Nội dung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân an ninh nhân dân

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Tây Nguyên luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Sau ngày đất nước thống nhất, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, trong đó Tây Nguyên luôn được chúng coi là một địa bàn trọng điểm. Các thế lực thù địch bên ngoài đã cấu kết với bọn phản động trong nước tổ chức nhiều hoạt động chống phá như: gây bạo loạn chính trị; kích động, mua chuộc, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên; truyền đạo trái phép..., hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội. Thâm hiểm hơn, chúng còn âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, làm tiền đề để tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Tình hình trên đã gây nên sự bất ổn về chính trị, xã hội trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và quân đội ta. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối và thủ đoạn thâm độc nói trên của các thế lực thù địch, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển nhanh và bền vững ở Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài trong sự nghiệp quốc phòng - an ninh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước nói chung và ở khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được thì công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở khu vực Tây Nguyên còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là thế trận lòng dân chưa thực sự vững chắc; đội ngũ cán bộ ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, trình độ năng lực còn hạn chế; nòng cốt trong dân nắm dân không chắc, còn tình trạng bị động đối phó với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...

Xuất phát từ thực tiễn đó, đồng thời cung cấp thêm cho bạn đọc một tài liệu nghiên cứu về vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở Tây Nguyên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay do PGS.TS. Lê Văn Đính và TS. Vũ Anh Tuấn đồng chủ biên cùng tập thể tác giả Học viện Chính trị khu vực 3 biên soạn. Cuốn sách tập trung làm rõ đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng; phân tích thực trạng công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở Tây Nguyên, từ đó đưa ra những dự báo và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách an ninh - quốc phòng khu vực Tây Nguyên và những ai quan tâm tới vấn đề này.

QPTD -Thứ Hai, 21/02/2022, 08:06 [GMT+7]

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn chiến lược Tây Nam Bộ trong tình hình mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải “xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân…”1. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt, cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trên từng hướng, địa bàn chiến lược và cả nước; trong đó, địa bàn Tây Nam Bộ là một trọng điểm.

Địa bàn Tây Nam Bộ gồm nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 12,3% diện tích cả nước; có hơn 200 km đường biên giới quốc gia, hơn 700 km bờ biển và vùng biển Tây với 147 đảo lớn nhỏ, giữ vị trí chiến lược trọng yếu về nhiều mặt, nhất là quốc phòng, an ninh trong thế phòng thủ chung của Quân khu 9 và cả nước. Vì thế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, thế trận quốc phòng toàn dân nói riêng đối với địa bàn Tây Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sát với yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng của từng địa phương, đạt kết quả tương đối toàn diện.

Nổi bật là, “thế trận lòng dân” trên địa bàn được chú trọng và xây dựng ngày càng vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân được triển khai tích cực, có hệ thống với nhiều đổi mới, sáng tạo. Việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh được thực hiện có hiệu quả. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp chỉ đạo việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thế phòng thủ trên từng địa bàn. Các dự án lớn đều đư­ợc thẩm định kỹ, nhằm cả mục tiêu kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, bảo đảm có thể chuyển từ sản xuất thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Các Khu kinh tế - quốc phòng [Đoàn 959, Đoàn 915], các công trình lưỡng dụng, như: đường tuần tra và các điểm, cụm, tuyến dân cư biên giới; hệ thống cầu, cảng, đường ven biển Tây,… đã phát huy hiệu quả trên nhiều mặt. Thế trận quân sự của khu vực phòng thủ các cấp, phòng thủ quân khu được triển khai xây dựng đi vào chiều sâu, ngày càng vững chắc, tạo khả năng phòng thủ ở từng khu vực và trên các hướng, nhất là trên tuyến biên giới, biển, đảo. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu có bước chuyển biến toàn diện. Các địa phư­ơng, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực l­ượng dự bị động viên và công tác chuẩn bị động viên. Đến năm 2021, việc sắp xếp quân nhân dự bị đạt 97%; trong đó, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đạt 95,9%, tăng 09% so với năm 2015. Công tác đối ngoại quốc phòng luôn được quan tâm đúng mức, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị cũng như phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới, trên biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng thế trận quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nam Bộ còn bộc lộ một số hạn chế, như: nhận thức của một số tổ chức, cá nhân chưa thật đầy đủ, sâu sắc; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền có mặt còn hạn chế; công tác tham mưu của một số cơ quan, ban, ngành chưa toàn diện, v.v. Thực trạng đó đã, đang đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn phải tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân nói chung, trên địa bàn Tây Nam Bộ nói riêng ngày càng vững chắc, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân quán triệt nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị [khóa X] về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để các lực lượng, các tầng lớp nhân dân nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, đặc biệt là ở địa bàn Tây Nam Bộ. Từ đó, thấy rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; một chủ trương chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước; là sự phát triển cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Qua đó, tạo sự đồng thuận, xác định trách nhiệm của các cấp, ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở và toàn dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân địa bàn chiến lược Tây Nam Bộ. Đây là nội dung quan trọng, mang tính then chốt, quyết định phương hướng, chất lượng, hiệu quả cũng như phương thức xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Vì thế, sự lãnh đạo đó cần thống nhất từ Trung ương [trực tiếp là Quân ủy Trung ương] đến Quân khu và cấp ủy các địa phương dựa trên cơ sở phân tích khoa học và yêu cầu thực tiễn đặt ra; có định hướng rõ ràng về việc ưu tiên, tập trung các nguồn lực, các yếu tố cho các hướng, các địa bàn quan trọng, phức tạp trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với ý định của cấp trên. Đồng thời, đối với Nhà nước [trực tiếp là Bộ Quốc phòng và chính quyền các cấp] tích cực, chủ động tham mưu đề xuất, sửa đổi bổ sung, ban hành các luật, pháp lệnh, quy định,... thuận lợi cho việc triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn; bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, điều kiện cũng phải kiên định nguyên tắc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chính quyền và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương các cấp. Cấp ủy đảng và người đứng đầu các địa phương trên địa bàn thường xuyên quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bằng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể: xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh,... ưu tiên phân bổ các nguồn lực với khả năng cao nhất để phục vụ các hoạt động đặc thù trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang Quân khu cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.Đứng chân trên địa bàn Tây Nam Bộ gồm các đơn vị: Quân khu 9, Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, các đơn vị Bộ đội Biên phòng. Đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Do đó, phải thường xuyên coi trọng xây dựng các cơ quan, đơn vị, nhất là xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, trước hết là vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Tiếp tục thực hiện các khâu đột phá: tổ chức, biên chế; huấn luyện, đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật; gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học - công nghệ quân sự cũng như đổi mới công tác bảo đảm hậu cần trong khu vực phòng thủ. Xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, huy động sức người, sức của ở địa phương cho sự nghiệp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, nhất là lực lượng dân quân cơ động, thường trực, dân quân tại chỗ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài; duy trì hiệu quả các hoạt động chốt dân quân biên giới, hải đội tự vệ biển và triển khai nhân rộng những mô hình này. Cùng với đó, cần hết sức coi trọng và từng bước hoàn chỉnh thế bố trí lực lượng, thiết bị chiến trường,… phù hợp với các phương án bảo vệ. Quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, vừa đảm bảo tính rộng khắp, tại chỗ, vừa tập trung có trọng điểm trên từng hướng, địa bàn.

Bốn là, tập trung xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, xây dựng “trận địa lòng dân” thực sự vững chắc. Quá trình xây dựng, cần chú trọng vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách và nghiệp vụ chuyên môn; kết hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các lực lượng, nhất là vai trò của cấp ủy, chính quyền, của các đội công tác cơ sở và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm cho nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng; tích cực tham gia công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.Trên cơ sở các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định của từng địa phương, cần thực hiện tốt chính sách quy hoạch, bố trí lại dân cư, hình thành các điểm dân cư mới trên tuyến biên giới, làm cơ sở để phát triển kinh tế vùng, ngành và xây dựng lực lượng, thế trận phòng thủ ở các khu vực, địa bàn, nhất là ở các khu vực, địa bàn chiến lược trọng điểm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng các công trình thiết yếu ở các địa phương, như: hệ thống giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc; thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn để nâng cao tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, kết hợp với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Thiếu tướng NGUYỄN MINH TRIỀU, Phó Tư lệnh Quân khu 9
________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 158

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề