Tội đánh bạc quy định tại điều bao nhiêu blhs

[LSVN] - Tội “Đánh bạc” và tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” thuộc nhóm tội danh xâm phạm trật tự công cộng. Nhìn chung, trong những năm qua, các tội danh này tăng nhanh về số lượng, với tính chất phức tạp, tinh vi. Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 2015 [BLHS] và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều sửa đổi, bổ sung đã khắc phục các hạn chế, bất cập trong quy định của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án về tội “Đánh bạc”; tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” tại các Tòa án vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc và cách hiểu khác nhau.

Ảnh minh họa.

Một số bất cập, hạn chế

Thứ nhất, đối với trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý cho các đối tượng đánh bạc địa điểm do người đó sở hữu hoặc quản lý nhưng không thu tiền hộ hoặc hưởng các lợi ích vật chất khác thì có phạm tội “Gá bạc” theo Điều 322 BLHS hay không?

Thứ hai, đối với trường hợp một người đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề nhưng sử dụng nhiều kết quả xổ số của các địa phương khác nhau thì có thuộc trường hợp phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS hay không?

Ví dụ: Lúc 16h00 ngày 22/4/2023 Nguyễn Văn A. sử dụng điện thoại nhắn tin cho Trần Văn B. mua bán số lô, đề sử dụng kết quả xổ số miền Bắc với số tiền 6 triệu đồng và lúc 16h20 cùng ngày Nguyễn Văn A. tiếp tục mua, bán số lô, đề với Trần Văn B. sử dụng kết quả xổ số tỉnh Cần Thơ với số tiền 5 triệu đồng Nguyễn Văn A. và Trần Văn B. bị truy tố về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Như vậy, trong ngày 22/4/2023 Nguyễn Văn A. đã thực hiện hành vi mua bán số lô, đề với Trần Văn B. 02 lần nhưng sử dụng kết quả xổ số của hai địa phương khác nhau, số tiền mỗi lần đánh trên 5 triệu đồng thì có áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS Nguyễn Văn A. và Trần Văn B. hay không?

Thứ ba, đối với trường hợp một người mua bán số lô, đề trong một ngày với một dãy số nhưng sử dụng kết quả xổ số nhiều địa phương, các đài khác nhau thì có thuộc trường hợp phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS hay không?

Ví dụ: Lúc 10 h00 phút ngày 26/4/2023 Hồ Văn K. nhắn tin mua, bán số lô, đề với Hoàng Nghĩa M. số đề 03, 90 với số tiền 6 triệu đồng sử dụng kết quả xổ số Hải Phòng và số tiền 7 triệu đồng sử dụng kết quả xổ số Đắc Nông. Sau đó Hồ Văn K. và Hoàng Nghĩa M. bị bắt và truy tố về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 BLHS. Hồ Văn K. và Hoàng Nghĩa M. mua bán số lô, đề với một dãy số nhưng sử dụng kết quả xổ số 02 địa phương khác nhau thì có áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS Hồ Văn K. và Hoàng Nghĩa M. hay không?

Thứ tư, việc xác định số tiền dùng vào mục đích đánh bạc trong tội “Tổ chức đánh bạc” khi có 03 chiếu bạc nhưng chỉ có 02 chiếu bạc trên 05 triệu đồng và 01 chiếu bạc dưới 5 triệu động thì xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc tại 02 chiếu bạc hay 03 chiếu bạc?

Ví dụ: Ngày 19/02/2023 tại nhà Phạm Văn O. có 03 chiếu bạc với tổng số tiền 14 triệu đồng cụ thể như sau: Chiếu bạc thứ nhất sử dụng số tiền 05 triệu đồng, chiếu bạc thứ hai sử dụng số tiền 07 triệu đồng, chiếu bạc thứ ba sử dụng số tiền 02 triệu đồng, cơ quan Công an khởi tố Phạm Văn O. về tội “Tổ chức đánh bạc” theo Điều 322 BLHS; các đối tượng tại chiếu bạc thứ nhất và thứ hai bị khởi tố về tội “Đánh bạc” theo Điều 321 BLHS; các đối tượng tại chiếu bạc thứ ba do chưa có tiền án, tiền sự, số tiền đánh bạc dưới 05 triệu đồng nên không bị khởi tố.

Vậy, số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc là tổng số tiền của cả 03 chiếu bạc là 14 triệu động hay 02 chiếu bạc là 12 triệu đồng? Không tính số tiền đánh bạc tại chiếu bạc thứ ba do các đối tượng đánh bạc dưới 5 triệu đồng.

Kiến nghị

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, để thực tiễn áp dụng được thống nhất, tác giả kiến nghị cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành đối với tội “Đánh bạc”; tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”. Cụ thể, cần hướng dẫn một số nội dung như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp chủ sở hữu hoặc quản cho các đối tượng đánh bạc địa điểm do người đó sở hữu hoặc quản lý nhưng có thu tiền hộ hoặc hưởng các lợi ích vật chất khác thì mới phạm tội "Gá bạc" theo Điều 322 BLHS. Đối với trường hợp không thu tiền hồ hoặc hưởng các lợi ích vật chất khác là đồng phạm về tội "Đánh bạc" theo Điều 321 BLHS. Vì bản chất của hành vi gá bạc có mục đích là tiền hồ hoặc được hưởng lợi ích vật chất từ hành vi đánh bạc mang lại nếu không thu tiền hồ hoặc hưởng lợi ích vật chất khác thì chỉ xử lý đồng phạm về tội đánh bạc là phù hợp.

Thứ hai, đối với trường hợp một người đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề nhưng sử dụng nhiều kết quả xổ số các địa phương, các đài khác nhau và trường hợp một người mua bán số lô, đề một dãy số nhưng sử dụng nhiều kết quả xổ số ở các địa phương, các đài khác nhau thì thuộc trường hợp phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS vì kết quả xổ số các địa phương, các đài được quay thưởng vào các giờ, thời điểm khác nhau hoặc cơ cấu giải thưởng khác nhau. Do đó, để xác định hành vi của người mua bán số lô, đề có phạm tội 02 lần trở lên hay không thì cần căn cứ vào việc các bị cáo sử dụng kết quả xổ số địa phương khác hoặc các đài khác nhau là thỏa mãn.

Thứ ba, cần xác định số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền tất các chiếu bạc cộng lại mà không phân biệt chiếu bạc trên 05 triệu hoặc dưới 05 triệu vì theo hướng dẫn tại Công văn số 01/GD-TANDTC ngày 25/7/2016 giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự nêu rõ: "Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng có bị xử lý hình sự không?

Theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì phạm tội “Tổ chức đánh bạc” thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu:

“a] Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên...;

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc...;

Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Tóm lại, theo tinh thần Công văn trên thì yếu tố để thỏa mãn cấu thành tội "Tội tổ chức đánh bạc" là số người tham gia đánh bạc mà không xác định số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc là dưới 05 triệu hay trên 05 triệu. Như vậy, việc cộng số tiền tất cả các chiếu bạc để định tội danh với hành vi “Tổ chức đánh bạc” theo Điều 322 Bộ luật Hình sự là phù hợp.

Chủ Đề