Từ adam đến chúa giê su là bao nhiêu năm năm 2024

Cách tính thời gian vào thời Kinh Thánh và niên đại của những sự kiện nổi bật trong Kinh Thánh, cả phần tiếng Hê-bơ-rơ lẫn phần tiếng Hy Lạp.

Khi ban cho Đa-ni-ên sự hiện thấy về “vua phương bắc” và “vua phương nam”, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã vài lần dùng cụm từ “thời điểm ấn định” [Đa 11:6, 27, 29, 35]. Ngoài ra, nhiều câu Kinh Thánh khác cũng cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng ấn định thì giờ một cách chính xác và hoàn thành các ý định ngài vào đúng lúc [Lu 21:24; 1 Tê 5:1, 2]. Trong Lời ngài là Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã cung cấp một số “cột mốc” giúp chúng ta xác định những sự kiện quan trọng trong dòng thời gian. Chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về niên đại Kinh Thánh. Những cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ và nhiều người khác tiếp tục làm sáng tỏ nhiều vấn đề, giúp chúng ta xác định thời điểm của các sự kiện quan trọng trong Kinh Thánh.—Châm 4:18.

2 Số thứ tự và số đếm. Trong bài học trước [đoạn 24 và 25], chúng ta đã học về sự khác biệt giữa số thứ tự và số đếm. Chúng ta cần nhớ điều này khi tính các thời kỳ trong Kinh Thánh theo các phương pháp hiện được sử dụng để tính niên đại. Chẳng hạn, khi nói đến “năm thứ ba mươi bảy kể từ khi vua Giê-hô-gia-kin của Giu-đa bị lưu đày”, thì cụm từ “năm thứ ba mươi bảy” là số thứ tự. Nó tương đương 36 năm tròn cộng thêm một số ngày, tuần lễ hay tháng [tức là khoảng thời gian đã trôi qua từ cuối năm thứ 36].—Giê 52:31.

3 Năm trị vì và năm lên ngôi. Kinh Thánh nói đến các văn kiện quốc gia của nước Giu-đa và Y-sơ-ra-ên, cũng như quốc sự của xứ Ba-by-lôn và Ba Tư. Trong cả bốn vương quốc này, niên đại của quốc gia được tính một cách chính xác theo thời gian trị vì của các vua, và hệ thống tính toán này cũng đã được dùng trong Kinh Thánh. Rất nhiều lần Kinh Thánh cho biết tên của một văn kiện được trích dẫn, chẳng hạn như “sách lịch sử của Sa-lô-môn” [1 Vua 11:41]. Thời gian cai trị của một vị vua bao gồm một phần của năm lên ngôi, và tiếp theo là số năm tròn mà vua ấy trị vì. Những năm trị vì là những năm chính thức nhận quyền làm vua và thường được tính kể từ tháng Ni-san này đến tháng Ni-san sau, tức từ mùa xuân này đến mùa xuân sau. Khi một vua lên nối ngôi, những tháng trước tháng xuân Ni-san tới được gọi là năm lên ngôi, trong giai đoạn này vua kế vị cai trị thế cho vua tiền nhiệm. Tuy nhiên, giai đoạn trị vì chính thức của vua ấy được tính kể từ ngày 1 tháng Ni-san kế tiếp.

4 Hãy xem một ví dụ. Dường như vua Sa-lô-môn đã bắt đầu cai trị một thời gian trước tháng Ni-san năm 1037 TCN, và lúc ấy, vua Đa-vít vẫn còn sống. Một thời gian ngắn sau đó, Đa-vít qua đời [1 Vua 1:39, 40; 2:10]. Tuy nhiên, năm trị vì cuối cùng của Đa-vít tiếp tục cho đến mùa xuân năm 1037 TCN, vẫn được tính là một trong 40 năm vua trị vì. Giai đoạn bắt đầu từ khi Sa-lô-môn lên nối ngôi cho đến mùa xuân năm 1037 TCN chưa trọn một năm, được gọi là năm Sa-lô-môn lên ngôi, nên không thể tính là năm trị vì, bởi vì lúc ấy Sa-lô-môn cai trị thế cho vua cha. Thế nên, mãi đến tháng Ni-san năm 1037 TCN, năm trị vì đầu tiên của Sa-lô-môn mới bắt đầu [1 Vua 2:12]. Cuối cùng, Sa-lô-môn trị vì trọn 40 năm [1 Vua 11:42]. Bằng cách tách riêng năm lên ngôi khỏi số năm trị vì, chúng ta có thể tính chính xác niên đại Kinh Thánh.

TÍNH NGƯỢC LẠI ĐẾN THỜI A-ĐAM ĐƯỢC TẠO RA

5 Tính từ thời điểm then chốt. Thời điểm then chốt được dùng để tính ngược lại cho đến thời A-đam được tạo ra là năm Si-ru lật đổ triều đại Ba-by-lôn, 539 TCNa. Si-ru ban hành lệnh trả tự do cho người Do Thái trong năm trị vì đầu tiên, trước mùa xuân năm 537 TCN. Theo Ê-xơ-ra 3:1, dân Y-sơ-ra-ên về đến Giê-ru-sa-lem khoảng tháng thứ bảy, tức tháng Ti-ri, tương ứng với khoảng thời gian cuối tháng 9 đầu tháng 10. Vậy, mùa thu năm 537 TCN được xem là thời điểm mà sự thờ phượng của Đức Giê-hô-va được khôi phục ở Giê-ru-sa-lem.

6 Việc khôi phục sự thờ phượng của Đức Giê-hô-va vào mùa thu năm 537 TCN đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ mang ý nghĩa tiên tri. Thời kỳ nào? Đó là thời kỳ dài “70 năm” khi Đất Hứa “chỉ còn là đống đổ nát”. Đức Giê-hô-va cũng nói về thời kỳ ấy: “Mãn 70 năm ở Ba-by-lôn, ta sẽ nhớ đến các con và thực hiện lời hứa bằng cách đem các con về quê hương” [Giê 25:11, 12; 29:10]. Đa-ni-ên rất quen thuộc với lời tiên tri này và hành động phù hợp khi thời kỳ “70 năm” sắp kết thúc [Đa 9:1-3]. Thời kỳ “70 năm” chấm dứt vào mùa thu năm 537 TCN, vậy chắc hẳn nó phải bắt đầu vào mùa thu năm 607 TCN. Có những bằng chứng xác minh điều này. Sách Giê-rê-mi chương 52 miêu tả những sự kiện quan trọng về việc quân Ba-by-lôn bao vây, phá thủng tường thành Giê-ru-sa-lem, và bắt sống vua Xê-đê-kia vào năm 607 TCN. Tiếp theo, như lời miêu tả trong câu 12, “vào tháng thứ năm, ngày mùng mười”, nghĩa là mùng mười tháng Áp [tương ứng với khoảng thời gian cuối tháng 7 đầu tháng 8], quân Ba-by-lôn thiêu rụi đền thờ và thành ấy. Tuy nhiên, thời kỳ “70 năm” chưa bắt đầu vào lúc này. Nước Do Thái vẫn còn giữ được một ít chủ quyền vì vua Ba-by-lôn đã chỉ định Ghê-đa-lia làm quan tổng đốc những vùng còn lại có người Do Thái định cư. ”Vào tháng thứ bảy”, Ghê-đa-lia và một số người khác bị ám sát, vì thế những người Do Thái còn sót lại sợ hãi và trốn sang Ai Cập. Chỉ từ lúc ấy, khoảng ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN, xứ mới hoàn toàn “hoang vu… cho đến khi trọn 70 năm”.—2 Vua 25:22-26; 2 Sử 36:20, 21.

7 Từ năm 607 TCN đến 997 TCN. Chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc tính ngược dòng thời gian cho giai đoạn này—từ khi Giê-ru-sa-lem thất thủ cho đến khi vương quốc này bị chia đôi sau khi Sa-lô-môn chết. Tuy nhiên, khi so sánh triều đại các vua của nước Y-sơ-ra-ên với triều đại các vua của nước Giu-đa như được ghi trong sách 1 Các vua và 2 Các vua, chúng ta thấy rằng giai đoạn này kéo dài 390 năm. Lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 4:1-13 là bằng chứng vững chắc xác minh con số này là đúng. Lời tiên tri này nói đến thời kỳ thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm và dân cư trong thành bị các nước bắt đi lưu đày. Điều này đã xảy ra vào năm 607 TCN. Vậy trong trường hợp của nước Giu-đa, 40 năm mà lời tiên tri nói đến đã kết thúc khi Giê-ru-sa-lem bị hoang vu. Trong trường hợp của nước Y-sơ-ra-ên, giai đoạn dài 390 năm mà lời tiên tri nói đến, không kết thúc khi Sa-ma-ri bị hủy diệt, vì điều này đã xảy ra từ lâu trước khi Ê-xê-chi-ên nói tiên tri; ngoài ra lời tiên tri nói rõ là đang nói về sự vây hãm và hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Do đó “tội lỗi của nhà Y-sơ-ra-ên” cũng kết thúc năm 607 TCN. Đếm ngược lại từ thời điểm này, chúng ta thấy giai đoạn 390 năm bắt đầu vào năm 997 TCN. Năm đó, sau khi Sa-lô-môn chết, Giê-rô-bô-am cắt đứt quan hệ với triều đại của Đa-vít và “khiến Y-sơ-ra-ên đi chệch đường lối của Đức Giê-hô-va và khiến họ phạm một tội trọng”.—2 Vua 17:21.

8 Từ năm 997 TCN đến 1513 TCN. Vì Sa-lô-môn trị vì 40 năm tròn và năm cuối kết thúc vào mùa xuân năm 997 TCN, nên năm trị vì đầu tiên của ông hẳn phải bắt đầu vào mùa xuân năm 1037 TCN [1 Vua 11:42]. Như Kinh Thánh ghi nơi 1 Các vua 6:1, Sa-lô-môn xây cất nhà của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem vào tháng thứ hai năm trị vì thứ tư của ông. Điều này có nghĩa là ông đã trị vì trọn ba năm và một tháng, vì thế tháng 4–tháng 5 năm 1034 TCN là thời điểm khởi công xây dựng đền thờ. Tuy nhiên, cũng câu Kinh Thánh ấy nói rằng thời điểm này cũng là “năm thứ bốn trăm tám mươi kể từ khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai Cập”. Một lần nữa, 480 là số thứ tự biểu thị 479 năm tròn. Vì thế, 479 cộng với 1034 là năm 1513 TCN, năm ấy dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Trong Bài học số 2, đoạn 19 giải thích rằng kể từ năm 1513 TCN, tháng A-bíp [Ni-san] được tính là “tháng thứ nhất trong năm” của dân Y-sơ-ra-ên [Xuất 12:2] và trước đó người ta đã tính năm bắt đầu vào mùa thu với tháng Ti-ri. Sách The New Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge, 1957, Tập 12, trang 474, cho biết: “Cách tính những năm trị vì của vua là dựa trên năm bắt đầu vào mùa xuân, và tương tự như phương pháp tính toán phổ biến của người Ba-by-lôn”. Khi tính các thời kỳ trong Kinh Thánh, bất cứ khi nào đổi cách tính năm, từ năm bắt đầu vào mùa thu thành năm bắt đầu vào mùa xuân, thì phải thêm vào hay bớt đi sáu tháng trong cách tính thời gian.

9 Từ năm 1513 TCN đến 1943 TCN. Nơi Xuất Ai Cập 12:40, 41, Môi-se ghi lại: “Thời gian cư ngụ của dân Y-sơ-ra-ên, tức dân từng sống ở Ai Cập, là 430 năm”. Cách diễn đạt câu này trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ cho thấy họ không “cư ngụ” ở Ai Cập trọn thời gian ấy. Giai đoạn này bắt đầu vào lúc Áp-ra-ham băng qua sông Ơ-phơ-rát trên đường đi đến xứ Ca-na-an, và lúc đó giao ước giữa Đức Giê-hô-va và Áp-ra-ham có hiệu lực. Họ “cư ngụ” ở Ca-na-an trong 215 năm đầu, và 215 năm sau ở Ai Cập, cho đến khi nước Y-sơ-ra-ên được hoàn toàn độc lập, thoát khỏi vòng kìm kẹp của Ai Cập vào năm 1513 TCN.b Phần chú thích của Xuất Ai Cập 12:40 trong Bản dịch Thế Giới Mới có phần tham khảo [Anh ngữ] cho thấy bản Septuagint tiếng Hy Lạp, là bản dịch căn cứ vào văn bản tiếng Hê-bơ-rơ xưa hơn bản Masorete, đã thêm cụm từ “và trong xứ Ca-na-an” sau chữ “Ai Cập”. Câu ấy trong Ngũ Thư Sa-ma-ri cũng ghi tương tự. Ga-la-ti 3:17 cũng đề cập đến 430 năm, xác định rằng giai đoạn này bắt đầu khi giao ước Áp-ra-ham có hiệu lực, vào lúc Áp-ra-ham băng qua sông Ơ-phơ-rát trên đường đi đến xứ Ca-na-an. Vậy đó chính là năm 1943 TCN, khi Áp-ra-ham được 75 tuổi.—Sáng 12:4.

10 Một bằng chứng khác xác nhận cách tính trên là: Công vụ 7:6 đề cập đến dòng dõi của Áp-ra-ham bị hà hiếp 400 năm. Vì Đức Giê-hô-va giải thoát dòng dõi này khỏi sự hà hiếp của người Ai Cập vào năm 1513 TCN, nên giai đoạn đó phải bắt đầu vào năm 1913 TCN. Lúc ấy là 5 năm sau khi Y-sác ra đời và tương ứng với việc Ích-ma-ên “chế nhạo” Y-sác trong buổi tiệc mừng Y-sác thôi bú.—Sáng 15:13; 21:8, 9.

11 Từ năm 1943 TCN đến 2370 TCN. Chúng ta đã thấy rằng lúc 75 tuổi, Áp-ra-ham đến xứ Ca-na-an, tức là vào năm 1943 TCN. Bây giờ, những khoảng thời gian được đề cập trong Sáng thế 11:10 đến 12:4 có thể giúp chúng ta tính ngược dòng thời gian xa hơn nữa đến thời Nô-ê. Phép tính này, tổng cộng là 427 năm, được thực hiện như sau:

Từ lúc bắt đầu trận Đại Hồng Thủy

đến lúc A-bác-sát ra đời 2 năm

Rồi đến lúc Sê-lách ra đời 35 “

Đến lúc Ê-be ra đời 30 “

Đến lúc Bê-léc ra đời 34 “

Đến lúc Rê-hu ra đời 30 “

Đến lúc Sê-rúc ra đời 32 “

Đến lúc Na-cô ra đời 30 “

Đến lúc Tha-rê ra đời 29 “

Đến lúc Tha-rê qua đời,

khi Áp-ra-ham 75 tuổi 205 “

Tổng cộng 427 năm

Lấy 427 năm cộng với năm 1943 TCN, chúng ta có năm 2370 TCN. Vậy theo trình tự thời gian trong Kinh Thánh, trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê bắt đầu năm 2370 TCN.

12 Từ năm 2370 TCN đến 4026 TCN. Tính ngược dòng thời gian xa hơn nữa, chúng ta thấy Kinh Thánh cho biết khoảng thời gian từ trận Đại Hồng Thủy cho đến lúc A-đam được tạo ra. Sáng thế 5:3-29 và 7:6, 11 giúp chúng ta xác định khoảng thời gian đó. Phép tính được tóm tắt dưới đây:

Từ lúc A-đam được tạo ra

đến lúc Sết ra đời 130 năm

Rồi đến lúc Ê-nót ra đời 105 “

Đến lúc Kê-nan ra đời 90 “

Đến lúc Ma-ha-la-ên ra đời 70 “

Đến lúc Gia-rết ra đời 65 “

Đến lúc Hê-nóc ra đời 162 “

Đến lúc Mê-tu-sê-la ra đời 65 “

Đến lúc Lê-méc ra đời 187 “

Đến lúc Nô-ê ra đời 182 “

Đến trận Đại Hồng Thủy 600 “

Tổng cộng 1,656 năm

Lấy 1.656 năm cộng với năm 2370 TCN, chúng ta có năm 4026 TCN, là năm A-đam được tạo ra, có lẽ vào mùa thu, vì năm trong các lịch cổ xưa nhất bắt đầu vào mùa thu.

13 Điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Ấn bản đầu tiên của ấn phẩm này phát hành năm 1963 nói: “Vậy có phải kể từ ‘ngày’ Đức Giê-hô-va ‘nghỉ mọi công việc sáng tạo’ cho đến năm 1963 là 5.988 năm không? [Sáng 2:3]. Không, vì lúc A-đam được tạo ra không trùng với lúc bắt đầu ngày nghỉ của Đức Giê-hô-va. Sau khi tạo ra A-đam, và vẫn còn trong ngày sáng tạo thứ sáu, dường như Đức Giê-hô-va đã tạo ra thêm các loài chim và thú vật khác. Ngoài ra, ngài giao cho A-đam việc đặt tên các loài vật, và điều này cần một thời gian, rồi ngài mới tiến hành tạo ra Ê-va [Sáng 2:18-22]. Phải lấy 5.988 năm trừ đi khoảng thời gian từ lúc A-đam được tạo ra cho đến cuối ‘ngày thứ sáu’ thì mới có được khoảng thời gian thật sự kể từ đầu ‘ngày thứ bảy’ cho đến [năm 1963]. Tuy nhiên, không có lợi ích gì khi dùng niên đại Kinh Thánh để suy đoán những ngày vẫn còn trong tương lai.—Mat 24:36”.c

14 Còn những lời tuyên bố của giới khoa học, cho rằng loài người đã xuất hiện trên đất từ hàng trăm ngàn hoặc thậm chí hàng triệu năm trước thì sao? Không có lời tuyên bố nào có thể được chứng minh bằng những văn kiện được ghi lại vào các thời ban đầu ấy, như những sự kiện trong Kinh Thánh. Những thời kỳ về “người tiền sử” mà người ta suy đoán đều căn cứ vào những giả định không thể chứng minh. Thật vậy, niên đại và lịch sử thế tục đáng tin cậy chỉ tồn tại vài ngàn năm nay. Trái đất đã trải qua nhiều biến đổi và xáo trộn, chẳng hạn trận Đại Hồng Thủy khắp đất thời Nô-ê đã làm đảo lộn phần lớn các địa tầng và lớp hóa thạch, thế nên bất kỳ lời tuyên bố nào của giới khoa học về những niên đại trước trận Đại Hồng Thủy đều mang tính suy đoán.d Khác hẳn với tất cả những giả thuyết và lý thuyết mâu thuẫn của con người, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta suy luận dựa vào lời tường thuật nhất quán, rõ ràng về nguồn gốc loài người và dựa vào lịch sử được ghi chép cẩn thận về dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã chọn.

15 Việc nghiên cứu Kinh Thánh và suy ngẫm về công việc của Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, khiến chúng ta phải khiêm nhường nhận biết loài người quả thật nhỏ bé so với Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài đã thực hiện công việc sáng tạo kỳ diệu cách đây hàng thiên niên kỷ mà được Kinh Thánh miêu tả đơn giản như sau: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra trời và đất”.—Sáng 1:1.

THỜI KỲ CHÚA GIÊ-SU SỐNG TRÊN ĐẤT

16 Bốn lời tường thuật được soi dẫn về cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su dường như đã được viết theo thứ tự này: Ma-thi-ơ [kh. 41 CN], Lu-ca [kh. 56-58 CN], Mác [kh. 60-65 CN] và Giăng [kh. 98 CN]. Như đã giải thích trong chương trước, dựa trên thông tin nơi Lu-ca 3:1-3 và lấy năm 14 CN là năm Sê-sa Ti-be-rơ bắt đầu cai trị, chúng ta tính ra năm 29 CN là lúc khởi đầu thánh chức nổi bật của Chúa Giê-su trên đất. Dù sách Ma-thi-ơ không luôn kể lại các sự việc theo trình tự thời gian, nhưng ba sách còn lại dường như phần lớn trình bày theo trình tự mà các sự kiện quan trọng đã diễn ra. Những sự kiện này được tóm tắt trong bảng kèm theo. Lời tường thuật của Giăng được ghi lại hơn 30 năm sau khi lời tường thuật cuối là sách Mác được viết ra. Chúng ta sẽ thấy rằng lời tường thuật của Giăng nói đến những giai đoạn quan trọng trong lịch sử mà ba lời tường thuật còn lại không đề cập. Điều đáng chú ý là dường như Giăng đề cập đến bốn Lễ Vượt Qua trong thánh chức trên đất của Chúa Giê-su. Điều này xác minh thánh chức của ngài dài ba năm rưỡi và kết thúc năm 33 CN.e—Giăng 2:13; 5:1; 6:4; 12:1; và 13:1.

17 Một bằng chứng khác cũng xác minh Chúa Giê-su chết vào năm 33 CN. Theo Luật pháp Môi-se, dù cho có trùng vào ngày nào thì ngày 15 tháng Ni-san luôn là ngày Sa-bát đặc biệt. Nếu ngày ấy trùng vào ngày Sa-bát thường thì được gọi là ngày Sa-bát “lớn”, và Giăng 19:31 cho thấy sau ngày Chúa Giê-su chết là ngày Sa-bát “lớn”, vì vậy ngày Sa-bát ấy là thứ Sáu. Không phải năm 31 hay 32 mà chỉ có năm 33 CN, ngày 14 tháng Ni-san mới trùng vào thứ Sáu. Do đó, Chúa Giê-su hẳn đã chết vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN.f

18 “Tuần lễ” thứ bảy mươi, năm 29-36 CN. Nơi Đa-ni-ên 9:24-27 cũng đề cập đến khoảng thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức, và tiên tri rằng có 69 tuần lễ năm [483 năm] “kể từ khi lệnh khôi phục và xây lại thành Giê-ru-sa-lem được ban ra cho đến lúc Đấng Mê-si, tức Đấng Lãnh Đạo, xuất hiện”. Theo Nê-hê-mi 2:1-8, lệnh này được ban ra vào “năm thứ hai mươi triều đại vua Ạt-ta-xét-xe” của Ba Tư. Ạt-ta-xét-xe bắt đầu trị vì năm nào? Cha của vua là Xét-xe chết vào những tháng cuối của năm 475 TCN. Do đó, năm lên ngôi của Ạt-ta-xét-xe bắt đầu vào năm 475 TCN. Ngoài ra, các nguồn tài liệu của Ba-by-lôn, Ba Tư và Hy Lạp có bằng chứng vững chắc xác minh điều này. Ví dụ, sử gia Hy Lạp Thucydides [nổi tiếng là chính xác] viết về việc chính khách Hy Lạp là Themistocles bỏ chạy sang Ba Tư khi Ạt-ta-xét-xe “vừa mới lên ngôi”. Một sử gia Hy Lạp khác vào thế kỷ thứ nhất TCN là Diodorus Siculus giúp chúng ta xác định năm 471/470 TCN là năm Themistocles chết. Sau khi chạy trốn khỏi nước mình, Themistocles đã xin vua Ạt-ta-xét-xe cho phép ông học tiếng Ba Tư một năm trước khi yết kiến vua, và đó là điều ông đã làm. Vì thế, hẳn Themistocles không thể định cư ở Ba Tư sau năm 472 TCN, và có thể xác định một cách hợp lý năm 473 TCN là thời điểm ông đến nước này. Lúc đó, Ạt-ta-xét-xe “vừa mới lên ngôi”.g

19 Thế nên, “năm thứ hai mươi triều đại vua Ạt-ta-xét-xe” là năm 455 TCN. Đếm 483 năm [69 “tuần lễ”] kể từ thời điểm này, đồng thời nhớ rằng không có năm số không khi bước sang Công Nguyên, chúng ta tính được năm 29 CN là năm “Đấng Mê-si, tức Đấng Lãnh Đạo” xuất hiện. Chúa Giê-su trở thành Đấng Mê-si khi báp-têm và được xức dầu bằng thần khí thánh vào mùa thu năm đó. Lời tiên tri cũng cho thấy “đến giữa tuần [thứ 70], người sẽ khiến vật tế lễ và lễ vật không còn được dâng nữa”. Đó là khi các vật tế lễ tiêu biểu của người Do Thái hết hiệu lực vì Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống. “Giữa tuần” ấy là ba năm rưỡi, tức mùa xuân năm 33 CN, lúc Chúa Giê-su bị giết. Tuy nhiên, ngài phải giữ “giao ước có hiệu lực với nhiều người” cho trọn tuần lễ thứ 70. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục ban ân huệ đặc biệt cho người Do Thái trong bảy năm từ 29 CN đến 36 CN, sau đó mới mở ra cơ hội cho những người dân ngoại chưa cắt bì trở thành dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Việc cải đạo của Cọt-nây năm 36 CN cho thấy rõ điều này.h—Công 10:30-33, 44-48; 11:1.

XÁC ĐỊNH CÁC NĂM TRONG THỜI CÁC SỨ ĐỒ

20 Từ năm 33 CN đến 49 CN. Có thể lấy năm 44 CN làm mốc cho giai đoạn này. Theo Josephus [Jewish Antiquities, XIX, 351 [viii, 2]], Hê-rốt A-ríp-ba I trị vì được ba năm, sau khi hoàng đế Cơ-lo-đi-ô lên ngôi ở Rô-ma [năm 41 CN]. Các bằng chứng lịch sử cho thấy Hê-rốt chết năm 44 CN.i Khi xem xét những ghi chép trong Kinh Thánh, chúng ta thấy ngay trước khi Hê-rốt chết, A-ga-bô đã tiên tri “nhờ thần khí” về một nạn đói lớn sắp xảy ra, sứ đồ Gia-cơ bị giết bởi gươm, và Phi-e-rơ bị cầm tù [vào Lễ Vượt Qua] rồi được thả ra nhờ phép lạ. Có thể xác định tất cả những sự kiện này diễn ra vào năm 44 CN.—Công 11:27, 28; 12:1-11, 20-23.

21 Nạn đói ấy đã xảy ra vào khoảng năm 46 CN. Chắc hẳn trong thời gian này, Phao-lô và Ba-na-ba làm “công việc cứu trợ ở Giê-ru-sa-lem” [Công 12:25]. Sau khi trở về thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, họ được thần khí thánh biệt riêng ra để thực hiện chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, bao gồm đảo Síp cũng như nhiều thành phố và địa phận của Tiểu Á.j Chuyến hành trình này có lẽ kéo dài từ mùa xuân năm 47 CN đến mùa thu năm 48 CN, với một mùa đông ở Tiểu Á. Dường như trong mùa đông kế tiếp, Phao-lô trú ở thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, điều này dẫn chúng ta đến mùa xuân năm 49 CN.—Công 13:1–14:28.

22 Lời tường thuật trong Ga-la-ti chương 1 và 2 dường như liên quan đến phép tính niên đại này. Ở đây Phao-lô nói về hai chuyến viếng thăm đặc biệt khác đến Giê-ru-sa-lem sau khi cải đạo, chuyến đầu là “ba năm” còn chuyến sau là “14 năm” [Ga 1:17, 18; 2:1]. Nếu xem hai giai đoạn này là số năm được làm tròn theo cách tính thời đó, và nếu Phao-lô đã cải đạo vào giai đoạn đầu của thời kỳ các sứ đồ thì chúng ta có thể tính 3 năm và 14 năm tương ứng với 34-36 CN và 36-49 CN.

23 Dường như chuyến viếng thăm Giê-ru-sa-lem lần thứ hai của Phao-lô được đề cập trong sách Ga-la-ti liên quan đến vấn đề cắt bì, lúc đó ngay cả Tít người cùng đi với Phao-lô cũng không bị buộc phải cắt bì. Nếu chuyến viếng thăm này là chuyến đi nhằm xin phán quyết về việc cắt bì được đề cập trong Công vụ 15:1-35, thì năm 49 CN đúng là năm giữa chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất và thứ hai của Phao-lô. Hơn nữa, theo Ga-la-ti 2:1-10, Phao-lô nhân cơ hội này trình với “những anh được kính trọng” trong hội thánh ở Giê-ru-sa-lem về tin mừng mà ông rao giảng, để đảm bảo rằng ông “không chạy một cách vô ích”. Điều hợp lý là ông báo cáo cho họ sau chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất. Lần này, Phao-lô viếng thăm Giê-ru-sa-lem vì “được mạc khải”.

24 Chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô, kh. năm 49-52 CN. Sau khi từ Giê-ru-sa-lem trở về, Phao-lô ở lại một thời gian tại thành An-ti-ốt xứ Sy-ri. Thế nên, khi ông lên đường trong chuyến hành trình thứ hai, lúc đó hẳn đã qua hết đầu mùa hè năm 49 CN [Công 15:35, 36]. Chuyến hành trình này dài hơn nhiều so với chuyến thứ nhất và đòi hỏi ông phải ở lại Tiểu Á suốt mùa đông. Có lẽ vào mùa xuân năm 50 CN, ông đáp ứng lời nài xin của người Ma-xê-đô-ni-a và đi sang châu Âu. Sau đó, ông rao giảng và thành lập những hội thánh mới ở Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê và A-thên. Sau khi thực hiện chuyến hành trình dài 2.090km, phần lớn bằng đường bộ, ông đến Cô-rinh-tô thuộc tỉnh A-chai vào mùa thu năm 50 CN [Công 16:9, 11, 12; 17:1, 2, 10, 11, 15, 16; 18:1]. Theo Công vụ 18:11, Phao-lô ở lại đó 18 tháng đến khoảng đầu năm 52 CN. Mùa đông đã qua, Phao-lô có thể đáp thuyền đi Sê-sa-rê theo hướng Ê-phê-sô. Sau khi đi lên chào hội thánh có lẽ ở Giê-ru-sa-lem, ông trở về nơi thường trú ngụ ở An-ti-ốt xứ Sy-ri, có thể vào mùa hè năm 52 CN.k—Công 18:12-22.

25 Một phát hiện khảo cổ xác nhận những năm 50-52 CN là khoảng thời gian Phao-lô viếng thăm Cô-rinh-tô lần đầu tiên. Đó là một mảnh có chữ khắc, ghi lời phúc đáp của hoàng đế Cơ-lo-đi-ô gửi người Delphi ở Hy Lạp, trong đó nói “[Lusius Ju]nius, Ga-li-ô,... thống đốc”. Đa số các sử gia đều đồng ý rằng con số 26 trong dòng chữ khắc này nói đến việc Cơ-lo-đi-ô được tuyên dương lần thứ 26 là hoàng đế. Các bảng chữ khắc khác cho thấy Cơ-lo-đi-ô được tuyên dương lần thứ 27 trước ngày 1 tháng 8 năm 52 CN. Nhiệm kỳ của thống đốc kéo dài một năm, bắt đầu vào đầu mùa hè. Do đó, dường như chức thống đốc xứ A-chai của Ga-li-ô kéo dài từ mùa hè năm 51 CN đến mùa hè năm 52 CN. “Lúc Ga-li-ô làm thống đốc của A-chai, người Do Thái hiệp lại tấn công Phao-lô. Họ giải ông đến bục xét xử”. Sau khi Ga-li-ô tha bổng Phao-lô, sứ đồ này ở lại “thêm một thời gian” rồi lên thuyền đi đến Sy-ri [Công 18:11, 12, 17, 18]. Tất cả các điều này dường như cho thấy rằng mùa xuân năm 52 CN là lúc Phao-lô kết thúc chuyến viếng thăm dài 18 tháng ở Cô-rinh-tô. Ngoài ra, một mốc thời gian khác trong lời tường thuật là khi đến Cô-rinh-tô, Phao-lô “gặp một người Do Thái tên là A-qui-la, quê ở Bon-tu, cùng vợ là Bê-rít-sin. Họ vừa đến từ Ý, vì hoàng đế Cơ-lo-đi-ô đã truyền lệnh cho tất cả người Do Thái phải rời khỏi Rô-ma” [Công 18:2]. Sử gia Paulus Orosius, sống vào đầu thế kỷ thứ năm, cho biết lệnh trục xuất này được ban hành vào năm thứ chín triều Cơ-lo-đi-ô, tức là năm 49 CN hoặc đầu năm 50 CN. Vậy A-qui-la và Bê-rít-sin có lẽ đã đến Cô-rinh-tô ít lâu trước mùa thu năm ấy, nhờ thế Phao-lô có thể ở đó từ mùa thu năm 50 CN đến mùa xuân năm 52 CN.

26 Chuyến hành trình thứ ba của Phao-lô, kh. năm 52-56 CN. Sau khi ở lại An-ti-ốt xứ Sy-ri “ít lâu”, Phao-lô lại lên đường đi Tiểu Á, và rất có thể ông đến Ê-phê-sô khoảng mùa đông năm 52-53 CN [Công 18:23; 19:1]. Sau khi dành ra “ba tháng” rồi “hai năm” dạy dỗ ở Ê-phê-sô, Phao-lô đi Ma-xê-đô-ni-a [Công 19:8-10]. Một thời gian sau, Phao-lô nhắc các giám thị ở Ê-phê-sô nhớ rằng ông đã cùng họ phục vụ “ba năm”, có lẽ con số này được làm tròn [Công 20:31]. Dường như khoảng đầu năm 55 CN, Phao-lô đã rời Ê-phê-sô sau “Lễ Ngũ Tuần”. Ông đi đến tận Cô-rinh-tô, Hy Lạp, và ở đó ba tháng mùa đông. Kế đó, khoảng Lễ Vượt Qua năm 56 CN, ông đi ngược lên phía bắc đến tận thành Phi-líp. Từ đấy ông đáp thuyền theo hướng Trô-ách và Mi-lê đến Sê-sa-rê rồi đi lên Giê-ru-sa-lem, tới nơi là khoảng Lễ Ngũ Tuần năm 56 CN.l—1 Cô 16:5-8; Công 20:1-3, 6, 15, 16; 21:8, 15-17.

27 Những năm cuối cùng, năm 56-100 CN. Không lâu sau khi đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô bị bắt giữ. Ông bị giải đến Sê-sa-rê và giam ở đó trong hai năm cho đến khi Phê-tô lên làm quan tổng đốc thế cho Phê-lích [Công 21:33; 23:23-35; 24:27]. Dường như năm 58 CN là năm Phê-tô đến nơi và Phao-lô đi Rô-ma sau đó.a Sau khi Phao-lô bị đắm tàu và trú ở Man-ta hết mùa đông, chuyến đi này kết thúc khoảng năm 59 CN. Lời tường thuật cho thấy ông vẫn bị giam giữ ở Rô-ma suốt hai năm, tức là đến khoảng năm 61 CN, trong thời gian đó ông vẫn rao giảng và dạy dỗ.—Công 27:1; 28:1, 11, 16, 30, 31.

28 Tuy lời tường thuật lịch sử trong sách Công vụ không cho chúng ta biết gì thêm ngoài các sự kiện trên, nhưng có những dấu hiệu cho thấy Phao-lô được trả tự do và tiếp tục hoạt động truyền giáo, đi đến Cơ-rết, Hy Lạp và Ma-xê-đô-ni-a. Không rõ ông có đi đến tận Tây Ban Nha hay không. Rất có thể Phao-lô đã tử vì đạo trong tay Nê-rô không lâu sau khi bị giam giữ lần cuối tại Rô-ma khoảng năm 65 CN. Theo lịch sử thế tục, đám cháy lớn ở Rô-ma xảy ra vào tháng 7 năm 64 CN, tiếp theo đó là cuộc bắt bớ của Nê-rô ập đến trên tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Vậy, điều hợp lý là việc Phao-lô bị giam cầm trong “xiềng xích” và sau đó bị hành quyết xảy ra trong khoảng thời gian này.—2 Ti 1:16; 4:6, 7.

29 Năm sách của sứ đồ Giăng được viết vào cuối giai đoạn bắt bớ do hoàng đế Domitian phát động. Người ta cho rằng hoàng đế này hành động như một người điên trong ba năm cuối triều đại của ông, từ năm 81 đến 96 CN. Chính trong giai đoạn lưu đày trên đảo Bát-mô, khoảng năm 96 CN, sứ đồ Giăng viết sách Khải huyền.b Sau khi được thả ra, Giăng viết sách Phúc âm và ba lá thư ở Ê-phê-sô hoặc vùng gần đó. Sứ đồ cuối cùng này qua đời vào khoảng năm 100 CN.

30 Thật vậy, khi so sánh các sự kiện trong lịch sử thế tục với niên đại và lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta xác định được các sự kiện Kinh Thánh trong dòng thời gian một cách rõ ràng hơn. Sự hòa hợp giữa các niên đại trong Kinh Thánh khiến chúng ta càng thêm tin chắc Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

Khi nghiên cứu chương này, việc tham khảo thêm sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 458-467 có thể giúp ích.

Từ lúc Áp-ra-ham băng qua sông Ơ-phơ-rát cho đến lúc Y-sác ra đời là 25 năm; rồi đến lúc Gia-cốp sinh ra là 60 năm; Gia-cốp được 130 tuổi khi dọn đến Ai Cập.—Sáng 12:4; 21:5; 25:26; 47:9.

Nếu tính vào năm 2004 thì phải lấy 6.029 năm trừ đi khoảng thời gian này.

Tỉnh Thức! [Anh ngữ], số ra ngày 22-9-1986, trang 17-27; số ra ngày 8-4-1972, trang 5-20.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 57, 58.

Tháp Canh [Anh ngữ], 1976, trang 247; 1959, trang 489-492.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 614-616.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 899-904.

Sách The New Encyclopædia Britannica [Tân bách khoa từ điển Anh Quốc], 1987, Tập 5, trang 880.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 747.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 747.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 476, 886.

Sách Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 747.

Sách Young’s Analytical Concordance to the Bible, trang 342, dưới mục “Festus”.

Sách Notes on the Book of Revelation [Các ghi chú về sách Khải huyền], 1852, của Albert Barnes, trang xxix, xxx.

Chúa Giêsu chết năm bao nhiêu tuổi?

Giê-su.

Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng năm bao nhiêu tuổi?

- Giêsu đã rời làng Nazareth bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng năm 30 tuổi. Gioan làm phép rửa cho Ngài, điều này cho thấy: + Chúa Giêsu ý thức rõ tầm quan trọng phải thực hiện việc loan báo Tin Mừng trong bầu khí thánh thiện.

Ai gây ra cái chết của Chúa Giêsu?

Chúa Giê Su bảo họ rằng Ngài chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Họ nói rằng Chúa Giê Su có tội và phải chết. Những người lãnh đạo Do Thái không có thẩm quyền để giết Chúa Giê Su. Họ mang Ngài đến Bôn Xơ Phi Lát là người có thể kết án Chúa Giê Su phải chết.

Phật Thích Ca và Chúa Jesus ai có trước?

Đức Phật có trước Chúa Giê-su.

Chủ Đề