Những xử lý lỗi của ảo thuật hia

Lúc 5 giờ hôm nay [31-3], linh cữu của ảo thuật gia Lê Văn Quý đã được đưa đi an táng ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nhà văn-ảo thuật gia Mạc Can, con trai ông, bộc bạch: “Tôi vừa mất một người cha. Đau lòng hơn, tôi mới từ biệt một đồng nghiệp lớn!”...

“Người nghệ sĩ nhân dân”

Ảo thuật gia Lê Văn Quý sinh năm 1916 tại Bạc Liêu. Thời của ông, cả xứ Đông Dương còn chưa biết ảo thuật thì ông đã tự mày mò nghiên cứu loại hình nghệ thuật khéo léo, huyền bí này. Trong tiểu thuyết tự truyện Tấm ván phóng dao, nhà văn Mạc Can đã kể lại phần đời lênh đênh của cha mình. Đó là hình ảnh một người cha với sáu đứa con sống bằng nghề ảo thuật, bán cao đơn hoàn tán, nay đây mai đó rong ruổi khắp nơi, từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, từ miền Trung sang cả Lào, Campuchia...

Đầu thế kỷ XX, ở miền Nam, Lê Văn Quý là một trong những ảo thuật gia đầu tiên. Tuy nhiên, hình ảnh của ông không như các thế hệ nghệ sĩ ảo thuật sau này với dáng vẻ sang trọng veston, thắt nơ, đôi tay huyền ảo trong ánh đèn sân khấu... Ông đến với ảo thuật từ nhu cầu mưu sinh nhưng rồi lại nâng ảo thuật lên tầm cao, đó là hướng tới người xem ở mọi vùng quê hoàn toàn miễn phí. Trẻ con vùng quê nhờ vậy có dịp tận mắt chứng kiến những màn biến hóa huyền diệu như trong phép màu cổ tích.

Tiến sĩ-luật sư Phan Đăng Thanh nhớ lại: “Thuở nhỏ, tôi thường trốn học tìm đến các phiên chợ ở Bến Tre để xem ông diễn. Ngày ấy, ông giản dị trong trang phục và thường dắt theo hai con khỉ có mặc quần áo. Lũ trẻ con chúng tôi thích nhất là khi ông lấy đạn cu ly [viên đạn bằng kim loại tròn như viên bi - PV] nuốt vô miệng rồi lấy ra ở bụng. Sau đó, ông lấy viên đạn gí vào sau gáy rồi há miệng lấy ra... Ông nổi tiếng đến mức trẻ con chúng tôi hồi đó có bài vè: Lê Văn Quý, con mắt hí hí, cái đầu có chí, nhổ răng thí...”. Bây giờ, dù đã gần tuổi xưa nay hiếm rồi nhưng ký ức của tiến sĩ-luật sư Phan Đăng Thanh về ảo thuật gia Lê Văn Quý vẫn nguyên vẹn là một người nghệ sĩ hay nhất, giỏi nhất trong ngành ảo thuật.

“Khi người nghệ sĩ dốc công mang nghệ thuật tìm đến đại chúng, người ấy xứng đáng là người nghệ sĩ của nhân dân” - luật sư Thanh nói.

Vua trò nhỏ

Nghệ thuật ảo thuật với ba trường phái là trò nhỏ, sân khấu và đường phố. Trong đó, ảo thuật trò nhỏ luôn được đánh giá cao bởi nó đòi hỏi sự khéo léo cực cao của người biểu diễn. Hơn 60 năm làm nghề của mình, ảo thuật gia Lê Văn Quý luôn được người trong giới tôn vinh là “vua trò nhỏ”.

Nhiều nghệ sĩ ảo thuật kể lại Lê Văn Quý còn được vinh danh là một thần bài, là quái kiệt về các màn ảo thuật từ lá bài. Với ông, khi bộ bài được chia ra, ông chỉ cần cầm các lá bài rồi úp xuống thì toàn bộ quân bài đó đã được biến đổi thành những quân bài khác. Hay như ở màn lá bài xuyên khăn, ông cầm cả bộ bài bọc vào chiếc khăn tay. Khán giả muốn rớt con nào ra, ông chỉ việc hô biến là quân bài ấy xuyên qua tấm khăn rơi xuống đất. Tương truyền ông đã luyện tuyệt kỹ búng bài chỉ bằng ngón tay áp út - ngón tay luôn thiếu sự linh hoạt trên bàn tay con người. “Đó là bí quyết mà đến nay nhiều thế hệ ảo thuật Việt Nam chưa có người thứ hai”- ảo thuật gia Ngọc Oánh nói về ông.

Trong suốt sự nghiệp diễn ảo thuật của mình, Lê Văn Quý cũng lập được cho mình một đoàn ảo thuật riêng mang tên Nghệ Tinh. Và cho dù có diễn trên sân khấu thì ông cũng chỉ “độc trị” trò nhỏ. Lý giải điều này, nhà văn Mạc Can cho biết: “Ba tôi nghèo đến nỗi ông không có cho mình cái rương, đi đâu ông cũng lấy miếng vải túm đồ lại nên thay vì mua đạo cụ, ông mày mò nghiên cứu, tập luyện”.

Đệ nhất ảo thuật Việt Nam Tony Quang cũng không tiếc lời về ông: “Chú Quý rất giỏi, rất nhanh lẹ! Có nhiều trò của chú, bản thân tôi tập luyện nhiều lần cũng không thể được. Tôi nhớ nhất là chú có sở trường xoay khối rubic. Chú Quý đưa khán giả khối rubic rồi bảo họ thoải mái “phá” các mảng màu. Chú cầm khối rubic đưa ra sau lưng đếm một, hai, ba rồi quăng lên đưa tay chụp. Lúc ấy khối rubic đã hiện đủ sáu màu. Vỏn vẹn ba giây cho tiết mục ấy. Không gì đáng nể hơn!”.

Cái đạo của nghề

Với ảo thuật gia Tony Quang, Lê Văn Quý là người đầy nghĩa khí, rất đáng nể trọng. Một lần, một đồng nghiệp xấu tính chôm đạo cụ của Tony Quang. Sự việc nhanh chóng lan ra đến nỗi người ta phải xét rương. Khi mọi chuyện sáng rõ, ông Quý tức giận bạt tai người kia vì “ảo thuật là biến không thành có nhưng sống ở đời chớ biến có thành không”.

Nhà văn-ảo thuật gia Mạc Can hồi tưởng: “Suốt một đời làm ảo thuật, ba tôi rất nghiêm khắc với nghề. Có đêm ông chong đèn tới sáng chỉ để nghiên cứu một màn ảo thuật nào đó để rồi khi mặt trời vừa ló dạng ông lại biểu diễn cho con cháu xem thử”. Sự nghiêm khắc với nghề của ông nhiều khi biểu hiện rất lạnh lùng. Có lẽ vì vậy mà xuyên suốt trong Tấm ván phóng dao là nỗi ám ảnh của Mạc Can về người cha hà khắc [với con cái] trên bước đường mưu sinh bằng nghề ảo thuật đầy khổ ải, nhọc nhằn.

“Ở ba tôi có cái tự tin, đĩnh đạc nhưng không kém phần duyên dáng, tuyệt vời khi diễn trò. Ví dụ khi bị khán giả “bắt bài”, ba liền xoay chuyển tình huống, đưa người ta lọt vào không gian “ảo” lúc nào không hay. Nó giống như võ sĩ vậy, khi bị đối phương bắt đòn thì họ tung ngay đòn khác. Tôi tiếc là mình không thể lĩnh hội được những ngón nghề này” - nhà văn Mạc Can kể.

Sau năm 1975, ảo thuật gia Lê Văn Quý tiếp tục đến với công chúng với nhiều tiết mục đặc sắc ở các rạp Tuổi Trẻ, Lệ Thanh, Lao Động... Càng về già, ông càng gửi gắm vào các tiết mục của mình những thông điệp khác nhau về tình yêu thương, lòng vị tha, bao dung... Ở tiết mục sáu chiếc vòng hàn kín rồi xâu lại với nhau, ông đặt tên là Lục tử liên hoàn để nhắc những người con của mình rằng đã là máu mủ phải hết lòng nhường nhịn, yêu thương...

94 năm thăng trầm, ông đã mang niềm vui, tiếng cười bình dị đến khắp nẻo đường quê hương đất nước. Bước giang hồ từ nay đã ngàn thu yên nghỉ...

Chủ Đề