Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa

Nhận thức về chân lí của nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã ẩn chứa một thông điệp nghệ thuật sâu sắc. Chiếc thuyền ngoài xa là hình ảnh vừa có ý nghĩa thực, cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng. Chiếc thuyền là phương tiện làm ăn sinh sống của người dân hàng chài. Nó cũng là biểu tượng cho số phận, cuộc đời lênh đênh, trôi nổi của họ. Và rộng hơn, chiếc thuyền ấy chính là biểu tượng cho hiện thực cuộc sống rộng lớn. Ngoài xa gợi một không gian xa xăm mịt mùng, là khoảng cách đứng ngắm của người nghệ sĩ để quan sát hiện thực cuộc sống.

Như vậy, hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa là biểu tượng cho mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống và nghệ thuật. Nếu ngắm chiếc thuyền ở ngoài xa ta thấy nó rất đẹp và thơ mộng. Nhưng khi đến gần, ta mới thấy hết nghịch lí, đau khổ. Như vậy, để nắm bắt đúng bản chất của cuộc sống và khám phá được chiều sâu hiện thực của nó, người nghệ sĩ cần đứng quan sát ở vị trí gần để tiếp cận, quan sát và tìm hiểu. Thông điệp nghệ thuật ấy được nhà văn gửi gắm qua việc xây dựng tình huống nhận thức của nhân vật Phùng.

Phùng vốn là một phóng viên, được trưởng phòng giao nhiệm vụ đi chụp để bổ sung vào bộ ảnh lịch một cảnh biển buổi sáng có sương. Anh đến một vùng biển miền Trung, nơi có phong cảnh thật là thơ mộng, còn sương mù vào giữa tháng bảy. Anh đã chụp được một cảnh đắt trời cho giống như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con đang ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ.

Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Trong lúc ấy, Phùng tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Anh đã không phải suy nghĩ gì khi bấm liên thanh một hồi hết mọt phần tư cuốn phim, thu vào chiếc máy ảnh cái khoảnh khắc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

Nhưng cũng chính ngay lúc ấy, Phùng chứng kiến một hiện thực cuộc sống trần trụi, phũ phàng. Một chiếc thuyền lao tới trước mặt, trên thuyền có một người đàn ông và một người đàn bà. Lập tức, anh được chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ, lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ.

Người đàn bà hàng chài bị đòn thường xuyên, ba ngày một trận nhẹ còn năm ngày một trận nặng nhưng mụ vẫn cam chịu, nhẫn nhục, không hề chống trả. Thằng Phác, đứa con trai của người đàn bà hàng chài lao tới cứu mẹ, nó đã giằng được chiếc thắt lưng để đánh cha nhưng đã bị lão đàn ông cho hai cái tát. Người đàn bà cảm thấy vừa xấu hổ vừa vô cùng nhục nhã. Chị đã được Đẩu mời đến tòa án huyện để khuyên giải. Nhưng chị lại cầu xin Đẩu đừng bắt chị phải bỏ chồng vì trên thuyền luôn cần có một người đàn ông. Mụ cho rằng Phùng và Đẩu rất tốt nhưng các anh đâu có phải là những người làm ăn khó nhọc nên đâu hiểu được nỗi vất vả của những người dân miền biển.

Nghe chị tâm sự, Phùng và Đẩu thực sự đã vỡ lẽ ra được nhiều điều. Và đối với Phùng, anh mang về rất nhiều tấm ảnh và đã có một tấm ảnh được lựa chọn, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra từ tấm ảnhMụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.

Như vậy, tình huống truyện đã làm nổi bật sự giác ngộ trong nhận thức về cuộc sống của phóng viên Phùng. Anh không ngờ đằng sau cái đẹp của cảnh biển thơ mộng, toàn bích lại chứa đựng biết bao nghịch lí của đời thường. Đó cũng chính là thông điệp về quan niệm nghệ thuật của tác giả muốn gửi gắm. Phát hiện thứ nhất của Phùng là một cảnh biển thơ mộng, một vẻ đẹp toàn bích, lãng mạn, trong trẻo đã từng khiến trái tim anh rung động đắm say. Trong đầu anh đã từng băn khoăn nghĩ về cái đẹp, bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp ấy do ngoại cảnh mang lại, cái đẹp của sự toàn thiện.

Quan niệm nghệ thuật ấy có phần đúng đắn song theo xu hướng lãng mạn, thi vị hóa cuộc sống. Nó có phần đúng bởi nghệ thuật cũng cần được thăng hoa từ sự rung động của tâm hồn và hướng con người tới vẻ đẹp chân, thiện, mĩ. Tuy nhiên, nếu không được trực tiếp nhìn thấy cảnh người đàn ông đánh vợ thì Phùng mới chỉ nhận thức được cái bề ngoài của cuộc sống, chưa thể hiểu thấu bản chất của con người và cuộc sống.

Dường như nhà văn Nam Cao và Nguyễn Minh Châu đều có sự trùng hợp về quan niệm nghệ thuật: người nghệ sĩ không nên thi vị hóa cuộc sống, không nên tô hồng hiện thực dù cho hiện thực ấy trần trụi, khô khan, khắc nghiệt. Đã có lúc nhân vật Điền trong truyện ngắn Trăng sáng khao khát sáng tạo những áng văn chương lãng mạn chỉ dành cho những người đẹp chỉ biết nhàn nhã ngồi thưởng thức văn của Điền: Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo, nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa. Nhưng rồi trước cuộc sống của vợ con khổ sở vì đói khát, ốm đau, anh không đành lòng quay lưng ra đi tìm cảm hứng cho riêng mình. Anh như bừng ngộ khi nhận ra Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?..

Qua tác phẩm Trăng sáng, Nam Cao viết khẳng định nghệ thuật phải được bắt rễ từ hiện thực đời sống, phản ánh chân thực, khách quan đời sống. Vị trí của nhà văn là phải đứng trong lao khổ để đón nhận mọi vang động của cuộc đời Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả, Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời

Trở lại với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, ta càng thấu hiểu hơn chân lí nghệ thuật của các nhà văn Nam Cao và Nguyễn Minh Châu gửi gắm. Phát hiện thứ hai của Phùng chính là một sự vỡ lẽ trong nhận thức về cuộc sống. Anh đã nhận ra được cuộc sống không hề đơn giản một chiều và cũng không hoàn toàn là vẻ đẹp thơ mộng, toàn bích, toàn thiện. Mà đó là một hiện thực thô ráp, trần trụi, đầy nghịch lí, đau khổ mà con người quanh ta đang phải chịu đựng. Anh hoàn toàn ngạc nhiên trước sự cam chịu của người đàn bà hàng chài khi mụ bị chồng đánh mà không trốn chạy hay tìm cách chống trả. Nhưng khi lắng nghe tâm sự từ người phụ nữ ấy, anh đã thấu hiểu phần nào về nỗi khổ của người dân hàng chài, đặc biệt là người phụ nữ. Để rồi, cuối cùng bức ảnh về chiếc thuyền ngoài xa thơ mộng, huyền ảo trong màn sương hồng biến mất, thay vào đó là bức ảnh đen trắng về cuộc sống nhọc nhằn của người dân hàng chài.

Bức ảnh ấy anh mang về đã được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Bức ảnh ấy nếu ngắm kĩ vẫn thấy ánh hồng hồng của sương mai và nếu nhìn lâu hơn nữa thì thấy hiện lên hình ảnh người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh. Tại sao vậy ? Phải chăng cái màu hồng hồng của ánh sương mai chính là vẻ đẹp của ngoại cảnh thơ mộng và lãng mạn, nó là bề ngoài che phủ, ẩn chứa trong đó hiện thực về cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của con người. Bản chất, sự thực đời sống con người luôn chìm lấp đằng sau những bức tranh đời sống tưởng như rất đẹp và toàn thiện.

Để nắm bắt được bản chất của đời sống đâu dễ dàng vì nó luôn chìm dưới tầng đáy sâu của cuộc sống. Như chính Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm: Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Quả thật, ông đã khiến người đọc nhận ra những mảnh đời thường gặp trong các truyện ngắn của ông cái không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái không bình thường (Pauxtốpxki).

Phải chăng hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh thô kệch với tấm lưng áo bạc phếch phía sau của cảnh đẹp thơ mộng kia chính là một ngụ ý về nghệ thuật của tác giả. Đó là mối quan hệ hai chiều giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống được khái quát rất sâu sắc. Nghệ thuật được thăng hoa và sáng tạo từ chính hiện thực cuộc sống lầm than, cơ cực, nghiệt ngã và ngược lại, con người, hiện thực đời sống được phản ánh vào nghệ thuật một cách chân thực, khách quan, nguyên vẹn hơi thở tự nhiên của nó. Dù đó là hiện thực phũ phàng, cơ cực, đắng cay đến đâu thì nghệ thuật cũng phải phản ánh đúng bản chất của nó. Người nghệ sĩ không có quyền tô hồng, thi vị hóa hay bôi đen hiện thực ấy. Mặt khác, đối tượng đáng được quan tâm, phản ánh của nghệ thuật chính là cuộc sống của con người, của quần chúng nhân dân lầm than.

Hình ảnh người đàn bà hàng chài không có tên cụ thể và lại hòa lẫn vào đám đông chính là một điển hình nghệ thuật. Đó là hình tượng vừa có nét riêng, cá biệt nhưng vừa tiêu biểu cho đa số quần chúng lao khổ. Tác giả chỉ nói đến một cuộc đời nhưng đã làm sống dậy biết bao cuộc đời của người dân miền biển khác nhau.

Như vậy, qua sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực cuộc sống đắng cay nhọc nhằn của những người dân hàng chài, qua sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng, tác giả đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp nghệ thuật. Nghệ thuật có thể nhìn cuộc đời tươi sáng, lãng mạn nhưng trước hết phải ưu tiên cho con người, phải góp phần giải phóng con người thoát khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Muốn vậy, vị trí quan sát và tiếp cận của người nghệ sĩ không thể đứng từ xa để rồi chỉ thấy vẻ bề ngoài mà không thấy bản chất, không thể đứng ngoài cuộc sống của nhân dân lao khổ mà phải ở trong cảnh ngộ của họ.

Người nghệ sĩ rất cần một mối quan hệ mật thiết với quần chúng cơ cực, phải đứng trong lao khổ, gần gũi để cảm thông, chia sẻ chứ không phải đứng ngoài hay đứng trên để phán xét, nhìn nhận, phản ánh. Để có những tác phẩm nghệ thuật chân chính và có giá trị bền lâu, người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách phiến diện, lệch lạc, đơn giản, dễ dãi mà rất cần một tấm lòng chân thành, biết cảm thông và lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu, có đủ bản lĩnh, dũng khí khi cầm bút để phản ánh sự thật đời sống, luôn trăn trở suy tư về những bộn bề lo âu trong cuộc sống của con người. Họ phải thực sự đi sâu tìm hiểu, nhận thức để khám phá, phản ánh bản chất của con người, của sự thật đời sống luôn khuất lấp ẩn giấu ở bề sâu.

Cái đẹp chân chính của nghệ thuật luôn bắt đầu và hướng tới cuộc sống chân chính của con người. Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra, An-dec-xen đã từng nói vậy. Còn Secnưsepxki thì cho rằng cái đẹp là sự sống. Vậy thì có lẽ gì nghệ thuật lại không nảy nở từ chính cuộc sống này với mối chân cảm của người nghệ sĩ trước mỗi số phận, cảnh đời thực tế. Cái đẹp là bản thân cuốc sống với đầy đủ gam màu tối sáng, những quy luật tất yếu lẫn ngẫu nhiên, may rủi khó lường hết. Cái hồn của nghệ thuật chính là vẻ đẹp rất đỗi đời thường, giản dị, chân thật. Nó được chưng cất, được chắt lọc từ cuộc sống thường nhật của biết bao người dân lao động nghèo khổ.

Để phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn của đời sống, người nghệ sĩ cần có vốn sống thực tế, có sự am hiểu sâu sắc về đời sống, có cái nhìn đa chiều để phát hiện ra bản chất của nó bị chìm lấp đằng sau cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ. Đó đâu chỉ là bài học dành cho những người nghệ sĩ mà còn là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta trong cách nhìn nhận về cuộc sống và con người. Cuộc sống vốn vậy, vẫn đẹp tươi, vẫn êm ả, lãng mạn, toàn bích nhưng nếu không có tấm lòng để nhận ra những uẩn khúc số phận thì những vẻ đẹp như màu hồng hồng của ánh sương mai kia cũng trở nên vô nghĩa, người nghệ sĩ phải nhận ra sự thật khuất sau màn sương huyền ảo kia, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và con người. Đối với những con người sống quanh ta, nếu như ta có một cái nhìn nhân bản, ta sẽ phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn họ. Bởi con người là một thực thể phức tạp, đa chiều.

Tình huống truyện đã gửi gắm một quan niệm nghệ thuật sâu xa của tác giả. Không hề đao to búa lớn, không cần những triết lí cao siêu, cầu kì, những triết lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, về cái nhìn của người nghệ sĩ trước cuộc sống và con người đã được chuyển tải qua tình huống nhận thức của nhân vật Phùng. Khai thác vào giá trị nhân bản, hướng đến những vấn đề mang tầm nhân loại kết hợp với lí giải chiều sâu tâm hồn dân tộc, thân phận cá nhân, Nguyễn Minh Châu xứng đáng được coi là nhà văn tiên phong trong hành trình đổi mới văn học những năm đầu của thập kỉ 80.

Với cái nhìn chan chứa yêu thương, luôn cảm thông và hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã để lại cho đời những tác phẩm văn học chân chính, đó là thứ văn học luôn hướng về con người và dành cho con người. Đồng thời mỗi chúng ta đều nhận thức được bài học về cách nhìn toàn diện về cái đẹp của cuộc sống cả bề mặt lẫn bề sâu. Những giá trị tinh thần mà văn chương Nguyễn Minh Châu mang lại đều xuất phát từ quan niệm nghệ thuật cao quý về sứ mệnh của nhà văn: Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác, bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào cuộc đời và con người, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực (Ngồi buồn viết mà chơi ).

Tóm lại, tình huống tự nhận thức trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn này không những đánh dấu sự chuyển biến trong bước ngoặt sáng tác của ông đầu những năm 80 mà còn minh chứng cho sự ổn định của phong cách nghệ thuật luôn thống nhất ở cái nhìn cuộc sống bằng con mắt của nhà tư duy triết học. Ông đã đem lại những đổi mới nhất định trong quan niệm nghệ thuật của văn học Việt Nam sau 1975, làm nên những diện mạo mới cho một giai đoạn văn học được tự do ngôn luận.

Mặt khác, tình huống truyện không chỉ giúp chúng ta nhận thức được những quy luật nhân sinh mang tầm vóc nhân loại mà còn để lại bài học đắt giá về sáng tạo nghệ thuật cho các nhà văn mọi thời đại. Quá trình đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống còn phong kín vẫn luôn là hành trình tự nhận thức để vươn tới khát vọng nhân văn trong mỗi con người. Đối với nhà văn, đâu chỉ cần có có con mắt tinh tế để phát hiện ra cái đẹp mà rất cần dự báo quy luật tồn tại, vận động và phát triển của nó. Nhà văn cần phải gieo vào lòng người niềm tin về những giá trị chân thật vĩnh cửu vẫn ẩn náu ở bề sâu hiện thực và trong tâm hồn con người.

Đôi khi, sự thành công của nghệ thuật cũng nhờ vào yếu tố ngẫu nhiên, cái tình cờ bắt gặp trong cuộc sống mà không nhất thiết phải thu vào khuôn mẫu nhất định. Để có được những tác phẩm văn học chân chính, nhà văn cần có một cái nhìn toàn diện và trung thực về đời sống, về bản chất con người. Đó là quá trình săn tìm cái đẹp, khai thác chất thơ trong hiện thực đời sống thô ráp thường ngày, một cái nhìn luôn phát giác sự vật ở bề sâu, bề xa chưa từng thấy. Điều quan trọng là mỗi nhà văn phải có một bản lĩnh, một lập trường vững vàng trước những sự kiện bất thường của cuộc sống để phát hiện và bảo vệ những giá trị tốt đẹp, dự báo sự phát triển của nó trong tương lai.

Tình huống truyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Thiết nghĩ, tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ đem lại sức hấp dẫn độc đáo cho tác phẩm mà còn khơi gợi trong lòng người đọc nhiều tầng nghĩa khác nhau để tiếp tục tìm hiểu và khám phá. Tình huống ấy đã làm thay đổi nhận thức về cuộc sống, con người của biết bao ngòi bút văn chương và đã đánh thức trong ta nhiều suy nghĩ.

Tình huống truyện đã giúp ta nhận thức được cái nhìn về bản chất con người và cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều, như có ý kiến đã từng cho rằng sự thật nghiệt ngã được mô tả trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu đã trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm ban mai lên trên không gian rộng của biển cả. Cùng với Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu còn hàng loạt tác phẩm chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa, nó khiến ta phải giật mình nếu quen nghĩ rằng cuộc đời đã hết đáng thương, nó khơi gợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì sau vẻ đẹp điền viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người.

Có lẽ, tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa vẫn còn là một thế giới cổ tích bí ẩn, huyền diệu đầy sức hấp dẫn để cho chúng ta tìm hiểu và khám phá. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy biết đào sâu khai thác nó để phát hiện ra nhiều điều thú vị, nhiều ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong đó.