Phím hàng trong chứng khoán là gì

"Phím hàng" là mách cho nhau những cổ phiếu [CP] có cơ hội lợi nhuận cao để mua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường èo uột, "phím hàng" thường có ý nhắm đến các mã CP tăng nóng, đi ngược lại xu hướng thị trường chung.

Từ môi giới

Trong bối cảnh thị trường chán nản hết sức với diễn biến giằng co, thanh khoản thấp thì một số CP nóng lại tiếp tục thăng thiên với lãi chóng mặt. Tỉ suất lợi nhuận khủng thậm chí khiến cả nhà đầu tư [NĐT] dài hạn cũng bắt đầu lung lay.

Một anh bạn làm cho văn phòng tại Hà Nội của một CTCK lâu nay vẫn trung thành với lối đánh cơ bản: Chọn lựa CP có chỉ số tốt, ngành nghề kinh doanh triển vọng, mua và nắm giữ dài hạn trên 6 tháng. Một phần vì bận bịu nhiều việc, không có điều kiện dòm bảng suốt ngày, một phần vì không có khiếu chơi hàng nóng.

Tuy nhiên, gần đây anh đã quyết định đổi phong cách, dành một phần tiền chuyên lướt các mã nóng: Thị trường này nhìn chung thì móm, nhưng từng mã riêng lẻ lại có cơ hội.

Gọi điện cho anh lúc này không còn được nghe các phân tích chuyên sâu về thị trường hay tâm lý NĐT nữa, mà thay vào đó là các lời xuýt xoa tiếc rẻ sao không hỏi sớm anh phím cho vài mã ngon.

Danh mục lướt của anh lúc này toàn các mã siêu khủng mà giở đồ thị ra mới thấy lợi nhuận đến khó tin, không hiểu anh đã mua được từ bao giờ. Những cụm từ thường xuyên được lặp lại là con XYZ được đánh lên đầu 4 đấy, con Sxx 3x là chắc chắn, yên tâm đi, điều chỉnh là vào, có bảo kê rồi!

Anh cũng không ngần ngại mà chia sẻ tin nhắn phím hàng mỗi ngày từ bộ phận môi giới của Cty và vô khối bạn bè cùng ngành. Có lẽ ai có thâm niên chơi CK lâu cũng đều thừa nhận môi giới là nguồn phím hàng phổ thông nhất.

Được cho là tiếp cận với nhiều thông tin cũng như thân cận với phòng phân tích của các CTCK, nên độ tín nhiệm của nguồn phím này khá cao. Gần đây bùng nổ hình thức môi giới cộng tác viên với nhiều khách hàng ruột, các tin nhắn phím hàng càng có vẻ VIP hơn.

Một số môi giới còn tuyên bố Cty có nguồn tin độc và chỉ phím cho khách ruột. Tuy nhiên, chẳng khách ruột nào giữ được bí mật và tin cứ thế lan ra...

và hô hào

Các diễn đàn CK có lẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với các môi giới thời điểm này. Mức độ sôi động của các diễn đàn lớn cũng đã đảm bảo độ lan tỏa cho hoạt động phím hàng. Chỉ cần lướt qua một vài trang, có thể thấy nhan nhản các chủ đề phím hàng lộ liễu như: Dòng họ P đang bắt đầu con sóng to... khẩn trương nạp đạn...

Không rõ độ tin cậy của các chủ thớt [người lập ra chủ đề trên diễn đàn] đến đâu, nhưng cứ đếm lượng người truy cập tại chỗ cũng đã lên tới hàng trăm.

Thường người hô hào trên diễn đàn phải thể hiện uy tín bằng những bài viết phân tích mã CP một cách sâu sắc hoặc khi giá CP đó thực tế tăng mạnh. Điểm chung của các phát ngôn này là không có kiểm chứng, ai tin thì tin.

Dĩ nhiên cũng có những tin được xác nhận chính thức về sau và người đưa tin đầu tiên được liệt vào hàng cao thủ về "phím hàng", điểm uy tín lên rất cao và các chủ đề phím hàng tiếp theo thường lôi kéo được nhiều người xem.

tới "phím hàng" điện tử

Một anh bạn mới tập tành chơi CK được gần 1 năm nay gần đây, lại được mách nước chiêu phím hàng điện tử: Nhắn tin theo cú pháp đến một số của tổng đài điện thoại và ngay lập tức sẽ nhận được một danh sách những mã khuyên mua. Nhiều mã cũng ăn khá đấy.

Thằng này khuyên cũng chuẩn! - anh nhận xét. Tuy nhiên, khi hỏi dịch vụ nhắn tin này do Cty nào cung cấp, trụ sở ở đâu, mức tín nhiệm thế nào thì ngay anh bạn vẫn nhắn tin hằng ngày cũng không biết mà chỉ nghe qua người khác.

Người viết bài này cũng thử nhắn tin: Stock mua đến số 8677 và ngay lập tức nhận được tin nhắn cho phi vụ lướt sóng ngày 16.6: Vinastock khuyến nghị ngày 16.6.2010. Mua GGG:21; HHM:16; CTN:31; TAC:30; REE:48.

Những con số đi kèm mã CK là giá mua. Kiểm tra giá thị trường thì các giá khuyến cáo này đều thấp hơn giá đóng cửa ngày 15.6. Không hiểu ý đồ của chiến thuật mua này là rình giá rớt xuống mức đó hay quyết mua bằng được luôn trong phiên, căn cứ để mua những mã đó là gì?

Người viết cũng không rõ làm cách nào để biết giá hợp lý mà bán ra cũng như thời gian nắm giữ bao lâu, nhưng hãy cùng thử lướt sóng một vài mã trên và cùng chờ đến cuối tháng xem phí cho mỗi tin nhắn là bao nhiêu!

Lướt sóng theo hàng phím có an toàn không? Ngay anh bạn chuyên phân tích cơ bản nói trên cũng cho rằng không ai tin 100% chuyện phím hàng cả. Người phím hàng không chịu trách nhiệm, mà chính người làm theo phải chịu trách nhiệm với túi tiền của mình.

Tìm thấy mỏ vàng ai lại đi kêu lên cho người khác biết? Họ kêu là vì họ không tự tin rằng CP đó thực sự sẽ tăng mà muốn lôi kéo nhiều người khác vào cùng, phổ biến là mua rồi mới hô hào. Nhưng cái thị trường Việt Nam nó thế. DN càng lỗ CP càng tăng, cổ tốt lại èo uột - anh nhận xét.

Theo Hoàng Nguyên
Lao Động

Video liên quan

Chủ Đề