Trẻ em sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm năm 2024

Sốt co giật ở trẻ em thường xảy ra do virus gây ra, dẫn đến sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền với yếu tố môi trường. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Khi trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ cần có cách xử lý và chăm sóc đúng cách.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Sốt co giật là gì?

Sốt co giật diễn ra khi nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng cao một cách đột ngột khiến não bộ bị kích thích dẫn đến co giật tay chân hay co giật toàn thân. Khi bị sốt co giật, cơ thể trẻ sẽ cứng lại, mắt trợn lên, tay chân giật liên hồi. Tình trạng này thường sẽ tự hết sau khoảng 1-2 phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng sẽ kéo dài hơn 15 phút. [1]

Theo các chuyên gia, trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao co giật khoảng 1-2 lần trong giai đoạn phát triển từ 2 tháng tuổi đến 6 tuổi được xem là lành tính.

Sốt co giật ở trẻ em được chia làm hai dạng:

  • Sốt co giật đơn thuần: Cơn co giật toàn thể kéo dài dưới 15 phút. Kiểu co giật tăng trương lực và co cứng cơ. Tần suất co giật 1 cơn/ngày. Sau cơn co giật, trẻ không bị rối loạn tri giác hay gặp các di chứng về thần kinh;
  • Sốt co giật phức hợp: Cơn co giật khu trú kéo dài trên 15 phút. Tần suất co giật ≥ 2 cơn/ngày;

Lưu ý: Sốt co giật khác với động kinh. Sốt co giật là những cơn co giật xuất hiện khi trẻ bị sốt còn co giật do động kinh thì có thể xuất hiện nhiều lần và không kèm theo biểu hiện sốt ở trẻ. Sốt co giật có thể tái phát nhưng nó không có nghĩa làm trẻ bị động kinh. Thông thường trẻ sốt co giật đơn thuần sẽ không dẫn đến động kinh và không làm tăng nguy cơ động kinh ở trẻ.

Bệnh nhân tăng trương lực cơ và mất trương lực cơ liên tục trong cơn co giật do sốt

Nguyên nhân trẻ co giật khi sốt

Khi cơ thể của trẻ đang phải chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng như virus, vi khuẩn, trẻ thường sẽ có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, hệ thống não bộ của trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa được phát triển hoàn chỉnh nên trẻ khá nhạy cảm khi thân nhiệt thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng sốt cao co giật ở trẻ.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy sốt co giật ở trẻ em có liên quan đến các yếu tố di truyền [gen]. Do đó, trẻ được sinh ra từ những gia đình có tiền sử co giật sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn những đứa trẻ khác.

Ngoài ra, nếu trong thời kỳ mang thai, mẹ thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với môi trường chứa nhiều khói thuốc độc hại, con sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị sốt co giật. Đồng thời, thai phụ có nồng độ Ferritin huyết thanh thấp, thiếu sắt hay suy dinh dưỡng bào thai đều làm tăng nguy cơ trẻ bị sốt co giật.

Triệu chứng trẻ em bị sốt co giật

Tình trạng sốt co giật ở trẻ thường sẽ xuất hiện khi trẻ đang sốt cao, khoảng 39-40 độ C. Nếu trẻ sốt trên 40 độ C, khả năng rất cao trẻ sẽ co giật. Tuy nhiên, một số trẻ có thể sốt cao co giật khi thân nhiệt có nhiệt độ thấp hơn. Khi trẻ bị co giật, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Tăng trương lực cơ thân;
  • Trẻ bắt đầu mất ý thức
  • Mất cảm giác ở chân, tay, miệng;
  • Thét lên;
  • Nôn ói, sùi bọt mép;
  • Tay chân co giật cả hai bên, toàn thân co giật;
  • Thở loạn nhịp
  • Đồng tử hướng lên trên…

Cơn co giật thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, dao động trong khoảng vài chục giây đến vài phút và thường chỉ xuất hiện 1 lần trong một đợt bệnh. Sau khi hết co giật, trẻ quay về trạng thái bình thường. Đây được xem là sốt co giật đơn giản, lành tính và không cần điều trị đặc hiệu.

Ngược lại, nếu cơ co giật kéo dài trên 5 phút được xem là bất thường. Sốt co giật phức tạp chiếm đến ⅓ tổng số ca sốt co giật ở trẻ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để các bác sĩ kiểm tra và xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó, có phương hướng điều trị kịp thời, giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, thậm chí là đe dọa mạng sống của trẻ.

Khi nào trẻ bị sốt co giật

Hầu hết trẻ bị sốt cao co giật khi trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm virus, mắc các bệnh như viêm họng, amidan, viêm não, màng não,… Tỷ lệ sốt co giật ở trẻ em chiếm khoảng 3-4%, phổ biến nhất là trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi. Sốt co giật thường sẽ xuất hiện trong vài giờ đầu khi trẻ bắt đầu sốt, thường là khi trẻ sốt trên 39 độ C.

Ngoài ra, một số loại vacxin sau khi tiêm có thể gây sốt co giật cho trẻ như vacxin phòng ngừa sởi, uốn ván, bạch hầu,… Đa số trẻ sau khi tiêm chủng chỉ bị sốt nhẹ, hiếm khi trẻ sốt nặng, nhất là sốt cao co giật. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ vẫn nên tuân thủ các quy định khi tiêm chủng bao gồm ở lại điểm tiêm 30 phút và theo dõi chặt chẽ tại nhà 48 giờ sau tiêm. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như: sốt cao, co giật, khóc dai dẳng, bỏ bú, khó thở,… mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Trẻ có thể bị sốt co giật khi thân nhiệt tăng cao trên 38,5 độ C

Diễn biến khi trẻ sốt co giật

Sốt co giật thường xảy ra trong khoảng thời gian thân nhiệt của trẻ tăng nhanh, thường diễn ra trong vòng 24 giờ đầu khởi phát sốt.

Thông thường, các cơn co giật này là cơn giật toàn thân. Các cơ co cứng, co giật cả hai bên tay, chân, giật rung, có biểu hiện rối loạn trương lực cơ. Đồng thời, trẻ có thể có một số biểu hiện đi kèm như nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã,…

Sau cơn co giật, trẻ có thể có biểu hiện lờ đờ, chậm chạp và có xu hướng muốn đi ngủ. Khoảng thời gian này có thể kéo dài trong vài phút hoặc đến vài giờ.

Lưu ý:

  • Nếu trẻ có biểu hiện sốt co giật phức tạp, giai đoạn sau co giật kéo dài hơn 1 giờ, trẻ cần được bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân gây sốt co giật của trẻ;
  • Thông thường, trẻ chỉ xuất hiện sốt co giật 1 lần trong 1 đợt sốt;
  • Nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút, bố mẹ nên có phương pháp điều trị khẩn cấp để ngăn cơn co giật tiếp diễn…

Yếu tố tăng nguy cơ tái phát

Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát chung của sốt co giật khoảng 25-50%, tỷ lệ trẻ có 3 cơn co giật trở lên là 9%. Trong lần co giật do sốt đầu tiên, cơ co giật xuất hiện khi nhiệt độ cơ thể càng cao thì nguy cơ tái phát càng thấp.

  • Trong khoảng 6 tháng đầu kể từ lần đầu tiên, khả năng tái phát là 50%;
  • Trong khoảng 1 năm đầu kể từ lần đầu tiên, khả năng tái phát là 75%;
  • Trong khoảng 2 năm đầu kể từ lần đầu tiên, khả năng tái phát là 90%.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát sốt co giật ở trẻ em:

  • Trẻ bị động kinh lần đầu dưới 1 tuổi;
  • Được sinh ra trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột đã từng bị sốt co giật;
  • Trẻ co giật khi sốt dưới 40 độ C;
  • Trong lần bệnh đầu, trẻ xuất hiện nhiều cơn co giật;
  • Cơ co giật xuất hiện sớm sau khi phát sớm, dưới 1 giờ;

Sốt co giật ở trẻ em khiến bố mẹ lo lắng về khả năng phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy, trẻ bị sốt co giật hoàn toàn không có sự khác biệt về trí tuệ so với các anh em cùng cha mẹ không bị sốt co giật.

Có thể bạn chưa biết: Trẻ em sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm?

Chăm sóc con trẻ khi bị sốt co giật

Hầu hết sốt co giật ở trẻ đều không gây nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong cơn co giật. Khi lên cơn co giật, cơ cứng lại, lưỡi trẻ tụt vào trong nên rất hiếm khi xảy ra tình trạng cắn lưỡi. Hơn nữa, sốt cao co giật thường không tác động xấu đến hệ thần kinh và não bộ, trừ các trường hợp sốt co giật do các bệnh lý gây nên như viêm não, viêm màng não,… Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ rơi vào tình trạng này. Thay vào đó, bố mẹ nên tìm cách hạ sốt an toàn cho trẻ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sốt co giật của trẻ. [2]

Bố mẹ cần trang bị kiến thức về sốt co giật để có thể xử lý đúng cách khi trẻ xuất hiện tình trạng này

1. Cách hạ sốt cho trẻ an toàn

  • Đặt trẻ trên một mặt phẳng mềm, ở tư thế dễ chịu, thoải mái thường là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa [một chân duỗi, một chân co] để trẻ dễ hô hấp;
  • Cởi hết quần áo của trẻ, đặt gối dưới đầu của trẻ;
  • Trẻ sốt cao 39 độ C, mẹ cần làm mát cho trẻ bằng khăn ướt với nước ấm khoảng 36-37 độ C, lau sạch vùng nách, bẹn, trán và sau tai của trẻ. Mẹ tuyệt đối không dùng nước đá để hạ nhiệt chi trẻ vì điều này sẽ khiến mạch máu co lại, làm chậm quá trình giải nhiệt cho trẻ. Đồng thời, khi dùng khăn lau người cho trẻ, mẹ nên thường xuyên thay đổi khăn để việc hạ thân nhiệt của trẻ được thực hiện hiệu quả hơn. Mẹ nên thay khăn ấm sau khoảng 2-3 phút và ngừng lại khi thân nhiệt của trẻ đã hạ xuống mức bình thường.
  • Lau người cho trẻ trong khoảng 15-30 phút khi đợi thuốc hạ sốt phát huy tác dụng;
  • Cho trẻ sử dụng thuốc hạ nhiệt qua đường hậu môn theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, paracetamol sẽ được chỉ định cho trẻ uống khi trẻ bị sốt co giật với liều lượng 10-15mg/Kg/lần, lặp lại sau 4-6 giờ nếu trẻ vẫn chưa hạ sốt;
  • Kiểm tra và điều trị nguyên nhân gây sốt, sốt co giật ở trẻ…

Mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu:

  • Trẻ bị sốt co giật lần đầu tiên;
  • Cơn co giật kéo dài trên 5 phút;
  • Sau cơn co giật, trẻ không tỉnh lại;
  • Sau cơn co giật, tình trạng sức khỏe của trẻ ngày càng yếu hơn.

2. Lưu ý cần tránh khi trẻ sốt co giật bố mẹ nên biết

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị sốt co giật là bố mẹ phải giữ bình tĩnh, không sợ hãi và lo lắng quá mức vì đa số các cơn co giật này sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ trong cơn co giật nếu không được thực hiện đúng cách có thể dẫn đến một số di chứng nguy hiểm như thiếu oxy não, dịch chảy ngược vào phổi, khiến trẻ khó thở, gây tắc thở. Do đó, bố mẹ cần nắm rõ các lưu ý sau khi chăm sóc trẻ bị sốt:

  • Không cho bất kỳ thứ vì vào miệng của trẻ vì việc này có thể khiến trẻ bị sặc, ngạt thở;
  • Khi trẻ lên cơn co giật, bố mẹ tuyệt đối không đút tay vào miệng của trẻ
  • Không cố gắng nạy răng của trẻ lên hay dùng các vật cứng chặn miệng của trẻ lại vì điều này có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, lợi, gãy răng;
  • Không dùng sức đè lên trẻ để kiềm cơn co giật vì điều này có thể làm tổn thương các cơ quan của trẻ;
  • Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ;
  • Không tập trung đông người quanh trẻ khiến trẻ không có oxy để thở;
  • Cởi hoặc nới lỏng quần áo cho trẻ để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn;
  • Bổ sung nước và vitamin cho trẻ sau cơn co giật để cân bằng điện giải, tăng sức đề kháng cho trẻ;
  • Trong lúc trẻ lên cơn co giật, mẹ cần ghi nhớ chính xác các biểu hiện, thời gian, kiểu giật của trẻ để cung cấp cho bác sĩ;

Sốt co giật ở trẻ em không phải là một hiện tượng hiếm gặp và hầu hết nó sẽ giảm dần và biến mất khi trẻ lớn lên, sau 5 tuổi. Đối với trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này cho trẻ để có phương hướng điều trị hợp lý. Bố mẹ không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu đi kèm nào và tự ý điều trị sốt cao co giật theo các phương thuốc dân gian cho trẻ.

Chủ Đề