Xu hướng phát triển của Cách mạng Tháng 10 Nga sự 11

Trong lịch sử phát triển của nhân loại đã xuất hiện khá nhiều cuộc cách mạng xã hội tác động đến tiến trình lịch sử thế giới nhưng chưa từng có cuộc cách mạng nào mà tầm vóc, sức ảnh hưởng và ý nghĩa của nó có thể vượt qua được cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Cuộc Cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của loài người - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Cách mạng Tháng Mười anh hùng đã giành được những thành tựu vĩ đại, đầy tự hào, nhưng đáng tiếc, do những sai lầm nghiêm trọng sau này mà chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới và cũng nhân sự kiện này, các thế lực thù địch đã công kích, bôi nhọ, hòng cố tình hạ thấp tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại của Cách Mạng Tháng Mười Nga. Nhưng cho dù họ có lập luận bằng cách nào, luận điệu nào đi chăng nữa thì cũng trở nên lạc lõng, phản khoa học; trái lại, càng làm cho các giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga trở thêm ngời sáng.


1. Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày 7/11/1917, lần đầu tiên, giai cấp công nhân, nông dân và quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột, dưới sự lãnh đạo của đảng Bônsêvích Nga đã đứng lên đập tan ách thống trị của địa chủ và tư bản, nắm lấy chính quyền và bắt tay ngay vào xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa [giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm cho chủ nghĩa tư bản bị chọc thủng, thu hẹp diện tích các nước tư bản chủ nghĩa, khiến chúng không còn giữ vai trò độc tôn thống trị toàn thế giới; mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, tạo điều kiện cho hàng trăm quốc gia vốn là thuộc địa giành được độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội, xoá đi một mảng lớn các nước trên bản đồ thế giới mà trước đây thuộc quyền thống trị của giai cấp tư sản. Vì vậy, khi nói về xu thế phát triển tất yếu của thời đại, Lênin đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ,…” [1].

2. Cách mạng Tháng Mười Nga đã hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.

C.Mác và Ph.Ăngghen từng khẳng định: sau khi chế độ nguyên thủy tan rã, toàn bộ lịch sử của nhân loại là lịch sử các cuộc đấu tranh giai cấp. Đó là những cuộc đấu tranh nhằm thủ tiêu mọi sự áp bức, bóc lột diễn ra liên tục, kéo dài hàng trăm năm, hàng ngàn năm giữa một bên là đông đảo người dân cần lao bị áp bức, bóc lột với một bên là một bộ phận nhỏ của tầng lớp thống trị. Cách mạng xã hội xuất hiện và hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến sự ra đời của một hình thái xã hội mới thay thế cho hình thái xã hội hiện tại đã trở lên lỗi thời, lạc hậu. Như vậy, theo logic, sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa không phải là điểm tận cùng trong tiến trình vận động, phát triển của lịch sử loài người. Đến một lúc nào đó, cũng giống như các hình thái kinh tế - xã hội trước đây, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ trở nên lỗi thời, lạc hậu và cần phải có sự xuất hiện của một hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn, đó là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Với thành công của Cách mạng Tháng Mười, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin không còn chỉ là một học thuyết mà đã trở thành hiện thực: “trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [2]. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một đất nước rộng lớn với diện tích gần một phần sáu địa cầu, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Ở đó, nhân dân Xô Viết anh hùng đã thiết lập Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới và đã tiến tới thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, thành trì vững chắc cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Sức sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng cách mạng là cội nguồn sức sống của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi còn làm xuất hiện những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Con đường Cách mạng Tháng Mười không chỉ là của giai cấp vô sản, mà là con đường của tất cả các tầng lớp lao động, lực lượng cách mạng, các dân tộc bị áp bức, bóc lột và toàn thể nhân loại tiến bộ.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ, thức tỉnh và chỉ ra con đường, kinh nghiệm cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người, mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử” [3]. Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm bừng tỉnh nhân dân các nước thuộc địa với niềm tin rằng: với ý chí tiến công cách mạng, với đường lối cách mạng đúng đắn của một Đảng Mácxít - Lêninnít và sức mạnh đoàn kết vĩ đại, giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức hoàn toàn có thể đánh thắng chủ nghĩa đế quốc và trên thực tế chủ nghĩa đế quốc đã thất bại nhiều lần trên đất nước Xô Viết. Chính kết luận này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là bằng chứng sinh động để nhân dân tin tưởng vào sức mạnh to lớn của mình, kiên quyết xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, “vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công không chỉ trở thành tấm gương cổ vũ cho các dân tộc khác, mà thực sự đã tạo ra con đường cách mạng hoàn toàn mới cho phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới - con đường cách mạng vô sản. Lênin cho rằng không có và cũng sẽ “không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế”, từ đó nêu khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Cách mạng Tháng Mười mở đầu cho sự thống nhất các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động với phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị nô dịch và bị lệ thuộc thành một lực lượng thống nhất trên một mặt trận chung chiến đấu chống lại một kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Theo nghĩa ấy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười là “ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc” của nhân loại.

Cùng với “vạch đường”, “chỉ đường”, Cách mạng Tháng Mười còn để lại nhiều bài học quý báu cho quá trình đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng: Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của loài người. Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười là hình ảnh thu nhỏ của thế giới. Tại đây, vừa tồn tại quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, kể cả hình thức cao nhất, tiên tiến nhất của nó là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, vừa tồn tại quan hệ sản xuất phong kiến; vừa tồn tại những hình thức áp bức giai cấp, vừa tồn tại những hình thức áp bức dân tộc. Nước Nga đại diện cho một nước đế quốc đi áp bức các dân tộc thuộc địa nhưng đồng thời  lệ thuộc vào tư bản nước ngoài, lại cũng là đại diện cho các dân tộc bị áp bức [các dân tộc không phải dân tộc Nga] đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Nga là sự kết hợp của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống tư bản với cuộc đấu tranh của nông dân chống lại phong kiến, cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc Nga. Chính vì thế, mô hình cách mạng Nga có tính phổ biến, có thể dùng làm mẫu mực cho tất cả các nước trên thế giới ở các trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Phong trào giải phóng dân tộc ở các quốc gia với đặc điểm và trình độ khác nhau đều có thể học tập được kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga trong cuộc đấu tranh của mình như vấn đề linh hoạt sử dụng các hình thức đấu tranh, vấn đề tạo thời cơ và chớp thời cơ, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin…


Ngọn cờ xã hội chủ nghĩa tung bay trên bầu trời tự do của 1/6 diện tích thế giới đã trở thành hy vọng, niềm tin, sức mạnh, có sức hiệu triệu, thúc đẩy và cổ vũ lớn lao, chỉ đường, vạch lối cho các dân tộc đang chịu cảnh lầm than trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng lấy mình. Vì vậy, đã xuất hiện nhiều cao trào cách mạng sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự ra đời của các đảng mới, đảng Mácxít - Lêninnít ở hàng chục nước trên thế giới: Áo, Hunggari, Ba Lan, Phần Lan, Đức, Mỹ, Anh… trong những năm đầu thế kỷ XX. Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á chuyển mình mạnh mẽ với các sự kiện sôi nổi ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỹ, Ápganixtan, phương Đông thức tỉnh… Bão táp cách mạng giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 tiếp tục phá sập hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân đã dày công thiết lập ở Châu Á, Phi, Mỹ Latinh. Đã có hơn 100 quốc gia giành được độc lập, khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định thế kỷ XX là “thế kỷ của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc”. Rất nhiều các quốc gia sau khi giành được độc lập đã đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước mình, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên thế giới từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, làm rõ nét hơn xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của thời đại ngày nay.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, loài người đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến cố phức tạp của lịch sử. Song, tầm vóc vĩ đại, giá trị, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục tỏa sáng, soi rọi cho cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, quần chúng lao động và nhân loại tiến bộ vì một ngày mai “cuộc đời của toàn dân khác xưa”…

Bài, đồ họa: Khoa K1

 ------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. V.I.Lênin, Toàn tập, [1981], Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, t.30, tr.160

2. Hồ Chí Minh [1980], Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.303

3. Hồ Chí Minh [2000] Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập. 8, tr. 558-559

Video liên quan

Chủ Đề