Tiêm mũi 1 thì bao lâu tiêm mũi 2

Tiêm mũi 1 thì bao lâu tiêm mũi 2

(binhthuan.gov.vn) Vắc xin được đánh giá là giải pháp quan trọng để sống chung an toàn với dịch COVID-19 trong dài hạn. Hiện nay, công tác tiêm chủng đang triển khai ở nhiều nhóm đối tượng; trong đó nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi - đảm bảo thời gian giữa 2 mũi tiêm và mở rộng diện bao phủ liều cơ bản là nhiệm vụ trọng tâm đang được các địa phương triển khai thực hiện.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn, trong đó có nhóm trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm đủ mũi 1 theo thời gian quy định.

Theo con thực hiện từng bước trong các quy trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2, anh Đỗ Văn Minh cho biết, (con của anh) đây là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, nên cũng trong chờ đủ thời gian để tiêm mũi 2 để con cũng được bảo vệ tốt hơn bằng vắc xin.

“Trước đó, bé nhà mình sau khi tiêm mũi 1 thì tối về chỗ tiêm có hơi đau và hơi đau đầu một chút. Nhìn chung sức khỏe bé hoàn toàn ổn định, nên gia đình rất an tâm và quyết định cho bé tiếp tục được tiêm mũi 2. Ở nhà mình, các thành viên trong gia đình đều đã được tiêm mũi 3, sức khỏe ai cũng bình thường. Đặc biệt, nhờ tiêm vắc xin nhà mình không có ai nhiễm COVID-19 cả. Do đó, mình rất quan tâm và trông chờ đến lượt bé nhà mình được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2”, anh Đỗ Quang Minh chia sẻ.

Tiêm mũi 1 thì bao lâu tiêm mũi 2

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm

Tại tất cả các điểm tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cùng với việc đảm bảo các quy định về an toàn tiêm chủng được lực lượng y tế thực hiện nghiêm, các quy trình thực hiện đều có sự tham gia theo dõi, giám sát của phụ huynh học sinh nhằm kịp thời xử lý các vấn đề cập nhật thông tin và để giúp trẻ được an tâm hơn. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo lực lượng y tế rất rõ ràng, đó là công tác tiêm vắc xin phải được đảm bảo an toàn, không vì áp lực tiến độ mà bỏ qua quy trình an toàn.

Chị Dương Thanh Vân – phụ huynh có con được tiêm vắc xin mũi 2 chia sẻ: “Mình thấy nhân viên y tế làm việc rất cẩn thận, con mình được các y, bác sĩ dặn dò về quá trình tiêm, cũng như những điều cần lưu ý về sức khỏe sau tiêm. Việc theo dõi sức khỏe sau khi tiêm được các y, bác sĩ quan tâm thực hiện rất chu đáo”.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 33.500 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 26,5. Toàn bộ vắc xin được phân bổ cho Bình Thuận trong 3 đợt vừa qua là Moderna, với loại vắc xin này mũi 2 cách mũi 1 là 28 ngày. Vì vậy, hiện các địa phương đang tập trung tiêm trả mũi 2 và tiếp tục tiêm các liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được coi là “mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vắc xin đang được Việt Nam thực hiện trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp trẻ tạo kháng thể bảo vệ trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như hướng tới sống chung an toàn với COVID-19 trong dài hạn.

Tiêm mũi 1 thì bao lâu tiêm mũi 2

Để giúp chiến lược bao phủ vắc xin diễn ra thành công, rất cần sự phối hợp tích cực từ các bậc cha mẹ. Việc tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ giúp bảo vệ trẻ tốt hơn trước COVID-19. Bên cạnh đó, Để đảm bảo cho việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 diễn ra an toàn, hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo một số điểm lưu ý như sau:

- Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý tích cực cho trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ trước và sau khi tiêm. Không để trẻ tiêm vắc xin phòng tình trạng đói hay quá no.

- Thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế, khai báo tình trạng của trẻ khi khám sàng lọc trước tiêm chủng, theo dõi tại điểm tiêm trong 30 phút sau tiêm và phối hợp với nhân viên y tế, thầy cô giáo theo dõi tình trạng trẻ, đồng thời động viên, tránh để trẻ lo lắng, mất bình tĩnh.

- Chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng. Hạn chế vận động mạnh, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng.

- Các phản ứng sau tiêm hay gặp như sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, đau cơ…,trường hợp trẻ sốt từ 38,5 độ C trở nên, có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4-6 tiếng.

- Theo dõi sức khỏe của trẻ sau 3-7 ngày, các phản ứng phụ thường xuất hiện và hết sau vài giờ đến 24 giờ sau tiêm, vì vậy bố mẹ nên theo dõi các biểu hiện này của trẻ để có những can thiệp kịp thời. Tùy theo cơ địa trẻ sẽ có những phản ứng nặng nhẹ khác nhau.

- Nếu trẻ có các dấu hiệu kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc kéo dài hơn 24 tiếng, vân tím trên da, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ... cần đưa đến cơ sở y tế ngay.

- Phụ huynh tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc lạ lên vị trí tiêm./.

Hữu Tri