Những thuận lợi khó khăn trong triển khai thực hiện dạy học đối với lớp 6

LCĐT - Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 sẽ học chương trình giáo dục địa phương như một môn học chính khóa. Tuy nhiên, đối với tỉnh Lào Cai, do chưa có tài liệu chính thức nên việc dạy và học môn học này đang gặp nhiều khó khăn.

Tại Trường Tiểu học xã Sơn Hà số 2 (huyện Bảo Thắng), trong khi các môn học đã bước vào học kỳ II năm học 2021 - 2022 thì môn Tài liệu giáo dục địa phương mới triển khai những tiết học đầu tiên.

Cô giáo Phạm Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết: Do học sinh chưa có tài liệu học tập nên theo chỉ đạo của trường, đến nay tôi mới dạy được mấy tiết môn Tài liệu giáo dục địa phương. Hình thức dạy là lồng ghép với các môn học khác như Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội.

Những thuận lợi khó khăn trong triển khai thực hiện dạy học đối với lớp 6
Học sinh gặp khó khăn khi không có sách phải học bằng tài liệu phô tô chỉ có hai màu đen, trắng.

Được biết, cô giáo Hằng chưa tham gia tập huấn dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương nên các tiết học lồng ghép chỉ giới thiệu cho học sinh những nội dung phù hợp. Thầy giáo Vũ Quang Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Sơn Hà số 2 cho biết: Vướng mắc hiện nay là học sinh không có tài liệu chính thức để học. Đối với nhà trường, từ khi dạy môn này đến nay không phô tô sách cho học sinh vì không đảm bảo chất lượng so với bản chính thức về hình ảnh, màu sắc, nếu in màu thì rất tốn kinh phí.

Tại Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát), năm học 2021 - 2022 có 285 học sinh, trong đó 77 học sinh lớp 6 được học môn Tài liệu giáo dục địa phương. Thầy giáo Trần Văn Long, giáo viên Ngữ văn được phân công dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương cho biết: Đến thời điểm này, tôi đã dạy được 20 tiết môn Tài liệu giáo dục địa phương. Ngoài khó khăn do không có sách giáo khoa thì đối với giáo viên, đây là môn mới, chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thống nhất việc soạn giáo án và kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong quá trình dạy, tôi phải tìm thêm tài liệu, hình ảnh, video liên quan đến các chủ đề để học sinh dễ hiểu.

Việc triển khai dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 ở nhiều địa phương khác cũng đang gặp không ít khó khăn, còn chậm và lúng túng. Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, phòng đã triển khai cho các trường dạy môn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 từ ngày 25/10/2021, còn lớp 1, lớp 2 dạy từ ngày 1/11/2021. Đối với huyện Bảo Thắng, việc dạy môn này cho khối lớp 1, lớp 2 cũng mới thực hiện từ đầu học kỳ II. Đối với huyện Mường Khương, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết do chưa có sách giáo khoa nên thời gian qua chỉ dạy tích hợp với các môn khác. Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cũng chậm.

Thực hiện chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã hoàn thành việc biên soạn bộ sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6. Lào Cai cũng là một trong số ít tỉnh trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 để triển khai dạy bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

Dù sách đã được duyệt nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể in cho học sinh học. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sự chậm trễ xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc về việc thẩm định giá sách, đấu thầu in sách. Thời gian qua, nhiều trường không thể phô tô sách cho học sinh học vì lo vấn đề bản quyền và kinh phí.

Ông Bùi Xuân Tiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 12/9/2021, sở đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6, năm học 2021 - 2022. Trong thời gian chờ phát hành sách, các nhà trường, giáo viên sử dụng bản PDF tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6, tuyệt đối không cắt ghép, thay đổi nội dung, không chia sẻ dưới mọi hình thức, không vi phạm bản quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức dạy lồng ghép, tích hợp nội dung tài liệu giáo dục của địa phương vào chương trình các môn học khác, hoạt động trải nghiệm để phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh. Đối với lớp 6, sẽ đảm bảo dạy 35 tiết/năm học. Việc bố trí thời gian dạy do các trường chủ động, các chủ đề có thể linh hoạt đảo, đổi vị trí. Tuy mỗi trường phân công giáo viên có đủ năng lực giảng dạy, nhưng đối với lớp 6 phải có giáo viên dạy môn Ngữ văn tham gia.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học nói chung trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, mong muốn của thầy và trò các trường là Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương in sách giáo khoa chính thức để việc dạy học đảm bảo kế hoạch và chất lượng. Ngành giáo dục tỉnh cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc soạn giảng, kiểm tra, đánh giá môn học, tăng cường tập huấn để tháo gỡ vướng mắc cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 lần đầu được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tư cách không phải môn học mà là một hoạt động giáo dục đặc thù, bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều trường học ở khu vực miền núi lại gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện.

Những thuận lợi khó khăn trong triển khai thực hiện dạy học đối với lớp 6
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh Trường THCS thị trấn Quan Hóa với chủ đề 1: Trường học của em. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cơ sở vật chất thiếu, điều kiện tổ chức hạn chế…

Hiện nay, tất cả các trường cấp THCS trên địa bàn tỉnh đang sử dụng sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6, bộ sách Cánh Diều. Cuốn sách này quán triệt sâu sắc tư tưởng mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống. Từ đó, góp phần hình thành năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Theo phân phối chương trình, một tuần có 3 tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở Trường THCS thị trấn Quan Hóa (Quan Hóa), do chưa có giáo viên chuyên trách nên chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Theo đó, 3 tiết học này được phân cho 3 người đảm nhiệm: Tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) do ban giám hiệu điều hành; tiết 2 (sinh hoạt chủ đề) do cô giáo dạy nhạc phụ trách; tiết 3 (sinh hoạt lớp) là giáo viên chủ nhiệm.

Tiếp cận với hoạt động giáo dục mới này, bên cạnh những thuận lợi như học sinh hứng thú học tập, giáo viên được tìm tòi, mở mang kiến thức thì vẫn còn gặp một số khó khăn. Giáo viên âm nhạc Trường THCS thị trấn Quan Hóa Nguyễn Thị Thùy Linh, cho rằng: “Rất nhiều khó khăn đặt ra. Thứ nhất, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này chưa đáp ứng được. Thứ hai, trên địa bàn huyện không có nhiều địa điểm để tổ chức trải nghiệm, học tập; nếu có thì khoảng cách xa, điều kiện đưa các em đi rất khó. Trong khi đó, kinh phí tổ chức không có, vì vậy, chúng tôi chỉ có thể... cho các em đi chăm sóc, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ của xã”.

Theo thầy giáo Nguyễn Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh (Thạch Thành), học sinh nhà trường rất háo hức với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở đó, các em được thể nghiệm các cảm xúc tích cực, vận dụng kinh nghiệm đã có của bản thân qua các chủ đề. Sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh, là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. “Có những chủ đề, đòi hỏi sự tương tác giữa học sinh với môi trường bên ngoài, nhưng các em chỉ có thể tiếp cận với sách giáo khoa và trong lớp học. Lớp học cũng không có ti vi, máy chiếu… Bên cạnh đó, địa bàn huyện ít cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, nên việc tổ chức tham quan còn hạn chế, hơn nữa kinh phí tổ chức cũng không có để thực hiện. Vì vậy, đến lúc này, nhiều học sinh nhà trường vẫn chưa được đặt chân đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, hay Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh”, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh, Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.

Giải pháp

Ở cấp THCS, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Đứng trước những khó khăn đối với hoạt động giáo dục này, phòng giáo dục và đào tạo các huyện ở miền núi đã đưa ra nhiều giải pháp, như chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Khi xây dựng chương trình học, chú ý đến việc vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để học sinh vẫn được trải nghiệm và đạt được yêu cầu bài học. Chú trọng các hoạt động giáo dục tập thể, ngoài giờ lên lớp và lồng ghép tích hợp với các môn học khác sao cho vừa hợp lý vừa hiệu quả.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành: “Để khắc phục những khó khăn, chúng tôi tăng cường sinh hoạt chuyên môn cụm trường để giáo viên có cơ hội bồi dưỡng, học tập và trao đổi nghiệp vụ. Ngoài ra, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh thực hiện với yêu cầu 100% phụ huynh biết về ý nghĩa của môn học để cùng tham gia với con khi học sinh thực hiện trải nghiệm ở nhà”. Còn theo ông Lò Đức Liêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa: “Trong những năm học tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để hỗ trợ kinh phí hoặc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 được xem như phương tiện “dạy người” trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là cơ hội để học sinh tự tin hơn trước các tình huống thông qua 9 chủ đề, như: Thầy cô - người bạn đồng hành; Tiếp nối truyền thống quê hương… Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, thiết nghĩ, sự quan tâm để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng hoạt động giáo dục này phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi việc xã hội hóa để có nguồn kinh phí trải nghiệm tham quan, học tập là điều không dễ thực hiện đối với các trường học khu vực miền núi…

Vi An