Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Trang chủ Giáo dục Chính trị tư tưởng

Những suy nghĩ về lý tưởng và xây dựng các giá trị mẫu hình của sinh viên Thành phố Bác

02/04/2019 09:10 AM

Lý tưởng là một mục tiêu cao đẹp, một hình ảnh mẫu mực tương đối hoàn chỉnh có sức lôi cuốn con người vươn tới nó” [1, tr.205]

Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

"Sinh viên 5 tốt" - Là lý tưởng, là mẫu hình sinh viên thành phố phấn đấu thực hiện. 

 Khi người ta có lý tưởng người ta sẽ làm mọi phương cách để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra, trong lý tưởng chứa đựng mặt nhận thức sâu sắc của chủ thể về các điều kiện chủ quan và khách quan để vươn tới đạt được lý tưởng mình đặt ra, đồng thời chủ thể có tình cảm, ý chí mãnh liệt đối với mục tiêu, với  hình ảnh mẫu mực đó của mình.  Chính điều này làm cho lý tưởng khác với ước mơ,  ước mơ chỉ dừng lại ở việc đặt mục tiêu nhưng chưa nhận thức sâu sắc những khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện đến mục tiêu và chưa có sự nỗ lực đến cùng cũng như tình cảm khát khao để đạt được điều đó. Tuy nhiên, ước mơ có thể là cơ sở cho sự hình thành lý tưởng cao đẹp sau này. Trong lịch sử dành độc lập, thống nhất đất nước chúng ta  có thể thấy lý tưởng của những con người yêu nước, nhờ có lý tưởng cao đẹp đó mà họ đã hi sinh ngay cả mạng sống của mình cho dân tộc. Chẳng hạn như  Bác Hồ, vì lý tưởng “tìm được con đường cứu nước để giải phóng dân tộc, độc lập và thống nhất đất nước mà Bác Hồ đã vượt qua bao khó khăn thử thách từ chịu cái rét âm  nhiều độ C, đến vào tù ra khám, trèo đèo lội suối sống trong rừng sâu nước độc …tất cả những khó khăn đó Bác vượt qua được nhờ có lý tưởng soi đường, dẫn lối. Không những Bác Hồ mà khi chúng ta đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc chúng ta cũng thấy cảm phục sự gan dạ, hi sinh tình riêng vì mục tiêu chung của những chiến sĩ cách mạng yêu nước.

Lý tưởng vừa có tính hiện thực, vừa có tính lãng mạn. Có tính hiện thực vì lý tưởng luôn được xây dựng từ nhiều “hương vị, chất liệu” có thực trong đời sống. Nhưng lý tưởng lại là hình ảnh mẫu mực chưa có trong hiện thực, trong đời sống là cái chỉ có thể đạt  trong tương lai được nhờ sự nỗ lực hết mình trong hiện tại.  Lý tưởng phản ánh xu thế phát triển của con người, hướng con người đến mục tiêu cao đẹp đó, thôi thúc con người thực hiện, hành động.

Lý tưởng mang tính lịch sử và  giai cấp, chẳng hạn lý tưởng trước đây là giành độc lập bây giờ nước độc lập rồi thì lý tưởng lại phải là làm sao cho đất nước giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu, mọi người có gia đình hạnh phúc.

 

Lý tưởng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi con người là khác nhau nhưng có một điểm chung rất lớn của lý tưởng là hướng đến chân thiện mỹ. Bác Hồ từng nói một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ, những bạn trẻ nào càng xác định sớm, rõ lý tưởng của mình thì sẽ càng có nhiều cơ hội để thành công hơn những người khác. Và điều này đã được khẳng định khi các nhà khoa học đã công bố kết quả sau: Cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale vào năm 1952, họ khảo sát 100% các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường, trong đó chỉ có 3% trong tổng số sinh viên sắp tốt  nghiệp viết ra được mục tiêu của họ, họ lập được kế hoạch để thực hiện những mục tiêu đó. Những sinh viên này biết họ muốn có công việc như thế nào, họ muốn kiếm tiền bao nhiêu và họ khao khát thành công nào. Họ còn thiết kế cuộc sống mơ ước của họ trong vòng 15 -20 năm tới. 97%  sinh viên còn lại không hề có mục tiêu nào cả, họ cho rằng “chuyện gì đến sẽ đến”. 20 năm sau (năm 1972), các nhà khoa học lại khảo sát lần 2 trên số những sinh viên này thì kết quả cực kỳ bất ngờ được công bố:  tổng số thu nhập của 3% sinh viên năm xưa xác định mục tiêu bằng gấp 3 lần tổng thu nhập 97% sinh viên không xác định mục tiêu [2, tr.182].

Trong lịch sử chống Pháp, chống Mỹ đã có nhiều người trẻ xác định lý tưởng từ rất sớm như chị Võ Thị Sáu tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi, chị đã hi sinh một cách hiên ngang, kiên cường khi chưa tròn 20 và chúng ta mãi nhớ đến chị qua những câu chữ bi hùng tráng của bài hát Mùa Hoa lê ki ma nở: “Thôn xóm vẫn nhắc đến tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở, đời sau vẫn còn nhắc nhở sông núi đất nước ơn người anh hùng đã chết cho đời sau/ Người thiếu nữ ấy như mùa xuân chị đã dâng trọn cuộc đời để chiến đấu với bao niềm tin dù chết vẫn không lùi bước[3] Nhìn lại lịch sử cha ông ta thấy tự hào về dòng máu Lạc Rồng đang chảy  trong tim nhưng thật đáng lo lắng biết bao khi số liệu khảo sát 443 sinh viên của một trường đại học từ năm 1 đến năm 3 khi các em đều trên tuổi công dân nhưng còn rất thơ ngây, còn thiếu nhiệt huyết và sự trui rèn cho lý tưởng cuộc đời.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát về những nội dung sau đây:

Thứ nhất, khi được hỏi các em có xu hướng sống vì điều gì, vì ai, có 278/433 (64,%)  là em sống vì bản thân em, 137/433 (31,6%) lựa chọn sống theo xu hướng vì người khác, hi sinh cho người khác, 18/433 (4,4%) vì công việc. Không những vậy có bạn còn lý giải rằng “người không vì mình trời tru đất diệt”. Với tư cách là một người giảng viên tôi nhận thấy đây là một con số rất đáng báo động về mặt nhận thức của sinh viên trẻ hiện nay, các em đã bị tiêm nhiễm một lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, đáng lẽ phải sống đúng là “mình vì mọi người và mọi người vì mình” thì các em lại nhận thức chỉ biết sống cho mình. Không những vậy trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của mình tôi còn nhận thấy sinh viên nhiều trường đại học (5 trường) có những hành vi rất lệch lạc như đi trễ thường xuyên, coi thường thầy cô giáo, ăn trong lớp trong giờ đang học một cách ngang nhiên và đáng nói là tỷ lệ này theo quan sát của tôi không hề nhỏ chiếm khoảng 25 -30%  số sinh viên trong lớp quan sát. Cũng trong quan sát của mình tôi thấy tỷ lệ thầy cô chưa gương mẫu không phải ít, có những thầy cô cũng đi trễ, về sớm, không nhắc nhở, quản lý sinh viên, bài giảng không đầu tư, cá biệt vẫn có người trong giờ giảng cũng ăn sáng trong lớp như sinh viên.

Thứ hai, với câu hỏi: “Bạn tự đánh giá mình đã học chăm chỉ trong quá trình sinh viên chưa?” thì nhận được số câu trả lời 417/433 (96,3%) là chưa chăm chỉ. (Xin chia sẻ thêm rằng, trong số những sinh viên này, số lượng sinh viên đi làm thêm để tự nuôi sống bản thân khoảng 10 - 15%). Chỉ có 16/433 (3,7%) sinh viên đánh giá mình đã học chăm chỉ. Để thực hiện lý tưởng con người không những cần có xu hướng sống đúng đắn mà còn cần phải tích cực nỗ lực học tập, rèn luyện để thực hiện hóa mục tiêu của mình.

Thứ ba, với câu hỏi: “Trong quá trình làm sinh viên bạn tự đánh giá mình có nói tục, nói xấu hay không?” kết quả cho thấy  chỉ có 15/433 (3,5%) trả lời “Không” trong số này chúng tôi có phỏng vấn sâu một sinh viên và được P (nam sinh viên năm 2) cho biết “em không nói tục vì trong nhà em rất xem trọng đạo đức, bố mẹ em luôn làm gương cho em, em chưa bao giờ nghe thấy bố mẹ nói tục trước mặt em, và em đã giữ gìn điều đó, đó là nề nếp gia đình em cô ạ” , và có tới 418/433 (96,5%) sinh viên trả lời “Có”. Không những vậy có khoảng 51/433 (11,8%) nói tục thường xuyên.  Đây là một con số đáng báo động về văn hóa lối sống của sinh viên. Sinh viên được xếp là những người có học thức tương lai ra trường họ là những trí thức trong  nhiều lĩnh vực đời sống và rất nhiều tầng lớp xã hội kỳ vọng vào sự chuẩn mực của họ, lấy họ làm gương nhưng hiện nay họ lại tự suy giảm về rèn luyện đạo đức. Trong một nghiên cứu khác chúng tôi có đặt câu hỏi “bạn nào tự đánh giá mình xấu xa hơn, ít lễ phép hơn so với hồi học phổ thông?” thì số người giơ tay trả lời là 32/ 78 người (chiếm 21%). Về nguyên tắc đáng lẽ học lên cao nhiều, hiểu biết nhiều con người càng đạo đức, càng biết lễ nghĩa và tiến bộ hơn nhưng với số liệu thu thập định tính từ nghiên cứu này chúng ta cần phải suy nghĩ về cách chúng ta dạy, nội dung chúng ta giáo dục và tổ chức các hoạt động, đánh giá chất lượng, môi trường sống của sinh viên như thế nào mà tạo ra một sản phẩm như vậy?

Về rèn luyện sức khỏe trong 433 sinh viên khảo sát chỉ có 82/433 (18,9%) có rèn luyện sức khỏe tập thể dục thường xuyên, còn lại  81,1% không tập thể dục.Có câu nói “TÀI SẢN lớn nhất của đời người là SỨC KHỎE VÀ TRÍ TUỆ” nhưng hiện nay sinh viên rất muốn giàu có khoảng 95% sinh viên thích được giàu nhưng sinh viên lại không rèn luyện sức khỏe, trí tuệ để cống hiến làm giàu cho bản thân, gia đình, đất nước. Có 80/433 (18,5%) tự đánh giá là không bị bệnh và không phải uống thuốc, còn lại 81,5% là có bị bệnh và phải uống thuốc trong 6 tháng qua.

Về lý tưởng sống:  trong số 433 sinh viên có 108 sinh viên chiếm 24,9% sinh viên xác định rõ lý tưởng của mình, còn 75,1% sinh viên chưa xác định được mục tiêu, lý tưởng của mình.

Điểm sáng nhất mà chúng tôi nhận thấy trong nghiên cứu này, đó là có đến 214/433 (49,4%) sinh viên đã từng tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện.

Với câu hỏi: Trong 5 nghề dưới đây, người mà em thần tượng thuộc lĩnh vực nào (Có thể chọn nhiều lĩnh vực), kết quả như sau: 237/433 (chiếm 54,7%) thần tượng của các em là lĩnh vực doanh nhân. 190/433 (43,9%) thần tượng của các em là thầy cô; 180/433 (41,6%) thần tượng của các em thuộc lĩnh vực chính trị. 63/433 thần tượng thuộc lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, 31/433 thần tượng của các em ở lĩnh vực tôn giáo. Qua kết quả này cho thấy, các chuẩn mực định hướng giá trị đang có phần thay đổi. Trước đây người ta xem nghề giáo là nghề cao quý nhất, có sức ảnh hưởng nhất “đào tạo một người thợ giày tồi chỉ làm ra một đôi giày tồi, đào tạo một thầy giáo tồi giết chết cả thế hệ” nhưng hiện nay các em lại thần tượng những người thuộc lĩnh vực kinh doanh, những doanh nhân và trong nguyện vọng của các em có đến 95% sinh viên muốn mình trở nên giàu có.

Như vậy, với những số liệu trên chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta cần có những định hướng đúng đắn hơn, toàn diện hơn cho sinh viên, hướng đến đến xây dựng các giá trị mẫu hình thanh niên thành phố. Chúng tôi xin gợi ý một số biện pháp để xây dựng lý tưởng và xây dựng các giá trị mẫu hình cho sinh viên như sau:

  1. Về phía sinh viên: Mỗi một sinh viên cần tự giác, tự chủ, tự trọng trong cuộc sống và học tập của mình. Tự mình đặt ra mục tiêu, đặt ra kế hoạch nếu các em gặp phải các vấn đề cần tìm các lực lượng trợ giúp đỡ có thể thực hiện được mục tiêu, kế hoạch của mình như thầy cô giáo, các chuyên gia tư vấn, các tổ chức đoàn hội,… Bản thân sinh viên cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động, nhất là hoạt động Đoàn, Hội, hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện để có thể nhận ra nhiều giá trị và rèn luyện bản thân tốt hơn. Đặc biệt để xây dựng mục tiêu đúng đắn sinh viên nên đọc, nghiên cứu các cuốn sách, các bài nghiên cứu về những con người đã thành công trong lịch sử, những tấm gương sáng cho muôn đời. Mẫu hình thanh niên chính là phấn đấu trở thành "Sinh viên 5 tốt", là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng trong mỗi cá nhân sinh viên để rèn luyện, hoàn thiện mình ở 5 tiêu chí “Học tập tốt – Đạo đức tốt – Kỹ năng tốt – Hội nhập tốt – Thể lực tốt”, là những tài năng trẻ, những điển hình đạt giải cao trong hội thi "Học sinh, sinh viên giỏi nghề".
  2. Về phía gia đình: Các gia đình cần quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên tự lập, tạo điều kiện cho sinh viên chọn đúng ngành nghề theo khả năng, sở trường của các em. Thường xuyên kiểm tra kết quả học tập, rèn luyện của con em mình, cần liên lạc với giáo viên, giảng viên, người quản lý lớp để biết tình hình thực tế của con em. Cùng con em của mình tìm cách giải quyết các vấn đề trong quá trình học tập. Cha mẹ cần có nghề nghiệp và làm gương cho con trong gia đình, các kết quả nghiên cứu cho thấy “nghề nghiệp của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp tương lai của con cái”; “Người mẹ đi làm là một tấm gương sáng khuyến khích cả con trai lẫn con gái  trong việc học hành và phát triển kiến thức nghề nghiệp tương lai. Nếu người mẹ còn là một nhân viên gương mẫu, một cô giáo tận tụy yêu nghề, được người cha trọng nể thì ảnh hưởng này lại càng quan trọng hơn” [4,tr.126];  “Cha mẹ đóng góp một cách không nhỏ trong việc phát triển nhân cách cho con cái, Con cái sẽ cảm thấy dễ dàng và phấn khởi trong việc chấp nhận phát triển nhân cách do cha mẹ chỉ dẫn nếu cha mẹ là những người thức thời, tạo cơ hội cho con cái cùng với cha mẹ trao đổi ý kiến về mọi khía cạnh  của việc trau dồi nhân cách. Nếu có những hành động đi ngược lại lẽ phải, cha mẹ sẽ giải thích và thuyết phục để cảm hóa họ. Một điểm vô cùng quan trọng ở đây là cha mẹ muốn thuyết phục con cái hành động thì chính cha mẹ phải hành động trước để làm gương. Nhờ đó, con cái cảm thấy vui vẻ, tự tin không những trong việc trau dồi nhân cách, mà còn có ảnh hưởng tốt trong việc học hành, giao tiếp và kiến tạo nghề nghiệp tương lai…Trong những gia đình thiếu tình thân mật giữa cha mẹ và con cái, con cái không có cơ hội được cha mẹ chỉ dẫn về nhân cách, khuyến khích phụ giúp học được trong việc giáo dục, họ sẽ cảm thấy như bị bỏ rơi và lạc long. Tuổi trẻ loại này không có nhân cách thích đáng, thường lúng túng trong việc xử thế và học hành vì thế cũng bị ảnh hưởng.Cuối cùng, tuổi trẻ bị bạn bè và xã hội lôi cuốn và ảnh hưởng sẽ rất tai hại [4.tr.54-55].
  3. Về phía nhà trường: Nhà trường cần tuyên truyền sâu rộng những giá trị sống tốt đẹp, tạo thành nề nếp sinh hoạt cho sinh viên, đặt ra nội quy quy định rõ ràng,  có lực lượng kiểm tra giám sát và đánh giá đúng thực chất chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của sinh viên. Về các lực lượng giáo dục trong nhà trường như Thầy cô giáo cần gương mẫu hơn, có sự nhiệt tình trong việc công tác dạy học và giáo dục người học, đánh giá khách quan công bằng bằng nhiều biện pháp. Số liệu ở trên cho thấy sức ảnh hưởng không nhỏ của thầy cô giáo đến các em. Nếu mỗi thầy cô là một tấm gương sáng về đạo đức, năng lực và tự học sẽ giúp ích rất nhiều cho các em hình thành lý tưởng đúng đắn, học tập tiếp bộ. Về phía Đoàn, Hội cần tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên thiết thực hơn. Bản thân mỗi  lớp học cần tự xây dựng thành tập thể vững mạnh đoàn kết, có tính tự chủ, tự giác, chủ động  tổ chức nhiều hoạt động cho lớp mà không chờ đợi sự phát động của các cấp trên.
  4. Về các lực lượng khác:  Những người thành công trong các lĩnh vực như chính trị, doanh nhân, khoa học kỹ thuật …cần có sự tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ để định hướng cho các em đúng đắn hơn.

TS. NGUYỄN THỊ MINH

 Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

 Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Quang Uẩn (CB) (2005), Giáo trình Tâm lý học đại cương, NXB Đại học Sư phạm.
  2. Adam Khoo (2008), Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, NXB Phụ nữ
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Võ_Thị_Sáu
  4. Đoàn Huy Oánh (2005), Tâm lý sư phạm, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Chống xâm lăng văn hóa trong chiến lược diễn biến hòa bình, sức mạnh mềm văn hóa của các cường quốc

20/11/2021 01:01 PM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Nỗi đau chung của tất cả chúng ta

19/11/2021 03:43 PM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Thanh niên Việt Nam: Yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển (1)

15/10/2021 11:09 AM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Nghiên cứu về Marx trong thời kỳ Covid-19

29/08/2021 03:06 PM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Giá trị bài báo Dân vận cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở thành phố

27/08/2021 05:56 PM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

26/08/2021 07:31 PM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Cổ vũ, khơi dậy khát vọng cống hiến dựng xây xã hội chủ nghĩa và đất nước hùng cường trong thanh niên

24/08/2021 08:50 AM
Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp

Những kỷ niệm khó quên với nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa

26/07/2021 09:23 PM