Vẻ đẹp của người phụ nữ trong Tự tình 2

BÀI LÀM

Thân phận bất hạnh, đau khổ, bẽ bàng của người phụ nữ là một đề tài khá phổ biến trong văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương là một trong những tác giả nổi tiếng của văn học trung đại, viết về số phận con người, đặc biệt là thân phận éo le của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến suy tàn. Tự tình [bài II] thể hiện tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh hẩm hiu, éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Đầu bài thơ, tác giả đã cho thấy người phụ nữ cô đơn, một mình lạnh lẽo, trong đêm khuya vắng nghe tiếng trống:

           Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non

Một không gian rộng lớn, bao quanh người phụ nữ với tiếng trống báo thời khắc đi qua. Đêm khuya thanh vắng là thời điểm con người thường đối diện với chính bản thân mình, để xót thương, để tư vấn. Đó là lúc những âm vang của cuộc đời dường như không tác động đến con người, song con người lại cảm nhận được bước đi của cuộc đời một cách sâu sắc nhất. Đọc Truyện Kiều, độc giả dễ dàng nhận ra khoảng thời gian ấy xuất hiện rất nhiều. Thúy Kiều đã từng đối diện lòng mình trong đêm khuya ở nhiều cảnh huống khác nhau: sau khi tảo mộ, gặp Kim Trọng [Một mình lặng ngắm bóng nga / Rộn đường gần với nỗi xa bời bời...],lúc đã quyết định bán mình chuộc cha [“Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn /Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn”], khi thất thân bởi Mã Giám Sinh [“Đêm xuân một giấc mơ màng / Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ / Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa”], hoặc lúc ở lầu xanh [“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh / Giật mình mình lại thương mình xót xa”]... Trong Tự tình [bài II], nhân vật trữ tình cũng chọn cách đối diện như thế. Tiếng trống canh chỉ “văng vẳng”, tức người nghe phải lắng tai nghe, nhưng nhịp điệu của nó thì đã qua đầy đủ, với tất cả sự hối hả, thúc giục [trống canh dồn]... “Văng vẳng” chính là từ tượng thanh nhưng ở đây nó biểu thị tâm trạng, và cả cái không khí buồn vắng lặng của một người thao thức giữa đêm khuya thanh vắng. Từ “dồn” diễn tả thời gian với những bước bước đi, nhanh dồn dập, gấp gáp, thôi thúc. Người đàn bà trong đêm khuya vắng lặng, yên tĩnh, đối diện với chính mình, trở nên lẻ loi cô đơn, trong lòng trống vắng, với bóng tối bao trùm không gian. Tác giả đã diễn tả tâm trạng của người vợ lẽ cô đơn chờ mong chồng mà chồng không đến, từ trở trong cách kết hợp “trơ cái hồng nhan” vừa cho thấy tâm trạng bẽ bàng, tủi hổ cho thân phận éo le, cay đắng mà còn thể hiện sự thách thức, thể hiện bản lĩnh của Hồ Xuân Hương. Nỗi đau buồn đã lên đến cực độ. Từ “cái” gắn liền với từ “hồng nhan” làm cho giọng thơ trĩu xuống, làm nổi bật cái thân phận, cái duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ. Hai câu thơ diễn tả tâm trạng xót xa, cay đắng, tình cảnh lẻ loi, cô đơn của người phụ nữ trong đêm thanh vắng, sự cô đơn trước vũ trụ và sự thách thức của Hồ Xuân Hương với xã hội, cuộc đời.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
     Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện qua việc uống rượu giải sầu cho quên sự đời, quên đi tình yêu lỡ làng. Đêm khuya, tìm đến rượu, một mình đối diện với vầng trăng và cảm nhận bước đi của thời gian u hoài cũng là tâm trạng mà ta đã từng bắt gặp ở tác giả Đặng Dung trước đó bốn trăm năm

Thế sự du du nại lão hà,
          Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
     [Việc đời bối rối tuổi già vay,
         Trời đất vô cùng, một cuộc say]
                                                 [Cảm hoài]

Nhưng có khác là tác giả Đặng Dung là đấng trượng phu, một người anh hùng thất thế đang đớn đau trước dòng đời tuôn chảy trong sự bất lực của chính mình. Còn ở Tự tình [bài II] là nỗi lòng của người phụ nữ khi tình duyên lỡ làng, duyên phận hẩm hiu. Nhân vật trữ tình tìm đến rượu với mong ước có thể quên đi thực tại tủi sầu nhưng say lại tỉnh, uống rượu nhưng đâu có giải được sầu, mà chỉ làm cho nỗi buồn thêm sâu sắc, đong đầy, tâm trạng càng cay đắng hơn. Câu thơ của nữ sĩ gợi nhớ một ý thơ đầy trầm tư của Lí Bạch:

           Dùng gươm chém nước, nước chẳng dứt
Uống rượu tiêu sầu, sầu vẫn sầu

Rượu khiến nhân vật trữ tình càng nhận ra tâm trạng phũ phàng, thân phận hẩm hiu, bạc bẽo của chính mình. Men rượu đậm đà hương vị “cay cay”, “ngòn ngọt” như tình yêu chứa đầy hạnh phúc đầy đau khổ được hòa quyện vào nhau. “Vầng trăng bóng xế”, đêm đã gần tàn, trăng là nhân chứng tình duyên, hẹn thề ước của những đôi yêu nhau. “Khuyết chưa tròn” là hạnh phúc tình yêu chưa tràn đầy. Trăng còn là biểu tượng cho mùa xuân, ngày tháng cứ trôi đi, trôi mãi. Tuổi xuân đi qua nhưng hạnh phúc chưa đầy. Tâm trạng đau đớn, xót xa cay đắng cho một tình duyên dở dang, muộn màng. Nếu ở bốn câu thơ đầu, tác giả diễn tả tâm trạng của người phụ nữ chờ mong chồng và nỗi tuyệt vọng trước “tình” và “cảnh” với một trái tim như lạnh giá, cần hơi ấm trái tim của.người chồng thì ở hai câu luận:

   Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

tác giả đã bất ngờ khác họa tâm trạng dồn nén muốn phản kháng. Hình ảnh thiên nhiên như rêu, đá, đất, mây cũng như mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Rêu là loại sinh vật rất nhỏ, yếu ớt nhưng có thể “xiên ngang mặt đất”, mấy hòn đá vượt lên “đâm toạc chân mây”. Nghệ thuật đảo ngữ kết hợp với các động từ mạnh như “xiên”, “đâm” càng tô đậm bản lĩnh, sức sống mãnh liệt của cảnh vật và của cả nhân vật trữ tình. Con người ấy đang trải qua nhiều bi kịch vẫn cố gắng gượng với đời. Phản ứng mạnh mẽ, dữ dội nhưng thực tại vẫn chua xót. Đêm đã về khuya, giữa cảnh thiên nhiên dào dạt, bộn bề mịt mùng bao la ấy, người đàn bà với duyên phận hẩm hiu càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Những dồn nén, buồn bực đã phải nén:

 Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con!

Yêu đời là thế, sức sống mãnh liệt là thế, mà cuộc đời riêng thì vẫn “xuân đi xuân lại lại’. Điệp từ chỉ cái vòng luẩn quẩn, vô vị của ngày tháng, cuộc đời. Điều này khiến Hồ Xuân Hương không tránh khỏi một tiếng thở dài chua xót. Càng chua xót hơn khi giữa cái tuần hoàn thời gian ấy là một “mảnh tình”. Chữ “ngán” thể hiện nỗi đau, nỗi buồn tủi của người đàn bà lỡ thì quá lứa, đang trải qua sự mòn mỏi, đợi chờ. Tình duyên, tình yêu như bị tan vỡ, xé nát thành nhiều “mảnh”, thế mà chua chát thay vẫn chỉ được “san sẻ tí con con”. Câu thơ như một tiếng thở dài buông xuôi theo dòng đời xót xa, tội nghiệp. Mỗi chữ như rưng rưng những giọt lệ chua xót.

Bài thơ là tâm sự nghẹn ngào, lời than thở cho số phận hẩm hiu, thân phận trôi nổi, bấp bênh đồng thời thể hiện khát vọng ước mơ được quyền sống tự do, hạnh phúc của người phụ nữ. Bài thơ còn tố cáo phê phán chế độ phong kiến và đề cao phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ đầy mạnh mẽ, cá tính. Lịch sử đã chứng minh sự phản kháng và cảm thông của bà với thân phận của người phụ nữ là con đường chính đáng, tiến bộ. Nữ sĩ đã đi những bước thật dài trước thời đại của bà. Tiếng thơ Của Hồ Xuân Hương đã vượt không gian và thời gian, sống mãi trong lòng độc giả bao thế hệ.

Hồ Xuân Hương một nữ sĩ đại tài của văn học Việt Nam, bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Các vần thơ của bà tập trung nói về người phụ nữ với sự ý thức cao độ về vẻ đẹp hình thức và nhân cách. Nhưng đằng sau những vần thơ ấy còn là nỗi đau thân phận bị rẻ rúng. Nỗi niềm đó được thể hiện trong rất nhiều bài thơ của bà, và một trong những bài thơ đó không thể không nhắc đến bài Tự tình II.

Văn bản nằm trong chùm thơ Tự tình gồm có ba bài. Cả ba bài đều thể hiện nhất quán nỗi tự thương mình trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi và khao khát hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt. Những vần thơ còn thể hiện sự vùng vẫy, bứt phá để dành hạnh phúc cho chính mình, nhưng cuối cùng vẫn phải nhận về thất bại cay đắng.

Trước hết thân phận người phụ nữ trong bài thơ được thể hiện đầy cay đắng xót xa, họ ý thức về thân phận mình, ý thức về tuổi thanh xuân trôi nhanh mà hạnh phúc lứa đôi chưa được tròn vẹn:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Trong đêm khuya tĩnh mịch, cái sự vật đều trở về trạng thái lặng thì tiếng trống “vắng vẳng”nghe càng trở nên da diết, dồn dập hơn, nó như thúc giục người phụ nữ về sự chảy trôi của thời gian, của thanh xuân. Câu thơ thứ hai diễn tả nỗi niềm trơ trọi, cô đơn của những người phụ nữ trong không gian quạnh hiu đó. Từ “trơ” được đảo lên đầu câu càng nhấn mạnh hơn nữa vào thân phận bất hạnh của họ. Từ “hồng nhan” vốn được hiểu là người con gái xinh đẹp, có nhan sắc. Nhưng đến đầu thế kỉ XVIII chữ “hồng nhan” thường gắn liền với yếu tố “bạc mệnh”: để nói lên số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phon kiến: “Rằng hồng nhan tự thuở xưa/ Cái điều bạc mệnh có chưa ai đâu” hay “Hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen”. Trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương dùng từ “hồng nhan” với ý nghĩa hồng nhan bạc mệnh, diễn tả nỗi niềm chua xót trước thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trong nỗi đau của kẻ hồng nhan bạc mệnh, nhân vật trữ tình tìm đến rượu để quên, đến trăng để bầu bạn nhưng chén rượu uống vào muốn say mà lại càng tỉnh, ngắm trăng lại càng nhận rõ thân phận bất hạnh của bản thân. Trăng sắp tàn mà vẫn khuyết, cũng như con người thanh xuân sắp qua mà tình duyên vẫn còn lận đận, lỡ dở.

Bốn câu thơ đầu, khung cảnh nhuốm màu tâm trạng của nhân vật trữ tình, kết hợp với thủ pháp tương phản: một bên là con người cô đơn, nhỏ bé với một bên là không gian rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ [hồng nhan/ nước non], thờ gian đêm mênh mông, quạnh vắng, lạnh lùng với sự bé nhỏ của người phụ nữ [vầng trăng, trống canh]; rượu không thể làm con người khuây khỏa, say lại tỉnh,… tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nổi bật sự cô đơn, buồn chán của nhân vật trữ tình – người phụ nữ.

Không chỉ vậy, người phụ nữ còn ý thức về hạnh phúc và nỗi đau thân phận. ý thức về hạnh phúc ngày càng rời xa, nhân vật trữ tình có những phản ứng hết sức quyết liệt:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

Hai câu thơ thể hiện một sức sống mạnh mẽ, khỏe khoắn bằng những hình ảnh thơ hết sức độc đáo: rêu, đá. Rêu vốn là loài cây mềm mại, nhỏ bé nhưng dưới con mắt của tác giả những đám rêu tưởng nhỏ bé, yếu đuối đó lại “xiên ngang mặt đất” mà trỗi dậy tìm sự sống; hòn đá tưởng chừng như chỉ đứng bất động trước sự chảy trôi của thời gian lại có thể “đâm toạc chân mây”. Dưới con mắt của Hồ Xuân Hương tất cả các sự vật tưởng như bất động, không có sự sống lại được tác giả cấp cho sức sống tràn trề, mạnh mẽ. Nhưng không dừng lại ở đó hình ảnh những sự vật đó kết hợp với cụm từ “xiên ngang” “đâm toạc” đã cho thấy sự bứt phá, không cam chịu số phận đau khổ, tủi hèn của nhân vật trữ tình. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ khi người phụ nữ luôn được giáo dục với tinh thần cam chịu, nhẫn nhục, an phận thủ thường thì câu thơ mang nhiều ý nghĩa tích cực, tiến bộ. Người phụ nữ trong bài thơ không chấp nhận số phận mà bộc lộ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc, mở ra khả năng đấu tranh để đạt được tình yêu hạnh phúc về cho chính mình. Ý thơ này thống nhất với những bài thơ khác trong chùm thơ Tự tình của bà: “Thân này đâu đã chịu già tom” – khát vọng tình yêu được thể hiện nhất quán.

Nhưng trước thực tại quá đỗi phũ phàng, dường như người phụ nữ cũng phải chấp nhận: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con”, câu thơ cất lên đầy ai oán chua xót. Trong một bài thơ khác Hồ Xuân Hương đã từng viết: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” để cho thấy rõ hơn số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ. Tuổi xuân người con gái có được là bao nhiều, xuân “lại lại” đồng nghĩa với thanh xuân người con gái ngày một ngắn lại, vậy mà mảnh tình cũng phải san sẻ, chia năm sẻ bảy. Câu thơ với cách dùng từ độc đáo, cho thấy sự nhỏ dần, ít dần của tình duyên: mảnh tình – nhỏ bé, san sẻ – càng ít hơn và cuối cùng phần nhận được chỉ còn lại “tí con con”.

Bằng khả năng điều khiển ngôn ngữ tài tình, Hồ Xuân Hương đã cho người đọc phần nào thấy được thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ, tình yêu bị san sẻ, hạnh phúc không thể với đến. Nhưng đồng thời còn thấy được khát khao hạnh phúc mãnh liệt của họ. Qua những vần thơ đó Hồ Xuân Hương cũng lên án xã hội phong kiến đã kìm kẹp nhu cầu hạnh phúc chính đáng của con người.

Đề bài: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Tự tình II

Bài làm

Trong xã hội phong kiến với những lễ giáo khắt khe người phụ nữ luôn phải chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi. Họ bị ràng buộc bởi “Tam tòng tứ đức”, bởi “Công dung ngôn hạnh” mà mất đi quyền làm chủ, quyền hạnh phúc. Đó là nguồn cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ luôn có tấm lòng nhân đạo đồng cảm, xót thương cho con người. Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ có nhiều tác phẩm viết về đề tài người phụ nữ cũng là để than ngẫm, thương xót cho chính thân phận của mình. Chùm thơ Tự tình của bà gồm ba bài là sự phản ánh đặc sắc tâm tư, tình cảm của nhà thơ. Trong đó Tự tình bài II được coi là bài thơ hay nhất khắc họa hình ảnh người phụ nữ “hồng nhan bạc phận” đường tình duyên không trọn vẹn, quá lứa lỡ thì nhưng luôn khao khát có một hạnh phúc bình dị, đời thường.

Người phụ nữ xuất hiện trong hoàn cảnh không gian, thời gian là đêm khuya thanh vắng con người trở nên cô đơn, bé nhỏ, lạc lõng cùng với biết bao những đắng cay, tủi hờn cho thân phận bẽ bàng của mình.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Người phụ nữ ấy có nhan sắc “hồng nhan” vẻ đẹp bên ngoài cũng là để nói đến cái phẩm hạnh, đức hạnh “tấm lòng son” ở bên trong nhưng lại phải chịu số phận bất hạnh, dở dang. Từ “Trơ” đứng ở đầu câu càng nhấn mạnh thêm nỗi đau. Nếu xét về phương diện tính cách của Hồ Xuân Hương có cá tính mạnh mẽ, táo bạo thì đó lại là sự thách thức, trơ lì ra của một con người chịu quá nhiều tủi hờn, đau buồn mà trơ ra với “nước non”. “Cái hồng nhan”gợi sự rẻ rúng bị coi khinh. Người phụ nữ đầy đủ vẻ đẹp hình thể và tâm hồn nhưng phải sống một cuộc đời khổ đau, hẩm hiu về duyên phận.

Hồ Xuân Hương ý thức được số phận của người phụ nữ sống trong chế độ phong kiến thối nát phải chịu nhiều ngang trái nên bà muốn mượn chén rượu, mượn chút hương nồng để quên đi nỗi sầu. Nhưng càng uống càng tỉnh càng ý thức rõ ràng hơn về thực tại khổ đau, bà luôn luẩn quẩn trong vòng xoáy nghịch cảnh của cuộc đời.

Bà chúa thơ Nôm không phải là người phụ nữ cam chịu, chấp nhận số phận mà bà luôn mang trong mình cá tính táo bạo kháng cự quyết liệt. Bà đã từng lên tiếng khinh bỉ, coi thường những bậc nam nhi vô dụng trong xã hội xưa mà nói rằng:

“Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”

Một con người tự tin dám khẳng định bản thân mình thì không bao giờ chịu chấp nhận nghịch cảnh mà thay vào đó là một ý thức phản kháng mạnh mẽ, muốn vượt lên số phận, mong mỏi một hạnh phúc đời thường. Bà nhìn thấy trong những sự vật nhỏ bé tưởng chừng như yếu ớt nhưng lại mang trong mình một sức sống dồi dào

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Trong đôi mắt của một tâm hồn mạnh mẽ thì những vật vô tri vô giác như rêu, đá cũng căng tràn nhựa sống mà “xiên ngang”, “đâm toạc” được cả những sự vật lớn lao, rộng lớn là “mặt đất”, là “chân mây”. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến không phải ai cũng ý thức và có được thái độ cứng rắn như Hồ Xuân Hương.

Càng kháng cự bao nhiêu càng cho thấy khao khát được hạnh phúc bấy nhiêu. Người phụ nữ cần và đáng được hưởng một mái ấm gia đình, được chồng yêu thương chăm sóc, tay ấp tay gối bên chồng chứ không phải cô đơn, giường đơn gối chiếc trong đêm khuya thanh vắng một mình xót xa, tủi hờn.

Nhưng càng ước vọng bao nhiêu lại càng thất vọng, thương xót cho thân phận mình bấy nhiêu khi

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Hồ Xuân Hương chán chường, ngán ngẩm khi ngày qua ngày hết năm này qua năm khác “xuân đi xuân lại lại” nhưng vẫn cô đơn lẻ bóng một mình, bà cũng xót xa cho tuổi xuân của mình qua đi, tuổi đời càng thêm nhưng tình yêu chưa bao giờ được trọn vẹn, được thương yêu với đúng nghĩa của một người làm vợ. Mảnh tình ấy đã mỏng manh, ít ỏi lại còn phải “chia năm sẻ bảy” để rồi chỉ còn “tí con con”. Mặc dù thi sĩ là người có tài năng, giỏi giang, xinh đẹp đức hạnh nhưng phải chăng vì lẽ “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” mà bà cũng không thể vượt qua được nghịch cảnh của số phận.

Thương thay cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa khiến cho Nguyễn Du thi hào nhân đạo chủ nghĩa của nhân loại cất lên tiếng khóc:

“Đau đớn thay thân phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Với tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc cùng với các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương đã khắc họa được hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn phải chịu nhiều bất hạnh, đắng cay nhưng chưa bao giờ thôi khao khát hạnh phúc gia đình, hôn nhân trọn vẹn, có thể làm chủ được số phận của mình. Bên cạnh đó càng điểm tô thêm vẻ đẹp và những phẩm chất, đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam cần được gìn giữ và tiếp nối.

Video liên quan

Chủ Đề