Tổng quan về cây dược liệu ở Việt Nam

Phát triển nguồn dược liệu trong nước

12/06/2010 00:26

Nước ta có tài nguyên cây thuốc rất phong phú, Nhưng việc khai thác bừa bãi, không bảo tồn hợp lý đã và đang làm cho nguồn tài nguyên quý giá này ngày một cạn kiệt, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Ðã đến lúc cần phải có một chiến lược khai thác, nuôi trồng và chế biến hợp lý... mới có thể phát huy giá trị của nguồn tài nguyên quý báu này trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sản phẩm quốc gia từ dược liệu

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng với khoảng 10.350 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn hai nghìn loài tảo. Kết quả điều tra, cả nước ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm lớn có thể sử dụng làm thuốc, trong đó có hàng chục loại có giá trị chữa bệnh cao. Tổng sản lượng dược liệu ở Việt Nam hằng năm ước tính khoảng từ ba đến năm nghìn tấn. Một số dược liệu quý được thế giới công nhận và có tiềm năng phát triển rất lớn như: hồi, trinh nữ hoàng cung, quế, a-ti-sô, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng, hoa hòe...

Theo Bộ Y tế, cả nước có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước, trong đó có mười cơ sở sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO). Hiện có 1.086 số đăng ký thuốc từ dược liệu còn hiệu lực. Bên cạnh thuốc cao đơn, hoàn, tán cổ truyền, thuốc đông dược sản xuất trong nước hiện khá phổ biến dưới các dạng bào chế như viên nang cứng, nang mềm, cao dán thấm qua da. Trong nước cũng đã có một số cơ sở trồng trọt dược liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều đơn vị đang triển khai áp dụng nguyên tắc "thực hành tốt trồng trọt, thu hái cây thuốc". Bên cạnh đó cũng có những cơ sở chế biến thực hiện việc thu mua dược liệu, lo đầu ra cho các hộ trồng trọt, kết hợp các hoạt động tập huấn quy trình kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng, phân bón cho nhà nông, hình thành các vùng dược liệu trọng điểm...

Nhiều doanh nghiệp khẳng định thương hiệu từ thế mạnh của dược liệu trong nước như: Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, Tập đoàn Y dược Bảo Long, Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex... Dự kiến trong tháng 6 này, ba sản phẩm quốc gia từ dược liệu theo đề xuất của Bộ Y tế sẽ chính thức được công bố, đó là: sâm Ngọc Linh, cây Trinh nữ hoàng cung và Hồi. Ðược chọn là sản phẩm quốc gia là điều kiện tốt cho các dược liệu phát triển ở tầm cao mới, từ việc đầu tư mở rộng sản xuất cũng như chính sách sử dụng sản phẩm.

Trong ba sản phẩm dược liệu quốc gia đó, cây Trinh nữ hoàng cung được TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu trong suốt 20 năm qua. Thành quả đem lại là cả một quy trình khép kín, từ thuần chủng giống, phát triển vùng nguyên liệu (bảo đảm đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học) đến chiết xuất, bào chế thành công viên nang Crila. Crila được ứng dụng trong điều trị u xơ tử cung, phì đại lành tính tuyến tiền liệt và các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện cho thấy hiệu quả điều trị của thuốc Crila đạt 89,18% đối với phì đại lành tính tuyến tiền liệt còn đối với u xơ tử cung đạt 79,5%... Thuốc Crila có giá thành chỉ bằng một phần tư so với giá những thuốc cùng loại nhập khẩu. Công ty cũng đã phát triển vùng trồng cây Trinh nữ hoàng cung ở Ðồng Nai, Bình Dương và Phú Yên đủ nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước.

Cần sự vào cuộc của "bốn nhà"

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay các vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác một cách cạn kiệt. Nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ, như khu vực núi Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai); Cao nguyên An Khê (thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh)... Nguồn dược liệu thiên nhiên bị khai thác kiệt quệ, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay có 144 loài cây thuốc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn: sâm Ngọc Linh (một trong bốn loại sâm giá trị nhất thế giới), sâm Vũ Diệp, Tam Thất Hoang, Ðảng Sâm, Ba Kích, Thanh Mộc Hương, Bách Hợp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có đầy đủ các điều kiện để trồng trọt dược liệu có giá trị cao, nhưng do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định nên việc phát triển các vùng dược liệu hiện nay gặp nhiều khó khăn. Chính sách bảo tồn nguồn gien, nhất là các cây quý còn quá ít. Từ một nước xuất khẩu, Việt Nam trở thành một nước nhập khẩu dược liệu để phục vụ thị trường trong nước. Trong khi đó, khó khăn cơ bản cho các đơn vị sản xuất là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy không ổn định, không có khả năng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ và không kiểm soát được bảo quản đến nhà máy. Dược liệu chất lượng kém, dược liệu "rác" từ biên giới nhập khẩu không kiểm soát được, giá rẻ cho nên dược liệu trong nước có giá cao không cạnh tranh được...

Phát triển chủng loại và mở rộng diện tích trồng cây thuốc là con đường tất yếu bảo đảm cung cấp đủ dược liệu cho công nghiệp dược trong nước và xuất khẩu. Muốn vậy cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc quy hoạch khai thác đến nuôi trồng, lựa chọn những loại cây thế mạnh... Tại hội nghị phát triển dược liệu tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng phát triển, quy hoạch từng vùng trồng dược liệu đồng thời giữ vai trò trung tâm xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho "ba nhà": Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông liên kết chặt chẽ phát triển những sản phẩm dược liệu hiệu quả. Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp thời gian qua cho thấy việc phát triển dược liệu phải gắn liền với dược phẩm.

DS Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Vimedimex nhận định, chúng ta có thể đưa dược liệu trở thành mũi nhọn. Nhưng Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, từ phát triển nuôi trồng, chế biến đến chính sách sử dụng thuốc từ dược liệu. Ðồng thời phải chấn chỉnh lại hoạt động thu mua, khai thác và thu hái cây thuốc mọc tự nhiên theo hướng bảo tồn và phát triển cùng với khai thác hợp lý. DS Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Traphaco thẳng thắn đánh giá: Không đầu tư chất xám, không quyết liệt chỉ đạo và tổ chức phát triển dược liệu có quy mô lớn và ổn định, bền vững thì rất khó phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược như mong muốn. PGS, TS Lê Minh Sắt, (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng cần có danh mục sản phẩm dược liệu chủ lực dược liệu quý để từ đó có quy hoạch vùng trồng, nghiên cứu về giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, bào chế, đăng ký, quản lý và tổ chức sản xuất để đưa ra thị trường.

Phát triển dược liệu để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, làm được như vậy là hưởng ứng thiết thực, hiệu quả chủ trương của Ðảng và Nhà nước về ưu tiên kế thừa, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu trong nước.

Trung Hiếu

(http://www.nhandan.com.vn/)