Số liệu thống kê ngộ độc thực phẩm năm 2023

[BNP] - “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 được triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 trên địa bàn tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt, đồng loạt từ tỉnh đến cơ sở, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản cho người dân trong việc phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại Công ty TNHH Life Bridge Việt Nam - chi nhánh Hà Nội cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Seojin Auto.

Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, MTTQ tỉnh, các đoàn thể và các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được thực hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, tuyến tỉnh thành lập 03 đoàn, tuyến huyện/thành phố thành lập 09 đoàn và tuyến xã thành lập 126 đoàn. Sau một tháng đồng loạt ra quân, các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 982 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kết quả, 111 cơ sở có vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở với tổng số tiền 30 triệu đồng. đã lấy 23 mẫu để kiểm nghiệm, trong đó 12 mẫu được gửi xét nghiệm tại labo, 11 mẫu xét nghiệm nhanh; kết quả 23 mẫu cho kết quả đạt chỉ tiêu theo quy định. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục từ những vi phạm nhỏ nhất, nhằm giúp các cơ sở thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra được gắn liền với việc tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo Luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau và thịt được sử dụng là các sản phẩm chính hàng ngày giúp người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Nhận thức, ý thức thực hành của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Kiểm tra tại bếp ăn tập thể của Công ty Seojin Auto do Công ty TNHH Life Bridge – Việt Nam chi nhánh Hà Nội cung cấp suất ăn với hơn 6000 suất ăn/4 ca/ngày, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế khu vực sản xuất và kiểm tra về hồ sơ hành chính, pháp lý và các điều kiện ATTP như: Điều kiện vệ sinh đối với cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước... Đoàn kiểm tra ghi nhận doanh nghiệp đảm bảo về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, quy trình sản xuất, chế biến phù hợp; tuy nhiên việc bảo quản thức ăn đã sơ chế chưa đúng phương pháp. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp tiếp tục duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, hướng dẫn sắp xếp lại khu vực chế biến, cách bảo quản thức ăn đã sơ chế đảm bảo các điều kiện về ATTP.

Cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông về chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm được triển khai đa dạng về hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến xã, thôn; mạng xã hội; tuyên truyền trực quan… tạo nên đợt truyền thông rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tác động tích cực nâng cao nhận thức người dân.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm [ATTP] tỉnh đã phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền lưu động hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP tại 8 huyện, thành phố với khoảng 1.000 người tham gia. Các sở, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người dân. Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tuyên truyền hàng chục tin, bài, phóng sự, phim tài liệu về ATTP; tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh huyện 289 lượt, tiếp âm trên Đài truyền thanh xã gần 1.800 lượt. Ban Quản lý ATTP tỉnh cũng đăng tải hơn 22.000 tin, bài qua Fanpage “Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn” và qua Zalo Official “Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh”; in, cấp phát 7.400 tranh, áp phích, poster, tờ rơi; cấp phát, treo 240 băngzôn tuyên truyền tại các trục đường chính trên địa bàn tỉnh… Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo thành nếp văn hóa, đảm bảo sức khỏe nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh cho biết, Tháng hành động vì ATTP năm 2022 được triển khai trong thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa hoạt động trở lại sau thời gian dài phải đóng cửa do dịch Covid-19 nên việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP còn hạn chế; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa tự giác chấp hành các quy định về ATTP… Song với quyết tâm để Tháng hành động vì ATTP thực sự là điểm nhấn trong năm, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, MTTQ tỉnh, các đoàn thể và các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Kết quả thực hiện được trong Tháng hành động đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức về vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị xã hội về công tác ATTP, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và ý thức người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Bắc Ninh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cũng như các sự cố về ATTP trên địa bàn.     

ATTP có tầm quan trọng đặc biệt, là một nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, ý thức người dân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn là nhân tố quyết định trong đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Ngoài số cơ sở được kiểm tra, hướng dẫn, các cơ sở khác cần chấp hành tốt các quy định về ATTP và mỗi người dân cần có kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái, chung tay cùng ngành chức năng phòng ngừa ngộ độc thực phẩm hiệu quả, bảo vệ tốt nhất sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề