Phân tích về sự chuyển vận động vật lý thành vận động hoá học và ngược lại

Bốn là, những quan điểm của Ăngghen về giới tự nhiên và về khoa học tự nhiên đã bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác, củng cố lập trường duy vật biện chứng cho giai cấp công nhân và chỉ đạo sự phát triển của khoa học tự nhiên.

--------------VẬN ĐỘNG------ Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất tức là hiểu như một phương thức tồn tại của vật chất,...

Posted by Giáo dục công dân on Wednesday, September 13, 2017

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát chung về phép biện chứng của Ăngghen
  • 2. Sự phân loại các ngành khoa học
  • 3. Ngành toán học
  • 4. Ngành cơ học theo quan điểm Ăngghen
  • 5. Ngành Vật lý học theo quan điểm Ăngghen
  • 6. Ngành hóa học theo quan điểm Ăngghen
  • 7. Ngành sinh vật học theo quan điểm Ăngghen

 

1. Khái quát chung về phép biện chứng của Ăngghen

Ông Ăngghen nghiên cứu mối liên hệ, chuyển hoá lẫn nhau của các hình thức vận động, sự phát triển từ hình thức vận động thấp, đơn giản đến hình thức vận động cao hơn.

Theo Ăngghen đã viết:

“Biện chứng của khoa học tự nhiên. Đối tượng của nó: vật chất đang vận động. Các hình thức và các dạng khác nhau của vật chất chỉ có thể nhận thức được thông qua vận động; thuộc tính của vật thể chỉ bộc lộ qua vận động; về một vật thể không vận động thì không có gì mà nói cả. Vậy là các hình thức vận động đều do bản chất của những vật thể đang vận động mà ra”.

Quan điểm của Ăngghen về vận động là: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, - thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy”.

Ở đây Ăngghen chỉ rõ: vận động là hình thức tồn tại của vật chất và vận động có tính liên tục. Khi nói về đối tượng của khoa học tự nhiên, Ăngghen nói rõ khoa học tự nhiên nghiên cứu thế giới vật chất, những sự vật trong thế giới đó trong sự vận động, có nghĩa là trong mối quan hệ qua lại với nhau, không phải là tách rời, cô lập với nhau: “Tất cả thế giới tự nhiên mà chúng ta có thể nghiên cứu được là một hệ thống, một tập hợp các vật thể khăng khít với nhau, nhưng ở đây, chúng ta hiểu vật thể là tất cả những thực tại vật chất, từ tinh tú đến nguyên tử, cho đến cả những hạt ê te, nếu chúng ta thừa nhận sự tồn tại của hạt ê te. Việc các vật thể ấy đều có liên hệ qua lại với nhau đã có nghĩa là các vật thể này tác động lẫn nhau, và sự tác động qua lại ấy chính là sự vận động. Ở đây, cũng đã thấy rõ rằng không thể tưởng tượng được vật chất mà không có vận động”.

=> Như vậy, vật chất gắn liền với vận động. Vật chất tồn tại vĩnh viễn và tuyệt đối thì vận động cũng là vĩnh viễn và tuyệt đối, không thể bị sáng tạo ra và cũng không thể bị tiêu diệt.

Về các hình thức vận động theo Ăngghen  là được vận động từ thấp đến cao, từ vận động cơ học đến vận động sinh học.

Theo dõi và trình bày sự phát triển đó từng bước là mục đích của tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, ở phần cuối cùng của bài tiểu luận Quan niệm cơ giới về giới tự nhiên, Ăngghen đã trình bày quá trình của hình thức vận động từ thấp đến cao. Hình thức vận động cơ học sinh ra hình thức vận động vật lý học, hình thức vận động vật lý học lại tạo ra hình thức vận động hoá học và theo trật tự thì hình thức vận động hoá học, sẽ tạo ra hình thức vận động sinh vật học. Ở đây Ăngghen dừng lại để nói về giả thuyết bằng con đường hoá học tạo ra chất anbumin, Ăngghen chỉ ra rằng, khi đó bước quá độ biện chứng sẽ được xác minh trong thực tế, do đó sẽ được xác minh một cách hoàn toàn và triệt để”.

Nếu trong giới tự nhiên phát triển lên theo trật tự từ vận động thấp nên vận động cao, thì điều đó phản ánh vào trong nhận thức của con người và ý thức của con người cũng phải theo trật tự đó, người ta nhận thức những hình thức vận động thấp trước rồi đến hình thức vận động cao: “Đương nhiên, nghiên cứu bản chất của sự vận động phải bắt đầu từ những hình thức thấp nhất, đơn giản nhất của sự vận động ấy và phải học tập để hiểu được những hình thức ấy, rồi mới có thể đạt tới một kết quả nào đấy trong việc giải thích những hình thức cao và phức tạp hơn”.

Từ đó, Ăngghen rút ra phương hướng để chỉ đạo việc nghiên cứu khoa học tự nhiên: cần thiết phải nghiên cứu sự phát triển tuần tự của riêng từng ngành khoa học tự nhiên”. Ăngghen còn làm rõ sự ra đời và phát triển của khoa học tự nhiên là dựa trên cơ sở thực tiễn: “Trước hết là thiên văn học, một ngành đã vì thời tiết mà tuyệt đối cần thiết cho những dân tộc chăn nuôi và làm ruộng... Sau đó, đến một giai đoạn phát triển nhất định của nông nghiệp và trong những khu vực nhất định (đưa nước lên để tới ruộng ở Ai Cập), và nhất là cùng với sự xuất hiện những thành phố, những công trình xây dựng lớn, và cùng với sự phát triển của thủ công nghiệp thì cơ họccũng phát triển theo. Chẳng bao lâu, cơ học lại trở nên cần thiết cho cả hàng hải và chiến tranh... Như thế là ngay từ đầu, sự phát sinh và phát triển của các ngành khoa học đã do sản xuất quy định”.

Ăngghen nêu ra và giải quyết vấn đề quan trọng, đó là mối liên hệ và sự phân loại giữa các ngành khoa học, dựa trên cơ sở các hình thức vận động của vật chất. Điều này khác cách làm của Cantơ và Hêghen. Ông Ăngghen dựa vào các hình thức vận động của vật chất phân ra làm bốn loại khoa học: cơ học, vật lý học, hoá học và sinh vật học. Đó là bốn ngành khoa học tự nhiên quan trọng nhất của thời kỳ đó. Trong tình hình đó, Ăngghen nêu lên sự phân loại các khoa học.  Cụ thể sự phân loại các khoa học như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở dưới mục 2.

 

2. Sự phân loại các ngành khoa học

Theo Ăngghen đã nêu: “Sự phân loại các khoa học, theo đó mỗi ngành khoa học nghiên cứu một hình thức vận động riêng biệt hoặc một loạt những hình thức vận động liên quan với nhau và chuyển hoá lẫn nhau, do đó, là sự phân loại, sự sắp xếp bản thân các hình thức vận động đó theo thứ tự vốn có của chúng, và tầm quan trọng của việc phân loại ấy là ở chỗ đó.

Vào cuối thế kỷ trước, sau các nhà duy vật Pháp, - chủ nghĩa duy vật của họ phần nhiều là cơ giới, - đã xuất hiện yêu cầu phải thực hiện việc tổng kết, dưới dạng bách khoa toàn thư, toàn bộ khoa học tự nhiên của trường phái cũ Niutơn - Linnê; và hai người có tài nhất đã bắt tay làm việc ấy: Xanh Ximông (chưa làm xong) và Hêghen. Hiện nay, quan niệm mới về khoa học tự nhiên đã hoàn thành trên những nét cơ bản, thì những yêu cầu tương tự như thế lại xuất hiện và nhiều ý đồ đã được thực hiện theo hướng ấy. Nhưng vì ngày nay, đã thấy được mối liên hệ chung của sự phát triển trong giới tự nhiên, cho nên, hiện nay sự tập hợp các tài liệu theo bề ngoài thành một chuỗi mà các khâu chỉ được sắp xếp cạnh nhau thì cũng thiếu sót như những chuyển hoá biện chứng nhân tạo của Hêghen. Những sự chuyển hoá đó phải tự hoàn thành, phải là tự nhiên. Cũng giống như một hình thức vận động là phát triển từ một hình thức vận động khác, những phản ánh của nó, tức là những ngành khoa học khác nhau, cũng phải phát triển một cách tất nhiên từ một ngành này thành một ngành khác”.

Ông đã nhấn mạnh sự khác nhau về chất giữa các hình thức vận động: “Các nhà khoa học tự nhiên cho rằng vận động là đồng nhất với vận động cơ giới, với sự thay đổi vị trí, và họ cho rằng đó là một điều dĩ nhiên...

Chính do cũng sự hiểu lầm ấy mà có cái cuồng vọng muốn quy tất cả mọi cái thành vận động cơ giới... điều đó đã làm lu mờ tính đặc thù của các hình thức vận động khác. Nói thế không có nghĩa là một hình thức vận động cao không luôn luôn gắn liền với một vận động cơ giới thật sự nào... Nhưng trong mỗi trường hợp được xét tới, sự tồn tại của những hình thức vận động phụ ấy không bao quát hết được bản chất của hình thức vận động chủ yếu”.

Quan điểm vận động của Ăngghen đối lập với quan điểm siêu hình, cho rằng các hình thức vận động đều có thể quy về vận động cơ giới. Vận động cơ giới phân biệt về chất với các hình thức vận động khác. Ông đã viết: “Như vậy chúng ta thấy rằng việc chia cắt thuần tuý về số lượng có một giới hạn nhất định, tới giới hạn đó thì nó biến thành một sự khác biệt về chất lượng: khối lượng chỉ gồm những phân tử, nhưng nó là một cái gì khác với phân tử về bản chất, cũng như phân tử khác với nguyên tử về bản chất vậy. Chính sự khác nhau ấy là cơ sở để tách cơ học, tức là khoa học về những khối lượng thiên thể và địa cầu, ra khỏi vật lý học tức là cơ học của phân tử và ra khỏi hoá học tức là vật lý học của các nguyên tử”.

Trên cơ sở nghiên cứu về các hình thức vận động của thế giới vật chất, coi đó là nội dung để phân định các khoa học tự nhiên, Ăngghen đặt ra nhiệm vụ cho khoa học tự nhiên là vẽ lên một bức tranh về thế giới tự nhiên với sự liên hệ qua lại giữa các bộ phận của nó, xoá bỏ đi những sự chia cắt vẫn tồn tại giữa các ngành của khoa học tự nhiên.

Từ đó, Ăngghen cũng đưa ra những dự báo ở ranh giới giữa các ngành khoa học như vật lý học và hoá học, hoá học và sinh vật học sẽ có những phát kiến to lớn. Việc xuất hiện những khoa sinh - hoá học - sinh - lý học v.v. đã chứng minh tính chính xác của dự báo thiên tài của Ăngghen. Ngày nay, sự phát triển của khoa học tự nhiên đòi hỏi các ngành khoa học phải liên kết với nhau và đã xuất hiện nhiều khoa học liên ngành.

Qua tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, ông  đi sâu vào từng ngành khoa học cụ thể, vận dụng phép biện chứng bảo vệ những quan điểm mới, tiến bộ phê phán tư tưởng duy tâm và siêu hình.

 

3. Ngành toán học 

Trong toán học, Ăngghen chỉ ra: “Toán học là khoa học về các đại lượng”. Ăngghen cũng nêu ra những định đề trong toán học “chưa được chứng minh và dĩ nhiên là cũng không thể chứng minh được về mặt toán học”.

Chính điều đó đã làm cho nhiều người đi tới chủ nghĩa tiên nghiệm trong toán học, cho rằng những chân lý toán học đó là có sẵn trong đầu óc con người, không phải là rút ra từ kinh nghiệm, thực tiễn. Nhưng đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Ăngghen đã khẳng định: “Những định đề ấy là có thể chứng minh được một cách biện chứng trong chừng mực mà chúng không phải là cách nói trùng lặp thuần tuý”.

Ông cũng phê phán quan điểm siêu hình, chỉ thấy mặt số lượng mà không nhìn thấy mặt chất lượng của các sự vật và sự vận động, do đó đi đến tách vật chất khỏi các vật cụ thể sinh động. Ăngghen viết: “Khi khoa học tự nhiên hy vọng tìm ra vật chất có hình dạng đồng nhất, và muốn quy tất cả những sự khác nhau về chất lượng thành những sự khác nhau thuần tuý về số lượng do sự kết hợp của những hạt nhỏ đồng nhất tạo ra thì như thế là nó cũng hành động giống như khi nó muốn coi trái cây với tính cách là trái cây, chứ không phải là trái anh đào, trái lê, trái táo”; “Như Hêghen đã chứng minh... quan điểm ấy, cái “quan điểm toán học một chiều” cho rằng vật chất là chỉ có thể quy định được về số lượng, còn về chất lượng thì xưa nay đều giống nhau, chỉ là quan điểm của chủ nghĩa duy vật Pháp của thế kỷ XVIII. Đó là một bước lùi về với Pitago là người đã quan niệm rằng số, tính quy định về mặt số lượng, là bản chất của sự vật”.

 

4. Ngành cơ học theo quan điểm Ăngghen 

Theo Ăngghen , về ngành cơ học, ông chú ý nhiều đến sự vận hành của các thiên thể. Lúc đó xuất hiện giả thuyết về thiên văn học của Cantơ và La Plaxơ, coi các thiên thể có một quá trình lịch sử. Ăngghen viết: “Cơ học thiên thể, - hiện nay người ta coi toàn bộ nó là một quá trình nào đó”.

Trong bài Sự đo vận động - công, Ăngghen nói về sự chuyển hoá vận động cơ học thành nhiệt và các hình thức vận động vật lý học. Ăngghen khẳng định rằng: “Như vậy chúng ta thấy rằng vận động cơ giới chắc chắn là có hai cách đo. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ rằng mỗi một cách đo thích hợp với một loạt hiện tượng có hạn và rất xác định. Nếu một sự vận động cơ giới sẵn có được truyền đi mà vẫn giữ nguyên trạng thái là vận động cơ giới thì nó sẽ truyền đi theo như công thức khối lượng nhân với tốc độ. Nhưng nếu vận động cơ giới đó được truyền đi mà không còn giữ hình thái là vận động cơ giới mà lại xuất hiện được hình thái thế năng, nhiệt năng, điện năng v.v., nói tóm lại nó lại chuyển hoá thành một hình thái vận động khác, thì số lượng của hình thái vận động mới ấy sẽ tỷ lệ với tích của khối lượng được chuyển động trước kia nhân với bình phương của vận tốc”.

 

5. Ngành Vật lý học theo quan điểm Ăngghen 

Về vật lý học theo Ăngghen đã bàn về “thuyết bảo toàn và chuyển hoá năng lượng”, đây chính là thực chất của sự chuyển hoá giữa các hình thức vận động.

Trên đây, Ăngghen đã nói đến sự chuyển hoá của hình thức vận động cơ học sang hình thức vận động vật lý.

Tiếp đó, Ăngghen bàn về hình thức vận động vật lý ở hai bài viết Nhiệt và Điện. Ngoài ra, Ăngghen còn bàn đến hình thức vận động vật lý ở những đoạn viết về quy luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng và lý luận về ánh sáng.

Ăngghen coi vận động nhiệt và điện là vận động của các phân tử, lúc đó khoa học chưa tìm ra được những hạt vật chất mang nhiệt bức xạ và điện: “Chỉ có trong sự vận động phân tử thì sự thay đổi hình thức vận động mới được hoàn toàn tự do. Ở biên giới của cơ học, sự vận động của các khối lượng chỉ có thể mang một ít hình thức khác, điện hay là nhiệt, nhưng khi chúng ta bước vào lĩnh vực vận động phân tử thì ở đây, chúng ta có một bức tranh linh hoạt hoàn toàn khác về những sự biến đổi hình thức: nhiệt chuyển hoá thành điện trong pin nhiệt điện, tới một giai đoạn bức xạ nhất định thì trở nên đồng nhất với ánh sáng và tự nó lại sản sinh ra vận động cơ giới; điện và từ là một cặp sinh đôi cũng như nhiệt và ánh sáng, không những là có thể chuyển hoá lẫn nhau mà còn có thể chuyển hoá thành nhiệt và ánh sáng, và còn có thể chuyển thành vận động cơ giới”.

Ông Ăngghen phân tích sự chuyển hoá từ vận động cơ học thành nhiệt lại tiếp tục phân tích quá trình ngược lại: sự chuyển hoá của vận động nhiệt thành vận động cơ học. Học thuyết về năng lượng dựa trên cơ sở của sự thống nhất hai mặt chất và lượng của vận động. Từ đó, Ăngghen đã phê phán sâu sắc “thuyết chết nhiệt”. Sai lầm của thuyết này ở chỗ không thừa nhận về mặt chất của hình thức vận động cũng là không thể bị tiêu diệt. Ăngghen nói rằng vấn đề “chết nhiệt” trong vũ trụ chỉ có thể giải quyết hoàn toàn khi nào biết được nhiệt bức xạ đi trong vũ trụ lại được sử dụng. Ăngghen viết: “Vấn đề sẽ giải quyết được một cách dứt khoát chỉ khi nào người ta chỉ ra được phương thức mà nhiệt bức xạ vào không gian vũ trụ, sẽ lại có thể dùng được”.

 

6. Ngành hóa học theo quan điểm Ăngghen 

Theo Ăngghen về hoá học quan tâm đến thuyết nguyên tử, kết cấu nguyên từ của vật chất và tính phân chia của vật chất ở đây, Ăngghen đã có dự báo về tính chất phức tạp của nguyên tố. Ngày nay, khoa học tự nhiên đã chứng thực tư tưởng đó của Ăngghen, người ta đã tìm thấy gần 400 hạt cơ bản cấu tạo thành nguyên tử và khác nhau về chất.

Khi phê phán “thuyết vạn vật hấp dẫn” của Niutơn, Ăngghen cũng đưa ra một dự báo quan trọng: Niutơn chỉ nói đến sức hút giữa các vật mà không hiểu mối quan hệ biện chứng giữa sức hút và sức đẩy. Ăngghen viết: “Sự hút và hấp dẫn. Toàn bộ thuyết hấp dẫn dựa trên sự khẳng định rằng sự hút là bản chất của vật chất. Điều đó dĩ nhiên là sai. Phàm nơi nào có sự hút thì sự hút đó phải được bổ sung bằng sự đẩy. Chính vì thế mà Hêghen đã nhận xét một cách rất đúng đắn rằng bản chất của vật chất là hút và đẩy. Quả vậy, chúng ta ngày càng bắt buộc phải thừa nhận rằng sự phân tán của vật chất có một giới hạn tại đó sự hút biến thành sự đẩy, và ngược lại, sự tụ tập của vật chất đẩy lẫn nhau cũng có một giới hạn tại đó sự đẩy sẽ biến thành sự hút”62. Ngày nay, vật lý học đã chứng minh dự đoán của Ăngghen: giữa các hạt cấu tạo thành nguyên tử có sức hút và cũng có cả sức đẩy với nhau.

 

7. Ngành sinh vật học theo quan điểm Ăngghen 

Theo Ăngghen nêu về sinh vật học, ông bàn đến ba vấn đề, đó là: nguồn gốc sự sống, thuyết tế bào và học thuyết Đácuyn.

Thứ nhất, Ăngghen đã đặt vấn đề nghiên cứu về nguồn gốc sự sống: “Tất cả những sự nghiên cứu từ trước đến nay đều quy về một vấn đề là: trong những chất lỏng có chứa các thể hữu cơ bị phân hoá và tiếp xúc với không khí, có những thể hữu cơ hạ đẳng: đơn sinh vật nguyên thuỷ, nấm và mao trùng. Chúng sinh ra từ đâu? Có phải chúng sinh ra bằng con đường Generatio aequivoca hay là từ những mầm mống do không khí đã đem vào? Như thế là sự nghiên cứu của chúng ta bị hạn chế trong một lĩnh vực hoàn toàn hẹp, trong vấn đề sự phát sinh trong nguyên hình chất”.

Tiếp sau, Ăngghen lại chỉ ra con đường để đi tìm nguồn gốc sự sống, một vấn đề phức tạp nhất của khoa học tự nhiên.

Trước hết, Ăngghen đã nêu lên định nghĩa sự sống: “Sự sống là phương thức tồn tại của các thể anbumin mà yếu tố quan trọng của nó làsự trao đổi thường xuyên chất với giới tự nhiên bên ngoài bao quanh nó”64. Định nghĩa này là một quan điểm khoa học đúng đắn về bản chất sự sống, có tác dụng để giải thích sự ra đời của sự sống trên trái đất. Ăngghen nêu lên đặc trưng căn bản phương thức tồn tại của thể anbumin là “sự trao đổi thường xuyên chất với giới tự nhiên bên ngoài bao quanh nó”. Ăngghen tiếp tục cho rằng: “Hơn nữa khi sự trao đổi chất ấy chấm dứt thì sự sống cũng chấm dứt và anbumin bắt đầu bị phân huỷ. Nếu một ngày kia, người ta chế tạo thành công các anbumin bằng phương pháp hoá học thì nhất định chúng sẽ biểu lộ những hiện tượng của sự sống, chúng sẽ thực hiện sự trao đổi chất, dù sự trao đổi đó có yếu ớt và ngắn ngủi như thế nào chăng nữa”.

Khoa học ngày càng tiếp cận đến vấn đề tạo ra sự sống từ chất vô cơ, Nhưng đó là một quá trình khó khăn và lâu dài. Ăngghen viết: “Nhưng yêu cầu hoá học một sớm một chiều phải tạo ra được cái mà chính giới tự nhiên chỉ có thể làm được trong những hoàn cảnh hết sức thuận lợi, trên những thiên thể riêng biệt, trải qua hàng triệu năm, - như thế có nghĩa là yêu cầu một phép lạ”.

Ăngghen phê phán quan niệm về “tính vĩnh viễn của sự sống” và quan niệm cho rằng mầm mống sự sống được đưa từ ngoài vào trái đất. Những quan điểm đó là của nhà hoá học Đêxennhơ, nhà vật lý Hemhôntxơ... Nếu như vậy thì phải giả định chất anbumin có tính vĩnh viễn (có thể tồn tại trong mọi điều kiện) và những hình thái hữu cơ cơ bản mà từ đó phát triển ra toàn bộ giới hữu cơ cũng là vĩnh viễn. Nhưng cả hai điều đó đều vô lý. Quan niệm về tính chất vĩnh viễn của sự sống cũng đưa tới chủ nghĩa duy tâm. Cho đến khi “thuyết tiến hoá” của Đácuyn chứng minh rằng sự tồn tại của giới hữu sinh cao là từ giới hữu sinh thấp phát triển lên. Những nhà duy tâm lại nói rằng giới hữu sinh tồn tại vĩnh viễn. Họ cho rằng trước hết một đấng siêu tự nhiên nào đó sáng tạo ra giới hữu sinh thấp rồi mới sáng tạo ra giới hữu sinh cao nhất. Ăngghen dựa vào khoa học tự nhiên cho rằng, giới hữu sinh phát triển từ giới vô sinh mà ra, và để phát triển từ vô sinh đến hữu sinh phải có những điều kiện nhất định. Ăngghen nói rằng những điều kiện nhất định đó đã từng có ở trên trái đất. Khoa học tự nhiên bây giờ chứng minh các hình thức tồn tại thống nhất của giới hữu sinh là anbumin, nếu đi qua khoảng không vũ trụ thì nó sẽ chết đi. Vì vậy, nếu trong vũ trụ có thiên thể nào đó có sinh vật thì cũng là do ở chính thiên thể đó đã có những điều kiện để tạo ra giới sinh vật đó. Vấn đề này rất phức tạp, tức là con người chỉ quan niệm rằng các sinh vật phải có ô xy mới sống được. Sau này người ta nói: một sinh vật không cần có ô xy mà vẫn sống được. Và hiện nay các khoa học nghiên cứu về vũ trụ chứng minh rằng, những sinh vật nhỏ nhất nếu phải đi qua khoảng không vũ trụ thì nhất định bị tiêu diệt.

Thứ hai, Ăngghen chứng minh rằng, sự sống đã tồn tại trước khi xuất hiện tế bào và cơ thể phát triển, bản thân tế bào đã xuất hiện và phát triển từ những hình thái hữu cơ đơn giản, do đó cũng đả kích mạnh mẽ quan điểm của Viécxốp cho rằng tế bào chỉ có thể do tế bào mà sinh ra. Những người máy móc và duy tâm như Viécxốp đã xuyên tạc thực chất của “thuyết tế bào”. Họ nêu ra luận điểm hoàn toàn sai lầm rằng, ở ngoài tế bào thì không có sự sống, mọi cái hữu sinh đều nhất định phải có kết cấu tế bào. Như vậy, họ đã tạo nên hố ngăn cách tuyệt đối không những giữa giới hữu sinh và giới vô sinh mà cả giữa cơ thể có tế bào và tất cả các hình thái đơn giản của tự nhiên hữu sinh.

Xuất phát từ tư tưởng biện chứng về liên hệ phổ biến và sự phát triển của tự nhiên, tức là xuất phát từ phương pháp biện chứng, Ăngghen đã bác bỏ những luận điểm siêu hình và duy tâm ấy của phái Viếcxốp. Ăngghen không những vạch rõ khả năng mà còn nhấn mạnh tính tất yếu của việc phát sinh ra tế bào từ chất anbumin sống không có kết cấu tế bào Ăngghen cho rằng: “Thật là điên rồ nếu muốn giải thích rằng sự sinh sản, dù là chỉ của một tế bào duy nhất đi nữa, là trực tiếp xuất phát từ vật chất vô cơ, chứ không phải từ anbumin sống không có cấu trúc…”.

Nhận định của Ăngghen về sự tồn tại của sự sống trước khi có các hình thái tế bào đã được chứng thực với việc phát hiện ra siêu vi trùng. Hiện nay, các môn khoa học tự nhiên như sinh vật học, hoá học v.v., đã chứng minh rằng có sự sống ngoài tế bào.

Thứ ba, ông Ăngghen đã vạch rõ sự trao đổi chất thường xuyên giữa các thể anbumin với tự nhiên bên ngoài là dấu hiệu căn bản của sự sống và nêu lên sự khác nhau về nguyên tắc giữa sự trao đổi chất của các vật vô cơ với sự trao đổi chất của các vật hữu cơ: các vật vô cơ thì bị phá hoại bởi sự trao đổi chất với tự nhiên bên ngoài, còn đối với vật hữu cơ thì trao đổi chất lại là điều kiện tất yếu để tồn tại. Ví dụ, sắt để trong không khí, do sự tác động qua lại của không khí nên nó bị rỉ, đối với vật vô cơ là như vậy, còn đối với vật hữu cơ (phương thức tồn tại của các thể anbumin) thì phải có sự trao đổi chất, đó là dấu hiệu căn bản và đặc trưng của sự sống; đồng thời, cho thấy những biểu hiện phức tạp hơn của sự sống ở những cơ thể phát triển cao.

Ông Ăngghen cũng đặc biệt chú ý những kết luận triết học rút ra từ học thuyết của Đácuyn, kết hợp với tất cả các phát hiện khoa học tự nhiên, Ăngghen nhận định học thuyết của Đácuyn trên quan điểm duy vật biện chứng. Ông đánh giá rất cao học thuyết này ở chỗ, nó vạch rõ sự liên hệ phổ biến và sự phát triển trong giới tự nhiên hữu sinh. Đồng thời, Ăngghen cũng kịch liệt phê phán những nhược điểm của thuyết Đácuyn mà các học giả tư sản ra sức lợi dụng để chống lại quan điểm duy vật biện chứng về tự nhiên. Một số học giả tư sản theo thuyết Đácuyn không hiểu vai trò của điều kiện vật chất của sự sống nên đã thổi phồng một số mặt của sự “đào thải tự nhiên”, coi đây là một thứ sức mạnh nguyên thuỷ vốn có. Do đó họ coi nhẹ và thậm chí phủ nhận mối liên hệ có quy luật giữa cơ thể với hoàn cảnh, tức là xuyên tạc phép biện chứng của tự nhiên. Với lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Ăngghen kiên quyết bác bỏ sự tách rời cơ thể sống với điều kiện sống của cơ thể, tức là môi trường bên ngoài. Ăngghen vận dụng triệt để quan điểm duy vật biện chứng đối với giới tự nhiên hữu sinh và bác bỏ những sai lầm chịu ảnh hưởng của thuyết Mantút của Đácuyn và tất cả những gì mà về sau hợp thành thuyết Đácuyn mới và thuyết Vácnerơ. Để chứng minh mối liên hệ của cơ thể sống với môi trường, Ăngghen dẫn những sự việc hình thành giống mới và biến đổi giống do ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài. Và, Ăngghen nhấn mạnh, “cần phải dứt khoát tách khỏi những cuộc đấu tranh này, những điều kiện mà trong đó các loài biến đổi đi - những loài cũ bị tiêu diệt đi và những loài mới phát triển hơn thay thế chúng - dù không có sự sinh sôi quá thừa: tỷ dụ như khi động vật hoặc thực vật di chuyển sang những vùng mới mà những điều kiện mới về khí hậu, về thổ nhưỡng, vân vân, ở đó gây ra những biến đi. Nếu ở những nơi này, có những cá thể thích nghi được sẽ tồn tại rồi do sự thích nghi ngày càng tăng mà biến đổi thành một loài mới, trong khi đó có những cá thể khác, ổn định hơn, bị diệt vong và cuối cùng là diệt vong đồng thời với những hình thức trung gian chưa hoàn bị, thì điều đó vẫn có thể xảy ra, và thực tế đã xảy ra mà không cần có một chủ nghĩa Mantút nào cả”.

Ông phê phán quan điểm siêu hình coi “đấu tranh sinh tồn” là nguồn gốc chủ yếu của sự phát triển các giống loài. Ăngghen dựa vào lý luận về sự phát triển đã gạt bỏ thuyết Mantút, vạch rõ rằng sự phát triển của tự nhiên hữu sinh là nhờ sự đấu tranh thường xuyên giữa tính di truyền và tính thích ứng. Theo Ăngghen, chính sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập này chứ không phải sự đấu tranh sinh tồn là động lực chủ yếu của sự phát triển và sự sống trên trái đất. 

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.