Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là gì

Thị trường chứng khoán sụp đổ - Nỗi ám ảnh của giới đầu tư tài chính

VTV.vn - Có một hiện tượng mà mỗi khi nhắc đến nó luôn khiến giới đầu tư ám ảnh hơn bất cứ điều gì, đó là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.

Sở dĩ như vậy không chỉ vì nó đồng nghĩa với thua lỗ nặng nề, mà còn vì không ai biết được khi nào thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ hay thậm chí sụp đổ chính xác là gì. Không có một định nghĩa chính thức nào cho hiện tượng này.

Dù thông thường, thị trường chứng khoán được cho là sụp đổ khi sụt giảm ít nhất là 10% trong một phiên giao dịch, nhưng theo ông Terry Marsh, Giáo sư danh dự của Trường kinh doanh Haas thuộc Đại học California Berkeley, nó cũng có thể là bất cứ khi nào "đột nhiên có quá nhiều biến động khiến bạn tự hỏi liệu ngày mai có phải là ngày tận thế hay không".

Dưới đây là 3 trong số các vụ sụp đổ thị trường chứng khoán đáng chú ý nhất trong lịch sử ngành tài chính. Dù diễn ra tại Phố Wall, nhưng ảnh hưởng của chúng đã vượt khỏi biên giới nước Mỹ.

Cơn hoảng loạn năm 1907

Một nhóm các nhà đầu tư đã vay tiền từ các ngân hàng để mua vét cổ phiếu của công ty United Copper Company (UCC). "Bong bóng" cổ phiếu của UCC sau đó đã vỡ do hoạt động đầu cơ, kéo theo sự trượt dốc của các công ty khác, khiến giá cổ phiếu của các công ty này mất 15 - 20%. Niềm tin đối với ngân hàng giảm sút, người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là gì

Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: Getty)

Nhiều ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán sụp đổ. Nhiều lãnh đạo cấp cao của các thể chế tài chính còn trụ lại thì từ chức hoặc bị sa thải. Doanh nghiệp không tiếp cận được các khoản vay của ngân hàng và rơi vào cảnh phá sản.

Bà Carola Frydman, Giáo sư tài chính của Trường quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, cho biết bài học rút ra từ sự kiện năm 1907 là khi có hơn một thể chế tài chính gặp rắc rối, thì phải có ai đó đứng ra "bơm" thanh khoản vào hệ thống tài chính.

Ở thời điểm đó, ngân hàng J.P. Morgan đã đưa ra một gói giải cứu mà nhờ đó trật tự trên các sàn giao dịch cuối cùng cũng được lập lại. Sau sự kiện này, nhận thấy tầm quan trọng của thị trường tài chính, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cục Dự trữ Liên bang (FED) để xây dựng chính sách tiền tệ và rót vốn khẩn cấp khi xảy ra khủng hoảng.

Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929

Thị trường chứng khoán lúc đó đang trong xu hướng đầu cơ kéo dài gần 10 năm. Tình trạng sản xuất quá mức ở các nhà máy và tâm lý phấn chấn đã khiến người tiêu dùng vay nợ quá nhiều, nhưng vẫn tin rằng các công cụ tài chính sẽ không ngừng gia tăng. Cuối cùng, khi nhận thấy thị trường đang phát triển quá nóng, các nhà đầu tư lão luyện đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu.

Chứng khoán giảm giá lần đầu vào ngày 24/10 năm đó, trước khi tăng trở lại trong chốc lát để rồi rơi tự do vào ngày 28 - 29/10. Chỉ số công nghiệp Dow Jones những ngày đó giảm đến 25%. Và cuối cùng, thị trường chứng khoán "bốc hơi" 85% giá trị.

Vụ sụp đổ năm 1929 dù không phải là nguyên nhân gây ra cuộc Đại suy thoái sau đó, nhưng gióng lên hồi chuông cảnh báo những vấn đề kinh tế lớn  đang tiềm ẩn và làm chúng trở nên trầm trọng hơn. Việc ồ ạt rút tiền do tâm lý lo sợ đã đẩy nhiều ngân hàng vào cảnh phá sản, kéo theo sau đó là các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. 25% người dân Mỹ bị mất việc làm, GDP sụt giảm 30%. Thậm chí, ảnh hưởng kinh tế từ sự kiện này còn lan sang các nước khác, tác động đặc biệt nghiêm trọng đến châu Âu.

Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929 đã dẫn đến sự ra đời của một loạt các cải cách và quy định mới, trong đó có Đạo luật Glass Steagall năm 1933, theo đó tách rời hoạt động ngân hàng bán lẻ với ngân hàng đầu tư, và dẫn đến sự thành lập của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).

Bên cạnh đó, Đạo luật Phục hồi công nghiệp quốc gia được thông qua nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và cạnh tranh công bằng. Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cũng được thành lập sau sự kiện này để giám sát thị trường chứng khoán và bảo vệ các nhà đầu tư trước những hành vi gian lận.

Vỡ bong bóng dot-com năm 2000

Vào những năm 1990, cùng với tác động mang tính cách mạng của Internet đối với đời sống và hoạt động kinh doanh, cổ phiếu của các công ty có hậu tố ".com" trong tên của mình đều bứt phá mạnh mẽ. Cổ phiếu của 12 công ty có giá trị vốn hóa thị trường cao đã tăng hơn 1.000%, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của nhà sản xuất chip Qualcomm khi tăng vọt đến hơn 2.500%.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là gì

Nhiều vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán đã để lại tổn thương suốt nhiều năm cho các nền kinh tế. (Ảnh minh họa: The Wall Street Journal)

Giới đầu tư miệt mài mua vào cổ phiếu của các công ty công nghệ tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) mà không biết rằng không phải công ty nào gắn với mạng lưới World Wide Web cũng có thể duy trì đà tăng trưởng của mình, hay thậm chí là có một kế hoạch kinh doanh khả dĩ.

Chính niềm tin thái quá này đã dẫn đến sự phát triển quá nóng và không bền vững của thị trường chứng khoán, khi giá của các mã cổ phiếu công nghệ tăng quá nhanh vượt xa giá trị thật của chúng. Và cuối cùng thì cũng đến lúc bong bóng vỡ. Đến tháng 10/2002, chỉ số công nghệ Nasdaq đã giảm hơn 75% so với mức đỉnh 5.048,62 điểm đạt được vào tháng 3/2000.

Hàng loạt các công ty ".com" như Pets.com, Toys.com, và WebVan.com phá sản, cùng với nhiều công ty Internet lớn nhỏ khác. Thậm chí cả những công ty công nghệ lớn cũng không tránh khỏi liên lụy.

Bong bóng dot-com vỡ đã phơi bày những điều đáng lẽ được giấu kín của nhiều công ty, như các sai phạm trong hoạt động kế toán. Chính vì thế, Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 ra đời nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trước các hành vi lừa đảo của doanh nghiệp.

Nhiều vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán đã để lại tổn thương suốt nhiều năm cho các nền kinh tế, dẫn đến những cải cách của chính phủ làm thay đổi luật chơi về sau. Trong khi một số vụ khác lại dù ảnh hưởng không nhiều đến niềm tin của giới đầu tư, nhưng cũng khiến họ cẩn trọng hơn trong các lựa chọn kênh đầu tư.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là gì

Nhà đầu tư F0 "đổ bộ" thị trường chứng khoán toàn cầu

VTV.vn - Kể từ khi COVID-19 bùng phát, cơn sốt nhà đầu tư nhỏ lẻ đã xuất hiện tại nhiều nước khi người dân sử dụng thời gian và tiền bạc rảnh rỗi, để tiến hành đầu tư chứng khoán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của  trên TV Online và VTVGo!

Từ khóa:thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán, giới đầu tư tài chính, Đầu tư tài chính, vỡ bong bóng dot-com, sự sụp đổ của Phố Wall, phố Wall, thị trường chứng khoán sụp đổ, hệ thống tài chính, nhà đầu tư

Video liên quan