Vỏ thuốc con nhộng có tác dụng gì

Vỏ nang [capsule] là một dạng bao bì nhỏ, thường được làm từ chất gelatin – một loại protein được tách từ collagen của da, xương của động vật hoặc gelatin từ thực vật, loại chất này sẽ hòa tan trong dạ dày. Trước kia, thuốc có vỏ nang này thường được gọi là "viên con nhộng".

Theo đó, da heo, bò, collagen được thủy phân hóa một phần để biến thành gelatin. Như vậy, để bào chế thuốc là viên nang phải có vỏ nang được chế tạo từ nguyên liệu là gelatin.

Viên nang là dạng thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Viên nang là loại thuốc dùng nhiều nhất hiện nay nên việc kiểm nghiệm các tiêu chuẩn dược dụng của các thành phần, trong đó có gelatin hết sức ngặt nghèo, nhằm tránh nguy hại cho người dùng thuốc.

Quy trình sản xuất galentin rất phức tạp, nhà sản xuất cho lột da những con heo, bò. Sau đó, tấm da được luộc trong nước sôi để tạo ra gelatin, loại chất phụ gia không mùi. Còn các bộ phận khác như gân, dây chằng và xương của loại động vật này cũng được tận dụng để chiết xuất ra loại chất này phục vụ cho việc sản xuất vỏ nang thuốc.

Tuy nhiên, khi đã ra thành phẩm chất galentin để sản xuất vỏ nang thuốc kia đã có tính dược dụng, không gây nguy hiểm hay kinh hãi cho người dùng thuốc.

Theo các bác sĩ, mục đích của việc cho thuốc vào trong các nang là nhằm bảo vệ các thành phần trong công thức thuốc không bị hỏng khi tiếp xúc với các yếu tố của môi trường xung quanh như khí oxy, độ ẩm, ánh sáng, vi khuẩn, nấm mốc.

Mặt khác, vỏ nang thuốc còn để che giấu mùi vị khó chịu của thuốc. Và quan trọng nhất là bảo vệ niêm mạc dạ dày trong một số loại hoạt chất của thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày cũng như giúp thuốc tan tại ruột để tránh acid của dịch vị phá hủy thuốc, thường được áp dụng đối với một số kháng sinh.

Ở một số nước trên thế giới, vỏ nang thuốc trước hết phải được xác định có nguồn gốc từ da heo hay da bò, bởi có người không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ heo.

Vỏ nang làm từ gelatin từ heo không được chấp nhận dùng làm thuốc tại các nước Hồi giáo [họ chỉ sử dụng vỏ nang làm từ da bò, đã xảy ra trường hợp một công ty dược phẩm lớn khốn đốn xin lỗi vì nhầm lẫn xin phép thuốc lưu hành tại Indonesia có vỏ nang làm từ da heo!].

Đối với nhiều nước tiên tiến, gelatin từ da bò dùng làm thuốc phải được chứng thực là được sản xuất từ bò không mắc bệnh bò điên. Các tiêu chuẩn của gelatin dùng làm thuốc được quy định trong các dược điển và phải được tuân thủ chặt chẽ.

Bên cạnh các tiêu chuẩn lý hóa [như gelatin dược dụng có một chỉ tiêu về độ hóa đông, tức đun nóng gelatin hòa tan trong nước khi để nguội sẽ đông cứng lại - như món ăn thịt đông ở miền Bắc nước ta đông cứng là nhờ gelatin], còn có các tiêu chuẩn xác định không chứa vi khuẩn, không chứa các độc chất trên mức giới hạn cho phép [như không chứa kim loại nặng, điển hình là chì].

ANTD.VN - Hỏi: Con trai tôi 7 tuổi, hơn 1 tháng nay cháu bị ho nhiều. Đi khám bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng và kê một số loại thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh clarithromycin viên con nhộng. Tuy nhiên, do cháu không quen uống thuốc nuốt cả viên nên tôi đã bóc bỏ vỏ nhộng và pha phần bột thuốc với nước cho cháu uống. Xin hỏi bác sĩ làm như vậy có được không, trường hợp của con tôi nên làm thế nào? 

Trả lời: Viên con nhộng là dạng thuốc uống chứa một hay nhiều dược chất trong vỏ nang. Vỏ nang được làm chủ yếu từ gelatin hoặc polyme... Mục đích của viên nhộng là tác dụng chậm, phần vỏ được thiết kế để thuốc tan dần khi vào trong hệ tiêu hóa và đến tận ruột non dược chất mới phát huy tác dụng. Vì thế nếu bạn mở nó ra và hòa tan, thuốc sẽ được hấp thu ở đoạn trên của đường tiêu hóa và tác dụng không còn bảo đảm kéo dài nồng độ diệt khuẩn cần thiết trong máu như mong muốn.

Thuốc được cho vào nang là nhằm bảo vệ các thành phần trong công thức thuốc không bị hỏng khi tiếp xúc với các yếu tố của môi trường xung quanh và còn để che giấu mùi vị khó chịu của thuốc. Quan trọng nhất là bảo vệ niêm mạc dạ dày trong một số loại hoạt chất gây kích ứng niêm mạc dạ dày cũng như giúp thuốc tan tại ruột để tránh acid của dịch vị phá hủy thuốc. Dạng thuốc viên nang thường được áp dụng đối với một số kháng sinh, ngoài ra có thể là các vitamin hoặc thuốc long đờm.

Vì vậy, nếu con bạn không uống được cả viên con nhộng, bạn nên đề nghị với bác sĩ khám bệnh cho con chuyển sang dạng thuốc bột hoặc nhũ tương. Những thuốc này có thể hấp thu tại niêm mạc dạ dày của trẻ dễ dàng hơn các dạng thuốc khác, đồng thời tránh hóc [vào đường ăn hoặc đường thở của trẻ], đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Bs. Thanh Hà [Phòng khám Đa khoa Thiên An]

Mặc dù viên nén và viên con nhộng đều hoạt động theo cách tương tự nhau, tuy nhiên chúng vẫn có những khác biệt chính. Mỗi hình thức sẽ phù hợp cho từng tình huống khác nhau.

Dưới đây là những ưu điểm và nhược điểm của từng loại, những điểm khác nhau để bạn có thể sử dụng chúng một cách an toàn.

Viên nén là gì?

Viên nén là hình thức phổ biến nhất. Đây là cách làm thuốc ít tốn kém chi phí nhất, an toàn và hiệu quả . Những viên thuốc này được tạo ra bằng cách nén nhiều thành phần khác nhau để tạo thành một viên thuốc cứng, rắn, được bọc mịn bên ngoài và bị phá vỡ trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, hầu hết các viên nén đều chứa thêm các chất phụ gia, giúp giữ cho viên thuốc có kết cấu ổn định, hương vị và hình thức bề ngoài.

Viên nén có thể ở dưới dạng hình tròn, thuôn dài hai đầu hay hình đĩa dẹt. Viên nén dạng thuôn dài giúp bạn dễ nuốt hơn. Một số loại có kẻ vạch ngang ở giữa, giúp bạn có thể dễ dàng chia đôi viên thuốc.

Một số viên nén được lớp phủ một lớp đặc biệt bên ngoài, nhằm ngăn chúng bị phá hủy bởi dịch acid trong dạ dày. Mục đích của lớp phủ này là để đảm bảo rằng viên thuốc sẽ chỉ tan sau khi đã vào tới ruột non.

Có dạng nhai, dạng hòa tan [ODT] ngay trong miệng và phân hủy bởi nước bọt. Những dạng này đặc biệt hữu ích cho những người gặp khó khăn khi nuốt viên thuốc.

Các viên nén sau khi được hòa tan xuống ruột, được hấp thụ vào máu, sẽ di chuyển đến gan. Sau đó thuốc được đưa đến cơ quan đích để thực hiện chức năng của mình. Trong suốt quá trình di chuyển và tác động lên cơ thể, thuốc sẽ trải qua những thay đổi về hóa học, được gọi là chuyển hóa thuốc. Cuối cùng, thuốc được bài tiết qua nước tiểu hoặc qua phân.

Một viên con nhộng là gì?

Viên con nhộng là dạng thuốc được bao bọc trong một lớp vỏ bên ngoài. Lớp vỏ bên ngoài này cũng sẽ bị phá vỡ khi vào trong đường tiêu hóa, được hấp thu vào máu, sau đó được phân phối đi các cơ quan đích và cũng trải qua quá trình chuyển hóa tương tự như thuốc viên nén.

Có hai loại viên con nhộng chính: viên có vỏ cứng và viên có vỏ dạng gel mềm.

Viên con nhộng vỏ cứng

Phần vỏ bên ngoài của một viên con nhộng vỏ cứng được chia thành hai phần. Phần bên trong được thiết kế phù hợp để tạo thành một vỏ bọc kín, và bên trong phần này chứa đầy thuốc ở dạng khô bột, dạng viên nhỏ.

Cách chế tạo này giúp cho một viên thuốc có thể chứa nhiều thành phần thuốc hơn một viên thông thường. Do đó, những viên thuốc loại này được coi là lý tưởng cho hiệu quả đa tác động hay có tác dụng trên diện rộng.

Viên con nhộng vỏ dạng gel mềm

Viên con nhộng vỏ dạng gel mềm có hình dạng hơi khác so với viên con nhộng vỏ cứng. Chúng thường to hơn, và màu sắc thường trong hơn thay vì mờ đục.

Các viên thuốc dạng này còn được gọi là các viên dạng gel lỏng, vì chúng có chứa thành phần thuốc trong một hỗn hơp gelatin hoặc một chất lỏng tương tự. Các chất lỏng chứa này dễ tiêu hóa, do đó các hoạt chất của viên thuốc sẽ được giải phóng và hấp thụ sau khi đi vào cơ thể.

Ưu và nhược điểm của thuốc viên nén

Ưu điểm của viên nén:

  • Ít tốn kém: viên nén thường có chi phí sản xuất thấp hơn so với viên con nhộng, do vậy giá cả có thể thấp hơn.
  • Ổn định và thời hạn sử dụng: viên nén thường ổn định hơn và thường có thời hạn sử dụng lâu hơn so với viên con nhộng.
  • Liều lượng: viên nén có thể chứa lượng hoạt chất cao hơn  viên con nhộng.
  • Có thể chia nhỏ khi sử dụng. Không giống như viên con nhộng, viên nén có thể chia nhỏ làm hai hay nhiều phần, để sử dụng liều thấp hơn khi cần thiết.
  • Nhai được. Một số viên nén có sẵn ở dạng nhai hoặc thậm chí có thể hòa tan ngay trong miệng.

Nhược điểm của viên nén:

  • Viên nén gây nhiều khả năng bị kích ứng đường tiêu hóa
  • Tác dụng thuốc chậm. Khi vào cơ thể, viên nén được hấp thụ chậm hơn so với viên con nhộng. Do vậy, dạng thuốc này thường mất nhiều thời gian để có tác dụng trên cơ quan đích.
  • Sự hòa tan không đồng đều. Việc nén dưới dạng viên cứng dẫn đến khả năng viên thuốc có thể bị phá hủy không đồng đều trong ruột, và điều này có thể làm giảm hiệu quả của việc hấp thu thuốc.
  • Mùi vị không dễ chịu. Một số viên nén được một lớp phủ có hương vị để có thể che đi mùi vị khó chịu của thuốc, song một số thì không. Do đó, khi nuốt chúng có thể cảm thấy mùi vị không dễ chịu cho lắm.

Ưu và nhược điểm của thuốc viên con nhộng

Ưu điểm của thuốc viên con nhộng

  • Hiệu quả nhanh. Viên con nhộng có xu hướng bị phá vỡ nhanh hơn so với viên nén, do đó cho tác dụng sẽ nhanh hơn so với viên nén.
  • Không gây mùi vị khó chịu. Viên con nhộng thường ít có mùi vị khó chịu.
  • Ngăn việc tự ý giảm liều. Viên con nhộng thường không dễ bị chia ra thành nhiều phần như viên nén. Do đó, khi sử dụng viên con nhộng sẽ giảm tình trạng tự ý giảm liều khi uống.
  • Hấp thụ hoạt tính thuốc nhanh. Viên con nhộng có tính sinh khả dụng cao hơn, có nghĩa là hoạt tính của thuốc có khả năng hấp thu vào máu tốt hơn. Điều này có thể làm cho viên con nhộng có hiệu quả cao hơn so với viên nén.

Nhược điểm thuốc viên con nhộng:

  • Kém bền. Viên con nhộng thường kém ổn định hơn so với viên nén trước các điều kiện môi trường khác nhau, đặc biệt là độ ẩm.
  • Thời hạn sử dụng ngắn. Viên con nhộng hết hạn nhanh hơn so với viên nén.
  • Chi phí cao. Những viên con nhộng có chứa chất lỏng thường tốn nhiều chi phí để sản xuất, nên chúng thường đắt tiền hơn so với viên nén.
  • Có thể chứa các thành phần có nguồn gốc động vật. Nhiều viên con nhộng chứa gelatin có nguồn gốc từ động vật như lợn, bò hoặc cá. Điều này có thể khiến chúng không phù hợp cho những người ăn chay.
  • Liều thấp. Liều lượng hoạt chất trong viên con nhộng không thể cao thuốc như viên nén. Vì vậy, nếu bạn cần một liều lượng nhất định, bạn sẽ phải dùng nhiều viên con nhộng hơn so với dùng viên nén.

Có an toàn khi nghiền viên nén hoặc mở viên con nhộng để uống?

Có những rủi ro liên quan đến việc nghiền viên nén hoặc mở viên con nhộng và để thoát chất lỏng của viên thuốc.

Khi bạn nghiền viên nén hay mở viên nhộng, đồng nghĩa với việc bạn đang thay đổi cách thức hấp thụ hoạt chất thuốc vào cơ thể. Tuy hiếm gặp, nhưng nó có thể dẫn đến việc bạn không uống đủ liều lượng thuốc cần thiết hoặc ngược lại, bạn lại hấp thụ một lượng thuốc quá nhiều.

Viên nén được phủ một lớp đặc biệt để ngăn chặn bị phá hủy bởi acid trong dạ dày để có thể hấp thu trong ruột, và khi bạn nghiền chúng, chúng sẽ bị tiêu hủy ngay trong dạ dày của bạn. Điều này có thể dẫn đến việc bạn không nhận đủ liều lượng thuốc cần thiết do hoạt chất thuốc đã bị phá hủy và có thể các biến chứng khác tại dạ dày do tương tác với thuốc.

Việc quá liều có liên quan tới khả năng phóng thích kéo dài của một viên thuốc. Khi bạn làm nghiền nhỏ viên thuốc, hoạt chất trong thuốc có thể được giải phóng ồ ạt cùng một lúc, trái ngược với nguyên lý hấp thu dần dần tại ruột, và gây các tác dụng không mong muốn.

Tổng kết

Viên nén và viên con nhộng là hai hình thức thuốc uống phổ biến. Về cơ bản, chúng có một mục đích tương tự nhau là cung cấp một lượng hoạt chất thuốc cho cơ thể qua đường tiêu hóa, nhưng chúng cũng có những điểm khác nhau, và bạn có thể dựa vào những đặc điểm đó để tìm cho mình dạng thuốc phù hợp nhất.

Nếu bạn bị dị ứng với một số chất phụ gia trong thuốc, hay đang thực hiện chế độ ăn chay hoặc gặp tình trạng khó nuốt viên thuốc, hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra loại nào là phù hợp nhất cho nhu cầu của bạn.

Tham khảo thêm thông tin tại: Sự nguy hiểm khi nuốt phải thuốc mà không uống nước

Chủ Đề