Quy định xử lý hình swuj

Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở [điều 343]

Theo điều 343, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm các quy định về quản lí nhà ở như sau:

1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Như vậy, đối với tội  vi phạm quy định về quản lí nhà ở thì mức phạt tù cao nhất lên đến 02 năm.

Bình luận

1. Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở là hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc xây dựng nhà trái phép.

2. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở

* Khách thể

Trật tự quản lý hành chính về nhà ở của Nhà nước. Hệ thống các quy định của Nhà nước về quản lý nhà thì tương đối nhiều nhưng người phạm tội chỉ xâm phạm đến các quy định về chỗ ở, về xây dựng nhà ở, còn các quy định khác về nhà không phải là nhà ở thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội phạm này.

* Mặt khách quan

- Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi: Chiếm dụng chỗ ở trái phép hoặc hành vi xây dựng nhà ở trái phép.

- Chiếm dụng chỗ ở trái phép: là hành vi lén lút hoặc ngang nhiên vào chỗ ở của người khác và sử dụng như chỗ ở của mình như: vào nhà ở vắng chủ không được phép của chủ nhà hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đuổi người khác ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lừa dối chủ nhà để chủ nhà ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, dọn đồ đạc của chủ nhà ra khỏi nhà rồi dọn đồ của mình vào nhà đó ở,…Khi xác định hành vi chiếm dụng trái phép chỗ ở cần phân biệt với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự [xem thêm bình luận Điều 158 Bộ luật hình sự].

- Xây dựng nhà ở trái phép: là hành vi làm nhà ở mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc không đúng với giấy phép trong trường hợp Nhà nước quy định việc làm nhà ở phải có giấy phép. Việc xây dựng nhà ở trái phép chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Nhà nước quy định việc xây dựng nhà ở phải xin phép, còn đối với những nơi việc làm nhà của người dân không cần phải xin phép thì không xảy ra hành vi này.

Xây dựng nhà ở trái phép bao gồm cả hành vi sửa chữa nhà đang được sử dụng vào mục đích khác thành nhà ở không được phép như: sửa văn phòng làm việc, trường học, trụ sở cơ quan thành nhà ở, sửa đình, chùa, miếu, nhà thờ thành nhà ở,…

Bên cạnh đó, việc định tội danh cần dựa trên các quy định của Nhà nước về xác định nhà ở, về xây dựng nhà ở và các quy định khác của Nhà nước về việc xử lý hành vi vi phạm để xác định dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm.

* Mặt chủ quan

- Lỗi cố ý.

- Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là chiếm dụng chỗ ở của người khác hoặc hành vi của mình là hành vi xây dựng nhà trái phép, mặc dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Việc nhà làm luật quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm” là thể hiện sự cố ý của người phạm tội rồi. Tuy nhiên, việc quy định “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm” trở thành căn cứ định tội cũng bất hợp lý, bởi đã sử dụng dấu hiệu xấu về nhân thân để định tội danh, tỏ ra không công bằng đối với người vi phạm bởi hình phạt so với xử phạt hành chính là sự chênh lệch lớn về sự bất lợi dành cho người vi phạm.

* Chủ thể

Người có năng lực trách nhiệm hình sự đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm.

3. Về hình phạt

- Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép,đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Và nhà ở, công trình xây dựng trái phép còn có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

- Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. 

Một hành vi đã bị phạt hành chính, có còn bị xử lý hình sự? [Ảnh minh họa]

1. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

- Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

- Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì:

+ Người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó.

+ Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. 

Trong trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.

- Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] , nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì:

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính 

+ Chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

[Theo Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] ]

2. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính

- Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định như sau:

+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự

+ Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự

+ Quyết định đình chỉ điều tra

+ Quyết định đình chỉ vụ án

+ Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm, hình sự theo bản án

Nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm [nếu có] và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

- Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] chuyển đến. 

Trường hợp cần thiết phải xác minh thêm tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] .

- Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] kèm theo hồ sơ vụ vi phạm.

Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.

[Theo Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 [sửa đổi 2020] ]

Như vậy, trong trường hợp đang trong quá trình xem xét để ra quyết định xử phạt hành chính mà có yếu tố tội phạm thì người ra quyết định xử phạt hành chính phải chuyển hồ sơ qua cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự và ngược lại.

Nếu không đủ yếu tố xử lý hình sự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm sang người có thẩm quyền xử phạt hành chính. 

Trường hợp đã thi hành quyết định xử phạt hành chính mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án thì phải huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ra trước đó và chuyển hồ sơ theo quy định.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email .

Chủ Đề