Các biến chứng của vết thương gãy xương là gì

Gãy xương vì sao?

Do tai nạn giao thông: Đây là một nguyên nhân gãy xương hay gặp nhất. Khi đang di chuyển với vận tốc lớn không may gặp sự cố khiến cho chi thể dễ va đập vào vật cứng như mặt đường, phương tiện khác... làm cho xương bị gãy.

Do tai nạn lao động: Trong quá trình làm việc, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nhiều tai nạn nặng nề gây gãy xương nặng và có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Vận động trong thể thao: Tham gia các môn thể thao có sức thi đấu quyết liệt như bóng đá, bóng bầu dục dễ bị chấn thương gây gãy xương.

Gãy xương do bệnh lý: Những bệnh lý viêm xương tủy xương, ung thư xương làm ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu của xương dẫn đến xương ngày một yếu dần, hậu quả cuối cùng là gãy xương.

Gãy xương do loãng xương: Có thể gặp ở những phụ nữ lớn tuổi, nguyên nhân do tình trạng lão hóa của cơ thể làm giảm tổng hợp những chất giúp xương chắc khỏe, dẫn đến xương loãng và giòn, rất dễ gãy.

Gãy xương nếu không được điều trị đúng cách, có thể để lại di chứng.

Dấu hiệu nhận biết bị gãy xương

Sốc do đau, mất máu... biểu hiện dễ thấy nhất là vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh thường gặp ở những trường hợp gãy xương lớn như xương đùi, xương chậu hay gãy nhiều xương cùng lúc. Đau tại vị trí gãy xương. Không thể vận động chi thể như: Không nhấc chân lên được khỏi nền hay không thể giơ được tay lên. Chi thể bị cong vẹo, biến dạng: Do xương gãy nên trục của chi cũng thay đổi theo. Có thể nghe thấy tiếng lạo xạo do các mảnh xương cọ vào nhau.

Biến chứng, di chứng dễ gặp sau gãy xương

Tắc mạch máu do mỡ: Khi xương gãy, các hạt mỡ trong ống tủy xương đi ra ngoài, theo mạch máu đi khắp các nơi trong cơ thể, nếu bị tắc lại ở vị trí nào sẽ biểu hiện triệu chứng rõ rệt và rất nguy hiểm như nhồi máu phổi do các hạt mỡ thuyên tắc ở mạch phổi.

Loét các điểm tỳ đè: Do trong quá trình điều trị gãy xương, bệnh nhân phải nằm tại chỗ trong thời gian dài, các phần cứng tiếp xúc trực tiếp với mặt giường dễ gây nên loét các vùng như vùng cùng cụt, gót chân... tình trạng này còn nặng nề hơn nếu bệnh nhân không được cung cấp đủ dinh dưỡng hay có những bệnh kết hợp khác như tiểu đường.

Viêm phổi, viêm tiết niệu: Do người bệnh nằm lâu, không vận động tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong cơ thể gây viêm nhiễm.

Táo bón: Do nằm lâu, không vận động nhiều nên rất dễ bị táo bón, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tinh thần của người bệnh.

Và những biến chứng tại chỗ như:

Xương chậm liền: Bình thường 3 tháng kể từ sau khi điều trị thì xương đã liền vững. Quá thời gian này mà xương chưa liền được hiểu là tình trạng xương chậm liền.

Xương không liền: Biểu hiện tại vị trí gãy xương còn đau, có cử động bất thường hay trên Xquang không có dấu hiệu xương liền, các triệu chứng này tồn tại quá 6 tháng thì được gọi là xương không liền.

Xương liền bị lệch: Không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng của chi thể.

Viêm xương tủy xương: Đầu xương bị gãy nếu có hình chéo vát nếu không được cố định đúng cách sẽ chọc thủng da ra ngoài, đấy là đường dẫn cho vi khuẩn vào phát triển, có nguy cơ gây nên tình trạng viêm xương tủy xương, làm quá trình liền xương khó khăn hơn.

Tổn thương thần kinh lân cận: Có thể do quá trình chấn thương mạnh làm đụng giập, đứt rách dây thần kinh hay do sai sót trong quá trình xử trí chấn thương mà làm tổn thương thêm thần kinh. Thần kinh bị đứt rất khó phục hồi sẽ làm giảm khả năng vận động, dinh dưỡng, cảm giác của chi thể sau này.

Hội chứng chèn ép khoang: Nếu các tổn thương xương nặng nề, gây gãy xương phức tạp hay tổn thương mạch máu thần kinh kết hợp làm tổ chức phù nề nhiều, có thể gây chèn ép các mạch máu, thần kinh đi nuôi các cơ quan đó, nếu không được giải phóng kịp thời sẽ gây hoại tử chi thậm chí phải cắt cụt chi.

Teo cơ, xơ cứng, hạn chế vận động: Nếu sau khi điều trị bệnh nhân không được phục hồi chức năng một cách bài bản, khoa học, đúng lộ trình sẽ rất dễ làm các cơ teo đi, khớp bị cứng lại làm giảm đi sức mạnh của bản thân.


Cố định chân gãy khi vận chuyển đến cơ sở y tế. Nguồn: pinterest.com

Thực tế một số trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông hay tai nạn lao động dẫn đến gãy xương khi vào cấp cứu tại bệnh viện vẫn trong tình trạng tỉnh táo bình thường, nhưng sau đó có diễn biến xấu do các biến chứng xảy ra, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong. Cần quan tâm đến các biến chứng sau gãy xương để phát hiện, chẩn đoán và can thiệp kịp thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.

Các biến chứng gãy xương sau tai nạn giao thông và lao động thường gặp gồm: Sốc do mất máu và do đau đớn, tổn thương các nội tạng, tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, rách da...

Sốc do mất máu và do đau đớn

Đây là một biến chứng gãy xương khá nặng nề và trầm trọng, chúng có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Theo các nhà khoa học, tổn thương do vỡ xương chậu gây mất máu trung bình khoảng 1,5 lít; do gãy xương đùi mất máu khoảng 1 lít... Trong thực tế sốc do mất máu và sốc do đau đớn dễ dàng gây tử vong cho nạn nhân nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời, có hiệu quả.

Tổn thương các nội tạng

Các nhà khoa học khuyến cáo sau gãy xương, các tổn tương ở nội tạng cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời vì tình trạng này thường nguy hiểm hơn là chính xương gãy. Thực tế tổn thương vỡ xương sọ ít đáng ngại nhưng vỡ xương chậu kéo theo vỡ bàng quang, nhất là bị đứt niệu đạo sẽ điều trị khó khăn với nhiều di chứng để lại như chít hẹp niệu đạo, viêm tấy do ngấm nước tiểu, rò rỉ nước tiểu... 

Gãy xương sườn thường dễ liền xương sau 3 tuần nhưng gãy xương mảng sườn, dập phổi, rách phế quản gây nên biến chứng nặng; đây là những tổn thương chính do tác nhân tai nạn làm đụng dập lồng ngực.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh thường gặp là liệt tủy sống do gãy cột sống, đây là một biến chứng rất nặng sau gãy xương. Liệt tủy sống cổ gây liệt tứ chi, nhiều khi tủy bị phù nề lan rộng, nạn nhân khó qua khỏi cơn nguy kịch sau khoảng thời gian 1 đến 2 tuần. Liệt tủy đoạn lưng-thắt lưng gây liệt vận động và mất cảm giác ở hai chân, bị rối loạn tiểu tiện và đại tiện, gây loét da ở vùng xương bị chèn ép; đây là những biến chứng khó chữa trị.

Trường hợp bị gãy xương ở chân và tay còn gây nên biến chứng liệt thần kinh ngoại vi chiếm khoảng 5 - 10% các trường hợp.

Ở chi trên, gãy thân xương cánh tay dễ bị liệt dây thần kinh quay, làm bàn tay rủ xuống hình cổ cò, các ngón tay không duỗi được và có cảm giác tê bì phía ngoài mu bàn tay; gãy xương vùng khuỷu tay dễ bị liệt thần kinh trụ gây dấu hiệu co nhẹ các ngón tay 4, 3 kiểu vuốt trụ và tê bì đầu ngón tay út; gãy xương đầu dưới xương cánh tay, đầu dưới hai xương cẳng tay thì đầu xương gãy di lệch còn chèn ép gây tổn thương thần kinh giữa làm cho các ngón tay không gấp lại được, không đối chiếu được, tê bì đầu ngón tay 1, 2 và 3; các chấn thương nặng ở vùng đai vai có khi gây liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay rất nặng.

Ở chi dưới, gãy xương và trật khớp vùng khớp háng ra phía sau có thể chèn ép gây tổn thương thần kinh hông to, làm liệt các cơ cẳng chân và bàn chân, tê bì ở gan bàn chân; khi gãy phần cao ở cổ xương mác có thể gây liệt thần kinh hông khoeo ngoài và làm cho các cơ phía ngoài của cẳng chân bị liệt.

Để phòng ngừa biến chứng tổn thương thần kinh, trong cấp cứu phải đặc biệt chú ý đến việc vận chuyển nạn nhân nghi gãy cột sống; cần cho nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng hay nằm sấp trên ván mềm, nếu quá trình vận chuyển sai và không đúng phương pháp có thể gây thêm tổn thương cho tủy sống. Lưu ý các tổn thương thần kinh ngoại vi ở tứ chi thường được phát hiện trong cấp cứu bằng dấu hiệu của vùng mất cảm giác. 

Thần kinh bị liệt do chèn ép, do căng giãn thì sau khi nắn bó xương thường phục hồi sau thời gian khoảng 4 tuần, nếu quá thời gian này mà không thấy dấu hiệu liệt được hồi phục cần phải mổ thăm dò để giải thoát hay khâu nối thần kinh bị đứt.

Tổn thương mạch máu

Mạch máu bị tổn thương do biến chứng của gãy xương thường ít gặp và chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1 - 5% các trường hợp gãy xương. Nếu xương chậu vỡ, máu chảy nhiều từ trong xương qua khe gãy, từ đám rối tĩnh mạch cạnh xương; đôi khi từ tĩnh mạch chậu, từ động mạch chậu bị rách; phần lớn máu chảy tự cầm do sức ép của khối máu tụ, đôi khi phải mổ để thắt động mạch. 

Các chấn thương nặng ở cẳng chân nửa trên thường gây đụng dập những cơ bắp chân, gây gãy xương kèm tổn thương mạch máu do các mạch máu nằm sát xương; máu chảy tụ lại trong một khoang sâu bị cân cơ chèn ép vòng ngoài làm cho bắp chân căng cứng và bàn chân tím, lạnh, các ngón chân mất cử động cũng là một biến chứng tổn thương mạch máu hay gặp; trường hợp này cần cấp cứu rạch lớp cân cơ sâu để giải thoát cho các cơ khỏi bị hoại tử vì thiếu máu nuôi.

Khi gãy đầu dưới xương cánh tay, đầu dưới xương đùi với đầu xương nhọn sắc, di lệch có thể chèn ép gây tổn thương động mạch nằm gần đó; trường hợp này cần phát hiện sớm bằng dấu hiệu mạch không đập ở cổ tay, cổ chân và mu bàn chân, đầu chi tím và lạnh, mất cử động; nếu gặp biến chứng này cần nắn chỉnh xương gãy ngay để giải thoát động mạch, đôi khi phải mổ khâu động mạch bị rách; để lâu về sau có khi các cơ ở phía dưới bị xơ hóa do thiếu máu nuôi dưỡng làm cho gân cơ bị co rút và các khớp kém cử động. Đối với các loại gãy kín ở các thân xương khác ít khi bị biến chứng tổn thương mạch máu.

Tổn thương rách da

Các tổn thương gãy xương làm rách da sẽ biến một ổ gãy xương kín không có vi khuẩn thành một ổ gãy xương hở thông với môi trường bên ngoài nên dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu xử trí không tốt dễ gây viêm xương rất khó chữa trị. Các xương nằm nông ở dưới da như xương chày, xương trụ... nhất là xương chày dễ bị gãy hở do tai nạn giao thông thì da bị rách, cơ bị dập ngay ổ gãy và tác nhân gây thương tích sẽ đưa dị vật vào sâu ở bên trong như đất, cát, mảnh quần áo nên cần phải mổ cấp cứu cắt lọc, rạch rộng, để hở, bó bột bất động với vết rạch dọc bột bó cho khỏi chèn ép mạch máu vì sưng nề và dùng kháng sinh liều cao.

Đôi khi xương gãy chéo xoắn có mũi gãy nhọn có thể chọc thủng da từ trong ra ngoài thì ổ gãy xương ít bị nhiễm khuẩn, nếu lỗ thủng nhỏ có thể tiệt khuẩn ở vùng da chung quanh đó rồi băng vô khuẩn và nắn bó bột như đối với trường hợp gãy xương kín, đồng thời cũng nên dùng thêm kháng sinh; khi vận chuyển nạn nhân cần bất động tốt để tránh đầu xương gãy nhọn chọc thủng da.

Trường hợp ổ gãy xương hở do rách da và dập phần mềm, vai trò của việc băng bó đầu tiên rất quan trọng, thậm chí quyết định số phận của ổ gãy xương vì tuy bị nhiễm bẩn do vi khuẩn tại nơi xảy ra tai nạn nhưng các vi khuẩn này thường yếu và dễ chữa trị; việc băng bó đầu tiên ngoài tác dụng thấm máu và dịch, cầm máu tạm thời, giữ êm vùng gãy xương chúng còn có tác dụng chủ yếu là bảo vệ ổ gãy xương hở, ngăn chặn sự bội nhiễm lúc vận chuyển, thăm khám, đồng thời ngăn chặn sự bội nhiễm các vi khuẩn rất độc ở bệnh viện, ở cáng khiên, ở quần áo của nhân viên y tế kể cả những dụng cụ; vì vậy trong những trường hợp cần thiết nên băng bó thêm ở phía bên ngoài, không được mở băng ra nhiều, chỉ mở băng và thay băng tại phòng mổ.

Điều cần quan tâm

Để phòng ngừa các biến chứng đã nêu ở trên sau tai nạn làm gãy xương, điều cần lưu ý là phải chẩn đoán kịp thời nạn nhân bị gãy xương và xử trí can thiệp phù hợp vì xương gãy thời gian đầu chỉ là một tổn thương cục bộ, về sau các biến chứng mới xảy ra và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rất phức tạp.

Vấn đề quan trọng nhất là phải chẩn đoán đúng, chỉ định điều trị chính xác và can thiệp kỹ thuật hiệu quả. Vì vậy trước hết phải xác định được toàn trạng tổng quát của nạn nhân và đánh giá đúng, làm bất động các nẹp cố định bị xộc xệch, băng ép bổ sung chỗ gãy xương hở bị rỉ máu nhiều, phát hiện và hồi sức đối với trường hợp sốc do mất máu, phát hiện các tổn thương nội tạng đi kèm theo để xử lý kịp thời, xem xét đầy đủ các biến chứng khác của gãy xương, không bỏ sót các thương tổn phối hợp khác; sau đó mới thực hiện việc can thiệp điều trị gãy xương theo từng trường hợp cụ thể.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn [Bộ Y tế]

Video liên quan

Chủ Đề