Theo em vì sao Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ ta lại mở mắt ra ngay

Theo em vì sao Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ ta lại mở mắt ra ngay

"Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió, Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay, Tiếng lích rích chim sâu trong lá, Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

*****

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện, Sẽ được nhìn thấy các bà tiên, Thấy chú bé đi hài bảy dặm, Quả thị thơm cô Tấm rất hiền. *****

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ Đã nuôi em khôn lớn từng ngày Tay bồng bế sớm khuya vất vả 

Nhắm mắt rồi lại mở ra ngay."

Hình như đây là một bài thơ trong SGK, lâu quá chẳng nhớ là sách lớp mấy và bài thơ tên gì , ai sáng tác nữa. Tôi rất thích đoạn cuối của bài  thơ này vì cái tuyệt vời của nó. Xét mặt câu chữ thì  cả 2 đoạn đầu và cho tới 3 dòng đầu của đoạn kết, cũng là tầm thường sáo rỗng như hàng triệu bài thơ  khác.Thế nhưng với câu cuối thì là một dấu nhấn vĩ đại, làm biến đổi hoàn toàn giá trị của bài thơ.

Nhắm mắt rồi lại mở ra ngay

Thật thế tình cha nghĩa mẹ không phải là cái trừu tượng hay cái nhắm mắt thì mới nghe, mới cảm thấy được rõ ràng như tiếng chim Chìa Vôi, tiếng gió rung lá cây trong vườn. Cũng thế công sinh dưỡng không phải nhắm mắt để tưởng tượng như truyện cổ tích nàng tiên cô Tấm.

Nhắm mắt rồi lại mở ra ngay, vì cha mẹ là hiện thực gần gũi. Sự hiện thực mang đủ nét yên bình vườn cây chim hót, sự dịu hiền của cô Tấm, tấm lòng chở che quảng đại của bà tiên ông bụt.

****

Vừa qua có một em học trò hỏi tôi tại sao em vẫn yêu mến cha mẹ, nhưng không thấy có sự gần gũi với cha mẹ mình. Em ấy cảm giác cha mẹ không là nơi để em có thể tâm sự, hay nhờ tư vấn những chuyện khó khăn trong cuộc sống. Cái gì như thể là một khoảng cách, và người con ấy sợ rằng khoảng cách ấy ngày sẽ càng xa hơn.

Cuộc sống của một gia đình thì cũng gần như chuyện thâm cung bí sử, có rất nhiều điều người ngoài không biết được, mà giả có biết thì cũng không dễ mà hiểu thấu. Nên tôi đưa ra những ý kiến cá nhân của mình với em học trò như sau

* Mỗi người có cách biểu lộ tình cảm của mình một cách khác nhau, nhất là những người có cá tính hoặc hơn nữa là có cá tính đặc biệt. Nên họ sẽ có cách rất riêng của mình trước bất kỳ mối quan hệ nào trong cuộc sống, dù là mối quan hệ thân thiết nhất. Họ không gần gũi, tỉ tê, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt của thân nhân. Không nói nhiều, không dựa vào sự sống mạnh mẽ từ cha mẹ, nên họ ít có sự ảnh hưởng từ gia đình từ nhiều mặt khác nhau. Tôi đã từng thấy những người con có ngoại hình, tính tình, thậm chí cách ăn mặc giống cha hay mẹ họ như giọt nước. Họ như một bản chép của cha mẹ, họ lệ thuộc cha mẹ rất lâu trong đời mình. Chuyện gì cũng nghe theo chỉ định, sắp xếp…Nên điều gì dù nhỏ lớn cũng phải xin ''thánh chỉ", trước khi thực hiện. Những người con này thì quả là hiếu thảo, nhưng cuộc sống họ với xã hội hẳn sẽ khiếm khuyết nhiều điều. Ví dụ họ sẽ già trước tuổi, hoặc ngược lại là ấu trĩ dài lâu.  Họ ít khi có bạn bè thân thiết, họ không có lý tưởng hay ước mơ riêng  của chính mình. Cá nhân tôi nếu làm ''đại ca'', tôi sẽ yêu mến những người con này, nhưng sẽ không giao việc đại sự cho họ. Bởi họ hẳn sẽ thiếu tính chất độc lập trong công việc, tự chủ với bản thân và sẽ kém tính lãnh đạo hay khả năng cộng tác với người khác.

Hồi xưa mỗi lần sư phụ tôi kêu mấy tên đệ tử đi đâu với ông. Thằng nào thưa '' không biết mẹ con có cho đi không…'', thì sư phụ quát '' Cút mẹ mày đi!". Sư phụ nói riêng với tôi '' mấy thằng  hèn đó, không học võ được''. Rồi khi ra làm Sư, tôi mới thấy đúng. Những kẻ như thế thường ủy mị, yếu đuối và chẳng ai học được bao lâu. Bởi thế người con nào cứ líu ríu như gà con bên cánh gà mẹ mãi thì là 

Hiếu thảo tội nghiệp.

Nếu cha mẹ họ cứ thích '' nặn'' họ theo ý mình, thì quả là cha mẹ ích kỷ.

Còn loại con không chịu ảnh hưởng nhiều như đã trình bày trên, thì họ dù không gần gũi với cha mẹ nhiều, lắm lúc làm các ngài bực bội vì những quyết định bất ngờ của họ. Họ trước mắt một số người thì có vẻ lạnh nhạt, ít khi biểu lộ sự chiều chuộng ngoan ngoãn với cha mẹ. Dù thế nhưng nếu cái hạt hiếu tử vẫn sinh hoa kết trái trong lòng, thì họ sẽ lo lắng cho cha mẹ, gia đình họ những việc to lớn hơn như gánh vác về kinh tế, thúc đẩy con đường tâm linh, có trách nhiệm với anh em… Loại con này thì gọi là

Hiếu thảo đáng thương.

Bởi họ sẽ ít khi làm vừa lòng cha mẹ bởi nhu cầu cầu ngọt nhạt gần gũi, cha mẹ ít khi hiểu được tâm sự của họ. Họ cũng sớm tự gánh lấy những đau đớn trong cuộc sống và chất chứa riêng mình. Bởi đối với họ gia đình hay cha mẹ không phải là cái thế chống lưng, dựa dẫm… Với loại người này nếu cha mẹ họ biết tìm người hiền minh, để gửi gắm họ cho người ta giáo dục thay mình, thì cha mẹ ấy là cha mẹ khôn ngoan.

Có những bậc thầy đã từng nghe lời chân tình của cha mẹ học trò '' Thầy (cô) xin giúp chúng tôi dạy dỗ, chúng tôi biết mình không đủ sức…". Tiếc là hạng cha mẹ này cũng họa hiếm, chẳng mấy khi. Nhiều kẻ muốn thầy của con phải dạy con họ theo ý họ. Hoặc sẽ sinh lòng ghen tức, nếu thấy vị thầy kia có ảnh hưởng với con mình nhiều hơn với chính mình. 

Thế nhưng dù là hiếu thảo tội nghiệp hay hiếu thảo đáng thương, thì vẫn là tốt đẹp. Chỉ có hạng người bất hiếu tội lỗi và bất hiếu đáng chết, mới là khốn nạn.

Dẫu biết đạo lý "Bách hạnh hiếu vi tiên" và bao nhiêu giáo lý, giáo điều của các tôn giáo dạy về chữ Hiếu, nhưng tôi không muốn dùng nó để trả lời em học trò, vì đã bao nhiêu thiên kinh vạn quyển đã từng đề cập hay hơn mình ngàn lần. Em có thể tìm hàng vạn bài viết kim cổ ấy mà đọc và suy ngẫm với chính cuộc sống gia đình mình, chính mình. Riêng tôi thì khuyên em hãy nhắm mắt nghĩ về cha mẹ, nghĩ công nuôi dưỡng đến hôm nay…tưởng tượng nếu ta bị tai nạn mà đui -mù -què -sứt…thì ai là người sẽ chăm sóc lo lắng, bán cả gia tài để chạy chữa? Tưởng tượng nếu ngày mai cha ta bị cơn đột quỵ, hay mẹ ta lên cơn đau tim mà vĩnh viễn ra đi, thì ta sẽ hối hậ
n lắm không? Tưởng tượng nếu hôm nay ta bị xe cán chết, thì cha mẹ ta sẽ đau khổ  ra sao?

…..

Hãy nhắm mắt nghĩ về cha mẹ, rồi mở mắt ra ta sẽ biết ta phải đối xử như thế nào với cha mẹ mình.

Tôi.. thầy em.. là kẻ vẫn thường nhắm mắt rồi mở mắt như thế!

VS Hải Đăng

Câu 1. xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính trong bài thơ trên?

→ Thể thơ: Thơ thất ngôn (7 chữ)

→ PTBĐ: Biểu cảm (kết hợp tự sự)

Câu 2. tìm những hình ảnh được gợi ra khi em bé nhắm mắt ở khổ thơ thứ 2.

→ Những hình ảnh gợi ra khi em bé nhắm mắt là:

+ Tiếng chim hay

+ Chim sâu trong lá

+ Chim chìa vôi

+ Các bà tiên

+ Chú bé đi hài 7 dặm

+ Quả thị, cô Tấm

+ Những công lao, vất vả, những nhọc nhằn mà cha mẹ đã gánh vác trên vai, để nuôi lớn con nên người.

Câu 3. Điều gì khiến cho em bé trong văn bản phải "nhắm mắt" rồi, lại mở ra ngay" ? Qua đó, em hiểu gì về nhân vật này?

→ em bé trong văn bản "nhắm mắt" rồi lại "mở ra ngay" vì

+ Em đã thấy được tình thương bao la mà cha mẹ dành cho con cái

+ Em biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đã nuôi lớn em thành người

+ Em nhận thấy trách nhiệm lớn lao của con cái đối với cha mẹ của mình

→ Nhân vật em bé trong văn bản là một người con hiếu thảo, luôn yêu thương cha mẹ và ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Là một đứa trẻ trong sáng, thuần khiết, dễ thương dễ mến.

Câu 4. thế nào là phương châm về lượng? những cách nói sau liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Phương châm về lượng:

→ Số lượng nội dung không thừa, không thiếu vừa đủ nghĩa giúp người khác hiểu vấn đề mà mình trình bày.

→ Lời nói đưa ra phải có đủ thông tin, phân tích và lập luận chuẩn xác.

→ Nội dung dài, ngắn không quan trọng nhưng cần phải đầy đủ nội dung cần truyền đạt.

a.    Việc xưa xem xét

       Chứng cứ còn ghi

→ Phương châm về Chất: Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay khôg có bằng chứng xác thực.

b.   trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

→ Phương châm quan hệ: Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề

$\text{#Zero.}$

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay. 

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền 

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.

Con người ta ngoại trừ khi ngủ, thường nhắm mắt trong một số trường hợp: hoặc vì sợ hãi, xúc động, hoặc vì e lệ... Ấy là những trường hợp nhắm mắt đột ngột bởi tác động ngoại cảnh. Còn những trường hợp chủ động nhắm mắt như nhân vật nhỏ của bài thơ, thì cả ba trường hợp ấy, sự nhắm mắt mỗi lần đều có một ý nghĩa khác nhau.

Trường hợp thứ nhất:

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay

Ấy là nhắm mắt để cảm nghe. Bao giờ cũng vậy, khi ta khép bớt một giác quan lại, thì giác quan kia sẽ làm việc mạnh hơn, có tính tập trung hơn. Nó như việc ta khép bớt cửa phòng, để âm thanh bên trong đừng bị phân tán. Và vì nhắm mắt để cảm nghe nên em bé trong bài thơ có thể nghe được những tiếng chim ẩn chìm sâu lắng nhất. Hơn thế, còn phát hiện ra được tiếng "con chìa vôi vừa hót vừa bay". Khi mắt đã nhường cho sự dõi theo của tai, người ta có thể dễ dàng cảm nhận được điều kì diệu ấy thôi.

Trường hợp thứ hai:

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên

Đây là nhắm mắt để tưởng tượng, để hình dung. Điều này hay xảy đến với các cô cậu giàu mơ mộng, lại đang được bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích li kỳ. Nếu biết lặng im nghe bà kể, các em sẽ bắt gặp rất nhiều, rất nhiều những nhân vật huyền thoại đẹp đẽ kì diệu vô cùng, cả về con người và tâm tính.

Trường hợp thứ ba:

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày

Ấy là nhắm mắt để nghĩ về lẽ đời. Có lẽ ở một lứa tuổi nào đó mới có đặc điểm này. Công lao nuôi nấng vất vả của bố mẹ, có nhiều người chỉ nghĩ đến, mà khi chết, thấy mình chưa làm gì đền đáp được, còn chẳng nhắm mắt nổi, huống hồ đây lại là nhắm mắt mà nghĩ ngợi. Tác giả đã phải dùng một động tác mạnh, xốc dậy cảm xúc:

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.

Thật là: "Lạ thay sức mạnh của tâm hồn". Chỉ có con người mới có những cái "mở mắt" bừng thức như thế này, kiểu thế này.

Đây là bài thơ có âm điệu ngọt ngào, như một lời ru thuở ấu thơ. Bài thơ vừa có chỗ viết cho các em bé, lại có chỗ là để dành cho các em lớn hơn, đã biết phân tích, ngẫm ngợi, nghĩ suy về lẽ đời, về gia đình. Bài thơ vừa đem đến những hứng cảm về thẩm mỹ lại vừa có ý nghĩa giáo dục. Các em nhỏ đọc, thuộc, thấm đẫm trong hồn cái ngọt ngào chan chứa của bài thơ, và đến một ngày nào, chợt giật mình bừng thức bởi những ý tưởng của nhà thơ ở những câu thơ cuối. Bài thơ sẽ có cách đi, cách đến từng bước trong tâm hồn và trong trí tuệ của các em như thế...

Mạnh Hiền (chọn và bình)