Trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học

PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG NĂM 2020 QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC

19/02/2021 14:26

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh,tri ân, đãi ngộ đối với những cống hiến của người có công. Vừa qua, Chủ tịch nước đã có Lệnh về việc công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020. Theo đó, Pháp lệnh lần này đã quy định cụ thể về người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

Họp báo công bố Pháp lệnh

Tại Điều 29 của Pháp lệnh đã quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo đó, người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K và một số địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nhiễm chất độc hoá học dẫn đến một trong các trường hợp sau thì được cơ quan có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”: Mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên; Vô sinh; Sinh con dị dạng, dị tật. Chính phủ quy định chi tiết địa danh, Danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học quy định tại Điều này.

Về chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Điều 30 quy định trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau: Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này thì được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể theo các mức từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên; Người thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này mà không mắc bệnh hoặc mắc bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% thì được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%; trường hợp mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể theo mức từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên quy định tại điểm a khoản này; Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học được khám giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể; Bệnh binh thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%; Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học và thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được chọn hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản này. Phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình. Chế độ bảo hiểm y tế. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.

Bên cạnh đó, tại Điều 31 của Pháp lệnh cũng quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Cụ thể: Trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên. Trợ cấp một lần đối với thân nhân khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng chết.

Ngoài ra, Điều 31 còn quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Cha đẻ, mẹ đẻ sống cô đơn, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng. Đồng thời quy định bảo hiểm y tế đối với những người sau đây: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Con đẻ quy định tại khoản 1 Điều này; Người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con đẻ quy định tại khoản 1 điều này. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng trong trường hợp gười hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết; Con đẻ quy định tại khoản 1 Điều này chết./.

Hồ Hương

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 120/2004/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 7 NĂM 2004 VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN VÀ CON ĐẺ CỦA HỌ BỊ HẬU QUẢ DO NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG

CHIẾN TRANH VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định này bao gồm :

1. Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ dân chính Đảng, thanh niên xung phong tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975, đang không hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động mà sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả chất độc hóa học và thuộc các mức độ sau:

a] Bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động.

b] Bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động.

2. Con đẻ còn sống của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, con đẻ của bệnh binh, con đẻ của công nhân viên chức mất sức lao động mà bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học và thuộc mức độ sau:

a] Bị dị dạng, dị tật nặng, không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt.

b] Bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động nhưng còn tự lực được trong sinh hoạt.

Điều 2.

1. Mức trợ cấp bằng 300.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1.

2. Mức trợ cấp bằng 165.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1.

3. Mức trợ cấp bằng 170.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1.

4. Mức trợ cấp bằng 85.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1.

Điều 3.

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1, già yếu, cô đơn không nơi nương tựa và đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1, mồ côi cả cha và mẹ được xét tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

2. Đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều 1 của Quyết định này, nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được Nhà nước mua bảo hiểm y tế với mức 3% lương tối thiểu.

3. Học sinh, sinh viên là con của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 đang học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo của Nhà nước mà không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí thì được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo như quy định đối với con của bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 70% như quy định tại Điều 64 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

4. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, không thuộc diện hưởng chế độ mai táng phí khi chết thì người đảm nhiệm việc chôn cất được trợ cấp phí mai táng đối với bệnh binh mất sức lao động khi chết như quy định tại Điều 39 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

5. Những đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 và tại điểm b khoản 2 Điều 1 còn khả năng lao động, thuộc diện đói nghèo được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Xóa đói, giảm nghèo để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống.

Điều 4.

1. Kinh phí thực hiện các chế độ trợ cấp: hàng tháng, ưu đãi giáo dục, đào tạo, bảo hiểm y tế, mai táng phí quy định tại Quyết định này được bố trí trong nhiệm vụ chi đảm bảo xã hội hàng năm của địa phương như quy định hiện hành.

Kinh phí tăng thêm trong năm 2004 do bổ sung đối tượng và điều chỉnh mức trợ cấp để hỗ trợ cho các địa phương được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2004.

2. Thời gian bắt đầu thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định của Quyết định này từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ được hưởng trợ cấp theo quy định của Quyết định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định này, được lập hồ sơ làm thủ tục đề nghị xác nhận là đối tượng hưởng chế độ trợ cấp từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau thì được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Quyết định này kể từ ngày Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định.

Điều 5.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quy định, hướng dẫn thực hiện về nội dung hồ sơ, thủ tục xác nhận và kiểm tra việc thực hiện chế độ trợ cấp cho đối tượng hưởng chính sách này ở các địa phương trong cả nước.

2. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc xác định các bệnh tật, mức độ dị dạng, dị tật và khả năng lao động đối với những người thuộc diện quy định tại Điều 1, làm căn cứ xác định mức trợ cấp theo quy định của Quyết định này.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách và hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí chi cho đối tượng được quy định tại Quyết định này.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Quyết định này theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Điều 6. Quyết định này thay thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2000 và có hiệu lực thi hành sau15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Video liên quan

Chủ Đề