Tại sao nói phải đi đôi với làm

Học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm, chúng ta không học tập một cách máy móc, tùy vào lĩnh vực cụ thể mà chúng ta vận dụng một cách sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng công việc và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên tắc này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam và trở thành phương châm “Nói đi đôi với làm”. “Nói đi đôi với làm” đã trở thành lẽ sống, phương châm làm việc, nguyên tắc hoạt động của Người. Trong chủ đề của cuộc vận động và học tập năm nay, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh: Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. “Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm.

Một là, nói đi đôi với làm, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Ðảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân làm cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Ðảng, dù trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, trung thành với Ðảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Ðể nói đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin. Hồ Chí Minh coi lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Hai là, nói đi đôi với làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”.  Theo Hồ Chí Minh, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và Nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số Nhân dân còn nhiều thiếu thốn,… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Hồ Chí Minh cho rằng, để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ đảng viên còn cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp Nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách: tỉnh gửi giấy xuống huyện, huyện gửi giấy về xã.

Ba là, theo Hồ Chí Minh, không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn, mang ý nghĩa thiết thực. Ðối với Ðảng ta, Người yêu cầu “Ðảng phải luôn luôn xét lại những Nghị quyết và những Chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Ðảng”.  Ðối với cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Hiện nay công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang đứng trước những thời cơ vận hội to lớn, đồng thời đang đối mặt với những thách thức nguy cơ rất phức tạp, khó lường. Bối cảnh đó đã, đang đặt ra những nhiệm vụ to lớn, nặng nề cho mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn bất cứ lúc nào, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay đang đòi hỏi chúng ta phải nêu cao ý chí tiến công, phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam để tranh thủ thời cơ, vượt qua nguy cơ nhằm nhanh chóng hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tất nhiên chỉ một mình đội ngũ cán bộ, đảng viên thì chúng ta không thể hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang này. Như vậy, công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH hôm nay đang đòi hỏi chúng ta phải động viên toàn dân tộc bước vào một cuộc chiến đấu mới là chiến đấu chống đói nghèo. Do tính chất vốn có, do các âm mưu phá hoại “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch và cả do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên đây tất yếu sẽ là một cuộc chiến đấu rất phức tạp, khó khăn. Thực tế cho thấy, để giành thắng lợi một mặt chúng ta cần đẩy mạnh học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn cho toàn Đảng, toàn dân. Mặt khác chúng ta phải bằng các cơ chế, chính sách để động viên được sự tham gia hăng hái của quần chúng Nhân dân. Và như một bài học kinh nghiệm của lịch sử, chính tấm gương “lời nói đi đôi với việc làm” của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay sẽ là nhân tố cơ bản, quan trọng nhất để chúng ta động viên được sự tham gia vào công cuộc đổi mới của mọi người, mọi thành phần trong xã hội. Cũng cần phải nói thêm, hiện nay do nhiều nguyên nhân, một bộ phận cán bộ, đảng viên [thậm chí là có lúc, có nơi không ít] sa vào quan liêu, tham nhũng “dĩ công dinh tư” như lời cảnh báo của Bác Hồ lúc sinh thời. Chính những việc làm không gương mẫu của số cán bộ đảng viên này đã gây tác hại hết sức to lớn, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng, với chế độ của quần chúng Nhân dân ta. Cũng chính bằng những việc làm xấu, không gắn và thậm chí là trái ngược với lời nói tốt đẹp mà hàng ngày họ vẫn rao giảng, số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã, đang tạo cơ hội tốt cho các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam thực hiện việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân dịp, kỷ niệm 114 năm ngày sinh của Bác Hồ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, nhất chính là ở chỗ mỗi chúng ta trên cương vị công tác của mình hãy bắt đầu bằng những việc làm tốt, dù nhỏ nhưng có ích cho sự nghiệp chung. Nói một cách khác, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, làm đi đôi với nói là đòi hỏi cấp bách đối với chúng ta hiện nay.

Để thực hiện phương châm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên Trường Chính trị cần thực hiện tốt những điều sau:

Thứ nhấtlà người trực tiếp tham gia vào công tác giáo dục lý luận chính trị, đòi hỏi một cách khắt khe về sự đi đầu, gương mẫu.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Người căn dặn Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”Điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến lớn, từ việc riêng đến việc chung, từ trong cuộc sống đến công việc thường ngày luôn luôn phải nỗ lực thực hiện tốt phương châm với 5 chữ “Nói đi đôi với làm”.

Thứ haicán bộ, đảng viên ở Trường Chính trị phải học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng.

Người cán bộ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm yêu cầu về rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra: “Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và Nhân dân.

Thứ bangười cán bộ phải thực hiện công tác kiểm tra giám sát, tinh thần phê tự phê.

Kiên quyết thực hiện đúng phương châm “Nói đi đôi với làm”, đã nói phải làm, đã làm phải chịu. Đó là tinh thần phê và tự phê. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch trong cách nói, cách làm trong công việc. Tăng cường tính phê và tự phê bình trong hàng ngũ Đảng. Tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

Thứ tưngười cán bộ, đảng viên ở Trường phải tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc.

Mỗi cán bộ, đảng viên, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt những biện pháp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thiết thực thực hành phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nói đi đôi với làm”. Cần thiết ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người lãnh đạo, nhất là những lãnh đạo đứng đầu đơn vị hãy làm những việc gương mẫu trước, dù đó là việc nhỏ, nhưng cũng gấp ngàn lần những lời nói suông.

Thứ năm, người cán bộ, đảng viên phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Đó là cái tâm yêu nghề, sống với nghề. Có như thế chất lượng công việc ngày càng được củng cố và nâng cao.

            Tóm lại, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm, chúng ta không học tập một cách máy móc, tùy vào lĩnh vực cụ thể mà chúng ta vận dụng một cách sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng công việc và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng./.

CN Phan Ngọc Yến - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Video liên quan

Chủ Đề