Vì sao kinh doanh phải tuân theo quy định của pháp luật

Nội dung quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như: tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, lựa chọn mô hình kinh doanh, tự do hợp đồng, tự do cạnh tranh lành mạnh.

Trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, Hiến pháp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Một trong những nội dung quan trọng được ghi nhận tại Hiến pháp chính là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Và một trong những quyền được ghi nhận hết sức ý nghĩa và quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay chính là quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ mà pháp luật không cấm.

Việc ghi nhận quyền này trong Hiến pháp không chỉ thể hiện đây là quyền cơ bản của con người mà còn thông qua đó thừa nhận rằng, đây là một trong những quyền phải được công nhận, tôn trọng và bảo vệ như những quyền cơ bản khác. Vậy, trên cơ sở ghi nhận này, quyền tự do kinh doanh của con người đã được cụ thể hóa như thế nào?

1. Nguyên tắc tự do kinh doanh là gì?

Nguyên tắc tự do kinh doanh là nguyên tắc hiến định, theo đó các chủ thể kinh doanh được tự do thực hiện các hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tự do kinh doanh phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, có nghĩa là khi thực hiện các quyền cụ thể trong nội dung của quyền tự do kinh doanh, các chủ thể phải tuân thủ các điều kiện pháp luật quy định hoặc phải thực hiện một số nghĩa vụ tương ứng.

2. Quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành:

Theo quy định hiện hành, quyền tự do kinh doanh được ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân thể hiện qua Điều 33 Hiến pháp năm 2013, theo đó mọi người đều có quyền tự do kinh doanh với bất kể ngành nghề nào, chỉ cần là trong khuôn khổ những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Điều này đã được cụ thể hóa từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện quyền của công dân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2014, quyền tự do kinh doanh được cá nhân, tổ chức thực hiện trong khuôn khổ những ngành, nghề không bị cấm. Việc tự do kinh doanh này được thể hiện qua việc họ có toàn quyền tự chủ trong việc kinh doanh, toàn quyền lực chọn về hình thức cũng như ngành, nghề liên quan và cả những vấn đề khác liên quan như địa bàn, quy mô kinh doanh,…

Thứ hai, quyền tự do kinh doanh còn được ghi nhận qua Khoản 3 Điều 4 “Bộ luật lao động năm 2019” về chính sách của Nhà nước về lao động, cụ thể đó là việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động.

3. Nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh:

Theo quy định của pháp luật, quyền tự do kinh doanh được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cá nhân, tổ chức có quyền được tự mình lựa chọn những ngành nghề mà mình muốn kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc kinh doanh được thực hiện sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của ngành nghề đó.

Thứ hai, quyền được tự do lựa chọn mô hình kinh doanh cho mình từ việc quyết định về vốn đầu tư, chỉ cần mức vốn đó đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu là kinh doanh một số ngành nghề đặc thù theo quy định. Bên cạnh đó, có thể quyết định điều chỉnh quy mô kinh doanh của mình thông qua việc huy động vốn.

Thứ ba, được quyền tự lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, chỉ cần đảm bảo các quy định về loại hình đó như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh hoặc trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế: .

Xem thêm: Hàng hóa cấm kinh doanh, buôn bán trên thị trường

Thứ tư, khi thực hiện hoạt động kinh doanh, các chủ thể được toàn quyền thực hiện những vấn đề liên quan như lựa chọn khách hàng, thỏa thuận, ký kết hợp đồng, nội dung thực hiện,…

Thứ năm, khi thực hiện hoạt động kinh doanh, các chủ thể được tự do cạnh tranh một cách lành mạnh. Khi phát sinh tranh chấp, các chủ thể có thể lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp được pháp luật quy định như thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại hay tòa án.

Vì sao kinh doanh phải tuân theo quy định của pháp luật

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

4. Đặc điểm đặc thù của quyền tự do kinh doanh:

Trên cơ sở ghi nhận của Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa của Luật doanh nghiệp năm 2014, quyền tự do kinh doanh có những đặc điểm đặc trưng sau đây:

Thứ nhất, việc thực hiện quyền tự do kinh doanh chỉ được thực hiện trong phạm vi khuôn khổ những ngành, nghề được pháp luật cho phép.

– Tại Khoản 6 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng chỉ rõ nghiêm cấm mọi hành vi kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh cấm đầu tư kinh doanh. Điều này có thể hiểu khi thực hiện hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh cần loại trừ những ngành nghề mà pháp luật cấm.

– Những ngành, nghề mà pháp luật cấm kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014 Sửa đổi bổ sung, bao gồm:

Xem thêm: Danh mục những mặt hàng hóa cấm kinh doanh mới nhất

+ Các loại chất ma túy, hóa chất, khoáng vật có trong danh mục.

+Các hoạt động kinh doanh đối tượng là thực vật, động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm của Việt Nam và quốc tế.

+ Kinh doanh mại dâm

+ Hoạt động kinh doanh mua bán về người, mô, bộ phân cơ thể người, sinh sản vô tính trên người.

+ Kinh doanh pháo nổ

Thứ hai, theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư năm 2014 đối với một số ngành, nghề kinh doanh đặc thù, cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh nhưng chỉ khi đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật đặt ra nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe, đạo đức.

– Những ngành, nghề đầu tư kinh doanh đặc thù cần có điều kiện được quy định rõ trong danh mục ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2014.

– Điều kiện để được kinh doanh đối với một số ngành nghề đặc thù được quy định rõ trong các văn bản pháp luật do Việt Nam ban hành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Những quy định này phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Xem thêm: Quy định cấm kinh doanh tại căn hộ chung cư

Theo Hiến pháp năm 2013 đã công nhận về quyền tự do kinh doanh, theo đó: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” (Điều 33). Trên cơ sở này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã cụ thể hóa quyền này như sau:

“Điều 7. Quyền của doanh nghiệp

1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

4. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.

7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

9. Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

10. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

11. Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

12. Quyền khác theo quy định của luật có liên quan”.

Như vậy có thể thấy, quyền tự do kinh doanh vốn là quyền được ghi nhận cho mọi cá nhân, tổ chức đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, ngay trong quy định cũng đã xác định rõ, quyền tự do kinh doanh chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, Luật đầu tư năm 2014 cũng đã xác định rõ bênh cạnh những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sau:

“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người”.

Đối chiếu với quy định này, kinh doanh dịch vụ cầm đồ không rơi vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, khi đối chiếu với danh mục số 4 ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2014 thì đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để được kinh doanh ngành nghề này, Luật đầu tư năm 2014 đã quy định như sau:

“Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật này.

3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

4. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

5. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Như vậy, để được kinh doanh về dịch vụ cầm đồ bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện và thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Do đó, việc chính quyền địa phương yêu cầu bạn dừng việc kinh doanh là có cơ sở pháp luật. Để tiếp tục thực hiện kinh doanh, bạn cần đối chiếu lại điều kiện của mình và hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy định.