Tổng quan thị trường giáo dục Việt Nam

Nguyễn Khánh Trung

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện IRED

Tổng quan thị trường giáo dục Việt Nam
Bài viết dưới đây bàn về vai trò của một số tác nhân chính trong thị trường giáo dục, vốn phải phụ thuộc và chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng mỗi bên đều có khoảng trống và quyền hạn riêng - đó là Nhà nước, nhà trường, người học và phụ huynh, những tác nhâ.

Khái niệm thị trường giáo dục là chủ đề của 9 bài báo khoa học đăng trên Revue de recherche internationale et comparative en education (Tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế và So Sánh Giáo Dục), số 6/2011 vừa mới phát hành. Phải nói ngay để khỏi gây hiểu lầm cho những ai vốn dị ứng với khái niệm này rằng các tác giả các bài viết không có ý xem giáo dục như một loại hàng hóa trao qua đổi lại như các loại hàng hóa trên thị trường kinh tế.

Giáo dục trước hết là một dịch vụ, sản phẩm được tạo ra là những con người hoàn toàn có thể chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, chính bản thân họ là những tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ trên sự điều tiết của thị trường giáo dục. Hơn nữa, giáo dục có những sứ mệnh và lý tưởng cao xa hơn thị trường kinh tế, chẳng hạn như vai trò của giáo dục trong việc đào tạo các công dân tự do, hay cuộc chiến của trường học với sự bất bình đẳng xã hội, vv. Vì những điều như vậy, chúng ta không thể sử dụng cùng những logic trong việc trao đổi hàng hóa trên thị trường kinh tế để bàn luận về giáo dục.

Gọi là thị trường vì trong giáo dục có các tác nhân khác nhau, có cung và cầu, có sự cạnh tranh, có sự lựa chọn, có cơ chế điều tiết vv. Những điều này đều thấy trong đa số các nền giáo dục, tuy mức độ, hình thức, tính logic và cả cách hiểu về chúng có thể khác nhau trong các quốc gia. Ở đây nếu có dính dáng tới kinh tế, thì thị trường giáo dục cũng được vận hành theo nguyên tắc bàn tay vô hình trong lý thuyết cổ điển của Adam Smith ở chỗ, thị trường tự điều chỉnh trên nguyên tắc có lợi cho mỗi bên tác nhân tham gia và vì lợi ích của tất cả.

Nói tóm lại, thị trường là một khái niệm của kinh tế, nhưng chúng ta có thể xã hội học hóa nó để biến thành một khái niệm công cụ nhằm lý giải và so sánh các nền giáo dục khác nhau1. Trong ý nghĩa này, giáo dục Việt Nam cũng là một thị trường, bởi ít nhiều cũng có các yếu tố đã nói, nhưng là một thị trường không giống ai, và có lẽ vì thế mà chất lượng giáo dục cũng khác xa với thiên hạ. Ở đây tôi xin bàn về vai trò một số tác nhân chính trong thị trường này, đó là Nhà nước, nhà trường, người học và phụ huynh.

Vai trò của Nhà nước

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước trong giáo dục. Tại bất kỳ quốc gia nào, thông qua những chính sách về giáo dục của mình, Nhà nước đều ít nhiều tác động, lèo lái và ảnh hưởng trên giáo dục, ảnh hưởng trên sự điều tiết, trên hành vi, chiến lược của các tác nhân khác trên thị trường giáo dục. Thế nhưng đa phần tại các nước có nền giáo dục phát triển, Nhà nước đã không vì chuyện tiền bạc mình bỏ ra đầu tư mà có quyền thống trị thị trường, nhưng chỉ được xem là một tác nhân, một bên trong sự tương quan với các tác nhân khác mà thôi.
Tại các nước phương Tây, Nhà nước là bên đầu tư chính cho giáo dục với mục đích là đảm bảo công bằng trong cơ hội, đảm bảo quyền được học hành của người dân. Nhà nước không những là nhà đầu tư chính cho các trường công, mà còn cho các trường tư.

Tại Bỉ, Nhà nước tài trợ cho các trường tư dựa vào số lượng học sinh, hay dựa vào kết quả học tập của người học. Nhưng làm sao để có được nhiều học sinh đến học, có nhiều học sinh đạt kết quả tốt (theo sự kiểm định của Nhà nước) để tranh thủ kinh phí của Nhà nước lại là chuyện riêng của trường. Ðiều này vừa đảm bảo được quyền tự do chọn trường của các gia đình, vừa kích thích sự cạnh tranh giữa các trường bằng cách đem ra những chiến lược bảo đảm chất lượng, cũng cố uy tín để thu hút học sinh.

Tại Mỹ, Nhà nước đầu tư một quỹ rất lớn cho giáo dục, chẳng hạn vào năm 2006 là 250 tỷ USD, khoảng 70% sinh viên đại học được nhận một khoản chi phí nào đó2. Thế nhưng Nhà nước lại không có quyền can dự vào chuyện nội bộ của trường như chương trình nội dung giảng dạy, tuyển dụng và bố trí nhân sự, cách thức tuyển lựa sinh viên. Pháp cũng đang cải cách theo chiều hướng này. Theo tinh thần bộ luật về giáo dục đại học 2007, thì đại học tại quốc gia này đang nhận được quyền tự chủ rất lớn, hội đồng trường là bộ phận quyền lực nhất, bầu ra hiệu trưởng, quyết định các chính sách, đường hướng phát triển của trường3, trong khi Nhà nước vẫn phải đóng vai trò là nhà tài trợ chính.

Tại Việt Nam, đặc điểm nổi bật là chính sách tập quyền trong quản lý giáo dục. Nhà nước bao sân, lấn át, thậm chí triệt tiêu tự do của các tác nhân khác. Trong giáo dục đại học chẳng hạn, Nhà nước xen sâu vào công việc đáng lý ra là của trường như tổ chức tuyển sinh, khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, đặt để bố trí nhân sự, can dự vào nội dung chương trình giảng dạy... trong khi nhiệm vụ, trách nhiệm chính của mình lại có khuynh hướng đẩy cho phía nhà trường, mà thực ra là đẩy cho phía người dân, đó là vấn đề kinh phí.

Hiện nay đang ồn ào bàn tán đến quyền tự chủ của đại học trong nước, thế nhưng chúng ta chưa thấy các đại học có quyền tự chủ gì ngoài việc càng ngày càng bị tự chủ về mặt tài chính, mà theo đó là học phí ngày càng tăng lên, chất thêm gánh nặng cho người dân, trong khi họ chẳng có nhiều cơ hội lựa chọn trong học tập như người dân các nước khác.

Vai trò của nhà trường

Tại các nước phương Tây, các trường, nhất là các trường đại học được hưởng quyền tự chủ rất cao, được xem là một phía, một tác nhân trong tương quan với Nhà nước. Nhà nước tuy có ảnh hưởng trên nhà trường, nhưng nhà trường không thụ động phụ thuộc vào Nhà nước hoàn toàn.

Ở Mỹ, Bộ Giáo dục và Nhà nước trung ương không có quyền quản lý đối với đại học, cũng tương tự tại Pháp, Bộ Ðại học chỉ có quyền can dự vào một trường khi trường đó có những vấn đề đình đám nghiệm trọng. Ngược lại, bằng những chiến lược riêng, bằng những tiếng nói, những phản ứng của mình trong một môi trường dân chủ, nhà trường góp phần làm thay đổi, làm hình thành các chính sách của Nhà nước về giáo dục. Trong một thị trường giáo dục có sự cạnh tranh, những chiến lược riêng của trường thông qua nội dung chương trình giảng dạy, chất lượng các dịch vụ, chất lượng các giáo viên, vv, liên hệ mật thiết đến sự thành bại của mình. Làm sao thu hút được khách hàng, cũng có nghĩa là thu hút các nguồn tài chính từ Nhà nước và các thành phần khác là chuyện riêng của các trường. Trong tình thế như vậy, nhà trường buộc phải thực lòng hướng về người học, hướng về xã hội bằng cách nêu cao khẩu hiệu uy tín là vàng, uy tín ở đây gắn liền với chất lượng đào tạo thể hiện qua sản phẩm, gắn liền với chất lượng các dịch vụ trong trường, cũng như gắn liền với sự đa dạng hóa trong phương thức và loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nói tóm lại, cũng như trong lĩnh vực kinh tế, sự cạnh tranh cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho người thụ hưởng trực tiếp ở đây là các học sinh, cho các gia đình của họ và cho toàn xã hội nói chung.

Tại Việt Nam, như đã nói, Nhà nước lấn quá sâu vào nội bộ các trường, làm triệt tiêu sự cạnh tranh, sự sáng tạo và những đóng góp đến từ các tác nhân khác. Hệ thống đại học hiện nay tựa như một đại học khổng lồ, các trường chỉ là các phân khoa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ban giám hiệu là Bộ GD-ÐT. Hậu quả là các trường cứ từa tựa nhau xét về các mặt từ phương thức tổ chức đến nội dung đào tạo. Trường Ðại học KHXHNV TP.HCM và trường Ðại học KHXHNV Hà Nội có lẽ không khác nhau là mấy, bởi cả hai cùng chịu sự quản lý của một nơi, cùng phải dùng một chương trình khung, cùng phải theo những chủ trương chung, cùng phải sử dụng những giáo trình pháp lệnh, vv. Sản phẩm đào tạo do đó cũng bình bình như nhau.

Các trường không tạo được những nét đặc thù riêng, không lo củng cố chất lượng, mà cũng chẳng cần tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo của mình vì mọi sự đã có nhà nước bao, trong khi người học và gia đình họ không đủ trọng lượng để quyết định số phận của các trường. Nói cách khác, nhà trường đóng một vai trò mờ nhạt, phụ thuộc Nhà nước đủ thứ, chỉ là nơi, là phương tiện trong tay Nhà nước và được sử dụng để làm cụ thể hóa ý muốn của các nhà lãnh đạo, chứ không phải là một tác nhân chủ động, một bên trên thị trường giáo dục như tại các quốc gia khác.

Vai trò của học sinh và phụ huynh

Ở đây tôi không bàn sâu về vai trò của học sinh, những tác nhân trực tiếp trong giáo dục với những đặc điểm, khả năng riêng, những chiến lược học tập riêng trong sự tương quan với nhà trường và với các giáo viên. Chúng ta chỉ nói đến vai trò của phụ huynh trong việc lựa chọn trường lớp cho con cái mình.

Tại Bỉ và Hà Lan, việc tự do chọn lựa trường là một quyền của các gia đình, trở thành nguyên tắc căn bản xuyên suốt của bộ luật giáo dục. Nhưng dựa vào đâu để các gia đình chọn trường, các nghiên cứu4 đã chỉ ra là đa số dựa vào yếu tố chất lượng và sự đa dạng của nguồn cung do các trường giới thiệu, tuy rằng nhận thức về chất lượng hoàn toàn không giống nhau, mà chúng ta không có điều kiện để bàn sâu ở đây. Trong một bối cảnh cạnh tranh, hành động lựa chọn của các học sinh và gia đình quyết định số phận của các trường. Những than phiền, những yêu cầu, những sáng kiến từ phía người học và phụ huynh do đó được lắng nghe, góp phần làm thay đổi giáo dục theo hướng dân chủ hóa trong giảng dạy. Ðiều này kích thích và thu hút được những đóng góp từ mọi thành phần trong xã hội cho giáo dục.

Khái niệm xã hội hóa giáo dục đang được chủ trương tại Việt Nam có lẽ nên triển khai theo nghĩa này chứ không nên chỉ gắn liền với việc kêu gọi các thành phần xã hội bỏ vốn kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, mà thực ra đang làm cho giáo dục trở thành một thị trường bát nháo, chụp giật mà nạn nhân lại là người dân. Ở nước ta, vai trò của người học và phụ huynh bị xem nhẹ. Ở lớp, học sinh bị nhồi nhét đủ thứ với một chương trình nặng nề cưng nhắc, mà học sinh cũng như phụ huynh không có quyền can thiệp và cũng chẳng có quyền lựa chọn có nên học hay không. Họ chỉ là những thực thể thụ động trước sự áp đặt của Nhà nước và nhà trường. Khi thiết kế chương trình đào tạo, khi ban hành các chính sách giáo dục, người ta cũng không chú ý mấy đến phía người học đang nghĩ gì, đang phản ứng thế nào. Giáo dục vì thế chỉ là phương tiện của phía Nhà nước sử dụng để thể hiện ý chí của mình, chứ không phải là một dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm. Vai trò của người học và phụ huynh hoàn toàn bị mờ nhạt, trước sự lấn sân của Nhà nước, không thể trở thành một tác nhân có thể tác động lên nhà trường, và qua đó góp phần làm thay đổi, làm phát triển hiện trạng giáo dục vốn đang rất u ám hiện tại.

Giáo dục hiện đại nên là địa bàn chung, là nơi gặp gỡ giao thoa giữa nhiều bên, nhiều tác nhân trong một cơ chế cạnh tranh và dân chủ. Các bên gặp nhau trong những cơ chế điều tiết, tuy phải phụ thuộc và chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng mỗi bên đều có khoảng trống, có quyền hạn riêng. Có ảnh hưởng từ Nhà nước trên các trường và các gia đình, nhưng cũng có ảnh hưởng từ các gia đình và nhà trường lên các chính sách của Nhà nước. Sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau này trong một cơ chế cạnh tranh giữa các trường, trong một tinh thần sư phạm và thái độ phục vụ hướng về người học sẽ làm hài hòa và thúc đẩy giáo dục phát triển.

Mỹ đang có một nền giáo dục rất phát triển mà không những Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới muốn học hỏi. Ðiều gì đã làm nên kỳ tích này? Nhiều nhà nghiên cứu5 đã bình luận điều làm nên sự phát triển nhanh, sự đa dạng và phong phú của giáo dục Mỹ không phải nhờ vào sự chỉ đạo thống nhất, tập trung từ trung ương mà chính là nhờ vào những lựa chọn, những quyết định trong cơ chế cạnh tranh của thị trường giáo dục. Ðây là bài học lớn cho Việt Nam đang trên đường đi tìm lối ra cho sự khủng hoảng giáo dục hiện nay.

---

1. Xem Georges Felouzis. (2011). Les marchés scolaires et léducation comparée. Éducation comparée. Revue de recherche internationale et comparative en education. Nouvelle série. Số 6/ 2011, tr. 10 11.

2. Johnstone, B.D. The US Higher Education System. Trích bởi Xem Lâm Quang Thiệp. (2011). Humboldt, Mỹ và đại học Việt Nam. Kỷ yếu Ðại học Humboldt 200 năm (1810 2010) Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Hà Nội. Nxb. Tri Thức. Tr. 299.

3. Loi n 2007 1199 du 10 aout 2007 relative aux libertes et responsabilites des universites.

4. Xem Karin Müller (2011). Libre choix des ecoles Libre choix de quoi et par Qui? Éducation comparée / nouvelle série, số °6/2011, pp. 29-48.

5. Xem Lâm Quang Thiệp. (2011). Humboldt, Mỹ và đại học Việt Nam. Kỷ yếu Ðại học Humboldt 200 năm (1810 2010) Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Hà Nội. Nxb. Tri Thức, tr. 296.

(Nguồn: Tia Sáng - 29/12/2011)

Công ty Tư vấn Chiến lược Toàn cầu L.E.K. Consulting mới đây công bố báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành giáo dục hiện nay. Báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ trong ngành giáo dục tư thục, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 11% trong giai đoạn 2016-2020.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2-3% trong năm 2020 - một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Kết quả này có được là nhờ sức mạnh của một nền tảng kinh tế vững chắc, sự quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như các hoạt động hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm của chính phủ.

Mảng giáo dục tư thục cho học sinh từ mẫu giáo đến THPT (K12) của Việt Nam sẽ phát triển mạnh dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Báo cáo của L.E.K theo đó phân chia hệ giáo dục này thành các nhóm riêng biệt: quốc tế, song ngữ, tư thục trong nước và dân lập.

Ghi nhận, phân khúc giáo dục song ngữ ở Tp.HCM và Hà Nội đã tăng trưởng 17% mỗi năm trong giai đoạn năm học 2016-2020. Với thu nhập khả dụng của các người dân tăng cùng với nhu cầu học tiếng Anh giao tiếp tiếp tục được đẩy mạnh, một lượng không nhỏ trong khoảng 3 triệu học sinh tại Tp.HCM và Hà Nội có xu hướng chuyển sang học tại các trường đào tạo song ngữ.

Anip Sharma, Giám đốc điều hành tại L.E.K. Consulting cho biết: "Nhu cầu về các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chất lượng cao được đẩy mạnh xuất phát từ nguyện vọng theo học tại các nước nói tiếng Anh của học sinh Việt Nam. Các trường giảng dạy song ngữ đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Anh của phụ huynh tốt hơn so với các trường công lập và tư thục trong nước. Ngoài ra, các trường giáo dục từ bậc mầm non cho đến THPT cung cấp chương trình đào tạo quốc tế có số lượng tuyển sinh tăng nhanh hơn so với các trường tư thục nói chung. Trong giai đoạn năm học 2015-2018, chương trình đào tạo quốc tế đạt mức tăng trưởng kép 5-6%, trong khi tổng mức tăng trưởng kép của nhóm tư thục lên đến 11%."

Hiện nay, các trường song ngữ được trang bị tốt hơn để giúp học sinh chuẩn bị cho việc theo học tại các trường đại học ở các nước nói tiếng Anh, nơi Việt Nam là quốc gia châu Á lớn thứ tư có các các tập đoàn đa quốc gia cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thêm vào đó, học phí ở những trường song ngữ này cũng thấp hơn so với một số trường quốc tế mới được hình thành.

Tổng quan thị trường giáo dục Việt Nam

Phân khúc các trường quốc tế cung cấp các chương trình đào tạo đến từ Anh, Mỹ hay chương trình Bằng tú tài quốc tế (The International Baccalaureate Diploma Programme) thường sẽ hướng đến học sinh nước ngoài cư trú tại Việt Nam bởi tiếng Anh là phương tiện giảng dạy duy nhất. Các gia đình ngoại quốc cũng có thể có thể chi trả được học phí ở mức giá cao hơn.

Hệ thống giáo dục ở đẳng cấp thế giới có thể mở ra con đường đến với giáo dục đại học ở nước ngoài dễ dàng hơn, dẫn đến sự nở rộ của thị trường này tại Việt Nam thời gian qua.

Tp.HCM và Hà Nội tiếp tục là trung tâm giáo dục cấp cao

Đi sâu hơn vào dữ liệu của các thành phố và giải thích chi tiết về các xu hướng chính, số lượng học sinh trong độ tuổi phù hợp với nền giáo dục cao cấp ở Hà Nội là khoảng 1,3 triệu em. Con số này đã tăng lên 1,6% trong giai đoạn năm học 2016-2020 và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển ở mức tăng trưởng kép hàng năm khoảng 2%.

Trong khi đó, quy mô thị trường giáo dục tư thục của Tp.HCM ước tính trị giá khoảng 560 triệu euro (tương đương 15.200 tỷ đồng) trong năm 2020, với 25% thị phần về tay các trường song ngữ cao cấp cùng với mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các phân khúc. Một nền kinh tế thịnh vượng cùng với các sáng kiến của chính phủ đã cho phép tăng khả năng chi trả của người dân Việt Nam tại hai thành phố cũng như thu hút nhiều người nước ngoài cư trú tại quốc gia này hơn, từ đó tạo ra nhu cầu bền vững và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường giáo dục tư thục tại đây.

Các nhà đầu tư và cơ sở giáo dục đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này. Một số quỹ đầu tư quốc tế nổi bật đã đầu tư vào các tài sản trọng yếu, trong khi các tổ chức giáo dục quốc tế từ bậc mầm non đến THPT có uy tín đã mở rộng hoạt động tại nhiều chi nhánh.

"Những bên đang chú ý đến thị trường này để tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh sẽ được khuyến khích bởi khả năng ứng phó hiệu quả với đại dịch của Việt Nam và tín hiệu tích cực nói chung của ngành giáo dục tư thục tại đây. Mô hình giáo dục từ bậc mầm non đến THPT vốn dĩ là một mô hình kinh doanh đáng tin cậy, và Việt Nam đặc biệt mang lại nhiều cơ hội lớn cho các tổ chức và nhà đầu tư".