Sáng kiến kinh nghiệm dạy online

Giáo viên hiến kế nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến

Giáo dục 12/11/2021 10:11

TTTĐ - Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên) vừa tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến năm học 2021-2022. Sự kiện được tiến hành trên nền tảng MS Teams.

Dạy học trực tuyến là lựa chọn tình huống khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù còn khó khăn và nhiều điều cần phải khắc phục nhưng tình huống ấy đã khiến mỗi thầy cô đều phải thay đổi để thích nghi.

Tại hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến năm học 2021-2022, nhiều giáo viên đã đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy học online.

Hoạt động nhóm là "xương sống"

Theo cô Trần Thị Hải Quỳ, giáo viên môn Văn, trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên): "Trong bài giảng, với các hoạt động mở đầu, tôi sử dụng nhiều hình thức như trắc nghiệm, câu hỏi trải nghiệm hoặc thu nhận sản phẩm học tập tại nhà của học sinh; Trình chiếu một vài sản phẩm mẫu để cả lớp thảo luận, tạo tình huống học tập, dẫn dắt vào bài.

Hoạt động khám phá kiến thức mới: Tôi vẫn thường xuyên sử dụng chức năng chia phòng trong MS Teams để tổ chức thảo luận, làm việc nhóm. Tính năng tự động chia phòng để học sinh có cơ hội làm việc nhóm với nhiều bạn trong lớp, điều này rất có ý nghĩa với học sinh lớp 10 vì từ khi vào trường, các em chưa có dịp nào gặp nhau, chưa biết mặt, biết tên. Hoạt động nhóm chính là cơ hội để các em làm quen, hợp tác với nhau trong học tập.

Hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến trên nền tảng MS Teams

Cũng theo cô Hải Quỳ, về sản phẩm học tập, học sinh có thể làm sản phẩm trên Powerpoint hoặc Word. Học sinh trình bày, thảo luận, chữa bài xong, các em ghim sản phẩm học tập vào hộp thoại của lớp học, để làm sản phẩm học tập chung và khi cần có thể mở lại để làm tài liệu tham khảo. Đồng thời, cô giáo cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của học sinh trong từng sản phẩm học tập

Có một phương pháp dạy học mà theo tôi là khá hiệu quả với dạy học trực tuyến, đó là dạy học theo mô hình Lớp học đảo ngược. Với một số bài học, tôi lựa chọn và hướng dẫn học sinh tự học ở nhà bằng phần mềm OLM. Ở trên lớp học MS Teams, tôi sẽ tổ chức cho học sinh thảo luận, trình bày các nội dung đã đọc, đã xem, thảo luận và làm việc nhóm.

Trên cơ sở đó, giáo viên đánh giá thái độ học tập của học sinh, có thêm câu hỏi hoặc hoạt động để khắc sâu, củng cố kiến thức, kết luận các vấn đề chính của bài dạy. Tôi cũng có thể yêu cầu học sinh chụp ảnh phần ghi chép tự học để kiểm tra tính tự giác học tập của các em khi áp dụng mô hình này, cô giáo Hải Quỳ chia sẻ.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều trình bày tham luận tại hội thảo

Cô Nguyễn Nguyệt Huệ, giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên) cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, trường THPT Nguyễn Gia Thiều đưa ra một số giải pháp như: Công nghệ để dạy học; Chuẩn bị chu đáo trước khi dạy học; Đổi mới phương pháp dạy học, bám sát hướng dẫn giảm tải nội dung dạy học.

Khi soạn bài, giáo viên cần xoáy vào các vấn đề cần lưu tâm, trình bày từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, đưa vào ví dụ minh họa để người đọc dễ tiếp thu; Khi giảng bài buộc buộc học sinh phải tương tác trực tuyến, tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm.

Trong một Team có chức năng chia nhóm, học sinh có thể vào nhiều nhóm tìm hiểu kiến thức theo định hướng của giáo viên, sau đó vào kênh chung để thảo luận. Trên Team có nhóm giúp cho giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các kĩ thuật dạy học theo nhóm vào để giảng dạy

Chú trọng chuẩn bị để "chắc thắng"

Để chuyển từ bài giảng trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho rằng, cần 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (trước khi kết nối trực tiếp): Giao nhiệm vụ trên các công cụ trực tuyến; Giai đoạn 2 (kết nối trực tiếp): Báo cáo, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn 1 và hình thành kiến thức, kĩ năng; Giai đoạn 3 (sau khi kết nối trực tiếp) là vận dụng.

Một tham luận tại hội thảo

Với cách này, giáo viên có thể để học sinh tự thực hiện một số hoạt động tại nhà với thời gian linh hoạt, điều này sẽ giúp giảm tiếp xúc trực tuyến trực tiếp với giáo viên qua máy tính, điện thoại. Muốn vậy, giáo viên cần chọn lựa các nội dung kiến thức, năng lực nào của từng bài học để thiết kế: các nhiệm vụ học tập nào giao về nhà trước và sau giờ học; Nhiệm vụ nào để báo cáo, thảo luận trên lớp.

Cũng theo cô Hương, trong quá trình dạy, với nhóm bài học hình thành kiến thức mới có 2 thể loại: Bài có nội dung đơn giản được giảm tải nhiều; Bài có nội dung quan trọng, không bỏ nội dung nào, nhiều kiến thức cốt lỗi liên quan đến những bài học khác của chương trình. Trong từng bài học cụ thể, giáo viên cần có các cách chuyển đổi linh hoạt.

Với bài đơn giản thì sẽ cho học sinh lĩnh hội từ sách giáo khoa và các tư liệu khi giáo viên dạy trên lớp; Với bài nội dung quan trọng thì giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ học tập ở nhà và nội dung dạy kiến thức khó hơn ở trên lớp. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cho học sinh làm việc nhóm, thảo luận, báo cáo, hoạt động và luyện tập, vận dụng giao bài về nhà...

Khi thiết kế các nhiệm vụ học tập ở nhà cho học sinh, ngoài nguồn tư liệu SGK, tôi sử dụng các tranh, hình, video clip trên internet hoặc video do chính mình quay bằng công cụ dạy học trực tuyến, cô Hương cho biết.

Cô Hương cũng bật mí, với các hoạt động trên lớp, có những hoạt động không thể thực hiện được trong môi trường trực tuyến như thực hành, thí nghiệm. Vì thế, cô Hương thường thay thế bằng hình thức khác như thí nghiệm ảo, tuỳ đối tượng, có thể chọn lọc các hình thức thảo luận nhóm, báo cáo phù hợp