Tác phẩm nghệ thuật đích thực là gì

nguyennhuhuy1971
Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai 2019 / Published in HOT POT

Nghệ phẩm: Vật-suy tưởng, về tính thường trực của thế giới

Tác giả: kts Nguyễn Anh Cường
[bài thuyết trình do kts Nguyễn Anh Cường thực hiện trong vai trò khách mời của dự án Thoái Ẩn, tại Đà Lạt, ngày 21/11/2019]

Giới thiệu

Nghệ phẩm: Vật-suy tưởng, về tính thường trực của thế giới*

Thoái ẩn, tiêu đề của dự án nghệ thuật và chương trình đề cập về sự lười, sự chủ động không-sản-xuất có một mâu thuẫn không dễ dung hòa. Có thể nào làm nghệ thuật mà không tạo ra sản phẩm ? Thể cách tồn tại của nghệ sĩ như là nghệ sĩ chẳng phải gắn liền với định nghĩa nghệ thuật như cách chuyển từ vô thể đến hữu thể [1] ? Nên chăng có thể xem cặp đối lập này như lời đề cho hành động suy ngẫm [2] về sự khác biệt / đồng dạng của tư-duy và tạo-tác, cũng là quan hệ giữa phi sản phẩm [tư duy] và nghệ phẩm [tạo tác] [3]. Điều này đáng xem xét trong bối cảnh xã hội tiêu thụ hiện tại. Hannah Arendt gọi tiến trình [đã thực hiện] này là sự toàn trị hóa của xã hội đại chúng. Ở đó, văn hóa và thông qua kết tinh của nó là tác phẩm nghệ thuật, do tính chất vật-hiện hữu trong cõi đời thông qua sản xuất- trở thành sản phẩm tiêu thụ, ở trong quan hệ thương mại, hoặc trở thành hình thức giải trí hoặc được xem là liệu pháp chữa trị [4]. Sự phổ biến và đại chúng hóa nghệ thuật không đồng nghĩa với sự giải phóng về tinh thần mà trái lại chỉ là minh chứng cho sự thống trị càng tinh vi của tư duy vật chất giá trị. Việc từ chối sản xuất [mà vẫn làm việc sáng tạo ?] có thể coi như hành động kháng cự bền vững ?

[1] nghĩa gốc của Art, đến từ chữ techne trong ngôn ngữ Hy Lạp, chỉ phương thức chuyển từ vô thể đến hữu thể [xem The origin of work of Art Heidegger]
[2] Heidegger ẩn dụ việc suy tưởng giống như lưu cư trên con đường mòn rừng thẳm, không cần lối ra cụ thể. [xem Holzwege Heidegger]
[3] Hannah Arendt coi tác phẩm là thought-thing, những vật-suy tưởng, tính chất vật-trong cõi sống, và suy tưởng của tác phẩm là điều kiện đồng chất và khác biệt của nó với tư duy [xem The Human Condition Hannah Arendt]
[4] Hannah Arendt nhắc lại quan niệm của Heidegger về thể điệu của tác phẩm nghệ thuật chính là sự khai mở về chân lý. Quan niệm này khác với suy nghĩ nghệ thuật như diễn đạt chủ quan cá nhân, bình dân hóa bởi cách đọc nghệ thuật bằng khoa tâm lý học. Theo đó người ta xem nghệ thuật như phương cách biểu lộ phi ngôn ngữ và cổ xúy cho phong trào dân chủ hóa công việc làm-nghệ thuật [xem The Human Condition Hannah Arendt], về xã hội đại chúng và sự tha hóa của Văn hóa trong công nghiệp giải trí, xem Dialectic of Enlightenment Theodor W.Adorno và Max Horkheimer

-

Thuyết trình 21/11/2019:

*Văn bản này được sử dụng để chuẩn bị cho một bài thuyết trình, có thể coi như một diễn giải chủ quan của người viết với giới hạn cá nhân trong từ vựng triết học.

Nghệ phẩm: Vật-suy tưởng, về tính thường trực của thế giới

Dễ thấy trong chủ đề của chương trình Thoái Ẩn, phần tham chiếu, giới thiệu, trích dẫn ít nhiều đều liên quan đến văn bản của Hannah Arendt. Trên tinh thần đó, khó có thể không bàn về tác phẩm Tình cảnh con người [The Human Condition, Hannah Arendt, 1958] [1] vì khả năng soi sáng của nó về sản xuất trong xã hội hiện đại, trong đó nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật có một phần quan trọng trong những điều kiện này.

Buổi nói chuyện sẽ như một diễn giải lại suy tư Arendt về điều kiện thời gian, không gian và chủ thể người, để kì cùng có thể tiếp cận khái niệm techne, nhằm giải thích trọn vẹn tiêu đề Nghệ phẩm: Vật-suy tưởng, về tính thường trực của thế giới.

Cấu trúc của suy tư này sẽ đi nhịp sau:

Bàn về không-thời gian Hy Lạp
Các dạng đời sống trong theo quan niệm Hy Lạp
Nhận định về xã hội tiêu thụ hiện đại từ hai dạng đời sống animal laborans và homo faber
Bàn luận về Tạo phẩm [sản phẩm của homo faber] và sự thường trực thế giới:
a. bàn về khái niệm techne
b. hình thức mimesis
c. Đoạn trích về ngôi đền Paestum trích trong tiểu luận Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật của Martin Heidegger.

Vậy có thể thấy, tiêu đề tự nó đã là con đường mà ta sẽ suy tư cùng nhau. Nghệ phẩm: Vật-suy tưởng, về tính thường trực của thế giới, tách rời ra sẽ thành các ý sau:

Nghệ phẩm-Vật suy tưởng
Tính thường trực
Thế giới

Ấy thế mà ta sẽ suy tư theo chiều ngược lại, có nghĩa là bắt đầu bằng việc lang thang trong cõi sống, các điều kiện có tính không gian, rồi xem xét tính thời gian và quan niệm thường trực, lúc đó mới mở ra câu chuyện hoạt động của sinh linh khả tử [con người] ở đó, cuối cùng sẽ đến với nghệ thuật như dạng tạo tác đặc biệt trong quan hệ với tại-thể mà thân phận của nó chính là bị ném-vào-thế giới sẽ phải thiết định cuộc đời của mình ra sao.

Để bắt đầu, ta quay lại với triết gia Hannah Arendt. Bà là triết gia người Đức gốc Do Thái, công dân Hoa Kỳ. Tuổi trẻ của Arendt ở giữa môi trường tinh hoa Đức đầu thế kỉ, học và trao đổi cùng Heidegger, Karl Jaspers, Walter Benjamin Là tri thức mang căn tính Do Thái, Hannah Arendt sống trong thời kì hỗn mang của lịch sử cựu lục địa và chứng kiến sự sụp đổ về đạo đức văn hóa tinh hoa châu u ở trong chủ nghĩa toàn trị Đức. Bà có thái độ phê phán khắc nghiệt về xã hội hiện đại và văn hóa khai sáng, trong điển hình của nó là nước Đức, kết tinh những tư tưởng sâu sắc và cả những suy tàn ở mức cực điểm. Hannah Arendt suy nghĩ về hai mặt của tiến trình khai sáng và đứng ở trong thời gian hiện đại mà nhận định. Băn khoăn của bà đi từ nhận định rằng những gì xảy ra trong hiện thực không còn có thể hiểu một cách căn cơ bằng các khái niệm triết học kinh điển. Trong đó tính hiện đại và tinh thần tiến bộ [mà chúng ta vẫn đang ở trong tính hiện đại đó] cũng đi kèm với sự hình thành của xã hội đại chúng tiềm ẩn sự tự hủy hoại thế giới, ở một thái cực dẫn đến chủ nghĩa toàn trị, thì thái cực kia chính là tư duy thực chứng cùng một hệ đạo đức dựa trên hành vi tiêu dùng.

Tư duy cùng với Arendt về thời đại hiện nay tức là suy nghĩ về những thiết chế tinh vi của hệ thống quy định sự tự do của mỗi cá nhân. Chỉ trong sự tất yếu thì tự do mới hiểu được một cách trọn vẹn: con người không thể tự do khi anh ta không biết mình bị quy định bởi tất yếu, vì hắn luôn có được tự do bằng cách cố gắng do dù không bao giờ hoàn toàn thoát ra được [Tình cảnh con người]

1.Không-thời gian Hy Lạp

Tựa một truyền thống, mỗi triết gia phương Tây đều tự tạo nên một gia phả tham chiếu Hy Lạp của riêng mình. Giữa Parmenide, Heraclite, Socrates, Platon, Aristote hay Hesiode, Sophocle, Eschyle, tư duy cổ Hy Lạp mênh mông phong phú và rất nhiều khác biệt. Trong truyền thống đó, việc viện dẫn phép màu Hy Lạp là hướng lại một tham chiếu có tính lí tưởng, một khung tư tưởng liên thời gian không gian, cũng là vì trong kinh nghiệm Hy Lạp về cái sơ nguyên hùng vĩ của thế giới ngôn lời logos còn nói trong chân lý [Heidegger]. Điều quan trọng của tham chiếu này vốn không phải là sự hoài cổ vô nghĩa mà là ở khả năng phản chiếu của nó về các câu hỏi của hiện tại.

Hãy xem xét cấu trúc không gian Hy Lạp như thế nào:

Tự nhiên: phusis, tự nhiên là cái hiện tồn vừa là cái-trở-thành [becoming] bên ngoài đời sống người. Phusis với người Hy Lạp là năng lượng xung lực tuần hoàn. Phusis tạo ra sự sinh sôi. phusis chính là kinh nghiệm căn cơ của Hy Lạp về hiện thể, nó có thể làm cây cối nảy mầm, hoa nở, sóng biển chuyển độngNguồn sinh lực vận động này hướng về bên trong chứ không hiện thực vì cái khác. Nếu hệ ngôn ngữ châu Âu nhấn mạnh tính sinh trưởng trong khái niệm natura [nat trong tiếng anh có chữ native] thì Hán ngữ lại nói trạng thái vì chính nó: tự-nhiên, tự mình. Trong Hy Ngữ, từ phusis vang lên như tồn tại ở dạng nguyên sơ, vừa là sinh trưởng phương diễn [nat-ura] vừa tự nhiên tự tại. Một ví dụ khác về tính sinh lực ở trong chữ nằm trong trạng thái viên mãn phương mở được gọi là enérgeia=> energy.

Nguyên nhân và mục đích nội tại của phusis độc lập với cái biết của con người: nó là. Nó tự-nhiên.

Nguồn sinh lực đó cũng thể hiện ở biểu hiện mạnh mẽ của tác thành tố thiên nhiên. Đặc trưng của nó là tính deinos, hiểu là sự kinh hãi. Trong sự lo lắng bồn chồn của con người trước tự nhiên [bồn chồn do ở bên ngoài tự nhiên và lo lắng vì ý thức về sự hữu hạn], ta còn thấy ẩn hiện sự dửng dưng của Tự-nhiên. Với Heraclite, phusis đóng kín và che dấu bản chất của nó với cái biết. Lão Tử có câu thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu : trời đất không có nhân tính, vạn vật cũng như chó rơm [đồ bỏ đi] [2]

Thế giới: Ở trong quan hệ với tự nhiên như thế, con người tạo ra thế giới bằng các vật tạo tác [artefact] để trấn an bằng sự ổn định. Sự ổn định nhất thời này đối nghịch với vận động vô thường lập lại bởi phusis.

Khái niệm thế giới không phải là toàn bộ thế giới mà chỉ môi trường vật chất xung quanh chủ thể người, khái niệm thế giới không thể tách khỏi khái niệm tinh thần [vì thế không có thế giới động vật]. Ngôn ngữ Hy Lạp có tính phân biệt đó, thế giới: oikouménê [gốc οἶκος: gia, gia đình, nhà] tức vùng lưu cư của con người.

Sinh đạo: zoeĐặc trưng của sinh đạo từng cá nhân là tuyến tính. Ở trong thời gian có khởi đầu [sinh] và kết thúc [diệt]. Người Hy Lạp cho là loài vật, cây cối ở trong vận động tuần hoàn của phusis, con người chỉ ở trong vận động tự nhiên này với tư cách giống loài, con người cá thể không nằm trong vận động đó. Tự ý thức về điều kiện thời tính của tồn tại khả tử cách gọi hoa mỹ của Paul Ricoeur, là khởi đầu cho suy tưởng về kiếp người trong tham chiếu với tự nhiên tuần hoàn bất tử.

Cấu trúc thời-tính :

Truyền thống triết học Hy Lạp đi ra từ nhận định về con người như tồn tại ý thức về sự khả tử, hữu hạn. Tồn tại này tự suy nghĩ về chính nó như hữu hạn và tự phóng chiếu tư duy về tính vĩnh hằng [rút ra sự tất yếu từ bất tất: ex contingente ad necessarium]. Hannah Arendt phân biệt 3 cách người Hy Lạp tư duy về thời tính:

Khả tử [Mortal]
Bất tử [Immortal]
Vĩnh hằng [Eternity]

Khả tử: đặc thù của riêng con người xét như cá nhân-người. Thiên nhiên không khả tử.
Bất tử: bất diệt, không có sự kết thúc, vận động không ngừng như thiên nhiên và thần linh.
Vĩnh hằng [bắt đầu từ Platon]: thế giới Ý Niệm, thế giới của eidos.

2/ Các dạng đời sống trong theo quan niệm Hy Lạp

Chính ý thức về sự hữu hạn dẫn đến sự sắp xếp và phân biệt với các hoạt động sống. Aristote phân biệt các đời sống [bios] sau:

hướng về vĩnh hằng: vita contemplativa [bios theôrètikos] là đời sống của triết gia, dành thời gian cho việc suy tưởng về cosmos hoàn hảo. Ở tư thế tĩnh lặng trong đối thoại giữa mình và chính mình. Trong dạng bios này, tư duy một khi hướng về chân lý không màng đến việc tạo ra bất kì thứ gì, thậm chí cả lời nói, kinh nghiệm về sự mặc khải vốn không thể diễn đạt được bằng ngôn từ Theo Heidegger, chữ theôrètikos đến từ theôría = thea+ora = diễn cảnh mà chân lý hiện ra + nhìn. Trong sự chuyển ngữ của khái niệm này sang tiếng latin, contemplativa, xuất hiện thành tố templum: khoảng không gian bị cắt ra khỏi phần lãnh thổ. Từ đó có thể nghĩ về đời sống chân lý, đời sống tu hành, là đời sống rời xa con người.

hướng về sự bất tử: vita activa bios politikon. Sự bất tử của cá thể người được đạt đến thông qua các hành động và ngôn lời trong không gian công cộng polis. Hành động và lời nói mở con đường hướng về sự bất tử trong kí ức của cộng đồng. Người Hy Lạp gọi không gian cộng đồng đó là polis. Đối lập với nó là không gian gia đình οἶκος. Tất cả những gì không xứng đáng với bios politikon hay bios theorikon bị gạt ra khỏi polis và đặt trong οἶκος. Không gian polis chiếm dụng phần lớn thời gian của công dân, nó đòi hỏi mọi người phải quyết định và tranh biện bằng lời và thể hiện bằng hành động. Aristote cho là con người tự do là zoon politikón, sinh vật sống trong polis. Là người [người và tự do là một] có nghĩa là thực hành [praxis] trong không gian công cộng.

hướng về việc kiến tạo một thế giới ổn định: thế giới được tạo ra như sự thường trực nhất định qua hành động tạo tác [poiesis, techne]. Hoạt động này do không thuộc hai dạng đời sống cao hơn như đã nói nên hạn định nằm ngoài không gian polis. Hannah Arendt gọi dạng đời sống này là homo faber.

hướng về sản xuất yếu phẩm, hoạt động xoay vòng của tiêu thụ nhằm duy trì sinh lý : lao động tạo ra thực phẩm mưu sinh. Đời sống của animal laborans sinh vật lao động. Đặc tính sản phẩm của lao động là nó không có sự tồn tại lâu dài và thường trực trên đời vì được tiêu thụ ngay sau đó. Trong các ngôn ngữ châu u, lao động bao giờ cũng là việc cực khổ [labor, arbeit, travail]. Nó gắn chặt mật thiết với sinh đạo [zoe] của cơ thể như những nhu cầu cơ bản của động vật người, nó nhắc người ta về sự phụ thuộc vào cái tất định của tự nhiên. Bản chất của lao động là nhịp điệu lặp lại và xoay vòng: lao động và tiêu thụ. Mặc dù tiến trình lao động được đối chiếu tương xứng với vận động nhịp nhàng của tự nhiên [ví dụ: trong nông nghiệp], sản phẩm của quá trình này là các nhu yếu phẩm, những thứ không có cái tồn tại thường tính trong đời sống vì sẽ bị tiêu thụ ngay. Người Hy Lạp biện minh cho sự cần thiết của chế độ nô lệ, những người làm công việc tạo ra nhu yếu phẩm, thứ nhất vì tính cần lao khổ ải của lao động, thứ hai vì sự khinh miệt tính nhất thời của sản phẩm được tạo ra từ lao động [3]

Trong mô hình này, hành động sản xuất/lao động mặc dù là thiết yếu cho sự tồn tại của xã hội nhưng lại không có vị trí trong polis. Trở thành công dân tự do trong polis có nghĩa là dành phần lớn thời gian cho những đời sống khác với sản xuất. Của cải tích lũy ở trong viễn tượng duy trì đời sống cơ học, do thế mà Max Weber gọi xã hội polis ở Athen là xã hội tiêu dùng vô sản: sản xuất ở trong xã hội Hy Lạp không ở trong viễn cảnh tích lũy mà nó chỉ hiểu như điều kiện cần thiết cơ sở cho dạng đời sống cao hơn. Tự do thoát ly khỏi mưu sinh chỉ trở thành tự do đích thực khi trải nghiệm trong sự va chạm với những người tự do ngang hàng khác qua lời nói và hành động.

3/ Nhận định về xã hội tiêu thụ hiện đại từ hai dạng đời sống animal laboranshomo faber

Đặc trưng của xã hội hiện đại là sự tôn vinh lao động. Lao động đưa đến tự do và nhận thức về bản thân. Sản xuất hiện đại kết hợp mô phỏng tương xứng với quy trình luân hồi của tự nhiên [mô hình animal laborans] và công cụ tân tiến đến từ tạo tác [homo faber]. Trong mô hình này, lao động và tạo tác bổ trợ và hòa lẫn vào nhau. Nó bứt lao động và tạo tác ra khỏi không gian gia đình oikos và vinh danh chúng như đạo đức. Một mặt, cơ giới hóa đã giải phóng con người khỏi lao động tay chân và mưu sinh, đưa con người ra khỏi quan hệ bạo lực cơ thể và quan hệ nô lệ [quan hệ cần lao] nhưng nó biến hoạt động còn lại tiêu thụ [trong cặp đôi sản xuất-tiêu thụ] trở thành điều kiện sống còn của quy trình này. thời gian nhàn rỗi [leisure] của animal laborans hoàn toàn dành cho tiêu thụ, và ta càng cho nó thêm nhiều thời gian, sự thèm muốn lại càng không thể thỏa mãn [Tình cảnh con người]. Mặt kia của nó chính là hội đại chúng. Con người trong xã hội số đông tưởng như đã thoát li gông cùm của lao động nặng nhọc, họ lại buộc phải tiêu thụ vật chất để vòng tròn sản xuất tiếp tục vận hành và tạo ra tăng trưởng. Ở trong mô hình Hy Lạp, sự thoát ly khỏi tất yếu mưu sinh được dành cho các hoạt động tinh thần và cộng đồng, thì tâm thức tiêu thụ-làm biến mất vật chất và đưa nó và vòng luân hồi của tự nhiên- tạo ra một thế giới mà vật chất chỉ lưu lại trong thời gian một cách hữu hạn trước khi trở thành phế thải. Ở trong hệ đạo đức tiêu thụ, vật dụng được thay thế không còn vì nó không hữu dụng mà vì nó không hợp thời. Trong đó tư duy zeitgeist, [tinh thần thời đại] không còn là tư thế ngắm nhìn và hòa giải với thực tại mà trở thành tư tưởng sùng bái cái mới, động lực cho kinh tế hiện đại. Ở đây thế giới không còn cấu tạo bởi thường trực, bền vững nhất định từ bàn tay của homo faber.

Văn hóa do đó cũng trở thành giải trí trong viễn cảnh của tiêu thụ công năng: văn hóa như hình thức giải trí trong viễn cảnh tiêu thụ để tái sinh năng lượng, là một phần của quy trình sinh hóa số đông. Nếu đặc thù animal laborans chính là sự tiêu hóa vật chất trong quy trình sinh hóa thì homo faber, đặc trưng bởi tính công cụ và mục đích [cái ghế được tạo ra để ngồi, chứ ko tạo ra để cho chính nó], coi vật chất chỉ và chỉ trong viễn cảnh vụ lợi. Điều này lí giải vì sao người Hy Lạp, mặc dù là một dân tộc tôn vinh cái đẹp, luôn cảnh giác và nghi ngờ những người banausos [nghệ nhân] do tính vị lợi của loại tư duy này. Tổng trấn Pericles cho rằng từ nay polis không gian vita activa có thể lưu lại kí ức của dân tộc ông không còn phụ thuộc vào những nhà thơ như Homer.

4/ Tạo phẩm [sản phẩm của homo faber] và sự thường trực thế giới:

Đặc tính của homo faber chính là tư thế tạo tác, dựng thế giới [hiểu là thế giới artefact]. Đặc tính của thế giới so với tự nhiên- là tính công cụ [tạo ra để làm công dụng gì] và tính bền bất biến, ổn định. Thế giới chính là môi trường trung giới ổn định giữa con người và tự nhiên- giữa sự bất tất, khả tử của sinh đạo tuyến tính- và sự bí ẩn, bất tử và lập lại bất tận. Hannah Arendt nhận xét rằng sự trung giới đó là điều kiện cho sự phóng chiếu như khách thể về thiên nhiên: không có trung giới tức đơn giản là không thể có tính khách quan.

Aristote phân biệt giữa mục đích nội tại và mục đích ngoại tại. Nếu phusis, cái cây, con vật, sinh ra và trở thành bởi chính nó, có mục đích tự mình. Thì cái bàn hay bài thơ không tự mình sinh ra mà mục đích của nó nằm bên ngoài chính nó. Tiến trình sử dụng vật liệu tự nhiên và tiến trình quy chất [reification] bằng vật chất được người Hy Lạp gọi là techne, hay poiesis.

Techne tức là tạo tác, từ này được chỉ chung cho các hoạt động tạo tác thủ công, nghệ thuật vv.. Người La Mã sử dụng từ ars [nghĩa nguyên thủy là: chất lượng, làm ra từ tay chân] để dịch chữ techne. Từ chữ ars-> art, ta có nghệ thuật Art, như là mỹ thuật, cố định như thế từ thế kỉ XVIII.

A-techne

Hãy xem xét các nghĩa khác của từ Nghệ thuật, Art, hay techne:

1-Nghệ thuật, art = technic, kĩ thuật, sự lành nghề, thành thục
2-Nghệ thuật, art = episteme, tri thức, nghệ thuật khai phóng, liberal art [artes liberales] = khoa học khai phóng [Tam khoa, tứ khoa]
3-Nghệ thuật = sản-xuất, pro-duction
4-Nghệ thuật = mỹ thuật [fine art]

Ta không xem xét nghĩa thường dụng thứ 1 mà tập trung vào nghĩa thứ 2 và 3 trong viễn cảnh soi sáng vào nghĩa thứ 4.
Vậy trong nghĩa thứ 2, techne xem như một dạng tri thức:

techne: cái vẻ ngoài được thi dựng [poietic] [chữ dịch của Bùi Giáng], nhờ có logos đích thực[Aristote, Đạo đức học Nicomaque]

Với người Hy Lạp, techne chính là poiesis [tạo dựng, thi dựng]. Aristote cẩn thận ghi thêm: nhờ có logos [ngôn lời, lô-gíc, sự thu gom hiện thể] đích thực, tức nhờ có tri thức. Vậy techne là một hình thức của tri thức, hiểu nôm na là cái biết có tính thực hành. Theo cách nói của người Hy Lạp, người thợ mộc tạo ra cái bàn bằng techne có nghĩa là người thợ mộc biết cái bàn như một ý niệm trước khi tạo ra nó và tạo ra bằng các kĩ thuật làm mộc. Tự nhiên không biết: một cái cây sinh ra từ phusis về cái cây tự mình ở trong nó, còn cái bàn được tạo ra nhờ tri thức bàn ở bên ngoài nó. Suy nghĩ như vậy giúp ta hiểu câu nói của Platon/ đối thoại Sophist: Tất cả những gì chưa tồn tại, nếu ai đó làm cho tồn tại, ta gọi người đó thi dựng [poiesis] Tất cả những gì nhân tạo là thơ ca. Theo lối nói Hy Lạp ấy cái bàn cũng là một bài thơ.

Như vậy ta nhận ra quan hệ của techne và tư duy, techne như cái biết để tạo ra điều gì đó.

Từ điểm gần gũi này của techne và tri thức, ta thử xem xét quan hệ của Tác phẩm nghệ thuật [tạo phẩm từ techne] và tư duy.

So với tạo phẩm thông thường, tác phẩm nghệ thuật đặc trưng bởi sự vĩnh hằng của nó trong đời sống. Được tạo ra độc lập với viễn cảnh của công năng, tác phẩm là sự hiện thực hóa mãnh liệt của tinh thần. Trong thế giới khả tử của con người, có lẽ sự tồn tại gần như xuyên suốt nhiều đời người của tác phẩm chính là phần bất tử được tạo ra bởi những khả tử này [Tình cảnh con người]. Vì sự kháng cự lại của tác phẩm nghệ thuật với tiến trình quên lãng, hủy hoại của tự nhiên nên nghệ phẩm có một vị trí đặc biệt trong đời sống con người. Do khả năng kì lạ đó của nó, Hannah Arendt cho nghệ phẩm là vật-tư duy, thought-thing, vật có khả năng gợi mở về suy tưởng.

Quan điểm này chịu ảnh hưởng của thuyết mỹ học duy tâm về nghệ thuật: nghệ thuật là tinh thần ở trạng thái trực quan [cảm nhận được bằng giác quan]. Trong khi Kant phê phán cảm thụ, cho rằng cái đẹp đến từ giác quan cảm thụ nhưng vẫy gọi, ra dấu với tư duy: mặc dù khởi đầu của cái Đẹp đến từ các giác quan cảm tính, nó luôn gợi về suy tưởng nhưng không thể nắm bắt trọn vẹn được bằng tư duy. Nguồn gốc của tác phẩm là năng lực tư duy, nghệ thuật là hiện thân vật chất của tinh thần [Hegel].

Quay trở lại câu nói của Aristote về tạo tác, như một vẻ ngoài thi dựng nhờ có logos đích thực đưa chúng ta đến định nghĩa thứ 3 của Techne. Nghệ thuật như hình thức sản-xuất hay thi dựng [poiesis].

Tất cả techne đều liên quan đến sản xuất, tạo dựng cái gì đó.

Nhưng từ sản-xuất nếu ta suy nghĩ cẩn thận có một nghĩa khác. Heidegger cho là sản-xuất, pro-duction, tức là đưa ra phía trước. Đưa ra điều gì ? Đối với người Hy Lạp đó là đưa chân lý xuất diện ra khỏi sự đóng kín của mình.
Vậy mục đích của techne là chân lý, logos đích thực, làm nó xuất diện ra.

Hãy xem xét chân lý true logos nên hiểu như thế nào :

a.Chân lý chân lý logic=sự phù hợp giữa một phát ngôn và một hiện tượng.
b.Chân lý aletheia, veritas. Trong tiếng Hy Lạp aletheia chiết thành a-lèthè : thoát khỏi sự quên lãng [Heidegger] Chân lý tức là sự khai mở của tồn tại ra khỏi sự lãng quên. Người Hy Lạp đã nghiệm ra cái tính thể thể hiện ở phusis, như đã bàn phía trên, phusis u uẩn luôn dấu mình, vậy mà có thể hiện thể như chính nó bằng sự phơi mở trong thể điệu của techne.

B-Aristote gợi ý cho ta cách techne hướng vào phusis:

he techne mimeitai ten phusis
luôn được dịch là nghệ thuật mô phỏng tự nhiên
[Aristote, Physique, quyển II, chương 2]

Việc hiểu câu trên của Aristote bắt buộc ta phải hiểu từng chữ: technè, phusis và mimesis. Ta có thể thử suy nghĩ sơ sơ dựa trên những gì đã trình bày về techne và phusis ở bên trên. Câu của Aristote do đó được hiểu là: Cái-gì-có-vận-động-tuyến-tính mimetai cái-gì-trong-vận-động-luân-hồi. Nó lộ ra một ý: sự khác biệt sâu sắc về bản chất giữa 2 vế [tuyến tính, luân hồi] khiến ta phải tra cứu xem có thể hiểu mimesis là gì.

Mimesis:

Làm ra vẻ, sao chép, mô phỏng bề ngoài
Lý tưởng hóa

Không có cách hiểu nào có thẩm quyền hơn và thực ra nghệ thuật phương Tây trong thực hành của mình luôn là sự thay đổi giữa 2 cách hiểu: hiện thực hóa hay lý tưởng hóa.

Để có thể mở rộng hơn một chút về mimesis, hãy xem xét cách Hegel nghĩ về Hội họa trong Các bài giảng về thẩm mỹ học. Đối với Hegel, nghệ thuật là sự hiển lộ của tinh thần tuyệt đối với giác quan. Nghệ thuật đến từ là tinh thần. Nghệ thuật trong các hình thức kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc và thơ ca khác nhau ở quan hệ với vật liệu tạo tác và khả năng biểu hiện của tinh thần qua phương tiện đó. Thể loại nghệ thuật nào càng mang ít mang tính vật chất, càng ít phụ thuộc vào điều kiện vật liệu, càng có khả năng đến gần với tinh thần tuyệt đối. Trong cách nói của Hegel, Hội họa, vì khả năng mô tả và thâu tóm hiện thực trong hai chiều, vì thế trừu tượng hơn và gần với tinh thần hơn kiến trúc và điêu khắc, vốn phụ thuộc vào vật chất. Ở đây, mimesis chính là khả năng mô phỏng, làm như thật nhưng ở trong một chiều kích khác, không tìm kiếm sự đồng nhất như bản sao.

C.Ta đã xem xét thể điệu mimesis của nghệ thuật đối với phusis mà mục đích của nó là làm xuất diện chân lý. Với tất cả những suy xét đó, ta hãy cùng đọc đoạn trích về Ngôi đền Hi Lạp trích từ tiểu luận Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật của Martin Heidegger.

[Trích Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật Martin Heidegger, 1936, bản dịch được sử dụng trong workshop tổ chức bởi Ga0 năm 2017, do Bùi Văn Nam Sơn hướng dẫn]

[..]

Một tác phẩm kiến trúc, chẳng hạn, một ngôi đền Hy Lạp, không sao chụp một điều gì hết. Công trình ấy bao bọc lấy hình dáng của thần linh, và, trong sự ẩn giấu ấy, làm nổi bật hình dáng thần linh trong khuôn viên linh thiêng bằng cổng xây để mở. Nhờ có đền thờ mà thần linh hiện diện ở trong đền thờ. Sự hiện diện này của thần linh tự nó là sự mở rộng lẫn sự giới hạn khuôn viên như là một khuôn viên linh thiêng. Nhưng, ngôi đền và khuôn viên của nó không trôi nổi đâu đó ở trong cái bất định. Trái lại, chính ngôi đền gắn kết và đồng thời tập hợp chung quanh nó sự thống nhất của những con đường và những mối quan hệ, trong đó sự sinh tử, rủi may, vinh nhục, tồn vong mới có được hình thái của số mệnh đối với con người. Toàn bộ không gian bao trùm tất cả cái bối cảnh quan hệ rộng mở ấy chính là cõi sống của dân tộc sử tính này. Chính từ không gian ấy và ở trong không gian ấy mà cả một dân tộc mới lần đầu tiên quay lại với chính mình để thực thi trọn vẹn vận mệnh của mình.

Công trình kiến trúc đứng ở đó, dựa vững trên nền đá núi. Từ nền đá, sự yên nghỉ của tác phẩm rút ra sự bí nhiệm của việc nâng đỡ vụng về nhưng thoải mái. Đứng ở đó, công trình kiến trúc vững vàng trước cơn bão đang kéo qua đầu, và chính nó mới làm cho bản thân cơn bão thể hiện rõ được mãnh lực của mình. Vẻ huy hoàng và lộng lẫy của đá xây đền tưởng như chỉ nhờ có ánh sáng mặt trời chiếu rọi, thật ra chính nó đã làm cho vẻ rực rỡ của ngày, sự mênh mông của bầu trời, sự tăm tối của đêm lộ diện. Sự vươn mình hiên ngang của ngôi đền làm cho ta thấy được cái không gian không thể thấy được của không khí. Sự vững chãi của công trình tương phản với sự bềnh bồng của sóng triều, và, từ sự tĩnh tại của mình, mới làm lộ rõ sự sôi trào của biển. Cây và cỏ, chim ưng và bò mộng, con rắn và con dế mới mang được hình hài rõ rệt và đi đến chỗ xuất hiện ra đúng như chân tướng của chúng. Người Hy Lạp từ xa xưa đã gọi việc xuất đầu lộ diện, việc trỗi dậy nơi chính mình và nơi mọi vật là phusis. Nó chiếu rọi, khai quang những gì trên đó và trong đó con người thiết lập sự cư lưu của mình. Ta gọi nền móng đó là Đất. Với chữ Đất nói ở đây, ta đừng nên hình dung đó là một khối vật chất được bố trí ở đâu đó hay đơn thuần theo nghĩa là tên gọi một hành tinh. Đất là nơi chốn để sự lớn dậy trở về lại, và là chỗ chở che tất cả những gì đang lớn dậy. Trong những gì đang lớn dậy, Đất có mặt như kẻ chở che.

Khi đứng đó, ngôi đền như một tác phẩm mở ra một Cõi sống và đồng thời đặt Cõi sống này trở lại trên Đất, và như thế, bản thân Đất mới xuất hiện ra như nền Đất Mẹ. Con người và thú vật, cây cối và mọi vật không bao giờ lại hiện diện và trở nên thân mật như là những đối tượng bất biến theo kiểu chúng chỉ ngẫu nhiên thể hiện một khung cảnh thích hợp cho ngôi đền, và ngôi đền là cái được thêm vào cho những gì đã có sẵn, vào một ngày đẹp trời nào đó. Không! ta sẽ đến được gần hơn với cái gì đang tồn tại, nếu ta suy nghĩ ngược hẳn lại. Tất nhiên, với điều kiện rằng trước hết ta có con mắt để thấy rằng tất cả sẽ đối diện với ta một cách hoàn toàn khác như thế nào. Việc đảo ngược không thôi, không mang lại điều gì cả.

Ngôi đền, chính trong việc đứng ở đó, mới mang lại khuôn mặt [đích thực] cho mọi vật và mang lại cho con người cái nhìn về chính mình. Cái nhìn này vẫn còn mở toang bao lâu công trình vẫn còn là một công trình, bao lâu thần linh không rời bỏ nó []

[1] Người viết có trao đổi và chọn cách dịch là Tình cảnh con người theo đề xuất của Trương Quế Chi thay vì Điều kiện con người hay Thân phận con người
[2]Kiến giải về phusis có thể xem thêm ở bản dịch Dẫn nhập siêu hình học của Heidegger do Bùi Giáng dịch trong một thứ ngôn ngữ Việt rất độc đáo
[3]
Hannah Arendt chỉ ra nhận định phức tạp của chính Marx với hành động lao động: Quan hệ của lao động với tự nhiên, metabolisme sinh hóa giữa con người và tự nhiên [Karl Marx] cũng tạo ra quan hệ đặc trưng của animal laboran với tự nhiên: thiên nhiên trở thành sự gần gũi thiên nhiên là cơ thể vô cơ bên ngoài của con người, nhưng vì thế tự nhiên ở trong quan hệ trực tiếp, là nhiên liệu và nguồn sống sẵn có, vô hạn. Trái lại người Hy Lạp, vì không coi hành động lao động như hành động cao quý, thiên nhiên với dân tộc này là miền bí ẩn. Họ chọn cách dựng thế giới thường trực, artefact, và giữ khoảng cách với tự nhiên

Tài liệu tham khảo:

Hannah Arendt La condition de lhomme moderne, trad. G. FRADIER, Calmann-Lévy, Paris, 1961.
Hannah Arendt La crise de la culture, traduit sous la direction de Patrick Levy, Gallimard, 2006.
François Fédier Lart en liberté: Aristote, Baudelaire, Proust, Flaubert, Cézanne, Kant, Matisse, Heidegger, Paris, Pocket, 2006.
Martin Heidegger Introduction à la métaphysique, Gallimard, 1967.
Martin Heidegger Essais et conférences, Gallimard, 1958.
Georg Wilhelm Friedrich Hegel Esthétique : Textes choisis, Puf, 1998
Bản dịch nội bộ của tiểu luận Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật, Martin Heidegger, 1936, sử dụng trong workshop tổ chức bởi Ga0 năm 2017, do Bùi Văn Nam Sơn hướng dẫn.
Aristote Physique, quyển II, chương 2, song ngữ Hy Lạp-Pháp, Jules Barthélemy-Saint-Hilaire, 1862.

What you can read next

Launching AIS Project and Screening Uu Dams work [short clip]
Southeast Asia Art Writing workshop at ZeroStation at April 2017 |Workshop viết về nghệ thuật tại ga 0 tháng Tư 2017
Interviews of some HCMC artists, partners of the AIS Project

Video liên quan

Chủ Đề