Ưu, nhược điểm của đánh giá bằng nhận xét

Bộ GD mới ra Dự thảo Thông tư ban hành Quy định Đánh giá học sinh tiểu học (http://www.moet.gov.vn/?page=6.1&view=240), trong đó qui định đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học bằng nhận xét.
1) Hạn chế của đánh giá bằng điểm
Điểm là một con số mà giáo viên gán cho bài làm của học sinh. Con điểm này được giáo viên "cho" thường dựa vào thang điểm, kết quả bài làm của học sinh. Qua đó, học sinh (và cả phụ huynh) biết được "trình độ" (mang tính xếp loại) của mình.
Cái "chết" của cho điểm là tính chủ quan của giáo viên rất cao - từ nội dung bài kiểm tra, thang điểm, chính con điểm... Do đó, trong nhiều trường hợp, điểm số này chưa nói lên điều gì. Tôi lấy ví dụ: cùng được điểm 10 nhưng học sinh miền núi có trình độ như điểm như học sinh thành thị không? Chắc không!
Điều quan trọng hơn là, qua con điểm, rất ít học sinh (và cả phụ huynh) nhận thức được "vì sao mình lại được chừng ấy điểm", tự phát hiện ra những lỗ hổng kiến thức (ví dụ: vì sao mình bị trừ điểm, cần bổ cứu kiến thức như thế nào...).
Đối với giáo viên, cho điểm xong bài làm của học sinh là "xong", có lẽ ít người lưu tâm đến từng học sinh: Em đó có những lỗ hổng kiến thức gì? Cần khắc phục như thế nào? Làm thế nào để phát triển năng lực cá nhân học sinh đó?... Rồi sau đó, giáo viên lại cho học sinh "dàn hàng ngang" mà tiến, ít quan tâm đến những em chậm, em nhanh...
Cho điểm còn dễ gây ra những hiệ tượng tiêu cực trong quan hệ giữa học sinh với nhau: Sự ganh tị ("bài bạn í bao giờ chả cao!"...); sự coi thường ("tôi giỏi nhất lớp, mấy đứa kia dốt toét"...); sự tự ti ("chả bao giờ mình được điểm cao bởi mình dốt"...).
Không hiếm trường hợp khi giáo viên "nhìn mặt" phụ huynh hay chịu sức ép nào đó(?) mà cho điểm!
2) Ưu việt của đánh giá bằng nhận xét
Cách đây gần 100 năm, L. Vygotsky đưa ra luận điểm cực hay: mỗi học sinh vào thời điểm nào đó luôn tồn tại một "vùng phát triển hiện tại" (trình độ phát triển nói chung, hay những kiến thức, thái độ, kỹ năng, năng lực liên quan nội dung học tập nào đó nói riêng), dạy học chỉ có thể có hiệu quả cao nếu tác động vào "vùng phát triển gần nhất" (nằm phía trên vùng phát triển hiện tại), tức là dạy cho học sinh những nội dung cao hơn trình độ hiện tại mà các em có thể chiếm lĩnh được (cao quá hay thấp hơn đều không tốt).
Chính việc kiểm tra (hay qua bài làm của học sinh, qua phát biểu, thảo luận với bạn...), giáo viên cần xác định được "vùng phát triển hiện tại" của từng học sinh (em đó hiện có những kiến thức, thái độ, kỹ năng, năng lực gì, hổng những kiến thức, kỹ năng gì...). Sau đó, giáo viên cho cá nhân học sinh (và cả phụ huynh) biết những thông tin này - đó chính là đánh giá bằng nhận xét.
Như vậy, thông tin về việc nhận xét này được "tay ba" biết. Từ đó, giáo viên cùng học sinh (trong trường hợp có thể, và cả phụ huynh) tác động đến "vùng phát triển gần nhất" của cá nhân học sinh, qua đó, khắc phục những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng, phát triển năng lực cá nhân, giúp học sinh tiến bộ. Thật là nhân văn!
Tôi không đồng ý với ý kiến của một số giáo viên cho rằng, nếu không cho điểm, học sinh thiếu động lực học tập. Quan niệm đó là sai lầm, bởi lẽ, chúng ta đã quen đưa điểm ra làm "mồi nhử" học sinh, học sinh bị mê hoặc bởi những con điểm, bị nhầm tưởng điểm cao lúc nào cũng tốt. Thật tội nghiệp! Bệnh thành tích giả tạo cũng từ những con điểm này mà ra!
Ngoài ra, cho điểm bằng nhận xét còn giúp học sinh tự tin trong học tập (nhờ học sinh học tập tiến bộ), phát triển được năng lực, năng khiếu cá nhân (học sinh có năng lực tốt được phát huy), tập thể lớp thêm đoàn kết (không bị phân biệt bởi điểm số)...
3) Một số thách thức đối với giáo viên tiểu học
- Lớp quá đông học sinh, giáo viên không thể có đủ thời gian cần thiết để đánh giá bằng nhận xét.
- Một bộ phận giáo viên (và cả cán bộ quản lý) có năng lực chuyên môn chưa tốt, còn có thái độ đối phó trong công việc.
- Giáo viên phải hoàn thành quá nhiều hồ sơ, sổ sách (chủ yếu là vô bổ).
- Lương thấp làm cho nhiều giáo viên thiếu động lực cố gắng, phấn đấu (nhiều giáo viên "cố" cũng chỉ vì không-bị-trừ-thi-đua).
4) Một vài đề nghị
- Tăng lương cho giáo viên (bà Nguyễn Thị Bình, nguyên PCT nước, vừa phát biểu như vậy trên báohttp://laodong.com.vn//luong-giao-vien-phai-cao-nhat-trong).
- Dành tiền 34 nghìn tỉ để xây thêm trường, cung cấp những phương tiện, trang thiết bị (mà học sinh và giáo viên cần, chứ không phải những gì "cấp trên" có ấn xuống!), làm quĩ hỗ trợ, thưởng cho những giáo viên có thành tích trong việc giúp học sinh tiến bộ.
- Hãy "tháo gông" thi đua, đống hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.
- Quản lý giáo dục hãy thực hiện chức năng hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên dạy tốt (mà không phải "quản" hay "lí" (sự) với giáo viên).

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp

Cập nhật: 10/13/2014 - Lượt xem: 7873