Các chính sách bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Các chính sách cơ bản làm kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ môi trường liên tục được ban hành trong những năm qua. Cụ thể, trong năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2018, đã tổ chức tổng kết, sơ kết Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

* Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách, pháp luật môi trường

Trong giai đoạn trước, nhìn chung, hệ thống pháp luật về BVMT đã được xây dựng tương đối hoàn thiện với 04 Luật là Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật ĐDSH năm 2008, Luật Tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo năm 2015. Trong giai đoạn 2016 - 2018, hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành pháp luật về BVMT tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và ban hành.

Năm 2016, ở cấp Trung ương đã ban hành 03 Nghị định, 04 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch. Các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai Luật; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về BVMT 5 năm và hằng năm, các quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh, thành phố; quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Năm 2017, ở cấp Trung ương đã ban hành 01 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 08 Thông tư; triển khai sửa đổi, bổ sung các quy định về BVMT tại các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015, Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản sửa đổi; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; trình Chính phủ Đề án đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BVMT và Luật khác có liên quan đến BVMT; tổ chức rà soát, đánh giá bước đầu việc triển khai thực hiện Luật ĐDSH năm 2008.

Năm 2018, ở cấp Trung ương đã ban hành 03 Nghị định, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành đã ban hành 12 Thông tư. Nhiều địa phương đã rà soát, ban hành các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho công tác BVMT ở địa phương, trong đó tập trung vào các vấn đề môi trường như quy chuẩn kỹ thuật về môi trường địa phương bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, điều kiện tự nhiên và yêu cầu quản lý, BVMT của từng địa phương; quy định về các khoản phí, lệ phí thu gom quản lý CTR; vấn đề môi trường đô thị, nông thôn; kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; ĐDSH; tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của địa phương.

Luật BVMT được Quốc hội thông qua năm 2020 đưa ra nhiều thay đổi, cách tiếp cận và công cụ mới trong BVMT, tiệm cận với phương thức quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới. Ảnh minh họa: Nguồn: Internet

* Chuyển đổi tư duy quản lý môi trường sang hướng chủ động, phòng ngừa

Trong năm 2019, các Bộ, ngành cũng đã tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản về BVMT, bao gồm: 06 Nghị định, 08 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 Thông tư.

Trong đó, nổi bật là Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 05 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Nội dung Nghị định đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, đặc biệt thể hiện quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa” và “kết hợp tiền kiểm với hậu kiểm”; cải cách mạnh thủ tục hành chính; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân; lồng ghép một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đến BVMT. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT tập trung sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2014, chuyển từ sửa đổi, bổ sung một số điều sang xây dựng Luật BVMT sửa đổi nhằm hình thành hành lang pháp lý đồng bộ, toàn diện và thống nhất về BVMT, khắc phục bất cập, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các vấn đề môi trường mới nổi lên của đất nước, chuẩn bị nền tảng pháp lý cho hoạt động BVMT trong giai đoạn hát triển mới, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững của đất nước trong thập niên tới.

Năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác BVMT như Nghị định số 53/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05 tháng 5 năm 2020 quy định phí BVMT đối với nước thải; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa...

Năm 2020 cũng là một mốc quan trọng khi Luật BVMT số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020. Luật BVMT năm 2020 đưa ra nhiều thay đổi, cách tiếp cận và công cụ mới trong BVMT, tiệm cận với phương thức quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới.

 

Theo đó:

1. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh, chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp vái quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

2. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

- Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

- Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

- Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.


Lê Tuyết - Phòng Tư pháp TP Thanh Hóa

Video liên quan

Chủ Đề