Tại sao cần phải chú trọng đến văn hóa an toàn hàng không

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, an toàn và an ninh hàng không là hai khái niệm khác nhau nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Nếu an ninh hàng không giống như một chiếc "lá chắn thép" ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp nhắm đến máy bay, hành khách và tổ bay dành riêng cho cơ quan quản lý thì an toàn hàng không lại là công việc "thầm lặng", đòi hỏi cả người trong ngành và hành khách cùng tham gia để đảm bảo những chuyến bay an toàn.

Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố hàng không xảy ra như hành khách lên nhầm máy bay, người lạ đột nhập vào sân bay, hỏng động cơ khi vừa cất cánh, hút thuốc lá trên tàu bay, tổ kiểm tra máy bay không mặc áo phản quang theo quy định... đang đe dọa an toàn hàng không. Hầu hết những vụ việc này đều liên quan đến việc xây dựng ý thức đảm bảo an toàn hàng không.

"Yếu tố con người chiếm 70-80% các vụ tai nạn trong lịch sử hàng không dân dụng và quân sự. Điều này đòi hỏi việc xây dựng cả một văn hóa an toàn hàng không phải gắn chặt với văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi cá nhân", đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Nhằm hạn chế tác động của việc mất an toàn hàng không, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó, việc xây dựng văn hóa an toàn hàng không đem lại nhiều kết quả khả quan.

Tại sao cần phải chú trọng đến văn hóa an toàn hàng không

Vietnam Airlines thực hiện nhiều hoạt động để xây dựng văn hóa an toàn hàng không.

Ông Nguyễn Thái Trung - Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines khẳng định, hãng tích cực xây dựng văn hóa an toàn hàng không tiên tiến, đạt mức độ cao nhất về văn hóa an toàn hàng không.

"An toàn là yếu tố sống còn trong hoạt động của hãng, vì vậy, hãng kiên định mục tiêu lớn là xây dựng văn hóa an toàn ngay trong lòng Vietnam Airlines. Đây là quá trình xây dựng kiên trì mỗi ngày để từng bước thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân", ông Trung chia sẻ.

Mỗi năm, Hãng Hàng không Quốc gia thực hiện hàng chục lớp đào tạo nội bộ, áp dụng nhiều biện pháp truyền thông và đạt được nhiều kết quả. Theo số liệu của hãng, số lượng sự cố, vụ việc trung bình xảy ra trên 10.000 chuyến bay giảm từ 30 vụ việc năm 2015 xuống còn 11 trong năm 2017. Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, hãng xây dựng thành công mô hình văn hóa báo cáo. Nhiều báo cáo an toàn bí mật, báo cáo an toàn được tự nguyện thực hiện bên cạnh các báo cáo bắt buộc và định kỳ khác. Hãng Hàng không Quốc gia cũng đặt mục tiêu xây dựng văn hóa an toàn tích cực vào năm 2020, tiên tiến vào năm 2035.

Ngành hàng không Việt Nam thuộc top tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của World Bank, lượng hành khách của hàng không Việt Nam từ năm 2005 tới 2015 tăng trưởng khoảng 18,6%. Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, trong đó du khách đi bằng đường không ước tính có thể đạt 11 triệu lượt khách, tăng trưởng 32%.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Huệ Chi