Các cách viết kết bài trong bài văn nghị luận năm 2024

Đấy là tình thế thời gian sắp hết, cũng có nghĩa là không còn kịp tư duy, tái hiện và chau chuốt nữa! Chỉ còn cách kết bài cấp tốc để bài làm không để trống phần kết dễ gây khó chịu cho ... thầy cô chấm thi.

1. Thế nào là Kết bài?

Kết bài là một trong ba phần của bố cục một bài làm văn [Mở bài, Thân bài, Kết bài]. Phần kết bài có nhiệm vụ tổng hợp, khái quát, đánh giá lại vấn đề đang nghị luận hoặc đưa ra những bàn luận mở rộng, những cái nhìn nâng cao vấn đề.

Để được điểm cao toàn bài thì bài văn nhất định phải có bố cục đầy đủ, phần mở bài và kết bài nói riêng phải lắng đọng, gây được ấn tượng cho người đọc.

2. Các cách Kết bài

2.1. Kết bài không mở rộng [kết bài bằng cách tóm lược]

Là kiểu kết bài mà ở đó người viết tóm tắt quan điểm, tổng hợp những ý chính đã nêu ở thân bài. Cách kết bài này dễ viết hơn và thường được sử dụng nhiều hơn.

Ví dụ 1:

Đề bài: Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng.

Ta phải hình dung bài thơ này có bao nhiêu luận điểm. Sau đó gom những luận điểm ấy lại. Có thể tóm lược các luận điểm bài thơ “Tây Tiến” như sau:

• Nỗi nhớ về con đường hành quân gian khổ.

• Nhớ đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân.

• Nhớ đoàn binh Tây Tiến lãng mạn hào hoa.

Từ việc gom lại các luận điểm và kết hợp với kiến thức về phong cách tác giả, có thể kết bài như sau:

"Tóm lại, bằng tài năng nghệ thuật của một hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa. Quang Dũng đã mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp của bài thơ “Tây Tiến”. Đó là nỗi nhớ về con đường hành quân gian khổ nhưng hùng vĩ, thơ mộng, nhớ cảnh sinh hoạt quân dân ấm áp tình người. Và nhất là hình tượng người chiến binh Tây Tiến lãng mạn, hào hoa, hào hùng. Bài thơ khép lại rồi mà dường như tinh thần Tây Tiến vẫn ngân nga mãi trong lòng ta."

[Bài viết của thầy Phan Danh Hiếu]

Ví dụ 2:

Đề bài: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” [Kim Lân] và “Vợ chồng A Phủ” [Tô Hoài], anh [chị] hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.

Ta có thể kết bài:

"Như vậy, các nhân vật nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ” có nhiều điểm chung. Họ đều là những người phụ nữ có số phận bất hạnh, cơ cực nhưng trong tâm hồn họ đều tiềm tàng một sức sống và ý thức vươn lên. Người phụ nữ ngày nay có nhiều khác biệt, họ đã biết khẳng định vị trí của mình trong xã hội và càng ngày càng vươn tới những đỉnh cao mới.”

[Bài viết của học sinh]

2.2. Kết bài mở rộng [kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao]

Là kiểu kết bài trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề.

Ví dụ 1:

Đề bài: Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng.

Ta kết bài như sau :

“Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” [Sóng Hồng]. Quả đúng như vậy, “Tây Tiến” đã mang đến cho người đọc“con người và thời đại” của một thời chống Pháp oanh liệt, hào hùng. Qua đó, ta thấy được tinh thần Tây Tiến bất tử, một thời đại bất tử. Cảm ơn nhà thơ Quang Dũng – người đã tạc tháng năm lịch sử vào hồn người. Xin được mượn mấy lời thơ của Giang Nam thay cho lời kết:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy, con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”

[Bài viết của thầy Phan Danh Hiếu]

Ví dụ 2:

Đề bài: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” [Kim Lân] và “Vợ chồng A Phủ” [Tô Hoài], anh [chị] hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.

Ta có thể kết bài:

“Làm thế nào để một nửa thế giới luôn được sống hạnh phúc và ngày càng được hạnh phúc hơn? Làm thế nào để tất cả phụ nữ Việt Nam luôn ngập tràn trong tiếng cười?… Đó là những câu hỏi không dành riêng cho bất cứ ai, không dành riêng cho phái nam mà chính những người phụ nữ cũng cần phải trả lời ”.

[Bài viết của học sinh]

Ví dụ 3:

Đề bài: “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, là một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn đầy sức thuyết phục.” Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Ta có thể kết bài: "Đã hơn nữa thế kỷ trôi qua nhưng “Tuyên ngôn độc lập” vẫn là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn đồng thời cũng là một tác phẩm chính luận xuất sắc, mẫu mực. “Tuyên ngôn độc lập – mở đầu cho kỉ nguyên độc lập, tự do, tạo điều kiện cho mọi thay đổi cho đời sống dân tộc trong đó có văn học."

Ví dụ 4:

Đề bài: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc.

Ta có thể kết bài như sau: "Tiền tài và hạnh phúc là mối quan hệ bản chất của xã hội loài người. Tiền tài và hạnh phúc là khát vọng muôn đời của nhân loại. Phàm là người, ai cũng muốn có tiền tài và hạnh phúc. Nhưng để điều hoà mối quan hệ này quả không đơn giản, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mà nhu cầu của con người về sự no đủ ngày càng cao hơn, tha thiết hơn. Để có được hạnh phúc thực sự, mỗi người phải biết cách dùng tiền tài như một phương tiện để gây dựng và bảo vệ hạnh phúc, không nên để đồng tiền điều khiển ta."

Lưu ý:

1. Viết Kết bài phải đúng vào nội dung trọng tâm của đề thi. Viết ngắn gọn, không dài dòng lan man.

2. Đối với học sinh trung bình thì nên kết bài theo cách đơn giản, ngắn gọn. Kết bài hướng đến những vấn đề đã phân tích cảm nhận.

3. Với các em khá, các em có thể kết bài bằng lý luận văn học. Suy luận, triết lý để đưa ra kết bài hay. Vấn đề này thuộc về “bản năng” của người viết. Nên kết bằng câu nhận định phê bình nào đó hoặc kết lại bằng cách kết hợp một đoạn thơ có nội dung liên quan.

3. Mẹo viết kết bài khi rơi vào tình thế cấp bách

Tình thế cấp bách ở đây là khi sắp hết giờ, hoặc khi tâm lí căng thẳng, chúng ta không thể trau chuốt cho phần kết bài được. Chúng ta có thể lựa chọn cách kết bài chung chung bằng việc tóm lược. Tất nhiên, nếu làm như vậy sẽ không được điểm cao, nhưng “có còn hơn không”, chúng ta sẽ gỡ được điểm bố cục và không gây cụt hứng, mất thiện cảm ở người chấm.

Ranh giới giữa thân bài và kết bài rất mong manh, đôi khi, chúng ta “lỡ” khái quát vấn đề luôn ở thân bài, nên đến kết bài thì rơi vào tình trạng “hết vốn” và không biết viết thế nào nữa. Lời khuyên dành cho các bạn là hãy cứ triển khai những ý như dự định ban đầu nhưng trình bày với lời lẽ và câu văn khác. Dù viết gì cũng phải gắn chặt với nhiệm vụ của kết bài là tổng kết, đánh giá lại vấn đề.

Ví dụ 1: Đề bài: Tìm hiểu “Mình”, “ta” và “ai” trong “Việt Bắc” của Tố Hữu.

Ta có thể kết bài: "Tóm lại, “mình”, “ta”, “ai” là những từ xưng hô đã được Tố Hữu sử dụng linh hoạt trong “Việt Bắc” để tạo nên sự gắn bó rất thú vị giữa người ở, người đi, tạo nên sự bâng khuâng, bịn rịn, không thể tách rời giữa Việt Bắc với những người đã gắn bó với quê hương cách mạng, thủ đô gió ngàn."

Ví dụ 2:

Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân.

Ta có thể kết bài:

""Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn."

Ví dụ 3.

Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.

Ta có thể kết bài:

""Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn."

Hy vọng một số lưu ý trên đây sẽ giúp các sĩ tử có một tâm thế vững vàng, tự tin chiến thắng trong kỳ thi sắp tới.

Chủ Đề