An toàn thực phẩm mùa tết

Bình Phước : Cổng thông tin điện tử //binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png

[CTTĐTBP] - Ngày 26/12, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 371/KH-BCĐ triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm [ATTP] Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch từ ngày 27/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023.

Theo đó, muc tiêu chung của Kế hoạch nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công ty nhập khẩu sản phẩm thực phẩm… Huy động tối đa các kênh truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến mọi người dân.

Để đạt được mục tiêu trên Ban Chỉ đạo yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023. Huy động các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tham gia truyền thông cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về bảo đảm ATTP, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định pháp luật, quản lý ATTP tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, phổ biến đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường truyền thông trực tiếp về ATTP bằng các hình thức như: hướng dẫn thực hành nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi... thông qua đội ngũ nhân viên y tế, giáo dục, nông nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP trên các trục đường, khu đông dân cư, khu du lịch, lễ hội, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; in và cấp tờ rơi tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023.

Bên cạnh đó, thành lập các Đoàn Kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã nhằm kiểm soát bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023, đặc biệt là các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol./.

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân tăng cao. Bên cạnh các nguồn hàng thực phẩm được sản xuất, chế biến tại địa phương, còn có một số lượng lớn sản phẩm khác nhập từ tỉnh, thành khác về tiêu thụ. Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm [ATTP] các mặt hàng phục vụ Tết đang là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Cơ sở sản xuất nem. chả

Hiện nay đã có một số cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống trong tỉnh đang chuẩn bị nguyên liệu để bước vào vụ sản xuất nhằm kịp cung cấp hàng cho dịp Tết Nguyễn đán sắp đến. Các loại bánh, kẹo, mứt, hoa quả ngày càng phong phú, đa dạng hơn cả về số lượng, mẫu mã và chủng loại, song chất lượng có đảm bảo ATTP hay không thì “hạ hồi phân giải”. Các sản phẩm nem, chả, bò khô, cá bống Sông Trà… chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, bảo quản, thế nên công tác đảm bảo ATTP khó có thể kiểm soát chặt chẽ.              

Đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ một cách “vô tội vạ”, quá liều lượng Bộ Y tế cho phép; nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến mứt dừa, gừng, chùm ruột… bày bán ở chợ. Những hóa chất trong phẩm màu này có thể gây ngộ độc và đặc biệt ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư. Bên cạnh đó, đối với thực phẩm tươi sống, cơ quan chức năng chỉ quản lý ATTP một vài cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và cơ sở sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh, còn lại hầu hết thả nổi; vì vậy việc kiểm soát mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật có hại trong rau, quả và tồn dư chất cấm, kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi rất hạn chế, khó tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông thủy sản.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo ATTP cho người dân trong những ngày Tết, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng từ cấp tỉnh, huyện/thành phố đến xã/phường/thị trấn về công tác tuyên truyền giáo dục ATTP và đặc biệt là việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm ATTP theo quy định của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Một thông tin đáng ghi nhận là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai “Đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP từ tháng 10/2015 đến hết tháng 02/2016” trên phạm vi cả nước, qua đó chắc chắn sẽ giải quyết bức xúc nổi cộm hiện nay trong lĩnh vực vệ sinh ATTP nông nghiệp.

Kiểm tra ATTP tại quầy hàng bánh kẹo trong dịp Tết

Song song với hoạt động tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải trang bị những kiến thức ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Muốn như vậy, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề ATTP trong những ngày Tết như sau:

Một là, mua thực phẩm ở các cửa hàng, siêu thị đáng tin cậy, đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nơi bày bán sạch sẽ, ngăn nắp, đầy đủ tủ, giá, kệ; cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Hai là, chọn các loại rau, quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ; rau, quả ăn sống phải ngâm, rửa bằng nước sạch, gọt bỏ vỏ. Nên mua thủy sản còn tươi, thịt đã qua kiểm dịch thú y, chọn cá đang sống hay vừa mới chết; không nên ăn hải sản ở những vùng sông, biển bị ô nhiễm. Lựa chọn kỹ thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Mua các loại phụ gia, gia vị đóng gói sẵn, có nhãn mác của những công ty, xí nghiệp uy tín trong và ngoài nước.

Ba là, không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết nhằm tránh tình trạng để lâu sẽ bị hư hỏng, mất phẩm chất nếu bảo quản không đúng cách. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt phòng tránh nhiễm khuẩn chéo. Không để nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, vì nếu không đạt độ lạnh cần thiết sẽ phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Bảo quản thực phẩm bằng dụng cụ chứa đựng kín để bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và động vật gây hại khác.

Bốn là, nấu thức ăn với số lượng vừa đủ dùng để khỏi hâm đi, hâm lại nhiều lần sẽ giảm chất lượng và không bảo đảm hoàn toàn yêu cầu ATTP. Nấu kỹ thực phẩm với nhiệt độ ít nhất là 70°C, nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 giờ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 giờ, phải được đun kỹ lại. Thức ăn cho em bé không nên sử dụng lại.

Năm là, sử dụng nước sạch  [nước máy hoặc nước đun sôi], dụng cụ sạch để chế biến, nấu nướng, lưu trữ, bảo quản thức ăn. Chú ý vệ sinh cá nhân [cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chế biến, sau khi đi vệ sinh...]. Cẩn trọng đối với vật nuôi chó, mèo, chim thường là những tác nhân gây bệnh nguy hiểm có thể truyền qua tay  vào thực phẩm. Thớt cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, do đó khi dao, thớt đã thái đồ sống tuyệt đối không dùng thái thực phẩm chín cho dù đã được rửa sạch. Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải thay, đem luộc thường xuyên và phơi khô trước khi sử dụng; khăn lau sàn nhà bếp cũng cần giặt sạch sẽ.

Sáu là, không nên ăn quá nhiều thức ăn, nhất là những loại thức ăn có dầu mỡ vì dễ tích tụ năng lượng dư thừa gây tăng cân và béo phì. Người có bệnh phải ăn uống kiêng theo chế độ thích hợp với sự tư vấn về dinh dưỡng của y bác sĩ. Kết hợp ăn uống hợp lý với vận động, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Không nên uống rượu, bia nhiều trong những ngày Tết để bảo đảm sức khỏe bản thân và đề phòng tai nạn giao thông.

Hy vọng với những thông tin trên sẽ phần nào giúp độc giả bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và có được những ngày tết vui vẻ trọn vẹn.

Chủ Đề