Ý nghĩa của cải cách thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính là một từ ngữ thông dụng, được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống chúng ta.

Vậy thủ tục hành chính là gì? Đặc điểm của thủ tục hành chính là gì? Các loại thủ tục hành chính bao gồm những gì? Các giai đoạn của thủ tục hành chính là gì? Quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây.

Thủ tục hành chính là gì?

Thủ tục hành chính là những công việc mà chủ thể phải thực hiện theo quy định của nhà nước khi giải quyết một vấn đề nào đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tục hành chính là những quy định để cơ quan nhà nước có thể thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng trình tự, khi làm việc với các chủ thể cần giải quyết công việc với cơ quan nhà nước.

Thủ tục hành chính cũng có thể được hiểu là một phương tiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong một công việc, lĩnh vực cụ thể, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Tại nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính cũng có khái niệm cụ thể về thủ tục hành chính như sau: là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức

Vậy chúng ta có thể hiểu rằng thủ tục hành chính là các bước phải tiến hành, các loại giấy tờ cần thiết, những điều kiện bắt buộc phải đáp ứng theo quy định, khi cơ quan nhà nước giải quyết công việc nào đó liên quan đến các cá nhân, tổ chức.

Các loại thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính là gì cũng được thể hiện qua việc phân loại thủ tục hành chính, thủ tục hành chính được phân thành nhiều loại khác nhau dựa trên mục đích, đối tượng, công việc, chức năng của thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính được phân thành các loại như sau:

Phân loại thủ tục hành chính dựa trên những lĩnh vực:

+ Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

+ Thủ tục đăng ký đầu tư.

+ Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh.

+ Thủ tục nhập khẩu hàng hóa.

+ Thủ tục đăng ký khai sinh.

+ Thủ tục ly hôn.

+ Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất,

Căn cứ vào các hoạt động của cơ quan nhà nước;

+ Thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thủ tục tuyển dụng công chức ngành thuế.

+ Thủ tục tuyển dụng Chủ tịch tỉnh.

+ Thủ tục tuyển dụng Bí thư đảng ủy,..

Theo tính chất công việc:

+ Thủ tục hành chính nội bộ.

+ Thủ tục hành chính liên hệ.

+ Thủ tục hành chính văn thư.

Đặc điểm của thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính được thể hiện qua những đặc điểm như sau:

Thủ tục hành chính được thực hiện dựa trên cơ sở những quy định cụ thể trong từng lĩnh vực được cơ quan nhà nước quy định và ban hành.

Thủ tục hành chính được tạo thành từ các bộ phận: tên thủ tục, hồ sơ thủ tục, trình tự thủ tục, cách thức thực hiện, thời gian giải quyết, chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết quả thủ tục,

Thủ tục hành chính là một hệ thống những quy định vô cùng phức tạp trên rất nhiều lĩnh vực trong xã hội. Được thể hiện việc nhiều cơ quan nhà nước thực hiện, chủ thể khác nhau.

Thủ tục hành chính có thể được thay đổi nhanh hơn để phù hợp với sự phát triển thay đổi của các yếu tố trong xã hội.

Thủ tục hành chính thể hiện quyền lực nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước.

Thủ tục hành chính được kiểm soát rộng rãi bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Thủ tục hành chính đảm bảo được quy định đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với mục tiêu, đảm bảo quyền bình đẳng, tiết kiệm thời gian, công sức, phù hợp với quy định pháp luật.

Vai trò, ý nghĩa của thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính với tư cách là bộ phận của thể chế hành chính ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Điều này không những có ý nghĩa vai trò to lớn trong hoạt động lập pháp, lập quy mà còn hết sức cần thiết để có nhận thức đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước đặc biệt là trong tiến trình cải cách nền hành chính.

Thủ tục hành chính được quy định nhằm tạo ra trật tự trong hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước khi tiến hành các hoạt động quản lý của mình. Có thể nói thủ tục hành chính là các quy phạm thủ tục của luật hành chính quy định cách thức tiến hành các hoạt động quản lý hành chính nên chúng tạo ra cơ sở và điều kiện cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các công việc của người dân theo luật định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.

Thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước. Nếu không có thủ tục hành chính thì mọi chính sách, chủ trương của
Đảng và Nhà nước ban hành sẽ khó được thực thi. Có thể nói thủ tục hành chính là công cụ và phương tiện để đưa pháp luật vào đời sống.

Ý nghĩa của thủ tục hành chính được biểu hiện qua những khía cạnh cơ bản:

Là những tiêu chuẩn hành vi cho công dân và cán bộ, công chức, viên chức hành chính thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm sự hoạt động chặt chẽ, thuận lợi, đúng chức năng của bộ máy hành chính.

Đảm bảo các quyết định hành chính được đưa vào thực tế của đời sống xã hội;

Đảm bảo cho các quyết định hành chính được thi hành thống nhất và có thể kiểm tra được tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính thông qua thủ tục hành chính;

Là công cụ điều hành cần thiết của tổ chức hành chính;

Xây dựng thủ tục hành chính khoa học góp phần vào quá trình xây dựng và triển khai luật pháp;

Giúp cho việc thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quản lý; thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân;

Là sự biểu hiện trình độ văn hoá, mức độ văn minh của nền hành chính. Nếu thiếu quy phạm thủ tục, các quy phạm vật chất khó được thực hiện.

Ví dụ:

+ Một văn bản pháp luật sẽ không được thực thi khi không thực hiện thủ
tục công bố.

+ Một quyết định sẽ không hợp pháp khi ký không đúng thẩm quyền.

+ Không đủ hồ sơ giấy tờ vẫn giải quyết là vi phạm thủ tục văn thư.v.v. Tóm lại, thủ tục hành chính là chiếc cầu nối quan trọng giữa cơ quan nhà nước với người dân và các tổ chức, khả năng làm bền chặt các mối quan hệ trong quá trình quản lý, làm cho nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chính vì lẽ đó, cải cách thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần liên quan đến pháp luật, pháp chế mà còn là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước về chính trị, văn hóa, giáo dục và mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nước ta đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO, để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, việc cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng là một đòi hỏi tất yếu để hội nhập quốc tế thành công và phát triển đất nước.

Các giai đoạn của thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính thông thường phải trải qua các giai đoạn như sau:

Các cá nhân, tổ chức chuẩn bị các giấy tờ, điều kiện cần thiết để gửi yêu cầu đến cơ quan nhà nước.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và thực hiện giải quyết vấn đề dựa trên phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Cơ quan nhà nước tiến hành trả kết quả cho cá nhân, tổ chức yêu cầu, buộc thực hiện quyết định trong thủ tục hành chính.

Thực hiện giải quyết khiếu nại và sửa đổi quyết định đã ban hành trong thủ tục hành chính.

>>>>> Tham khảo thêm: Thủ tục hành chính về đất đai là gì và bao gồm những nội dung nào?

Trên đây là một số chia sẻ về thủ tục hành chính là gì, nếu cần hỗ trợ hãy liên hệ chúng tôi theo số 19006557.