Vì sao lại bị ngủ ngáy

   Bạn đã bao giờ mất ngủ vì tiếng ngáy của bạn cùng giường? Bạn quan sát thấy họ hay xoay trở, thở ngắt quãng trong khi ngủ?  Có bao giờ bạn thấy buổi sáng thức dậy uể oải, hay ngủ gật trong giờ làm việc mặc dù đêm trước bạn đi ngủ sớm?
  Hãy tìm hiểu vể nguyên nhân, biểu hiện bệnh ngủ ngáy-ngừng thở khi ngủ.
   Ngáy là âm thanh tạo ra trong giấc ngủ, do sự rung động niêm mạc đường hô hấp trên khi có luồng không khí đi qua chỗ hẹp. Ngáy thường phát ra ở thì hít vào nhưng đôi khi lẫn với thì thở ra. Thông thường bệnh nhân không tự cảm nhận được tiếng ngáy của mình.

Vì sao lại bị ngủ ngáy

1- Biểu hiện của bệnh lý ngủ ngáy- ngừng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngáy: là triệu chứng chính. Mức độ nặng, nhẹ của ngáy phụ thuộc, tần suất, thời gian, độ to của tiếng ngáy.
- Mất ngủ.
- Hay trở mình ban đêm.
- Biểu hiện khô miệng và phải uống nước vào buổi sáng hoặc đang đêm ngủ là triệu chứng thường gặp.
- Đi tiểu đêm.
- Ngừng thở khi ngủ được chứng kiến: thường gặp ở bệnh nhân ngáy rất to. Ngáy to xen kẽ với giai đoạn im lặng kéo dài từ 20 đến 30 giây. Những bệnh nhân này thường kết hợp với chứng ngủ nhiều ban ngày và mức độ tăng lên theo cân nặng, mức độ uống rượu.

- Cảm giác ngạt thở hoặc ngừng thở khi ngủ: nhiều bệnh nhân phản ánh có biểu hiện thức dậy giữa đêm với cảm giác ngừng thở, lo sợ. Thông thường cảm giác này qua đi rất nhanh khi họ thức dậy. 

- Chứng ngủ nhiều ban ngày, có thể nhẹ như buồn ngủ vào giữa trưa lúc gặp gỡ một nhóm bạn, nặng như buồn ngủ khi đang ăn hoặc nói chuyện và rất nặng như buồn ngủ khi đang lái xe.
- Giảm độ tập trung, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Buồn nôn hoặc đau đầu vào buổi sáng. Các triệu chứng nhức đầu thường kéo dài khoảng từ một đến hai giờ.

2- Nguyên nhân gây ngủ ngáy:

Có thể là do yếu tố giải phẫu gây hẹp, tắc nghẽn đường hô hấp trên hoặc do điều khiển hô hấp của hệ thần kinh trung ương. Nếu đường hô hấp trên bị hẹp một phần sẽ gây ngáy và giảm thở, nếu bị tắc nghẽn sẽ gây ngừng thở hoàn toàn.

Vì sao lại bị ngủ ngáy

Một số bất thường về giải phẫu đường hô hấp trên gây ngáy bao gồm:
- Mũi xoang
+ Dị hình vách ngăn.
+ Quá phát cuốn.
+ Polyp mũi.
- Họng mũi
+ VA quá phát.
- Họng miệng
+ Lưỡi gà dài và dầy, trương lực cơ giảm, khẩu cái mềm rủ xuống.
+ Quá phát Amyđan.
+ Tật lưỡi to, lưỡi dầy, bị tụt ra sau, Amyđan đáy lưỡi quá phát.
+ Xương hàm dưới bị tụt ra sau.
- Hạ họng
+ Sụn nắp thanh thiệt hình Omega.
+ Hẹp thanh – khí quản.

3-Một số yếu tố nguy cơ gây ngủ ngáy bao gồm:
- Nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới.
- Tỷ lệ ngủ ngáy tăng lên theo tuổi.
- Béo phì.
- Vòng cổ lớn, ngắn. Vòng cổ lớn là yếu tố quan trọng để dự đoán bệnh nhân có ngủ ngáy.
- Tiền sử gia đình: Tỷ lệ có rối loạn hô hấp khi ngủ tăng gấp hai đến bốn lần trong nhóm có yếu tố gia đình.
- Yếu tố gen liên quan đến giải phẫu sọ mặt cũng là một yếu tố thuận lợi, đặc biệt những người có cằm đẩy ra sau.
- Sử dụng rượu hoặc đồ uống có cồn trước khi đi ngủ. Rượu làm giảm hoạt động của cơ lưỡi và các cơ khác tham gia vào việc duy trì đường hô hấp trên. Giảm hoạt động của cơ sẽ dẫn đến hẹp, tắc đường hô hấp trên.

4- Khắc phục ngủ ngáy:
     Trừ một số trường hợp ngủ ngáy quá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cần được điều trị y khoa thì đa số trường hợp ngủ ngáy đều có thể khắc phục được bằng các phương pháp sau:

1. Thử thay đổi tư thế khi nằm ngủ: Theo các chuyên gia, việc nằm ngủ ở tư thế nằm ngửa không hề có lợi với những người bị ngủ ngáy. Để hạn chế tình trạng này thì nên nằm ngủ nghiêng sang một bên. Trường hợp người bệnh khó khăn khi nằm nghiêng thì nên sử dụng sự trợ giúp của một chiếc gối ôm mềm, gác một chân vòng lên gối để làm điểm tựa. Ngoài ra, người bệnh ngủ ngáy nên gối đầu bằng một chiếc gối cao hơn so với bình thường để giúp đường thở thông suốt.

2. Đừng lạm dụng rượu bia: Những người có thói quen tiêu thụ nhiều bia rượu hàng ngày hoặc dùng các thuốc an thần, thuốc giảm đau quá thường xuyên thường có nguy cơ ngủ ngáy cao hơn.

3. Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân khiến cho đường thở và các cơ vòm họng bị kích thích, gây ngủ ngáy tồi tệ ở nam giới.

4. Không ăn quá no hoặc ăn sát giờ ngủ: Việc ăn quá no hoặc ăn quá muộn không những khiến cho quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng mà còn làm cho tình trạng ngáy ngủ trầm trọng hơn.

5. Giảm cân nếu bạn thừa cân: Người thừa cân thường hay bị ngủ ngáy hơn do họ thường bị tích tụ mỡ thừa ở cổ, gây chèn ép cuống họng. Vì thế, nếu bạn đang thừa cân, béo phì thì hãy cố gắng giảm trọng lượng cơ thể của mình.

6. Làm thông thoáng đường thở: Nếu bạn đang bị nghẹt mũi do bệnh lý nào đó gây tắc nghẽn đường thở thì nên sử dụng các biện pháp giúp thông mũi như: Tắm bằng nước ấm, rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ, dùng một loại thuốc thông mũi hỗ trợ…

7. Uống nhiều nước: Khi uống đủ 1,5 -2 lít nước mỗi ngày sẽ góp phần làm loãng dịch tiết ở mũi và vòm họng, giúp nó dễ dàng được loại bỏ ra ngoài hơn, giảm tình trạng ngủ ngáy đáng kể.

8. Sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý: Làm việc liên tục nhiều giờ không nghỉ ngơi, ngủ quá muộn, kiệt sức khiến cho bạn bị mệt mỏi quá mức, dễ rơi vào giấc ngủ mê mệt, bị ngáy vô thức và nguy hiểm nhất là ngừng thở mà không hề hay biết.

9. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ: Bụi không khí, mạt bụi trong chăn, đệm, lông thú cưng… là những tác nhân gây ra chứng dị ứng cho mũi, họng, gia tăng nguy cơ bị ngủ ngáy.

10. Tập thể dục: Đi dạo trước khi ngủ, tập thể dục vừa sức vào mỗi ngày là cách giúp cho quá trình tuần hoàn máu và bơm oxy vào máu thuận lợi hơn, giảm đáng kể tình trạng ngủ ngáy.

11. Nhờ tới sự hỗ trợ của miếng dán cánh mũi chuyên dụng: nếu đường hô hấp của bạn bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn do bệnh về hô hấp nào đó thì khi ngủ bạn có thể sử dụng miếng dán cánh mũi hỗ trợ. Các miếng dán này thường được thiết kế với một hàm lượng tinh dầu thảo dược có tác dụng làm nóng và thông mũi, thông đường thở tốt hơn.

12. Dùng thiết bị nâng hàm dưới: Nếu tình trạng ngáy trong khi ngủ xảy ra do lưỡi của bạn đã ngăn cản không khí qua lại ở nơi cuối cổ họng trong lúc ngủ thì bạn cần đến sự hỗ trợ của thiết bị nâng hàm dưới. Thiết bị này được thiết kế để nâng lưỡi của bạn lên trên trong suốt thời gian ngủ, giúp đường thở thông thoáng hơn.

Tóm lại, ngủ ngáy có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên và tùy vào trường hợp cụ thể mà áp dụng linh hoạt các cách ngủ không ngáy khác nhau. Thay đổi thói quen sinh hoạt đúng và khoa học là tiền đề để loại bỏ chứng ngủ ngáy ra khỏi đời sống. Hãy đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng khi bệnh ngủ ngáy không cải thiện.

   Hy vọng những thông tin trên đây hữu ích đối với bạn. Chúc bạn khỏe và hạnh phúc!

Sưu tầm 

Tham khảo thêm: PHÒNG KHÁM BÌNH MINH

Tổng hợp các Gói Kiểm tra Sức khỏe

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước hướng dẫn làm thế nào để sống chung “hòa bình” với người ngủ ngáy? Cách gọi người ngủ ngáy dậy an toàn? Phương pháp giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh?...

Vì sao lại bị ngủ ngáy
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ngủ ngáy có thể mang đến những hệ lụy nguy hiểm như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khi bạn ngủ ngáy sẽ ảnh hưởng đến:

- Người xung quanh: Một người ngủ ngáy trước tiên làm ảnh hưởng đến người xung quanh rất nhiều như con cái, vợ, chồng, hàng xóm,… vì âm thanh tiếng ngáy của bạn có thể đạt đến 120 dB. Ngủ ngáy được ví như một tiếng xe máy nổ, nhưng tiếng xe máy nổ này lại không hề êm dịu, lúc xuống lúc lên khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thể đi vào giấc ngủ.

- Bản thân:

+ Nguy cơ lớn nhất của ngủ ngáy là việc việc khiến bạn “ngưng thở khi ngủ”. Nghĩa là chúng ta có thể bị hẹp đường thở khi đó oxy lên não bị thiếu đi, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: sáng hôm sau thức giấc bạn sẽ gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải; thậm chí ngủ gật khi lái xe; chất lượng công việc bị giảm sút không được linh hoạt và minh mẫn.

+ Nếu ngưng thở khi ngủ kéo dài trên 10 giây hoặc hơn nữa thì đôi khi sẽ dẫn đến trường hợp xấu nhất đó là đột tử. Tuy đây là trường hợp hiếm gặp những vẫn có thể xảy ra.

+ Những bệnh đi kèm theo: huyết áp cao; suy tim; thay đổi nhịp, mạch của cơ thể,…


2. Có nên gọi người ngủ ngáy thức dậy theo kinh nghiệm dân gian?

Có nên áp dụng các kinh nghiệm dân gian như bỏ muối, chanh hoặc đổ nước… vào miệng người ngủ ngáy để đánh thức?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Có rất nhiều những kinh nghiệm dân gian giúp người bệnh giảm bớt việc ngủ ngáy. Nhưng phổ biến nhất vẫn là:

- Đánh thức bệnh nhân để giúp họ chủ động về đường thở.

- Xoay bệnh nhân nằm nghiêng để đường thở của bệnh nhân được thông hơn, khi bạn nằm nghiêng lưỡi sẽ không bị rớt xuống dưới họng làm hẹp đường thở.

Hành động đổ trực tiếp nước vào miệng để đánh thức bệnh nhân là vô cùng nguy hiểm. Vì nước có thể tràn vào đường thở của bệnh nhân gây ra tình trạng sặc; nếu chẳng may trong một tư thế nào đó bệnh nhân không tỉnh táo rất có thể sẽ dẫn đến việc suy hô hấp và tử vong. Trường hợp sử dụng chanh hay dùng muối (theo phương pháp dân gian) giup kích thích vị giác, đánh thức cơn ngủ ngáy của bệnh nhân thì có thể áp dụng được.

3. Làm sao để gọi người ngủ ngáy dậy an toàn?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Để giúp bệnh nhân tỉnh dậy một cách an toàn, tốt nhất người nhà nên vỗ, lay nhẹ để bệnh nhân tỉnh dậy. Lưu ý đừng làm bệnh nhân giật mình thức dậy một cách đột ngột vì sẽ gây ra một vài triệu chứng không tốt như: kích động, tim đập hồi hộp. Trường hợp bệnh nhân ngủ quá sâu người nhà nên nghiêng người của bệnh nhân sang phải hoặc trái điều này giúp đường thở không bị tắc nghẽn.

Tất cả những biện pháp trên đều có thể áp dụng cho cả nam và nữ.

4. Những nguyên nhân nào gây nên ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ở nam giới trên 40 tuổi rất dễ bị ngủ ngáy, vì lúc này cơ thể bắt đầu bị lão hóa, các cơ bị trùng xuống, lưỡi dễ bị tuột hơn, vòm họng dễ rung hơn.

Nếu bạn còn trẻ mà đã ngủ ngáy lúc này cần tìm hiểu những yếu tố nguy cơ như:

- Ban ngày lao động quá sức, công việc quá căng thẳng.

- Sử dụng nhiều thuốc an thần.

- Uống nhiều rượu, bia.

Vì sao lại bị ngủ ngáy
Mô tả đường thở khi ngủ ngáy

Một trong những yếu tố quan trọng khiến bạn hay ngủ ngáy đó là thừa cân. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị ngủ ngáy rồi thì một trong những điều cần lưu ý của hậu phẫu đó là không để thừa cân. Khi thừa cân tất cả mô ở khu vực cổ đều bị to lên, do đó nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tắc nghẽn đường thở và làm giảm oxy. Đa số những người thừa cân, béo phì, cổ ngắn, lưỡi to thường rất dễ bị ngủ ngáy tuy nhiên không phải là tất cả.

Nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể là do những vấn đề của não; điều này ở chuyên khoa nội thần kinh sẽ giúp bạn. Những gì gây tắc nghẽn ngay tại khu vực đường thở của bạn ví dụ lưỡi quá lớn, cằm quá nhỏ, khi lớn tuổi vòm họng bị nhão và sa xuống phía dưới, amidan to, mũi bị nghẹt khi đó chúng ta cần giải quyết triệt để những vấn đề này. Muốn đánh giá được những điều này bạn cần đến gặp bác sĩ để khám tai - mũi - họng kiểm tra xem ở khu vực họng của chúng ta có bị nghẽn lại hay không.

Ngoài ra chúng ta còn có một biện pháp giúp tìm hiểu nguyên nhân ngủ ngáy đó là thực hiện kĩ thuật đo đa kí giấc ngủ, đây là một biện pháp giúp bác sĩ đánh giá được điện tim, điện não, điện cơ,… giúp các BS biết được toàn bộ cơ thể bạn bị ảnh hưởng như thế nào từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Nếu ngáy ít vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu ngáy to và gắn liền với những cơn ngưng thở khi ngủ (trên 10 giây) cần cẩn thận vì có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bị ngủ ngáy. Vì thế cần sớm đến gặp các bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

5. Có phải bệnh ngủ ngáy vô phương cứu chữa?

Nhiều người chữa trị bệnh ngủ ngáy nhưng không khỏi. Vậy bệnh có “vô phương cứu chữa”?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh để có thể xác định được bệnh ngủ ngáy của người đó có thể chữa khỏi hay không.

Có nhiều lí do cũng có thể do nguyên nhân ở trung ương hoặc tại vùng hầu họng của người bệnh lúc này chúng ta sẽ quyết định được phương pháp điều trị:

- Ngủ ngáy do trung ương: người bệnh cần đến gặp bác sĩ nội thần kinh để kiểm tra điện não xem vấn đề não của chúng ta có bị tổn thương gì hay không từ đó có phương pháp điều chỉnh.

- Nếu nguyên nhân là do vùng hầu họng của bạn bị tắc nghẽn do các mô mềm, cấu trúc giải phẫu; lúc này có thể điều trị hoặc bằng nội khoa hoặc sử dụng các loại máy để làm tăng áp lực dương oxy vào trong cơ thể.

Nếu những điều này vẫn không giúp cho người bệnh đỡ hơn thì lúc này chúng ta cần phải tìm đến các biện pháp như chỉnh hình lại vòm hầu, cắt amidan để làm thoáng khu vực vùng hầu họng. Có như vậy đường thở mới có thể thông thoáng, oxy gia tăng.

Mặc dù đã điều trị hoặc phẫu thuật rất tốt tuy nhiên người bệnh khi ngủ vẫn còn ngáy không thể dứt hẳn được nguyên nhân là do:

- Trong phẫu thuật nâng, chỉnh vòm họng nếu các bác sĩ nâng quá cao, có thể sẽ khiến cho bệnh nhân bị sặc điều này vô cùng nguy hiểm.

Trong trường hợp đã phẫu thuật, điều trị cho hầu họng thông thoáng mà bệnh nhân vẫn còn ngủ ngáy thì chúng ta cần xem lại liệu đây có phải là kết hợp giữa cả ngoại vi và trung ương hay không.

6. Trẻ em ngủ ngáy là do bệnh gì?

Tại sao trẻ em cũng bị ngáy khi ngủ? Triệu chứng báo hiệu bệnh nguy hiểm là gì?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ngủ ngáy ở người lớn đây là chuyện tương đối bình thường. Nhưng nếu ở trẻ khi ngủ cũng bị ngáy thì cần phải đặc biệt lưu ý; rất có thể trẻ đang gặp vấn đề về tai - mũi - họng. Ví dụ: amidan to, viêm VA, nghẹt mũi,… Lúc này khi ngủ trẻ phải há miệng để thở, khi phải thở bằng miệng như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hô hấp của trẻ.

Cần kiểm tra lại toàn bộ đường hô hấp của trẻ: đường hô hấp trên, dưới, hoặc nếu cần thiết phải cho trẻ cắt amidan, nạo VA,… Nếu giải quyết được các vấn đề này thì hầu như là đã có thể giải quyết được hết việc ngủ ngáy ở trẻ em.

7. Cách chung sống với người ngủ ngáy?

Làm sao để giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh? Cách sống “hòa bình” với người ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Nếu như người bệnh kiên quyết không phẫu thuật vì họ sợ mổ (đây là tâm lí chung) hoặc không có điều kiện phẫu thuật thì cuối cùng điều chúng ta có thể làm là kiểm lại:

- Chế độ sinh hoạt, ăn uống

- Cân nặng ra sao.

- Có sử dụng các chất kích thích, rượu bia hay không.

- Có làm việc quá sức, stress hay không.

- Tư thế ngủ đã đúng chưa (lưu ý cần nằm nghiêng sang phải hoặc trái)

Tất cả những điều này kết hợp lại nếu vẫn thất bại thì có lẽ cần phải cho chồng hoặc vợ của bạn sang ngủ phòng khác ngủ; phòng của người ngủ ngáy phải được cách âm. Còn nếu không, việc duy nhất mà chúng ta có thể làm để chung sống hòa bình với người ngủ ngáy là “nút bông gòn vào lỗ tai”.

Ban Biên tập - Bệnh viện Thống Nhất
(Chương trình được thực hiện bởi AloBacsi.vn)