Các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm tranh chấp thương mại
  • 2. Đặc điểm của tranh chấp thương mại
  • 3. Phân loại tranh chấp thương mại
  • 4. Những bất cập, hạn chế trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại
  • 5. Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại

1. Khái niệm tranh chấp thương mại

Trong đời sống xã hội, con người luôn sáng tạo, lao động, vươn lên và do đó, mối quan hệ của con người cũng luôn phát triển và ngày càng phong phú. Từ đó, các va chạm, xung đột, tranh chấp của con người cũng ngày càng phức tạp hơn. Trong thực tế, để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của mình, con người phải lao động và ra sức bảo vệ lợi ích từ quá trình lao động ấy. Cũng chính từ nguyên nhân đó, các xung đột lợi ích đã xảy ra, trở thành những tranh chấp quyền lợi của con người với con người.

Hiện nay, tranh chấp được đề cập từ nhiều góc độ khác nhau, với những nội dung không hoàn toàn đồng nhất. Tranh chấp là “đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên”, “tranh chấp là mâu thuẫn, là xung đột về quyền và nghĩa vụ của các bên”.

Như vậy, tranh chấp được hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột của con người trong quá trình tồn tại và phát triển, là cái tự nhiên vốn có của cuộc sống, phát sinh, phát triển song hành cùng sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ của con người ngày càng phong phú thì sẽ càng phát sinh tranh chấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiêu biểu trong đó là tranh chấp về quyền lợi kinh tế.

Đất nước đổi mới, nền kinh tế tập trung bao cấp đã được thay thế bởi nền kinh tế thị trường phát triển, năng động, cạnh tranh và phong phú. Bên cạnh đó, tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập thương mại quốc tế cũng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khốc liệt. Đứng trước những cơ hội và thách thức của thời cuộc, nước ta đang có những định hướng phù hợp, phát huy thế mạnh của nền kinh tế. Trong đó, phát triển thương mại là một trong những bước đi đúng đắn nhất, đem lại hiệu quả cao cho đời sống xã hội.

“Thương mại là hoạt động trao đổi của cải, hàng hóa, dịch vụ, kiến thức, tiền tệ,...giữa hai hay nhiều đối tác, và có thể nhận lại một giá trị nào đó [bằng tiền thông qua giá cả] hay bằng hàng hóa dịch vụ khác như trong hình thức thương mại đổi hàng. Trong quá trình này, người bán là người cung cấp của cải, hàng hóa, dịch vụ,.. cho người mua, đổi lại người mua sẽ phải trả cho người bán một giá trị tương đương nào đó.”

Tranh chấp thương mại là một trong những hệ quả của hoạt động thương mại. Nó xuất hiện thường xuyên phổ biến trong hoạt động của nền kinh tế thị trường. Đó là “những mâu thuẫn, xung đột về quyền, nghĩa vụ, lợi ích kinh tế giữa các chủ thể tham gia quan hệ sản xuất kinh doanh”, là “sự bất đồng, mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa các thương nhân, các chủ thể kinh doanh khác”

Tổ chức Thương mại thế giới [WTO] quan niệm tranh chấp thương mại là tranh chấp ở phạm vi quốc tế, được dùng để chỉ các bất đồng giữa các thành viên WTO liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các Hiệp định và thỏa thuận của WTO và bất đồng này được thông báo chính thức cho Ban thư ký WTO.

Tại Việt Nam, khái niệm tranh chấp thương mại lần đầu tiên được quy định trong Luật Thương mại năm 1997. Tại Điều 238 Luật Thương mại 1997 quy định: “Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại”. Theo đó, nội hàm hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 rất hẹp so với quan niệm quốc tế về thương mại. Hoạt động thương mại chỉ bao gồm ba nhóm: Hoạt động mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại. Tranh chấp thương mại và hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 đã loại bỏ rất nhiều tranh chấp mà xét về bản chất thì các tranh chấp đó có thể được coi là các tranh chấp thương mại.

Luật Thương mại năm 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 đã đưa ra một khái niệm về hoạt động thương mại tương đối giản đơn. Tuy nhiên, khái niệm này cũng đã hàm chứa và lột tả được nội hàm của hoạt động thương mại. Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Theo khái niệm này, quan niệm về hoạt động thương mại được mở rộng bao gồm mọi hoạt động có mục đích sinh lợi. Hướng tiếp cận này của Luật Thương mại cho thấy, khái niệm về hoạt động thương mại đã thể hiện sự tương đồng với khái niệm kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2014. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, tranh chấp thương mại có thể hiểu đơn giản là những bất đồng, mâu thuẫn liên quan đến quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại.

2. Đặc điểm của tranh chấp thương mại

Thứ nhất, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể. Mâu thuẫn được hiểu là trạng thái xung đột, đối xứng nhau về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tranh chấp. Quan hệ thương mại và bất đồng giữa các bên trong quan hệ thương mại là điều kiện cần và đủ để tranh chấp phát sinh. Trong hoạt động thương mại, các bên vừa hợp tác đồng thời vừa cạnh tranh nhau để đạt được những mục đích đề ra. Do đó, việc phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên là điều tất yếu.

Các quan hệ thương mại có bản chất là các quan hệ tài sản nên nội dung tranh chấp thường liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các bên. Thông thường, những mâu thuẫn bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh trong các mối quan hệ cụ thể bao gồm:

Mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; kí gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn kĩ thuật; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; đầu tư tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.

Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

Thứ hai, những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phải phát sinh từ hoạt động thương mại.

Căn cứ phát sinh tranh chấp thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật. Trong nhiều trường hợp, tranh chấp thương mại phát sinh do các bên có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích của nhau, tuy nhiên cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên nhưng không làm phát sinh tranh chấp. Tranh chấp thương mại phải là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Thứ ba, các tranh chấp thương mại chủ yếu là những tranh chấp phát sinh giữa các thương nhân [cá nhân kinh doanh, pháp nhân] với nhau. Ngoài thương nhân là chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại, trong những trường hợp nhất định, các cá nhân, tổ chức khác [không phải là thương nhân] cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại khi trong các giao dịch bên không có mục đích sinh lợi chọn áp dụng luật thương mại. Khoa học pháp lý gọi giao dịch này là giao dịch hỗn hợp [hành vi hỗn hợp].

Về bản chất, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân không phải là hoạt động thương mại thuần túy, nhưng bên không nhằm mục đích sinh lợi đã chọn áp dụng luật thương mại thì quan hệ này trở thành quan hệ pháp luật thương mại và tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật này phải được quan niệm là tranh chấp thương mại.

3. Phân loại tranh chấp thương mại

Như những phân tích về đặc điểm của tranh chấp thương mại, ta có thể thấy rằng tranh chấp thương mại vô cùng đa dạng. Tranh chấp thương mại phải bắt nguồn từ hoạt động thương mại. Vậy nên, việc phân chia các tranh chấp đó có thể căn cứ vào chính khái niệm của hoạt động thương mại được ghi nhận tại Điều 3 Luật Thương mại 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”

Nếu như căn cứ vào khái niệm hoạt động thương mại thì các tranh chấp thương mại có thể phân chia thành các tranh chấp sau:

- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hóa;

- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động cung ứng dịch vụ;

- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư;

- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động xúc tiến thương mại;

- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại khác.

Tuy nhiên, nếu như phân chia các tranh chấp thương mại theo quan điểm này sẽ có rất nhiều bất cập. Cách phân chia đó không bao quát được vấn đề, không chỉ ra được mối quan hệ giữa các tranh chấp và khó có thể xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trên. Do vậy, có một quan điểm khác cho rằng nên phân chia tranh chấp thương mại dựa theo căn cứ là Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm2015 quy định về những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu phân loại tranh chấp thương mại theo căn cứ này, ta sẽ có các tranh chấp thương mại sau:

- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;

- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;

- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty;

- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty;

- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại.

4. Những bất cập, hạn chế trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại nhưng mặt khác hoạt động này vẫn tồn đọng nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo phân tích từ số liệu trong Báo cáo kết quả công tác năm 2015 và năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì số lượng vụ án được thụ lý ngày càng tăng cao nhưng trong đó vẫn còn nhiều vụ án chưa được giải quyết. Có thể thấy tình hình giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại của ngành Tòa án ở nước ta đang trở nên quá tải, dẫn đến gia tăng lượng vụ án tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Bên cạnh đó, trong hoạt động áp dụng pháp luật thường xuyên xảy ra hiện tượng áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết các tranh chấp thương mại. Đây là một hiện tượng tiêu cực trong áp dụng pháp luật ở nước ta hiện nay. Do mục đích của hoạt động kinh doanh thương mại là sinh lời chính đáng, vì vậy tranh chấp xảy ra trong quá trình này được nhà nước giải quyết theo các hình thức, trình tự, thủ tục riêng biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật trọng tài thương mại 2010, Luật hòa giải cơ sở 2014 và các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua những hành vi tiêu cực như bắt cóc, đe dọa để đòi nợ, khủng bố tinh thần, phá hoại vật chất,... của các chủ thể tham gia kinh doanh thương mại ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc các cơ quan có chức năng tố tụng hình sự do nhiều nguyên nhân khác nhau đã áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp thương mại, điều này gây ra nhiều tác hại cho kinh tế, xã hội đất nước.

Việc “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” không chỉ làm cho môi trường kinh doanh trở nên căng thẳng mà còn dẫn tới việc áp dụng sai pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chủ thể có liên quan. “Hình sự hóa các quan hệ kinh tế là việc xử lý vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế mà không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý bằng biện pháp hình sự” [25,tr.74]. Như vậy, nếu phát sinh trong tranh chấp là quan hệ dân sự, thương mại mà khi giải quyết bị coi là quan hệ hình sự thì việc áp dụng pháp luật hình sự là sai trái.

Thực tiễn trong những năm vừa qua, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp thương mại đã cho thấy việc lạm dụng pháp luật hình sự của các chủ thể có thẩm quyền. Có những vụ án chỉ cần thiết áp dụng pháp luật dân sự, thương mại đã có thể giải quyết tranh chấp. Nhưng việc lạm dụng pháp luật hình sự một cách thái quá đã đẩy những chủ thể vô tội vào vòng lao lý. Đây là một vấn đề rất nhức nhối, cấp bách và cần thiết có những giải pháp để thay đổi, khắc phục.

Ngoài ra, trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại cũng tồn đọng nhiều hạn chế khác. Như trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp của các cá nhân có thẩm quyền chưa hoàn thiện. Sự thiếu xót cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tế của chủ thể áp dụng pháp luật đã dẫn tới rất nhiều các vụ án oan sai, tình trạng kháng cáo, kháng nghị ngày càng gia tăng, làm mất đi niềm tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan, cá nhân tiến hành áp dụng pháp luật.

5. Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại

Những quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề pháp lý trong thương mại nói chung và giải quyết tranh chấp thương mại nói riêng là nhằm mục đích tạo thuận lợi cho các bên tham gia được đảm bảo về tính đúng đắn, tính công bằng cũng như quyền lợi. Pháp luật luôn có một sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các pháp nhân kinh tế. Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 ra đời đã trở thành khung pháp lý điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại các bên. Các quy định pháp luật đều có những nhân tố hợp lý bảo đảm việc thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số bất cập hạn chế như sau:

Thứ nhất, sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng thể hiện ở mâu thuẫn giữa BLDS 2015 và LTM 2005 liên quan đến chế định phạt hợp đồng. Điều 418 BLDS 2015 quy định: mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật, điều này thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật dân sự nhưng điều đáng lưu tâm là Luật Thương mại lại quy định về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Ở quy định khác trong Luật Xây dựng, mức phạt vi phạm tối đa là 12%. Cùng điều chỉnh về một vấn đề nhưng lại có sự khác biệt giữa các văn bản. Điều đó đòi hỏi các bên phải phân biệt rạch ròi xem quan hệ nào do BLDS 2015 điều chỉnh và quan hệ nào được điều chỉnh bởi Luật Thương mại hoặc các luật khác điều chỉnh. Điều này là rất khó phân biệt khi Bộ Luật Dân sự 2015 được xem là luật chung với đối tượng điều chỉnh là các quan hệ về tài sản, nhân thân trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động.

Sự khác biệt về mức phạt vi phạm dẫn đến sự khác biệt trong việc quy định mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Điểm 3 khoản 3 Điều 418 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Trong trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm. Trong khi đó, khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 lại quy định: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, những quy định khác nhau của pháp luật trong cùng một vấn đề đã gây ra tranh chấp cho các bên tham gia. Nếu như trong hợp đồng không ghi cụ thể mức phạt hợp đồng thì khi có vi phạm xảy ra, các bên sẽ khó có thể thể thỏa thuận được mức phạt này. Hơn nữa, khi giải quyết tranh chấp thương mại, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng pháp luật cũng rất lúng túng khi giải quyết vấn đề này.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp thương mại tại tổ chức Trọng tài còn nhiều hạn chế. Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài là: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Quy định này có nghĩa rằng, Trọng tài Việt Nam khi thụ lý đơn khởi kiện phải xem xét tính thương mại của tranh chấp, tuy rằng, sự tiến bộ của Luật Trọng tài thương mại 2010 đối với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 là ở chỗ, không cần phải xác định tính thương mại là trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng.

Giả sử ngay cả trong hợp đồng, nếu tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại thì Trọng tài không được thụ lý đơn khởi kiện ngay cả khi có một thỏa thuận Trọng tài hợp pháp. Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Nếu xét về thẩm quyền giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại của Trọng tài hiện nay thì tính thương mại được xét dựa trên yếu tố sinh lời của các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.

Như vậy, một trường hợp mà tranh chấp phát sinh trong hợp đồng, đã có thỏa thuận trọng tài nhưng tính thương mại không thể xác định được, liệu rằng Trọng tài có thẩm quyền để giải quyết hay không? Chắc chắn Trọng tài sẽ rất lúng túng trong vấn đề này.

Mặt khác, theo Luật Thương mại 2010 thì thẩm quyền của Trọng tài có thể mở rộng ở những tranh chấp thương mại không phát sinh trong hợp đồng, và tương tự như trường hợp trên, Trọng tài cũng thật khó trong việc xác định thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về kinh doanh thương mại cũng đang mang tính liệt kê [khác với liệt kê mang tính loại trừ] và dựa vào mục đích lợi nhuận làm căn cứ tiên quyết.

Đối với Trọng tài Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp Hợp đồng thương mại đều vận dụng các quy phạm về Hợp đồng thương mại được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và các chế định hợp đồng đặc thù trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Sở hữu trí tuệ... Những quy định này về hợp đồng vẫn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật, đã gây nên sự chồng chéo, làm hạn chế hoạt động áp dụng pháp luật của Trọng tài.

Thứ ba, bất cập trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Tuy nhiên, các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác là những hoạt động cụ thể nào cho đến nay chưa có văn bản giải thích. Như vậy, các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, tín dụng, bảo hiểm có được xem là những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác và có phải là đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại không?

Cũng tại khoản 3 Điều 3 quy định “Thói quen trong hoạt động thương mại” cũng gây những vấn đề tranh cãi trong công tác xét xử. Xác định “quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại”. Để xác định sự việc có phải là thói quen nhiều lần thì căn cứ bao nhiêu lần là nhiều lần và trong thời gian bao lâu để xác định là trong một thời gian dài, cũng như việc đã mặc nhiên thừa nhận của các bên rất khó để được công nhận là thói quen trong hoạt động thương mại.

Ngoài ra, tại Điều 306 Luật thương mại quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán quy định “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Việc xác định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường cần phải căn cứ trên cơ sở nào thì hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Vậy nên, nếu như tranh chấp của các chủ thể phát sinh trong lĩnh vực này thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ vô cùng khó khăn khi chọn luật áp dụng. Bởi những quy định pháp luật khác nhau, nên nếu chọn pháp luật điều chỉnh khác nhau thì kết quả của việc giải quyết là khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Do vậy, pháp luật của nước ta cần có sự tiếp tục điều chỉnh để thống nhất, hợp lý và đồng bộ, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải tỉnh táo, sáng suốt khi lựa chọn các quy định pháp luật cụ thể. Có như thế, mâu thuẫn tranh chấp trong kinh doanh thương mại mới được giải quyết triệt để, công bằng.

Luật Minh Khuê [tổng hợp & phân tích]

Video liên quan

Chủ Đề