So sánh cộng sản và phát xít

Tháng 10-1922, chính quyền độc tài phát-xít, do B.Mútxôlini đứng đầu, được thiết lập ở I-ta-li-a. Tháng 9-1931, đế quốc Nhật đưa quân vào chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Bắc Trung Quốc, lập ra nước “Mãn Châu độc lập”, nhưng thực chất là bù nhìn, làm tay sai cho Nhật...

Tháng 10-1922, chính quyền độc tài phát-xít, do B.Mútxôlini đứng đầu, được thiết lập ở I-ta-li-a. Tháng 9-1931, đế quốc Nhật đưa quân vào chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Bắc Trung Quốc, lập ra nước “Mãn Châu độc lập”, nhưng thực chất là bù nhìn, làm tay sai cho Nhật. Để khỏi bị ràng buộc, Nhật tuyên bố rút khỏi Hội quốc liên và ngang nhiên tăng cường xâm lược Trung Quốc. Một lò lửa chiến tranh xuất hiện ngay ở vùng Viễn Đông. Ngày 30-1-1933, A. Hitler, trùm phát-xít của Đảng Quốc xã, lên cầm quyền ở Đức. Phát-xít Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường thế giới và tiêu diệt Liên Xô. Lò lửa chiến tranh thứ hai hình thành ngay tại trung tâm châu Âu.

Do ảnh hưởng của các tập đoàn phản động kêu gọi chính phủ “cách biệt” nước Mỹ khỏi các mâu thuẫn của châu Âu [thực chất Mỹ không muốn chống lại sự xâm lược của Đức], từ năm 1933-1937, Mỹ thông qua các đạo luật “Trung lập”. Các đạo luật này cấm bán vũ khí cho các nước tham chiến, dù đó là nước đi xâm lược hay bị xâm lược. “Chủ nghĩa biệt lập” trong chính sách đối ngoại của Mỹ thực chất là ủng hộ những kẻ đi xâm lược và tạo điều kiện cho sự bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong thực tế, đế quốc Mỹ khuyến khích các nước phát-xít đánh Anh, Pháp, vừa khuyến khích đánh Liên Xô. Mục đích của Mỹ là làm cho các nước đều suy yếu để Mỹ trở thành nước mạnh nhất thế giới, làm bá chủ toàn cầu.

Đế quốc Anh, cũng như đế quốc Pháp nuôi, ý đồ gạt mũi nhọn chiến tranh do chủ nghĩa phát-xít [CNPX] gây ra nhằm vào Liên Xô. Chính sách của Anh trong 10 năm trước chiến tranh là chính sách “không can thiệp”. Đó là sự không can thiệp vào việc xâm lược, nhưng thực chất là khuyến khích sự xâm lược của Đức, I-ta-li-a, Nhật. Chính sách đó thể hiện mong muốn của Anh làm cho Liên Xô bị suy yếu và phe phát-xít mâu thuẫn với nhau.

Trước bối cảnh quốc tế ngày càng căng thẳng, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc ngày càng gay gắt, Quốc tế cộng sản [QTCS] đã họp nhiều lần để nhận định tình hình thế giới, thảo luận về đường lối, chủ trương, biện pháp chống lại sự bành trướng của CNPX và nguy cơ chiến tranh.

Đại hội IV QTCS, họp từ ngày 5-11 đến 5-12-1922, thông qua “Đề cương về chiến thuật của QTCS” đã đánh giá về CNPX quốc tế: “Nguy cơ CNPX có ở nhiều nước: ở Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, ở hầu như tất cả các nước vùng Bancăng, Ba Lan, Đức, áo, Mỹ và thậm chí ở các nước như Na Uy. ở hình thức này hay hình thức khác, khả năng CNPX không loại trừ ở những nước như Pháp và Anh... Đối với giai cấp tư sản [GCTS], các biện pháp hợp pháp trấn áp chưa đủ. Vì vậy, ở khắp nơi GCTS đã tiến tới thành lập bạch vệ đặc biệt để chống lại khát vọng cách mạng của giai cấp vô sản [GCVS] và để tăng cường đàn áp bất kỳ ý đồ nào của giai cấp công nhân [GCCN] cải thiện điều kiện của mình”.

Đại hội đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Đảng Cộng sản [ĐCS] “là cần phải lãnh đạo GCCN trong cuộc đấu tranh chống CNPX quốc tế, kiên quyết thực hiện chiến thuật mặt trận thống nhất và nhất định phải tiến tới các phương pháp tổ chức bí mật”.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành [BCH] QTCS họp tháng 3, 4-1931, sau khi phân tích tình hình thế giới, đã xác định nhiệm vụ chính của các ĐCS là “phải giành được phần lớn GCCN như là điều kiện cần thiết để chiến thắng GCTS và chuẩn bị cho GCCN tiến tới những cuộc chiến đấu quyết liệt vì chuyên chính vô sản”.

Tháng 8-1932, Hội nghị quốc tế chống chiến tranh chủ yếu được những người cộng sản tổ chức tại Am-xtéc-đam [Hà Lan] đã kêu gọi tất cả các dân tộc ngăn chặn nguy cơ cuộc chiến tranh đế quốc mới, ngăn chặn các nước đế quốc tiến công Liên Xô.

Để hợp tác với Quốc tế công nhân XHCN [tổ chức thừa kế Quốc tế II] và các đảng XHCN trong cuộc đấu tranh chống phát-xít, theo sáng kiến của những người cộng sản, tháng 6 - 1933 đã diễn ra Hội nghị công nhân châu Âu chống CNPX tại hội trường Plây-en ở Paris. Hội nghị đại diện cho hơn 3 triệu người lao động châu Âu, những người cộng sản, một phần công nhân xã hội dân chủ và trí thức tiến bộ chống phát-xít. Hội nghị đề ra chương trình rộng rãi của cuộc đấu tranh chống phát-xít và chiến tranh đế quốc, bảo vệ quyền lợi dân chủ và yêu cầu kinh tế của nhân dân lao động. Tư tưởng chính của Hội nghị là thành lập mặt trận chiến đấu thống nhất tất cả những người chống phát-xít không phân biệt đảng phái, nghiệp đoàn và tôn giáo, hợp tác với nhau trong cuộc đấu tranh lật đổ CNPX và ngăn chặn chiến tranh đế quốc mới. Tại Hội nghị, đã thành lập ủy ban trung tâm chống phát-xít.

Tháng 8-1933, ủy ban trung tâm chống phát-xít và ủy ban toàn thế giới đấu tranh vì hoà bình [được thành lập tại Hội nghị Am-xtéc-đam năm 1932] đã thống nhất thành ủy ban thế giới chống chiến tranh và CNPX. Đó chính là phong trào chống phát-xít nổi tiếng với tên gọi Phong trào Am-xtéc-đam-Plây-en. Phong trào này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tố cáo chính sách đối nội, đối ngoại của phát-xít Đức, động viên nhân dân lao động Âu châu đấu tranh chống phát-xít , đoàn kết và đưa GCVS xích lại gần các lực lượng chống phát-xít. Hoạt động của phong trào này đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Cùng với những hoạt động sôi nổi trên đất Pháp hướng tới Việt Nam bị đàn áp, khủng bố sau phong trào cách mạng 1930-1931, ĐCS Pháp đã cử những chiến sĩ ưu tú của mình đến tận nơi để khích lệ phong trào và thu thập những tư liệu sống cho công tác tuyên truyền. Tháng 8 - 1933, Pôn Vaiăng Cutuyarie, ủy viên BCHĐCS Pháp, dẫn đầu đoàn đại biểu của Phong trào Am-xtéc-đam – Plây-en trên đường sang Thượng Hải dự Hội nghị chống chiến tranh, đã ghé qua Sài Gòn [từ ngày 8 đến 18-8-1933] và tổ chức một cuộc mít tinh lớn tố cáo chính phủ thực dân, ủng hộ những người cách mạng Đông Dương

Thực hiện chủ trương của QTCS, các ĐCS đã tích cực đấu tranh nhằm ngăn chặn chiến tranh đế quốc. ĐCS Pháp đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động, tiến hành đường lối thành lập Mặt trận công nhân thống nhất. Tháng 6-1934, Đảng Xã hội Pháp đứng đầu là L. Blum ký với ĐCS Pháp Công ước thống nhất các hành động chống CNPX, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ. Ngày 24-10-1934, ĐCS Pháp đưa ra khẩu hiệu thành lập Mặt trận nhân dân, tập hợp mọi lực lượng xung quanh GCCN và đến giữa năm 1935, thì Mặt trận nhân dân ra đời nhằm giáng trả sự phản động của GCTS, CNPX và bảo vệ quyền lợi của quần chúng.

ĐCS Tây Ban Nha, từ năm 1933, đã đề ra khẩu hiệu mặt trận chống phát-xít. Đường lối mặt trận vô sản thống nhất với nội dung chống phát-xít đã tạo điều kiện cho ĐCS đạt được sự thống nhất về hành động không chỉ với những người xã hội và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, mà cả với những lực lượng cánh tả cộng hoà. Mùa Hè năm 1935, ĐCS Tây Ban Nha đã đạt được kết quả trong cuộc đấu tranh thành lập Mặt trận nhân dân.

Cũng như các ĐCS khác, ĐCS I-ta-li-a đã thực hiện chính sách mặt trận công nhân thống nhất chống phát-xít. Trong cuộc đấu tranh chống phát-xít, những người cộng sản và những người XHCN đã đạt được mối quan hệ chặt chẽ. Tháng 8-1934, đã thống nhất hành động giữa những người cộng sản và những người XHCN. Hiệp ước xác định mục đích chung của họ là đấu tranh lật đổ CNPX, vì hoà bình và tự do, cải thiện điều kiện sống cho những người lao động. Hiệp ước trở thành chương trình chiến đấu của những người chống phát-xít ở ngoài nước cũng như ở trong nước.

Đại hội VII QTCS, họp từ ngày 25-7 đến 21-8-1935, đã tập trung thảo luận những vấn đề đấu tranh vì hoà bình, chống nguy cơ chiến tranh thế giới mới, lên án sự can thiệp chống Liên Xô. Hai văn kiện quan trọng trong số sáu báo cáo tại Đại hội về CNPX và nhiệm vụ chống CNPX là báo cáo của G.Đimitơrốp: “Sự tấn công của CNPX và những nhiệm vụ của QTCS trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất giai cấp chủ nghĩa chống CNPX” và báo cáo của P.Tô-li-át-ti: “Sự chuẩn bị chiến tranh đế quốc và những nhiệm vụ của QTCS”.

Đại hội xác định Mặt trận công nhân thống nhất là lực lượng đi đầu, là trung tâm đoàn kết mọi tầng lớp chống phát-xít. Thành công của Mặt trận công nhân thống nhất trên trường quốc tế, hay trong từng nước, trước hết phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các ĐCS và các đảng XHCN.

Khẩu hiệu trung tâm của các ĐCS phải là: “Đấu tranh vì hoà bình”.

Đối với các thuộc địa và nửa thuộc địa, Đại hội chỉ ra rằng bước đầu tiên của cách mạng tất yếu là giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc đấu tranh quyết liệt chống bọn đế quốc áp bức. Nghị quyết của Đại hội khẳng định những nhiệm vụ chính của các ĐCS ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là đấu tranh “chống sự bóc lột gia tăng của đế quốc, chống sự nô dịch hà khắc, đánh đuổi bọn đế quốc, vì độc lập đất nước”. Tư tưởng trung tâm của Đại hội về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là thành lập mặt trận thống nhất chống đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước phụ thuộc như những hình thức đoàn kết tất cả các lực lượng giải phóng dân tộc. Đánh giá ý nghĩa lớn lao của việc đoàn kết tất cả các lực lượng cách mạng trên thế giới, Đại hội đã bắt buộc các ĐCS phải “tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa”.

Khác với cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I, ngọn lửa Chiến tranh thế giới lần thứ II được nhen nhóm ngay từ giữa những năm 30 của thế kỷ XX.

Ngày 1-9-1939, Đức tấn công Ba Lan, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ngày 11-11-1939, BCHQTCS ra Lời kêu gọi, đánh giá tình hình quốc tế, tính chất cuộc chiến tranh và đề ra nhiệm vụ của các ĐCS trong điều kiện chiến tranh đã bùng nổ.

Ngày 22-6-1941, Ban Bí thư BCHQTCS họp bàn về nhiệm vụ của các ĐCS khi Đức đã tấn công Liên Xô; về sự cần thiết phải cải tổ toàn bộ hoạt động của bộ máy BCHQTCS; đồng thời gửi thư cho các ĐCS, trong đó nêu rõ Đức bội ước tiến công Liên Xô là quả đấm không chỉ chống lại nước XHCN, mà còn chống lại nền độc lập và tự do của tất cả các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, việc bảo vệ nhân dân Xô viết lúc này là bảo vệ tất cả các dân tộc bị Đức nô dịch và cũng là bảo vệ các dân tộc khác đang bị CNPX đe doạ.

BCHQTCS chỉ rõ đối với ĐCS Anh và các ĐCS khác hợp tác với Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống phát-xít Đức phải thực hiện nhiệm vụ: bảo vệ nhân dân mình khỏi mối đe doạ của phát-xít Đức, ủng hộ nhân dân Xô viết trong cuộc chiến tranh chính nghĩa, tiến hành cuộc đấu tranh chống tất cả những kẻ nào mang mặt nạ chủ nghĩa hoà bình, chủ nghĩa biệt lập giúp đỡ phát-xít Đức. BCHQTCS chỉ đạo những người cộng sản tất cả các nước đang đấu tranh chống CNPX, hãy phát triển phong trào quần chúng dưới khẩu hiệu thành lập mặt trận quốc tế thống nhất đấu tranh chống phát-xít, bảo vệ tất cả các dân tộc bị CNPX nô dịch.

Các ĐCS ở các nước đang đấu tranh chống phát-xít Đức, phải ủng hộ chính phủ nước mình phù hợp với quyền lợi dân tộc mình, đó cũng là sự giúp đỡ thực sự Liên Xô. Tuy nhiên, các ĐCS phải giữ lập trường độc lập của mình.

Ở các nước bị phát-xít Đức chiếm đóng, QTCS chỉ ra nhiệm vụ của các ĐCS là phải phát triển cuộc đấu tranh giải phóng chống bọn xâm lược để khôi phục độc lập dân tộc, bảo vệ quyền lợi sống còn của những người lao động. Các ĐCS cần phải thành lập Mặt trận dân tộc trong từng nước, mặt trận đó đoàn kết tất cả các lực lượng chống phát-xít không phụ thuộc quan điểm chính trị. Chỉ có một mặt trận như thế mới có thể tổ chức tất cả các tầng lớp nhân dân hoạt động tích cực chống phát-xít. Những người cộng sản ở các nước bị chiếm đóng cần phải gắn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng với phát triển phong trào du kích hoạt động trực tiếp phá hoại hậu phương của quân đội phát-xít để ngăn chặn việc cung cấp phương tiện, vũ khí, vật chất cho chiến tranh.

Các ĐCS ở các nước phát-xít phải đấu tranh cho CNPX thất bại, lật đổ chế độ phát-xít. Điều đó đáp ứng được quyền lợi không chỉ của nhân dân các nước trong khối chống phát-xít, mà còn đáp ứng quyền lợi căn bản của dân tộc Đức và các dân tộc khác trong khối phát-xít.

Việc đề ra nhiệm vụ đối với các nước trung lập có khác hơn. Đối với ĐCS Thụy Điển, BCHQTCS chỉ rõ việc bảo vệ Liên Xô không chỉ là bảo vệ tất cả các dân tộc, các nước bị chiếm đóng, mà còn là bảo vệ nhân dân Thuỵ Điển đang bị phát-xít Đức đe doạ nô dịch.

QTCS thường xuyên giúp đỡ các ĐCS ở các nước bị phát-xít chiếm đóng phát triển phong trào kháng chiến: xác định các hướng chính của đường lối, chính sách, đề ra chương trình đoàn kết các lực lượng và các tổ chức chống phát-xít, giúp đỡ cán bộ, vật liệu, phương tiện tuyên truyền. QTCS đặc biệt chú ý lãnh đạo các ĐCS Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Nam tư, Trung Quốc phù hợp với điều kiện và diễn biến tình hình diễn ra ở các nước đó.

Từ mùa Xuân năm 1943, Đoàn Chủ tịch BCHQTCS đặt vấn đề giải thể QTCS. Sau một thời gian thảo luận dân chủ, công khai, ngày 15-5-1943, Đoàn Chủ tịch BCHQTCS đã thông qua “Quyết định của Đoàn Chủ tịch BCHQTCS về việc giải thể QTCS”. Trong lúc chiến tranh đang lan rộng, bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, QTCS đã đi tới quyết định quan trọng như vậy vì: Trước khi gây chiến tranh, bọn phát-xít sử dụng “Công ước chống QTCS” như một vũ khí chuẩn bị chiến tranh. Trong điều kiện chiến tranh, QTCS không thể trực tiếp chỉ đạo và giúp đỡ các ĐCS như trước nữa, không có khả năng tổ chức đại hội toàn thế giới. Trong khi đó, bọn phản động đã sử dụng sự tồn tại của QTCS để vu khống chống Liên Xô và các ĐCS. Đặc biệt, các nhóm tư sản ở các nước là thành viên của liên minh phát-xít ra sức tuyên truyền những điều lừa dối về “mối đe doạ cộng sản”, rằng Mát-xcơ-va rắp tâm can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, rằng các ĐCS hoạt động theo mệnh lệnh từ bên ngoài, đại diện cho những “quyền lợi xa lạ”. Những kẻ đối lập chủ nghĩa cộng sản thì lợi dụng những điều vu khống để loại bỏ ảnh hưởng của các ĐCS và tách rời ĐCS ra khỏi quần chúng nhân dân. Trong khi nhiệm vụ trung tâm của GCVS thế giới lúc bấy giờ là đánh đổ CNPX, ủng hộ Liên Xô giành thắng lợi, mà “QTCS còn thì Chính phủ Anh-Mỹ vin vào cớ là QTCS có thể nhân khi Anh-Mỹ mở mặt trận thứ hai đánh vào Âu lục mà hạ lệnh cho thợ thuyền Anh-Mỹ làm nội chiến giành chính quyền; rồi cụ thể họ trì hoãn mở mặt trận thứ hai. Mặt trận thứ hai chậm mở ngày nào có hại cho Liên Xô, nghĩa là có hại cho cách mạng thế giới ngày ấy”. Việc giải thể QTCS chứng tỏ rằng GCVS thế giới hết sức nhân nhượng giới tư sản Anh-Mỹ để thúc đẩy họ mở mặt trận thứ hai.

Việc QTCS tự giải thể đã được Đảng ta đánh giá “là một hành động hết sức khôn khéo và có lợi cho cách mạng” và khẳng định: “QTCS giải tán, nhưng cố nhiên các ĐCS vẫn tồn tại, chủ nghĩa cộng sản vẫn vững vàng, GCVS thế giới vẫn có nhiều cách để thống nhất ý chí và hành động đặng làm tròn nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng này và tiến lên giai đoạn cao hơn”.

Như vậy, vì mục tiêu có lợi cho cách mạng thế giới, củng cố thêm mặt trận dân chủ quốc tế chống phát-xít xâm lược, thúc đẩy mở mặt trận thứ hai giúp vào việc cứu giúp loài người mau khỏi hoạ phát-xít và chiến tranh, ủng hộ cho Liên Xô mau chiến thắng, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho cách mạng thế giới sau này, QTCS đã nhân nhượng và tự giải thể.

Để làm tròn trách nhiệm của mình, trong quyết định giải thể, QTCS đã đề ra đường lối cho phong trào cách mạng thế giới nhằm tiêu diệt CNPX, kết thúc chiến tranh như sau:

1-ở những nước là khối của phát-xít, thì nhiệm vụ chính của GCCN và nhân dân là làm cho khối phát-xít thất bại bằng cách phá hoại từ bên trong cỗ máy chiến tranh của phát-xít, lật đổ những chính phủ tham gia chiến tranh.

2-ở những nước thuộc liên minh chống phát-xít, nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân lao động là ủng hộ chính phủ nước mình tăng cường sức mạnh quân sự để nhanh chóng tiêu diệt khối phát-xít và bảo đảm tình hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở bình đẳng. Trong số các nước này, có nước bị phát-xít chiếm đóng thì nhiệm vụ chính của GCCN và nhân dân lao động là phát triển cuộc đấu tranh vũ trang thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

3-Đoàn Chủ tịch BCHQTCS kêu gọi tất cả những người ủng hộ QTCS hãy ủng hộ toàn diện và tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh giải phóng các dân tộc và các nước liên minh chống phát-xít để nhanh chóng tiêu diệt kẻ thù không đội trời chung của nhân dân lao động-CNPX Đức và những liên minh tay sai của nó.

Các sự kiện diễn ra sau đó đã chứng minh sự đúng đắn và kịp thời của Quyết định giải thể QTCS. Quyết định này đã thoả mãn yêu cầu của đồng minh Anh-Mỹ. Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 6-6-1944, Anh-Mỹ đã mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu. Quân Mỹ, Anh đổ bộ lên Normandie-vùng bờ biển phía Bắc nước Pháp. Tuy quá muộn và Mỹ, Anh đều có những tính toán riêng, nhưng việc mở Mặt trận thứ hai đã có tác động nhất định đến việc thúc đẩy chiến tranh nhanh chóng kết thúc ở châu Âu.

Chủ Đề