Thế nào là sách in lậu

Hậu quả khôn lường của sách giả, sách lậu

Chi tiết Viết bởi Nguyễn Thị Ái Lê

Hiện tượng làm sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản VN. Gần đây, giới làm lậu tung ra chiêu thức mới:đẩy giá bìalên cao rồi bán với giá rất thấp, tạo cảm giác được mua rẻ cho người đọc.

Tôi bỏ ra 3 ngày lang thang tại các khu vực vốn quen thuộc với người dân thủ đô về sách lậu. Tôi cất công phỏng vấn 116 người khi họ mua sách lậu, sách giả. Kết quả khảo sát thật bất ngờ: 98 người trong số đó [84,48%] muốn mua sách giá rẻ, sách có chiết khấu cao. 7 người tới những cửa hàng sách này do thói quen từ lâu nay. Số còn lại cho biết họ vào mua ở đây là do tiện đường đi.

Kết quả điều tra này cho thấy nhiều bạn đọc thích mua sách giá rẻ. Mà rẻ ở đây, theo lý giải của người mua sách là chiết khấu cao. Nhiều sách được chiết khấu 20-30%. Cao nhất có cuốn được chiết khấu đến 50%. Chiết khấu cao là yếu tố quyết định việc mua sách hay không của nhiều bạn đọc.

Là người chuyên giảng dạy về quản trị kinh doanh, tôi nhẩm tính ngay, nếu chiết khấu cao đến 50%, cộng với lãi của nhà sách khoảng 10%, như vậy người giao sách có chiết khấu lên đến 60%. Ngoài ra phải tính đến lãi của dân làm sách lậu nữa. Điều đó có nghĩa là giá gốc của cuốn sách rất thấp.

Tại sao lại có những cuốn sách rẻ, chiết khấu cao đến vậy?

Thứ nhất, kẻ làm sách lậu cứ việc scan và copy những cuốn sách thật, sách xịn ra bán. Người làm sách giả không hề trả tiền bản quyền cho tác giả. Nếu là sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính, mà nhiều khi những khoản tiền này không hề nhỏ. Kẻ làm sách giả, sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa Rất nhiều khoản chi phí họ không hề mất. Chỉ việc scan và in ra bán.

Thứ hai, chất lượng của sách lậu, sách giả kém. Họ thường chọn loại giấy xấu hơn, mỏng hơn, kém chất lượng hơn, khổ nhỏ hơn Tất cả điều này làm giá thành cuốn sách thấp hơn.

Thứ ba, kẻ làm sách lậu thường chọn những xưởng in tư nhân nhỏ, manh mún, nằm ở vùng sâu vùng xa, với thiết bị máy móc lạc hậu, cũ nát, kém chất lượng. Trong trường hợp bị bắt, bị tịch thu tang vật, chi phí cũng không quá lớn. Những công ty in có uy tín, nằm trong thành phố, thường không dám in sách lậu. Vì khi in sách, bao giờ cũng phải trình giấy phép xuất bản. Tuy nhiên cũng không loại trừ có những xưởng in tham tiền hay không có việc làm liều nhận in sách lậu.

Ai mua sách lậu?

73/116 [62,93%] là học sinh, sinh viên và những người chưa có việc làm. Chỉ có 11 trong số 116 người được phỏng vấn có chức vụ từ cấp phó, trưởng phòng trở lên.

Như vậy ta thấy rõ, tiếp tay cho sách lậu, sách giả chủ yếu là sinh viên và những người có thu nhập thấp. Những người đã đi làm, có thu nhập cao thường tìm mua sách thật, sách xịn, sách có bản quyền. Những người mua sách lậu cho biết họ có nhu cầu đọc sách, thậm chí đam mê sách. Tuy nhiên, do số tiền có hạn nên họ luôn tìm những nguồn sách rẻ nhất, chiết khấu cao nhất để mua.

Cũng theo phỏng vấn của tôi, phần lớn người được hỏi [81/116] chưa phân biệt được sách dịch và sách biên soạn, sách bản quyền và sách không có bản quyền. Chỉ khi tôi lấy 2 cuốn sách cho họ xem - một cuốn là của tác giả nước ngoài do một công ty sách có uy tín mua bản quyền, có tên tác giả đàng hoàng, có tên dịch giả, tên người hiệu đính và một cuốn tương tự do một người mua được bản tiếng Anh, mang về tự dịch, tự thêm bớt một số đoạn và biến họ thành người biên soạn thì những người tiêu thụ sách lậu mới biết.

Cũng qua phỏng vấn, nhiều bạn đọc chưa hề phân biệt được các khái niệm nhà xuất bản, công ty sách, công ty phát hành sách và nhà sách.

Hậu quả ai chịu?

Với ba cuốn sách giảSống Như Tiểu Cường, Nghe bố này, con gái!vàNgười Nam Châm, thì giá bìa của sách giả cao hơn hẳn sách thật. Giá sách giả cao hơn giá sách thật gần 1,5 lần:Sống Như Tiểu Cườnggiả giá 85.000đ trong khi sách thật là 69.000đ,Nghe bố này, con gái!giả giá 40.000đ trong khi sách thật giá có 31.000đ,Người Nam Châmgiả giá 50.000đ còn sách thật giá 39.000đ. Biết tâm lý của người mua sách là ham của rẻ, thích chiết khấu cao, những kẻ làm sách lậu đã đẩy giá sách lên để đánh lừa bạn đọc. Tôi bỏ tiền ra mua cuốnSống Như Tiểu Cườngtại đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội với giá 51.000đ [giảm giá 40%] trong khi tại Nhà sách Bản quyền của Thái Hà Books sách xịn giá 55.000đ [được giảm 20%]. Tương tự như vậy với các cuốn sách khác. Như vậy bạn đọc đã bị móc túi một cách vô lý và trắng trợn.

Người mua sách giả bị thiệt hại vì chất lượng của giấy, của chữ, của nội dung. Do kẻ làm lậu scan và copy mà không hiểu biết nên nội dung sách bị sai nhiều, lỗi dày đặc. Có những lỗi rất vô lý như tên sách làSống như Tiểu Cườngnhưng chữ "như" trong sách thật được in nhỏ mà chúng không phát hiện ra. Thế là sách dởm có tên mớiSống Tiểu Cường[mất chữ Như]. Nếu vào trong sách thì sẽ thấy khủng khiếp. Nhiều khi mất trang, lắp nhầm tay sách. Đã là làm lậu, in trộm, chúng không thể làm đàng hoàng nên rất nhiều chỗ có cảnh râu ông nọ cắm cằm bà kia. Những cuốn sách lậu sẽ không thể tồn tại lâu theo thời gian, vì chất lượng của sách không đảm bảo.

Chúng ta cũng biết rõ những kẻ làm sách lậu là kẻ cắp. Chúng ăn cắp một loại tài sản cao quý và đáng trân trọng nhất - trí thức. Cá nhân tôi đã đi đến gần 40 quốc gia và sống ở nước ngoài hơn chục năm nhưng hầu như chưa thấy ở đâu có sách lậu. Có quần áo, giầy dép làm nhái nhưng chưa thấy ở đâu có sách lậu bày bán. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách tịch thu hàng lậu, hàng nhái và phạt cả những người dùng nó. Chúng ta cũng biết rất rõ, những bạn đọc mua sách lậu, sách giả tức là tiếp tay cho trộm cắp, là dùng hàng trộm cắp. Vô hình trung, các bạn sinh viên, những nhà trí thức biến mình thành người tiêu thụ hàng giả, làm mất đi nhân cách của chính mình.Sách là loại hàng hóa đặc biệt. Nếu ai cũng lao vào kiếm tiền trên sách, làm bậy thì thử hỏi tương lai sẽ đi về đâu? Tôi không thể tưởng tượng ra một tương lai của đất nước khi sách trên thị trường toàn là sách kích dục, sex, ma quái rùng rợn, đâm chém... Người đọc sẽ ngấm dần những tư tưởng của những cuốn sách kém, thiếu tính giáo dục và sẽ không thể không ảnh hưởng đến đạo đức của xã hội. Nếu sách lậu, sách giả lan tràn, bạn đọc sẽ chỉ được đọc những cuốn sách đầy lỗi, sai đủ thứ gây phản cảm. Vậy tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu.Thiệt hại về phía các công ty sách và các nhà xuất bản nơi sản xuất ra những cuốn sách thật thì đã rõ. Họ bị thiệt hại về kinh tế và uy tín. Họ bị coi thường. Họ bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ. Và tự nhiên họ bị cướp trắng trợn, bị hớt tay trên. Hơn nữa họ rất bất bình khi một tác phẩm tuyệt diệu như vậy bị bóp méo, bị làm hạ giá trị nên rất đau xót.

Về phía tác giả, họ là những người chịu thiệt hại nặng nề. Chúng ta được biết các tác giả được hưởng tiền bản quyền từ số sách bán được. Nếu sách lậu lan tràn, công ty hay nhà xuất bản giữ bản quyền bán quyền cuốn sách không bán được sách và như vậy tiền bản quyền cho tác giả sẽ giảm đáng kể. Đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân làm cho các tác giả nản lòng. Nếu những tác giả có uy tín, tài năng, tâm huyết không viết sách nữa, chúng ta sẽ xuất bản những loại sách nào?

Có những tác giả cả chục năm trời mới viết được một cuốn sách. Như Napoleon Hill, tác giả của cuốn sáchThink and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàuphải bỏ ra 25 năm nghiên cứu 500 tập đoàn kinh tế hàng đầu mới có thể cho ra đời một cuốn sách. Nhiều tác giả sống bằng tiền bản quyền, giàu lên bằng tiền bản quyền. Nếu sách lậu, sách giả cứ tràn lan, chắc tác giả chỉ có nước chết đói.

Các tác giả và các nhà xuất bản nước ngoài đang giữ bản quyền những cuốn sách có giá trị nếu biết tình hình sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường liệu họ có còn tiếp tục bán bản quyền cho Việt Nam nữa hay không? Và nếu họ không bán bản quyền cho chúng ta nữa, hậu quả sẽ là khôn lường đối với nền tri thức nước nhà.

Vô phương cứu chữa?

Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam tham gia công ước Berne, công ước bảo hộ quyền tác giả [Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004]. Tuy nhiên việc thực thi công ước này đến nay vẫn còn quá nhiều bất cập gây bức xúc cho rất nhiều người.

Trao đổi với tôi, một lãnh đạo trong ngành công an cho biết, lực lượng này đã và đang kết hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan quyết tâm đấu tranh chống lại việc làm sách lậu, sách giả. Anh cũng cho biết, do lực lượng còn mỏng, chế tài chưa mạnh nên chưa đủ sức răn đe cũng như để những kẻ làm sách lậu sợ.

Có nhiều biện pháp để chống lại nạn sách lậu sách giả, cần sự phối hợp của tất cả ban ngành.

Các cơ quan chức năng cần áp dụng điều khoản bổ sung là thu hồi tang vật. Nên truy tận gốc kẻ làm sách lậu. Nên bắt và tịch thu tang vật là những máy in. Nếu máy in bị tịch thu sẽ đủ sức răn đe, chứ hiện nay chúng ta mới chỉ tịch thu sách và phạt ít tiền, những kẻ hám lợi bất chấp việc phá hoại nền tri thức nước nhà vẫn cứ tiếp tục làm lậu làm giả sách.

Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đăng tải nhiều hơn các bài viết về văn hóa đọc, về sách lậu, sách giả, về hậu quả của việc sử dụng sách giả. Như vậy cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ý thức bạn đọc sẽ tốt hơn và nạn sách lậu sách giả sẽ giảm để đi đến triệt tiêu. Một thực tế là nếu ta so sánh 2 thành phố lớn là HN và TP HCM thì ở TP HCM hầu như không có các sạp sách vỉa hè, ít cửa hàng bán sách lậu, sách giả. Người dân nơi đây thường tìm đến các nhà sách đàng hoàng để mua sách.

Cũng cần phải đề nghị nhà nước thay đổi cách ứng xử với sách lậu. Hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ sách giả sách lậu vẫn mới chỉ dừng ở hình thức xử phạt hành chính. Tuy nhiên vì sách là tri thức và ảnh hưởng đến tinh thần và dân trí của một quốc gia nên chúng ta cần phải thay đổi để hành vi in và phát hành sách giả nằm trong bộ luật hình sự, có như vậy thì hình phạt mới đủ sức răn đe.

Cuối cùng, các công ty sách, các nhà xuất bản nghiêm túc cần ngồi lại với nhau và phối hợp ra quân chống sách giả sách lậu. Trong lúc đợi nhà nước và các cơ quan chức năng có những biện pháp quyết liệt hơn, chính các nhà xuất bản và các công ty sách cần bảo vệ mình. Bảo vệ mình tức bảo vệ các tác giả, các đối tác và bạn đọc.

Theo nguồn://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/hau-qua-khon-luong-cua-sach-gia-sach-lau-2165244.html

Video liên quan

Chủ Đề