Tiền rác sinh hoạt bao nhiêu?

Điều này gây khó cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong đầu tư đổi mới công nghệ, giảm cường độ làm việc nặng nhọc và ảnh hưởng lớn đến thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường. Thực trạng này đòi hỏi cần nghiên cứu, ban hành chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm tính đúng, tính đủ.

Mức giá dịch vụ vệ sinh môi trường còn thấp

Hiện nay, trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000-70.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Hơn 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng 10-16%/năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng nhưng phí thu gom chất thải rắn từ các hộ gia đình lại chưa phù hợp, điều này khiến các doanh nghiệp cũng như công nhân vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: TRIỆU QUANG 

Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội [Urenco] cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ ra chủ nguồn thải phải chịu đầy đủ chi phí quản lý chất thải rắn và chịu trách nhiệm với chất thải. Nhưng trên thực tế, mức giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với cá nhân/hộ gia đình còn thấp. Ở Hà Nội mức thu 6.000 đồng/tháng/người [nội thành]; ở Đà Nẵng thu 20.000 đồng/tháng/hộ gia đình; ở TP Hồ Chí Minh: Hộ gia đình nội thành nhà mặt tiền ở chung cư cao cấp là 22.000 đồng/tháng, hộ gia đình nội thành nhà trong hẻm là 16.500 đồng/tháng. Mức phí này duy trì hơn chục năm nay và chỉ chiếm 15% chi phí thu gom. Trong khi đó, mức lương cho người lao động trong ngành môi trường hiện hơn 5,1 triệu đồng/người/tháng, sau khi nộp tiền bảo hiểm xã hội thì chỉ còn lại khoảng hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Phạm Văn Đức, mức lương này không bảo đảm đời sống cho người lao động, khiến công nhân không gắn bó lâu dài với công việc, gây khó khăn trong công tác tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Toàn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền dịch vụ. 

Bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí

Trước thực tế giá dịch vụ vệ sinh chưa phù hợp, ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Urenco kiến nghị, cơ quan chức năng cần ban hành lại đơn giá, bảo đảm tính đúng, tính đủ các thành phần cấu thành giá, như: Nhân công, ca máy, khấu hao... Sớm ban hành đề án giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và lộ trình thực hiện. Xem xét bổ sung kinh phí thực hiện công tác phân loại rác vào đơn giá duy trì vệ sinh môi trường, khuyến khích thực hiện công tác phân loại và tái chế rác thải tại nguồn.

Các chuyên gia cũng đề xuất các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Hideki Wada, đại diện Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam [Vietnam Waste Planning] gợi ý, có thể sử dụng các loại túi rác để đo lượng chất thải, từ lượng chất thải quy ra số tiền phải trả cho dịch vụ vệ sinh môi trường. Túi rác nhỏ thì giá thấp và túi rác lớn thì giá cao hơn. Khi áp dụng hệ thống thu gom bằng túi, người dân sẽ có ý thức hơn, xả ra ít rác hơn và từ đó chi phí thu gom và xử lý cũng giảm. Ông dẫn ví dụ tại thành phố Machida, Tokyo, tác động của phương pháp này khiến khối lượng rác thu gom giảm rõ rệt, từ 1.044g/người/ngày xuống 950g/người/ngày. "Tuy nhiên, khi áp dụng thu phí rác bằng túi cần cân nhắc đến kênh phân phối túi. Ở Nhật Bản, túi được bán tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, còn Việt Nam có thể thông qua tổ dân phố, đơn vị địa phương", ông Hideki Wada lưu ý.

Chủ Đề