếp ga, bếp Hoàng Cầm…

Tuy nhiên khi sử dụng các loại bếp này thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, khí hậu. Hơn nữa nhiệt phân tán khiến thời gian đun nấu dài, tốn nhiều nhiên liệu, tàn lửa hay bị rơi ra ngoài dễ gây hỏa hoạn và làm mất vệ sinh môi trường…

Khắc phục hạn chế trên, năm 2019, Thượng tá Khương Hữu Trọng, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại”.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Khương Hữu Trọng cho biết: Cấu tạo của bếp gồm 3 phần: vỏ bếp, giá đỡ nồi, ống khói. Tính ưu việt của sáng kiến là toàn bộ bếp được đặt trên xe kéo, vì vậy dễ di chuyển, cơ động, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, thời tiết; tiết kiệm nhiên liệu, thời gian đun nấu, dễ kiểm soát lượng nhiệt cung cấp.

Trong quá trình hành quân chiến đấu, bếp có thể liên kết với hệ thống rãnh tản khói để tạo thành bếp Hoàng Cầm khi đun nấu trong điều kiện cần đảm bảo yếu tố an toàn, bí mật. Nguyên vật liệu để làm ra dễ mua, dễ tìm, dễ lắp đặt, chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Nhờ vậy, sáng kiến này không chỉ áp dụng khi hành quân dã ngoại mà còn sử dụng phục vụ nấu ăn hằng ngày cho các bếp ăn ở các đơn vị. Thời gian qua, sáng kiến này càng phát huy hiệu quả trong nấu ăn, phục vụ sinh hoạt trong các khu cách ly tập trung phòng dịch của tỉnh.

Bên cạnh sáng kiến “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại”, LLVT tỉnh còn có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Trong đó có sáng kiến “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội” của đồng chí Dương Văn Nam, Trợ lý Quân nhu, Phòng Hậu cần.

Xuất phát từ thực tế khi cán bộ, chiến sĩ đi dã ngoại hoặc thực hành tác chiến trong rừng sâu, hầu hết nước để sinh hoạt cho bộ đội thường không đảm bảo vệ sinh. Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, đồng chí Nam đã sáng tạo ra “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội”.

Điểm nổi bật của “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội” là sử dụng ống nhựa PVC và các loại nguyên vật liệu cát, sỏi, than có sẵn trong tự nhiên nên giá thành sản phẩm rất rẻ, chỉ 150 nghìn đồng.

Sản phẩm có cấu tạo gồm 3 ống nhựa gọn nhẹ, có thể lồng vào nhau, thuận tiện cho việc mang vác, cơ động trong hành quân, trú quân dã ngoại.

Nguyên lý hoạt động của sản phẩm là cho nước vào ống lọc thứ nhất đựng sỏi, cát vàng; tiếp đó nước chảy sang ống thứ 2 đựng than hoạt tính và chảy sang ống lọc thứ 3 đựng cát vàng; cuối cùng là chảy vào các vật chứa đựng; điều chỉnh độ to, nhỏ của dòng nước bằng hệ thống van khóa.

Tốc độ lọc trung bình từ 15- 20 lít/giờ. Chất lượng nước sau khi lọc xong được cải thiện rõ rệt. Sản phẩm có thể áp dụng cho các đơn vị thường xuyên diễn tập dã ngoại trong rừng hoặc các đơn vị thi công công trình, nơi khó khai thác nguồn nước sạch. Năm 2019, sáng kiến này được giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

Ngoài 2 sáng kiến trên, xuất phát từ thực tế trong thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật tiêu biểu khác như: “Ma két cấu tạo, nguyên lý Mặt nạ eo-16” của nhóm tác giả Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 834; “Kính kiểm tra đường ngắm súng B41” của Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn, Trung đoàn 834; “Giải pháp luồn dây tăng võng” của Ban CHQS xã Đạo Tú, huyện Tam Dương…

Tuy mục đích sử dụng khác nhau, nhưng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đều có chung ưu điểm là tiện ích, dễ lắp đặt, giá thành thấp, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn huấn luyện. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả ở các lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật…

Để có được những kết quả trên, hằng năm, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, triển khai hiệu quả các cuộc thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để khích lệ sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tham gia nghiên cứu, cải tiến mô hình học cụ phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Tiếp tục lựa chọn các sáng kiến, cải tiến mô hình tham gia các hội thi do các cấp tổ chức để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện giao lưu học hỏi và nhân rộng những sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ dễ chế tạo, có tính ứng dụng cao trong thực tế.

(Theo Báo Vĩnh Phúc)

TĐKT - Xác định việc học tập và làm theo Bác là nội dung hết sức quan trọng, là dịp để cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, của quân đội và của đơn vị, bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, ra sức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 174 đã tổ chức triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy phong trào này trong toàn đơn vị.

Những sáng kiến mô hình tiêu biểu trong Quân đội

Chiến sĩ trẻ Trung đoàn 174 giúp đỡ gia đình chính sách trên địa bàn thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Trung đoàn 174 là đơn vị đủ quân thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2, nhiệm vụ chính trị thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Sư đoàn và Quân khu giao.

Để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, hằng năm, ngoài Nghị quyết lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, từng cá nhân cán bộ, đảng viên và quần chúng viết bản cam kết thực hiện, tạo ra phong trào sôi nổi rộng khắp trong đơn vị.

Là đơn vị quản lý quân số đông, nhiều đối tượng, trình độ khác nhau, Trung đoàn xác định công tác quản lý, giáo dục tình hình, tư tưởng là nội dung cốt lõi góp phần hoàn thành các nhiệm vụ khác. Do đó, Trung đoàn đã triển khai kết hợp nhiều hình thức để quản lý tình hình tư tưởng như: Thông qua hồ sơ thông tin chiến sĩ để nắm chắc tình hình hoàn cảnh của chiến sĩ, tiến hành phân thành 3 nhóm: Nhóm 1: Có tuổi đời, trình độ cao có kinh nghiệm sống. Nhóm 2: Đảng viên, đối tượng đảng, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Nhóm 3: Có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc phân nhóm này để cán bộ các cấp nắm chắc được tình hình và chất lượng chính trị của đơn vị làm cơ sở thực hiện mô hình 3 đồng hành, 1 mục tiêu.

Mô hình này lấy tổ 3 người làm nòng cốt, lấy vai trò gương mẫu làm trước của cán bộ các cấp làm định hướng 3 đồng hành, thực hiện tốt 3 cùng, 2 trước, 2 sau. (3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội; hai trước là dậy trước, làm trước bộ đội; 2 sau là ngủ sau và về sau bộ đội) đồng thời kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý, giáo dục, động viên bộ đội theo phương châm 3 thông suốt: Thông suốt trong chỉ huy, thông suốt với gia đình và thông suốt về thông tin. Nhờ đó, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, gia đình luôn tin tưởng vào đơn vị. Cán bộ các cấp luôn gần gũi, chia sẻ, nắm chắc bộ đội.

Chính từ cách làm này, chỉ huy các cấp luôn chủ động nắm chắc được tình hình và tư tưởng bộ đội, đơn vị luôn ổn định, không có kỷ luật nghiêm trọng xảy ra; nội bộ đoàn kết thống nhất; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết thương yêu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Như Hợp, Phó Chính ủy Trung đoàn 174 cho biết: “Với đặc thù là đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân số đông, Trung đoàn đã trăn trở tìm mọi biện pháp để nâng cao kết quả trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó việc phát huy vai trò của Đảng viên giúp đỡ quần chúng rất quan trọng. Chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh hơn trách nhiệm và vai trò của đảng viên đối với quần chúng.”

Chính vì vậy, đơn vị đã triển khai và thực hiện mô hình: 1 đảng viên giúp đỡ 3 nòng cốt, 1 nòng cốt giúp đỡ 3 quần chúng. Mô hình lấy vai trò đảng viên làm nòng cốt. Với cách làm này, 1 đồng chí đảng viên thường xuyên theo dõi, giúp đỡ và nắm được 12 đồng chí quần chúng trong đơn vị. Mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần phát huy vai trò gương mẫu và trách nhiệm của đảng viên. Từ đó đơn vị luôn nắm chắc được tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ. 

Trong Nghị quyết đều có chủ trương, biện pháp lãnh đạo việc phân công, giúp đỡ. Các cấp ủy lập danh sách cụ thể đảng viên giúp đỡ nòng cốt. Từng đảng viên xây dựng kế hoạch, xác định nội dung cụ thể việc giúp đỡ. Người chỉ huy đưa vào chương trình tháng và lịch công tác hàng tuần để theo dõi điều hành. Hàng tháng, trong sinh hoạt chi bộ, từng đảng viên báo cáo về kết quả giúp đỡ; đó cũng là cơ sở để chi bộ đánh giá kết quả của từng đảng viên. Chính nhờ vậy, vai trò đảng viên được phát huy và có trách nhiệm hơn, tỷ lệ kết nạp đảng của đơn vị luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai mô hình rất sôi nổi và hiệu quả như: Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc. “Xuất phát từ thực tiễn là đơn vị huấn luyện biên chế gồm rất nhiều con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc; mỗi một dân tộc có một nét văn hóa riêng và đặc sắc. Chúng tôi thấy rằng kết hợp được các văn hóa vùng miền lại với nhau sẽ xây dựng được tinh thần đoàn kết cao trong đơn vị. Từ ý tưởng đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn triển khai thành lập mô hình.” - Trung tá Nguyễn Như Hợp chia sẻ.

Những sáng kiến mô hình tiêu biểu trong Quân đội

Tái hiện nét đẹp văn hóa vùng Tây Bắc qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ

Mỗi một tổ chức đoàn thành lập một câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt tập trung vào tối thứ 4 tuần cuối tháng kết hợp với tổ chức sinh nhật đồng đội. Đơn vị sưu tầm các trò chơi, nét đẹp văn hóa từng vùng miền, vận động các đồng chí ở các dân tộc sưu tầm, đóng góp các vật dụng để trưng bày. Hiện nay, đơn vị có phòng trưng bày gồm các vật dụng của các dân tộc, phục vụ cho thăm quan, giáo dục.

Thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ, nét văn hóa của từng miền quê khác nhau được lan tỏa rộng khắp; tạo cho cán bộ, chiến sĩ gần gũi nhau hơn, mạnh dạn hơn trong sinh hoạt tập thể, xây dựng được bản lĩnh cho người quân nhân. Chính vì vậy, đơn vị không có hiện tượng mất đoàn kết, cán bộ chiến sĩ luôn gần gũi, yêu thương nhau.

Cấp Trung đoàn hằng năm đều tổ chức Hội thi tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc rất sôi nổi mang đến tinh thần đoàn kết, vui vẻ cho đơn vị. Đồng thời trong các giờ nghỉ giải lao trên thao trường, các đơn vị đều tổ chức các trò chơi dân gian từng vùng miền, mang đến hứng khởi và hiệu quả cao trong huấn luyện. Đặc biệt các chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương sẽ trở thành hạt nhân tuyên truyền văn hóa các dân tộc Tây Bắc trên quê hương mình, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Có thể khẳng định các mô hình, cách làm đã tạo được hiệu ứng tốt, động viên và nâng cao kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần giữ vững bản lĩnh chính trị của người quân nhân cách mạng, nâng cao kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Thông qua đó, phong trào thi đua Quyết thắng được đẩy mạnh và sôi nổi hơn, thế trận chính trị được giữ vững, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối về mọi mặt; truyền thống được giữ vững, giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy được nhiều sáng tạo trong mọi công việc.

Thông qua các mô hình và cách làm sáng tạo, Trung đoàn 174 luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Liên tục từ 2016, 2017, 2018 được Quân khu tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và Cờ thi đua. Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Đơn vị huấn luyện giỏi, Đảng ủy Quân khu tặng Bằng khen Tổ chức Đảng cơ sở đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền. Ngoài ra, có hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được Sư đoàn và Trung đoàn khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo Trung tá Nguyễn Như Hợp, Phó Chính ủy Trung đoàn, các mô hình, cách làm đó là công việc thường ngày mà mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang thực hiện trong việc học tập và làm theo Bác. Anh cho rằng việc học tập và làm theo Bác phải có ở trong tâm của mỗi người, là trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, trước hết hãy hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của bản thân mình.

Minh Phương