Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những thuật ngữ khoa học nào

Bài 1 trang 76 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX (Ngữ văn 12, Tập 1) là một văn bản khoa học. Hãy cho biết:

a. Văn bản đó trình bày những nội dung khoa học gì ?

b. Văn bản đó thuộc ngành khoa học nào ?

c. Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản đó có đặc điểm gì dễ nhận thấy ?

Trả lời:

a. Những nội dung khoa học được trình bày trong văn bản gồm:

- Khái quát văn học Việt Nam từ 1945 đến hết 1975:

+ Hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa.

+ Các chặng đường văn học và những thành tựu chính.

+ Những đặc điểm cơ bản của văn học thời kỳ này.

- Khái quát văn học Việt Nam từ 1945 đến hết thế kỉ XX:

+ Hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa.

+ Những chuyển biến và một số thành tựu.

b. Văn bản thuộc ngành khoa học nghiên cứu văn học, thuộc loại khoa học xã hội.

c. Đặc điểm dễ nhận thấy của ngôn ngữ khoa học dạng viết của văn bản đó:

- Hệ thống đề mục được sắp xếp từ lớn đến nhỏ, từ khái quát đến cụ thể.

- Sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học xã hội, đặc biệt là thuật ngữ văn học (Ví dụ: Đường lối văn nghệ, truyện ngắn, kí, thơ, đề tài, chủ đề, khuynh hướng sử thi, xu hướng văn học, cảm hứng lãng mạn, tính nhân bản, nhân văn, …)

- Kết cấu văn bản rõ ràng, chặt chẽ do các câu, các đoạn được sắp xếp theo trật tự mạch lạc, làm nổi bật lập luận trong từng đoạn, cả bài.

Bài 2 trang 76 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Giải thích và phân biệt từ ngữ khoa học với từ ngữ thông thường qua các ví dụ trong môn Hình học: điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, mặt phẳng, góc, đường tròn, góc vuông, ...

Trả lời:

- Đoạn thẳng:

+ Ngôn ngữ thông thường: Đoạn không cong, không gãy khúc, không lệch về một bên nào cả.

+ Ngôn ngữ khoa học: Đoạn ngắn nhất nối hai điểm với nhau.

- Mặt phẳng:

+ Ngôn ngữ thông thường: Bề mặt của một vật bằng phẳng, không lồi, lõm, gồ ghề.

+ Ngôn ngữ khoa học: là một khái niệm cơ bản trong toán học, là một tập hợp tất cả các điểm trong không gian ba chiều.

- Góc:

+ Ngôn ngữ thông thường: Có thể là một phần, một phía (Ăn hết một góc; "Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà")

+ Ngôn ngữ khoa học: Phần mặt phẳng giới hạn bởi hai nửa đường thẳng cùng xuất phát từ một điểm.

=> Sự khác nhau giữa những từ ngữ thông thường với từ ngữ khoa học:

- Từ ngữ khoa học: chính xác, có tính trí tuệ, chứa đựng quan niệm của chuyên ngành khoa học, có tính khái quát, tính trừu tượng và tính hệ thống.

- Từ ngữ trong lời nói hàng ngày: cụ thể, sinh động, hồn nhiên, giàu sắc thái biểu cảm.

(Dựa vào gợi ý trên, có thể giải thích các từ: điểm, đường thẳng, mặt phẳng, đoạn thẳng, góc, đường tròn, góc vuông... với hai phương diện: thuật ngữ khoa học và từ ngữ thông thường).

Bài 3 trang 76 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Tìm các thuật ngữ khoa học và phân tích tính lí trí, logic của phong cách ngôn ngữ khoa học trong đoạn văn cho trước (SGK).

Trả lời:

- Thuật ngữ khoa học trong đoạn (ngành khảo cổ): di chỉ xương.

- Câu văn mang tính phán đoán logic: Những phát hiện của nhà khảo cổ… của người vượn.

- Tính lí trí thể hiện ở luận điểm khái quát đúng đắn (câu đầu) và những dẫn chứng chính xác (các câu sau).

- Tính logic thể hiện ở lập luận chặt chẽ, có luận điểm, luận cứ, luận chứng xác thực:

+ Câu 1: Nêu luận điểm (một phán đoán)

+ Câu 2, 3, 4: Nêu 3 luận cứ, mỗi luận cứ là một chứng tích trong khảo cổ.

=> Tác dụng: làm cho luận điểm có sức thuyết phục cao.

Bài 4 trang 76 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Viết đoạn văn thuộc loại văn bản khoa học phổ cập về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống (nước, không khí và đất).

Gợi ý:

Học sinh có thể tham khảo bài viết, đoạn văn khoa học (như các bài văn mẫu, bài viết khoa học...) và tập viết theo một chủ thể nào đó do mình tự chọn.

Có thể tham khảo một số bài viết mẫu dưới đây:

Đoạn văn 1. Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống con người: 70% cơ thể người là nước. Nước chiếm một lượng lớn trong tế bào, có vai trò vận chuyển, đưa máu đi khắp cơ thể, thanh lọc thận,... Đối với đời sống hàng ngày, nước là thứ không thể thay thế: dùng cho sinh hoạt hàng ngày, nước dùng để uống, chế biến thực phẩm, để tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh… Không những vậy nước còn được sử dụng trong phát triển các ngành kinh tế: cung cấp nước cho tưới tiêu nông nghiệp, phát triển thủy điện, sử dụng trong các nhà máy lọc sàng nguyên liệu… Không có nước sạch, cuộc sống của con người sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nguồn nước sạch ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang ngày càng bị ô nhiễm, nhiều dòng sông trở thành “dòng sông chết”. Hậu quả là nhiều quốc gia hiện nay đang thiếu nước sạch trầm trọng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ nguồn nước.

Đoạn văn 2. Nước là một tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng, nước không phải là tài nguyên vô hạn. Mặc dù rằng, nước là một tài nguyên có thể tái chế lại từ tự nhiên. Hiện nay, có đến trên 1 tỷ người trên trái đất không có đủ nước để sinh hoạt hàng ngày. Thật khủng khiếp làm sao! Vậy mà, chúng ta thì lại cứ lãng phí chúng một cách vô tội vạ.

Có đến hai phần ba lượng nước trên thế giới này tồn tại là ở dạng băng đá. Thế nhưng đây là lượng nước mà tự nhiên dùng để dự trữ, phòng khi cần. Việc dự trữ này là cần thiết. Nó cũng giống như kiểu, con người chỉ cần sử dụng một quả thận là đủ, một lá phổi là đủ. Thế nhưng, tại sao ai ai cũng phải có đến hai quả thận, và hai lá phổi? Đó là bởi vì, cần dự trữ để bảo tồn sự sống. Trái đất cũng dự trữ nước. Vì trái đất cũng muốn tự duy trì được sự sống của chính nó.

Nước biển bốc hơi tạo thành mây. Mây gặp lạnh, tụ lại rồi tạo thành mưa. Nước mưa rơi xuống tạo nên nước dạng lỏng, một phần thành tuyết và một phần giữ lại thành băng đá. Nước dạng lỏng chảy một vòng từ sông, hồ, ao, suối,… Sau đó nó lại chảy ra biển. Một phần lớn nước ngấm vào lòng đất, chúng trở thành nước ngầm. Nếu chỉ nhìn hoặc nghe, ta thấy, vòng tuần hoàn của nước là một vòng lặp hoàn hảo và không bao giờ kết thúc hay suy kiệt. Thế nhưng, thực tế, vòng tuần hoàn này là rất mong manh. Chúng rất dễ bị phá vỡ. Ví dụ như việc con người đào sông dẫn nước từ một nguồn nào đó về phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp, thậm chí là chỉ để chơi cho nó đã. Thế thôi. Việc này dẫn đến lưu lượng nước xuôi theo dòng chảy của các con sông lớn bị thay đổi. Kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề bị thay đổi theo. Ví dụ như các vùng đầm lầy bị thu hẹp lại vì thiếu nước. Sau đó là đến lượt các sinh vật khu đầm lầy bị chết dần. Hệ sinh thái bị mất cân bằng. Thiên nhiên buộc phải tạo lập một hệ cân bằng mới. Thế nhưng, một hệ sinh thái ở đâu đó bị mất cân bằng thì cũng đồng nghĩa là toàn bộ hệ sinh thái trên trái đất bị mất cân bằng. Cho nên, phá vỡ quy trình hoàn hảo của nước là đã gián tiếp đẩy toàn bộ nhân loại vào cánh cửa sinh tử tồn vong.

Người ta có thể nói là chúng tôi đào kênh trong địa phận nước chúng tôi, can gì tới các anh. Nói thế là không được. Bởi vì nước thì chẳng của riêng ai cả. Thế nhưng nước là sự sống. Sự sống thì phải là của chung. Không ai được phép, hay có quyền tước đoạt sự sống của kẻ khác. Bảo vệ nước cũng chính là bảo vệ sự sống trên trái đất này vậy!

Đoạn văn 3. Ngày nay, sự ô nhiễm môi trường đã ngày càng lan rộng hơn tới mọi nơi. Trong ba yếu tố: không khí, nước và đất thì đất là cái bị ô nhiễm đầu tiên. Còn không khí cùng nước thì là hệ quả tất yếu kéo theo sau đó mà thành. Nếu ví tự nhiên như là một cơ thể người thì sự ô nhiễm của trái đất cũng giống như chúng ta bị già đi hay là bị bệnh vậy. Những cái ít quan trọng sẽ bị cơ thể bỏ đi trước, ưu tiên cho sự sống còn. Não và tim là hai yếu tố được đặt lên hàng đầu. Khi hai thứ này không hoạt động nữa, con người ta sẽ chết. Không khí có thể coi như não, và nước có thể coi như là tim. Còn đất đai? Nó giống như gan vậy.

Thực chất, ngày nay, đất đai đang bị con người ta làm bạc màu một cách nghiêm trọng. Mặc dù nhìn trên bề mặt thì cây cối vẫn lên xanh tốt, nhưng bên dưới thì đất đã bị kiệt quệ do thực hành nông nghiệp một cách sai lầm. Các thảm thực vật đang dần dần biến mất vì nạn phá rừng bừa bãi và việc quy hoạch trồng cây độc canh quy mô lớn. Đấy là chưa kể đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ,… Có đến hàng trăm loại hóa chất trên thị trường ngày nay. Trong cuộc đua gia tăng năng suất, thuốc trừ sâu giúp người nông dân mơ về một tương lai tươi sáng khi năng suất tăng cao và cây trái không có côn trùng phá hoại. Mặc dù những thứ hoa quả được làm ra ngấm đầy thuốc sâu nhưng nhìn thì ngon mắt đến tuyệt vời. Vậy đấy, chính con người, chứ không phải ai khác đã và luôn là kẻ chủ mưu đứng sau khiến cho thiên nhiên và con người đều đi từ "thiên đường" đến "địa ngục".

Các bạn phải biết rằng, cái mà chúng ta gọi là sự tăng trưởng hay là tiến bộ của khoa học xã hội luôn luôn lấy xuất phát điểm là lợi ích của con người. Nghĩa là nếu như có một hành động nào đó phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên, nhưng đồng thời, nó cũng mang lại lợi ích to lớn cho con người thì có lẽ chúng ta vẫn chấp nhận hành động đó. Trong khi đó, sự tồn tại của chúng ta lại phụ thuộc hoàn toàn vào một thứ gọi là sự cân bằng của tự nhiên. Nghĩa là, nếu sự cân bằng ấy bị phá vỡ thì tất cả chúng ta, tất cả mọi sự sống trên trái đất này, đều sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.

Thảm họa môi trường không phải là một điều tất yếu phải xảy ra mà đó là kết quả của sự lựa chọn về kinh tế. Tất nhiên, cái gì cũng có một quá trình. Giống như người ta ăn sản phẩm có chứa thuốc trừ sâu vậy. Mỗi ngày ăn một tý, mỗi năm tích một tý. Đến lúc cơ thể sử dụng hết mọi nguồn tài nguyên dự trữ của nó để chống lại chất độc này, và không chống được nữa. Lúc này, con người ta mới phát bệnh. Mà lúc này, đi đến bệnh viện thì chẳng ai cứu nổi nữa. Có chăng chỉ là kéo dài hơi tàn của sự sống mà thôi.

Tự nhiên cũng giống như con người, tự nhiên cũng đang phải sử dụng mọi tài nguyên nó có để chống lại những "bệnh" mà nó mắc phải. Ở đây, chính là sự mất cân bằng tự nhiên. Tự nhiên, đang phải cố gắng hết sức để tái lập lại một hệ thống sinh thái cân bằng mới. Cho nên, thay vì tiếp tục phá hoại nó. Tôi nghĩ, đây là lúc chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ môi trường, bảo vệ cho sự sống của tất cả chúng ta.

Thế giới tự nhiên sẽ không bao giờ tự nhiên sản sinh ra những thảm họa thiên nhiên. Cả trong quá khứ và hiện tại, nguyên nhân của sự việc ấy vẫn luôn là con người chúng ta. Chúng ta đã sai lầm trong cách sống và nghĩ suốt 2000 năm qua. Chúng ta phải trở lại cách nghĩ và sống hòa hợp với thiên nhiên. Phải trả lại sự vận hành tự nhiên cho thiên nhiên. Con người không phải là chủ nhân của trái đất này. Chính trái đất này mới là chủ nhân của nhân loại chúng ta. Chỉ khi nào chính chúng ta thay đổi được mình thì lúc đó thiên nhiên mới có thể trở về lại là thiên đường của sự sống như nó đã từng là.

Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những thuật ngữ khoa học nào
Ảnh minh họa (Nguồn internet)