Cách tuyên án cải tạo không giam giữ

Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS

03:24 - Thứ Hai, 30/03/2020

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong BLHS, do Tòa án quyết định áp dụng, nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Đồng thời còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Hình phạt cải tạo không giam giữ là không buộc người phạm tội phải cách ly khỏi đời sống xã hội mà họ được sống với gia đình như những người khác dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người đó làm việc hoặc cư trú.

Kể từ khi BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đến nay, hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại điều 36 có nhiều điểm mới so với Điều 31 của BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Những điểm mới này chưa được hướng dẫn cụ thể nên cách hiểu còn có sự khác nhau dẫn đến việc áp dụng còn chưa thống nhất. Cụ thể:

1. Về quy định Tòa án giao bị cáo để giám sát giáo dục:

Tình huống pháp luật: Bị cáo Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú tại xã B, huyện C, tỉnh D. Bị cáo là công nhân công ty Z thuộc tỉnh Y. Ngày 20/02/2020 bị cáo bị TAND huyện C xử phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ về tội trộm cắp tài sản. Giao bị cáo cho Công ty Z là nơi bị cáo đang làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ. Việc Tòa án tuyên như vậy có 02 quan điểm.

Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án giao bị cáo cho Công ty Z là nơi bị cáo đang làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 BLHS: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát giáo dục...”.

Như vậy, BLHS quy định cụ thể cho từng trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ là người có việc làm, người đang học tập và người không có việc làm cho cơ quan, tổ chức hoặc UBND để giám sát, giáo dục nhằm quản lý chặt chẽ những người bị phạt cải tạo không giam giữ.

Quan điểm thứ hai cho rằng phải giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã B nơi bị cáo thường trú giám sát, giáo dục. Vì theo quy định tại Điều 11 Luật thi hành án hình sự thì Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự không có cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập và theo quy định tại Mục 3 - Thi hành án phạt Cải tạo không giam giữ từ Điều 96 đến Điều 106 Luật thi hành án hình sự chỉ quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, không có trình tự, thủ tục giao cho cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập như quy định tại điều 36 BLHS.

Ví dụ: khoản 4 Điều 99 Luật THAHS quy định: Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và khoản 2 Điều 100 Luật THAHS quy định: Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Khoản 4 Điều 99 quy định: Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam gi

1…

….

4. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

Khoản 2 Điều 100 quy định: Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

1…

2. Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục;

Theo quy định tại khoản 4 Điều 99, khoản 2 điều 100 LTHAHS thì không có nơi được giao giám sát, giáo dục là cơ quan, tổ chức để giám sát, giáo dục đối với những người đang học tập và có việc làm. Vậy những người bị phạt cải tạo không giam giữ mà có việc làm và đang học tập nhưng không có nơi cư trú rõ ràng mà Luật THAHS không quy định việc giao những người này cho một cơ quan, tổ chức nào giám sát, giáo dục, quản lý thì ai có trách nhiệm quản lý những người này. Nếu những người bị phạt cải tạo không giam giữ đang học tập và làm việc mà có nơi cư trú rõ ràng thì Tòa giao cho UBND nơi cư trú giám sát giáo dục, quản lý lại phù hợp với quy định của Luật THAHS. Việc quy định không thống nhất nhau giữa hai luật gây khó khăn trong việc áp dụng điều 36 BLHS và khi thi hành Luật THAHS. Như vậy, việc Tòa án giao bị cáo A cho nơi nào giám sát, giáo dục là đúng. Đây là điểm còn bất cập giữa Điều 36 BLHS và Luật Thi hành án hình sự.

Tương tự như trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ, thì đối với những trường hợp xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo cũng còn mâu thuẫn, cụ thể: Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 BLHS thì ngoài việc giao bị cáo cho chính quyền địa phương thì cũng có quy định giao bị cáo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, và Nghị quyết số 02 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 về án treo cũng có quy định việc giao người được hưởng án treo cho Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Tuy nhiên theo quy định tại Mục 1 Thi hành án treo từ Điều 84 đến Điều 94 Luật thi hành án hình sự không có quy định về trình tự, thủ tục giao người được được hưởng án treo cho Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, mà chỉ có quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Đây cũng là điểm còn bất cập giữa Điều 65 BLHS và Luật thi hành án hình sự.

Từ những vướng mắc trên tác giả cho rằng trong khi giải quyết một vụ án cụ thể chúng ta cần xác minh, làm rõ người phạm tội đang học tập, làm việc có nơi cư trú ổn định hay không để ra bản án chính xác, đúng luật tránh gây khó khăn cho việc thi hành về sau.

2. Về việc xác định thời gian còn lại chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ:

Ví dụ: Khoảng 21 giờ 00 phút ngày 23/7/2019, tại quán Internet thuộc tổ 5, phố T, xã T, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Nguyễn Văn T đã trộm cắp của anh Đ 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Yamaha, biển kiểm soát 19L1- xxx có trị giá 38.540.000 đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn T có 01 tiền án, tại bản án số 184/2018/HS-ST ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố V xử phạt Nguyễn Văn T 15 tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày 12/9/2018 là ngày UBND xã T, huyện C nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Trong thời gian chấp hành bản án, ngày 23/7/2019 bị cáo phạm tội mới và bị khởi tố điều tra, bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam.

Bản án số 50 ngày 11/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện C nhận định bị cáo T đã chấp hành thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày 12/9/2018 đến ngày xét xử 11/9/2019 là được 12 tháng. Thời gian còn lại chưa chấp hành xong hình phạt của bản án số 184/2018/HS-ST ngày 01/8/2018 là 03 tháng cải tạo không giam giữ chuyển đổi thành 01 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 173; khoản 1 Điều 55, khoản 2 Điều 56, điểm h khoản 1 điều 52; điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 33 BLHS. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T: 12 tháng tù. Tổng hợp với hình phạt còn lại chưa chấp hành của bản án số 184/2018/HSST ngày 01/8/2018 là 01 tháng tù. Buộc bị cáo T phải chấp hành chung cho cả hai bản án là 13 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của các bị cáo, người bị hại.

Từ vụ án này có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thời gian còn lại chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của Bản án số 184/2018/HSST ngày 01/8/2018 để tổng hợp hình phạt đối với tội mới.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: phải xác định T được tính thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đến ngày thực hiện hành vi phạm tội mới là ngày 23/7/2019 và lập luận như sau:

Việc ngày 23/7/2019, T đã thực hiện hành vi phạm tội mới chứng tỏ việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của bản án 184/2018/HS-ST của T là chưa nghiêm, T đã vi phạm nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ, mục đích của hình phạt cải tạo không giam giữ không đạt được tính từ ngày 23/7/2019, lần phạm tội này bị cáo T đã tái phạm theo khoản 1 điều 53 Bộ luật hình sự "Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý ..." và phải tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo khoản 2 điều 56 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: " Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này."

Như vậy thời gian cải tạo không giam giữ đã chấp hành của bị cáo T chỉ được tính từ ngày bị cáo được giao cho chính quyền địa phương giám sát giáo dục tức là ngày 12/9/2018 đến ngày bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mới là ngày 23/7/2019. Nhưng bản án lại trừ thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho bị cáo T từ ngày 12/9/2018 đến ngày xét xử là ngày 11/9/2019 là không đúng.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù trong khi đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, T lại thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 23/7/2019 và bị khởi tố, điều tra nhưng không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam mà vẫn ở tại địa phương, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện C và UBND xã T không có bất cứ quyết định nào để chấm dứt, tạm dừng [đình chỉ, tạm đình chỉ] việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ của bị án T [thậm chí nếu bị khấu trừ thu nhập thì T vẫn nộp đầy đủ hàng tháng đến tháng 9/2019]. Vì vậy, để có lợi cho T thì phải xác định T đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ từ ngày 12/9/2018 đến ngày xét xử là ngày 11/9/2019 như bản án đã tuyên là đúng.

Tác giả cho rằng lập luận như quan điểm thứ nhất là có cơ sở vì khoản 2 điều 56 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: "Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Nhận thức như vậy sẽ phù hợp với quy định về tái phạm tại khoản 1 Điều 53 BLHS "Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý ..." [VD: Trường hợp bị án chỉ còn 01 ngày nữa thì được đương nhiên xóa án tích, nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì vẫn phải chịu tình tiết tái phạm mà không được tính đến ngày phát hiện hành vi phạm tội mới hay ngày khởi tố hoặc xét xử đối với tội mới này]. Như vậy chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới thì việc chấp hành hình phạt của bản án trước đã chấm dứt, thời gian còn lại của bản án này được coi là chưa chấp hành [kể cả đối tượng bị khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú hay các biện pháp ngăn chặn khác vào bất kỳ thời điểm nào].

Tuy nhiên có một vướng mắc đó là hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ [trừ trường hợp khi người chấp hành án chết theo quy định tại Khoản 5, Điều 97 Luật THA Hình sự] Khoản 2, Điều 105. Xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cũng chỉ quy định: “ Người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật này thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trường hợp bị án sau khi thực hiện hành vi phạm tội mới do Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục không nắm được, hoặc chưa kịp đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy không có quyết định đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ thi hành án nên hàng tháng bị án vẫn đến UBND xã để trình diện, nộp bản tự nhận xét và vẫn nộp tiền khấu trừ thu nhập tại Cơ quan Thi hành án dân sự thì giải quyết như thế nào? UBND xã, Cơ quan THADS đều là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhất định trong công tác thi hành án hình sự, dân sự, đồng ý cho bị án thực hiện nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ trong thời gian này thể hiện qua việc vẫn thu tiền khấu trừ thu nhập, vẫn tiếp nhận báo cáo nhận xét, tự kiểm điểm của bị án để lưu hồ sơ - vậy tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận thời gian thi hành án này của bị án?

Đối với quan điểm thứ hai tác giả cho rằng nếu Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng do bị án không có quyết định đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ thi hành án nên cần xác định bị án đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đến ngày xét xử để có lợi hơn cho bị án. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thấy rằng có vụ án được xét xử ở nhiều cấp, nếu cho rằng bị án không có quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thi hành án nên làm lợi cho bị cáo đến ngày xét xử sơ thẩm, nhưng do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bị cáo kháng cáo, kháng nghị thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng cần tính theo hướng có lợi cho bị cáo đến ngày xét xử phúc thẩm, mỗi lần xét xử thời gian đã chấp hành án tăng lên và thời gian còn lại được tính là chưa thi hành án sẽ được giảm đi. Như vậy, bản án sơ thẩm đương nhiên sẽ bị cấp phúc thẩm sửa về phần tổng hợp hình phạt [bị cáo không kháng cáo thì sẽ bất lợi hơn bị cáo có kháng cáo, có thể bị cáo lợi dụng việc kháng cáo để giảm thời gian chấp hành hình phạt còn lại]. Thậm chí nếu cấp sơ thẩm có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì phải tính đến tận thời gian bị cáo xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm lần sau, lúc này có thể bị cáo đã được coi là chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc xác định như vậy sẽ rất khó khăn, phức tạp và không chính xác, không thể đáp ứng được yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Từ những vướng mắc nêu trên tác giả cho rằng để việc áp dụng pháp luật được thống nhất cần có quy định rõ hơn về xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại Khoản 2, Điều 105 của Luật thi hành án hình sự hoặc bổ sung quy định về việc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời giant hi hành án; hoặc bổ sung vào khoản 2 điều 36 của BLHS hoặc TANDTC có hướng dẫn cách tuyên trong bản án khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo như sau: “ …Giao bị cáo cho UBND…giám sát giáo dục, thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND… nhận được bản sao bản án và quyết định thi hành án. Trong thời gian thi hành án nếu bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời gian thi hành án còn lại được tính từ khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mới…”. Đồng thời hướng dẫn bổ sung điểm g, khoản 1, Điều 98 Luật Thi hành án hình sự về quan hệ phối hợp giữa UBND cấp xã và Cơ quan THADS khi thực hiện khấu trừ thu nhập của người chấp hành án theo quyết định của Tòa án để sung quỹ nhà nước và không thực hiện việc khấu trừ thu nhập khi người này thực hiện hành vi phạm tội mới.

3. Về việc thực hiện một số công việc phục vụ cộng đồng

Đây là một điểm mới được quy định tại khoản 4 điều 36 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Khoản 4 Điều 36 quy định: “ Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồngtrong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm ngèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự”

Trong thời gian từ 31/12/2019 trở về trước do chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn có nhiều Bản án ở nhiều địa phương khác nhau còn có cách tuyên không thống nhất:

Có Bản án tuyên: Áp dụng khoản 1, 2, 3 Điều 36, xử phạt bị cáo 30 tháng cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho UBND xã nơi cư trú; khấu trừ thu nhập hàng tháng của bị cáo.

Có bản án tuyên: Áp dụng khoản 1, 2,3,4 Điều 36, xử phạt bị cáo 30 tháng cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho UBND xã nơi cư trú; khấu trừ thu nhập hàng tháng của bị cáo; buộc bị cáo phải lao động phục vụ cộng đồng 04 giờ trong một ngày, 05 ngày trong một tuần.

Có bản án tuyên: Áp dụng khoản 1, 2,3 Điều 36, xử phạt bị cáo 30 tháng cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho UBND xã nơi cư trú; khấu trừ thu nhập hàng tháng của bị cáo; buộc bị cáo phải lao động công ích…

Có bản án tuyên: Áp dụng khoản 1, 2,3, 4 Điều 36, xử phạt bị cáo 30 tháng cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho UBND xã nơi cư trú; khấu trừ thu nhập hàng tháng của bị cáo. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Việc bản án không tuyên biện pháp lao động phục vụ cộng đồng, hoặc có tuyên nhưng ấn định cụ thể thời gian lao động phục vụ cộng đồng, hoặc tuyên buộc bị cáo phải lao động công ích trong thời gian cải tạo không giam giữ mà không có việc làm hoặc mất việc làm đối với người bị kết án là chưa đúng với khoản 4, Điều 36 của BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và khoản 5 Điều 101 của Luật Thi hành án hình sự.

Điều 101. Việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

1.…

5. Người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người chấp hành án được xác định là không có việc làm hoặc bị mất việc làm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.

Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã.

Tại khoản 4 Điều 36 BLHS chỉ quy định giới hạn tối đa của thời gian lao động của người bị kết án “Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.”

Khoản 5 điều 101 Luật thi hành hình sự quy định rõ về cơ quan được ban hành quyết định, loại công việc và thời gian lao động của người bị kết án Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.

Từ ngày 01/01/2020 Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành tuy nhiên vẫn còn nhiều Bản án của tòa án cấp sơ còn có tình trạng tuyên trong bản án như trên.

Để việc tuyên bản án được thống nhất tác giả cho rằng TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng: khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án và áp dụng khoản 4 Điều 36 của BLHS, Tòa án cần ghi rõ trong Bản án “Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thực hiện theo quy định tại Điều 101 của Luật Thi hành án hình sự. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm ngèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ còn phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự”.

Trên đây là một số vướng mắc khi áp dụng Điều 36 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến của cá nhân tác giả nêu ra để các bạn đọc cùng tham gia, bổ sung nhằm giúp cho các cơ quan cấp trên xem xét, đánh giá và có thể ban hành văn bản hướng dẫn rõ, cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Phạm Thị Kim Hoa -Trương Thị Tuyến - Hoàng Cao Minh - Hoàng Thanh Phương/P7 VKS tỉnh

Biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định mới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến căn cứ, điều kiện áp dụng; thẩm quyền, thủ tục, hình thức áp dụng; thời gian, loại công việc lao động phục vụ cộng đồng... Trong thực tiễn có các quan điểm khác nhau, cần có văn bản hướng dẫn để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.

Quy định của pháp luật

Trong quá trình thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ kèm theo như bị khấu trừ thu nhập cá nhân, thực hiện nghĩa vụ theo Luật thi hành án hình sự, ngoài ra, người bị kết án còn có thể bị buộc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng. Khoản 4 Điều 36 Bộ luật Hình sự [BLHS] năm 2015 quy định: “…4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.

Về bản chất, biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ là một dạng nghĩa vụ thi hành án mà người bị kết án có thể bị áp dụng và phải thực hiện trong quá trình chấp hành án, khi phát sinh những căn cứ luật định, do cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ áp dụng ở nước ta, nhằm bổ sung các chế tài bảo đảm thi hành hiệu quả hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, quá trình triển khai thực hiện gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Nghiên cứu quy định về buộc lao động phục vụ cộng đồng tại khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015, chúng tôi thấy có một số nội dung cần thống nhất nhận thức trong quá trình áp dụng.

- Căn cứ áp dụng: Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự [BLTTHS] năm 2015 không quy định cụ thể về căn cứ áp dụng đối với biện pháp này. Trong thực tiễn áp dụng hiện có các ý kiến chưa thống nhất. Cụ thể:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, mọi trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt đều có thể bị áp dụng biện pháp này.

Ý kiến thứ hai, cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, chỉ áp dụng biện pháp này đối với những trường hợp Hội đồng xét xử tuyên khấu trừ thu nhập cá nhân. Vì khấu trừ thu nhập cá nhân gắn liền với hoàn cảnh việc làm của người bị kết án. Bởi lẽ, nếu người bị kết án cải tạo không giam giữ nhưng không bị khấu trừ thu nhập cá nhân thì việc có hay không có việc làm không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thi hành án của họ. Điều kiện để áp dụng và thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ cũng không bắt buộc người bị kết án phải có việc làm. Chỉ khi người bị kết án bị khấu trừ thu nhập cá nhân bị mất việc làm, lúc này thực tế họ không có thu nhập nữa, do đó, biện pháp khấu trừ thu nhập cá nhân không thực hiện được, tức là tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án. Như vậy, quy định này được xem như là một biện pháp “thay thế” cho biện pháp khấu trừ thu nhập cá nhân khi xét thấy không có khả năng thi hành trên thực tế và vẫn bảo đảm phát huy hiệu quả tối đa của hình phạt cũng như sự linh hoạt trong quá trình thi hành án.

- Điều kiện áp dụng: Dựa trên quy định tại Điều 36 BLHS năm 2015, để áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ, cần có điều kiện sau:

Người bị buộc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ phải là người bị Tòa án áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập cá nhân. Mặt khác, theo tác giả, cần lưu ý là không nên áp dụng biện pháp này, dù “người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm” trong trường hợp họ vẫn có tài sản và có nguyện vọng dùng tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thu nhập đã được ấn định trong bản án. Như trên đã phân tích, áp dụng biện pháp này là để bảo đảm hiệu quả thay thế, tuy nhiên khi biện pháp khấu trừ thu nhập vẫn khả thi và đang được thực hiện trên thực tế thì không cần thay thế bằng biện pháp khác.

Bên cạnh đó, cần lưu ý những trường hợp không được áp dụng biện pháp buộc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ, cụ thể: “Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng” [khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015]. Nghĩa là đối với những nhóm người này, dù họ “không có việc làm hoặc bị mất việc làm” thì vẫn không thể buộc thực hiện công việc lao động tại cộng đồng. Mặt khác, dù luật không quy định trực tiếp nhưng tại khoản 3 Điều 36 BLHS quy định “không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự”, khoản 2 Điều 100 BLHS năm 2015 quy định “khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó”. Vì vậy, trong những trường hợp này cũng không được áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng.

- Thẩm quyền áp dụng: Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng, tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.

Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã”.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng là cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã. Hình thức áp dụng thể hiện bằng quyết định, trong đó nêu rõ loại công việc, thời gian lao động.

- Thủ tục, trình tự áp dụng: Theo quy định tại Điều 98, Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì cơ quan Thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành và Công an cấp xã có trách nhiệm giám sát việc thi hành của người bị kết án. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chỉ khi không thể khấu trừ thu nhập cá nhân của người bị kết án thì mới tiến hành áp dụng biện pháp này mà khấu trừ thu nhập cá nhân thì do cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành. Do đó, ngoài trình tự áp dụng quy định tại Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019, theo tác giả bắt buộc phải có đề nghị bằng văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự.

Như vậy, để áp dụng biện pháp này, cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành chặt chẽ bằng việc xác minh nghề nghiệp, thu nhập của người bị kết án, biên bản về việc người bị kết án không chấp hành hoặc không có thu nhập để khấu trừ, báo cáo của cơ quan Thi hành án dân sự về việc không thể khấu trừ thu nhập cá nhân do người bị kết án không có việc làm hoặc bị mất việc làm, đề xuất của người được giao giám sát, giáo dục người bị kết án…

Việc áp dụng phải thể hiện bằng quyết định của cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, theo quy định tại Điều 36 BLHS năm 2015, Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Trong quyết định phải nêu rõ lý do, hình thức và thời gian thực hiện lao động phục vụ cộng đồng, người có trách nhiệm giám sát và hậu quả pháp lý nếu người bị kết án không thực hiện công việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Về việc ấn định thời gian lao động phục vụ cộng đồng

Khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định: “Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần”. Như vậy, mức thời gian ấn định không được quá thời gian nêu trên. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 và Luật thi hành án hình sự năm 2019 không quy định cụ thể thời gian lao động phục vụ cộng đồng mà chỉ giới hạn số giờ trong ngày và số ngày trong tuần. Có ý kiến cho rằng, thời gian lao động phục vụ cộng đồng tối đa không quá 05 ngày. Tác giả không đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 giới hạn thời gian tối đa trong 1 tuần, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà cơ quan Thi hành án hình sự ấn định thời gian lao động phục vụ cộng đồng cho người bị kết án. Cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình, trình trạng sức khỏe… để ấn định thời gian và loại công việc phù hợp và thời gian áp dụng không được quá thời gian chung của hình phạt cải tạo không giam giữ, nghĩa là phải bảo đảm khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ thì thời gian lao động phục vụ cộng đồng cũng phải chấp hành xong.

- Xử lý đối với trường hợp không chấp hành quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng

Buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng không phải là nghĩa vụ tuyên trong bản án, cũng không phải là nghĩa vụ có từ khi tổ chức thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Nghĩa vụ này chỉ phát sinh trong quá trình thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ khi có những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, khi đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trở thành nghĩa vụ của người chấp hành án theo Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019 và bắt buộc phải thực hiện. Nếu người bị kết án không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo quy trình xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 105 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Một số vướng mắc

- Về nội dung công việc lao động phục vụ cộng đồng: Do đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ áp dụng, chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể người bị buộc lao động phục vụ cộng đồng phải làm những công việc gì. Theo tác giả, công việc lao động phục vụ cộng đồng phải là những công việc chung, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Nghiêm cấm việc buộc đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt này phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, quyền công dân của người bị kết án.

- Về xử lý quyết định khấu trừ thu nhập cá nhân đối với người bị kết án: Tác giả cho rằng, biện pháp thực hiện công việc lao động phục vụ cộng đồng là biện pháp thay thế. Do đó, khi cơ quan chức năng buộc họ thực hiện những công việc nhất định thì phải miễn khấu trừ thu nhập cá nhân cho người đó. Không thể đồng thời buộc lao động phục vụ cộng đồng, lại vừa khấu trừ thu nhập cá nhân đối với người bị kết án. Việc miễn khấu trừ thu nhập cá nhân phải thể hiện bằng quyết định. Quyết định này phải do Tòa án nơi ra quyết định thi hành án ban hành. Sau khi nhận được quyết định miễn khấu trừ thu nhập cá nhân của Tòa án cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần khấu trừ thu nhập cán nhân được miễn.

- Về căn cứ nào để xác định một người là không có việc làm hoặc mất việc làm: Điều 36 BLHS năm 2015 cũng như Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019 không quy định cụ thể căn cứ xác định tình trạng không có việc làm hoặc bị mất việc làm. Theo chúng tôi, cần vận dụng hợp lý quy định về chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, trong đó xác định tình trạng “có việc làm” và từ đó, loại trừ và xác định tình trạng không có việc làm hoặc mất việc làm. Cụ thể:

“… Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng…”.

Đối với những người lao động tự do, việc làm không ổn định, không có hợp đồng lao động thì xác định tình trạng việc làm của họ phải dựa trên công việc và thu nhập thực tế. Việc xác định không có việc làm hoặc mất việc làm phải trên cơ sở xác minh trực tiếp đối với người trực tiếp sử dụng lao động, những người cùng làm việc và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Một số kiến nghị, đề xuất

Từ quá trình áp dụng pháp luật cũng như phân tích, đánh giá như trên, chúng tôi đề nghị liên ngành tư pháp trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy định về buộc người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng quy định tại khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 và Điều 101 Luật thi hành án hình sự một số nội dung sau:

Thứ nhất, để áp dụng biện pháp này, phải có đủ các điều kiện sau: [1] Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thuộc diện bị Hội đồng xét xử tuyên khấu trừ thu nhập cá nhân; [2] Người bị kết án không có việc làm hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành án; [3] Họ không có thu nhập, tài sản gì khác dẫn đến không thể khấu trừ thu nhập cá nhân; [4] Căn cứ để xác định một người là không có việc làm hoặc mất việc làm trên cơ sở vận dụng Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Đối với những người lao động tự do, việc làm không ổn định, không có hợp đồng lao động thì phải trên cơ sở xác minh trực tiếp đối với người trực tiếp sử dụng lao động, những người cùng làm việc và Ủy ban nhân dân phường, xã.

Thứ hai, ngoài trình tự quy định tại Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019, cần phải có văn bản của Chi cục Thi hành án dân sự cùng cấp về việc người bị kết án cải tạo không giam giữ không có việc làm, bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án và không thể khấu trừ thu nhập cá nhân, kèm theo là các tài liệu, biên bản xác minh của cơ quan Thi hành án dân sự và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài ra, thời gian, nội dung buộc lao động phục vụ cộng đồng phải được thể hiện rõ trong nội dung quyết định nhưng không được vi phạm quy định về thời gian tại Điều 36 BLHS năm 2015 và không được quá thời gian cải tạo không giam giữ còn lại của người bị kết án. Nghiêm cấm việc buộc người bị kết án phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.

- Khi nhận được quyết định buộc người bị kết án lao động phục vụ cộng đồng thì Tòa án cùng cấp quyết định miễn khấu trừ thu nhập cá nhân cho người bị kết án, cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần khấu trừ thu nhập cá nhân được miễn; không áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng đối với người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong quá trình tổ chức thi hành, nếu người bị kết án không thực hiện nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì vận dụng Điều 105 Luật thi hành án hình sự năm 2019, Công an cấp xã lập biên bản về việc vi phạm. Trường hợp đã lập biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ hai lần nhưng người chấp hành án vẫn tiếp tục vi phạm thì Công an cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm người đó. Người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không thực hiện nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Tin cùng chuyên mục

  • Vay tiền online không trả có bị đi tù không?
  • Ngày 04/02: Có 11.594 ca Covid-19, tăng hơn 3.000 F0 so với hôm qua; Hà Nội vẫn nhiều nhất
  • Mẫu Hợp đồng thuê nhà ở, công trình xây dựng cập nhật mới nhất
  • Bị tai nạn giao thông có được hưởng chế độ BHXH?
  • [CẬP NHẬT] Danh sách các vùng dịch Covid-19 trên cả nước

Video liên quan

Chủ Đề