Cảm hóa giáo dục đối tượng tha tù đặc xá

[ANTN] - Trong tổng thể các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân có vai trò hết sức quan trọng. Biện pháp này nhằm cách ly tạm thời những người vi phạm pháp luật ra khỏi đời sống xã hội để giáo dục, cải tạo họ trở thành người lương thiện, đồng thời phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng. Có thời điểm, Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên quản lý trên 800 can, phạm nhân, gần 40 tử tù, áp lực về công việc luôn thường trực với cán bộ, chiến sỹ [CBCS] nơi đây. Dẫu vậy, các anh vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tậm tậm với công việc, lặng thầm khơi lại tính bản thiện trong những con người lầm lỗi.

Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên thường xuyên giam, giữ từ 500 đến 600 người bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân, số đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức gia tăng, nhất là các tội giết người, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người khi bị bắt vào trại là đối tượng nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự, mắc HIV/ASIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, có đối tượng tư tưởng không ổn định, chống đối, tìm cách bỏ trốn.

Các phạm nhân lao động, cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: CATN

Ở môi trường đặc thù như vậy, để đảm an toàn Trại, không để phạm trốn, phạm chết, CBCS thường xuyên phải trực 24/24h, nhất là trong những ngày lễ, tết, không ít đồng chí nhiều năm liền chưa được về ăn Tết cùng gia đình, hoặc đang được nghỉ nhưng khi có việc đột xuất cần huy động lực lượng thì dù ở bất kỳ đâu cũng phải trở về đơn vị. Bởi vậy, Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị rất chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, động viên CBCS, thực hiện tốt chính sách cán bộ phù hợp với tình hình thực tế.

Thượng tá Đặng Kiên Cường- Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, lãnh đạo cấp ủy đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng về pháp luật, nghiệp vụ, đồng thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ luôn yên tâm tư tưởng, thường xuyên học hỏi, nghiên cứu sâu các văn bản, các Luật, nhất là Luật Thi hành án hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự. Cán bộ quản giáo phải luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm, nắm bắt sâu sắc về tư tưởng của phạm nhân.

Để làm tốt công tác quản lý, giáo dục can, phạm nhân, cán bộ làm công tác quản giáo luôn phải bám sát mọi diễn biến của người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân để vừa quản lý nghiêm khắc, vừa động viên, giáo dục, cảm hóa. Đối với bị can, bị cáo đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam để phục vụ hoạt động tố tụng đòi hỏi có sự quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ. Còn với các phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại Trại Tạm giam của Công an tỉnh được hưởng nhiều chế độ hơn, như: Tập thể dục vào đầu giờ buổi sáng và cuối buổi chiều; được đọc sách, báo, xem ti vi và tham gia lao động sản xuất.

Cảm hóa, giáo dục những phạm nhân một thời lầm lỗi trở về con đường hướng thiện là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, là cả một quá trình tác động nhiều mặt tích cực vào một con người, bên cạnh các biện pháp như: Tuyên truyền, tổ chức lao động, kiểm tra, kiểm soát, thì cán bộ quản giáo vừa là người hướng dẫn, giáo dục, vừa động viên, chia xẻ, giúp họ nhận rõ lỗi lầm, ăn năn hối cải và cải tạo tiến bộ.

Đại úy Nông Văn Kiều- Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, để công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân đạt hiệu quả tốt, mỗi cán bộ quản giáo phải nắm rõ lai lịch, lịch sử bản thân của từng phạm nhân, hành vi phạm tội, tâm lý, tính cách, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội của từng phạm nhân, từ đó sử dụng biện pháp giáo dục, thuyết phục đối với từng phạm nhân cho phù hợp và thông qua công tác giáo dục, cảm hóa giúp cho phạm nhân thấy được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội.

Cùng với đó, Trại tạm giam tổ chức nhiều việc làm ý nghĩa như dạy học xoá mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho phạm nhân, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin thời sự kịp thời và tiến hành giáo dục về chính sách, pháp luật, đạo đức... để phạm nhân có nhận thức đúng, thấy rõ tội lỗi và sự cần thiết phải tự rèn luyện cải tạo để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hằng quý, các Đội và Phân trại phối hợp tổ chức đánh giá, bình xét phạm nhân để biểu dương người cải tạo tiến bộ, làm cơ sở xét giảm thời gian chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật.

Tuyên truyền pháp luật cho các phạm nhân. Ảnh: CATN

Trong công tác bảo vệ an toàn Trại, CBCS thường xuyên, đột xuất tổ chức kiểm tra các buồng giam, nhà giam, địa bàn lao động, từ năm 2015 đến nay, qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kỷ luật 170 lượt người bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân vi phạm nội quy, mang đồ cấm vào trong buồng giam; nhận và kiểm tra trên 25.000 gói quà, đảm bảo an toàn, đúng quy định. Duy trì tuần tra, canh gác 24/24h, kiểm soát ra, vào, đảm bảo tuyệt đối an toànTrại. Đồng thời, thông qua công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát để nắm chắc tình hình, thu thập thông tin có giá trị phục vụ công tác điều tra, mở rộng các vụ án có tính chất phức tạp và hoạt động truy tố, xét xử của các cơ qua điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp.

Công tác chăm sóc, điều trị bệnh ở Trại tạm giam cũng có những đặc thù riêng, các y, bác sỹ thường xuyên phải làm việc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm qua đường máu, đường hô hấp như HIV, lao phổi,Viêm gan B, Viêm gan C… Một số can phạm nhân thường có tâm lý ốm giả để được hưởng ưu đãi trong quá trình giam giữ hoặc tìm cách bỏ trốn trong quá trình chuyển viện, nên các y, bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn trong chuẩn đoán chính xác mặt bệnh.

Thượng úy Lê Việt Hải – Bác sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, khó khăn vất vả nhất với cán bộ y tế Trại tạm giam là các bệnh nhân ở đây vừa là bệnh nhân vừa là phạm nhân, can phạm nhân, người có án. Đối với bệnh nhân bình thường thì việc khai thác tiền sử, bệnh sử rất đơn giản, nhưng bệnh nhân ở đây vừa phải kết hợp chuyên môn, vừa phải kết hợp với quản giáo nắm bắt tiền sử phạm tội, các hành vi trong buồng giam để xác định độ trung thực các triệu chứng để đưa ra chuẩn đoán chính xác nhất.

Việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân luôn được quan tâm, thực hiện đúng quy định. Trong 5 năm, Trại tạm giam đã giải quyết cho gần 9.400 lượt thăm gặp thân nhân; những phạm nhân có 2 quý liên tục được bình xét ý thức cải tạo tốt sẽ được gặp vợ hoặc chồng tại phòng “hạnh phúc”; hoàn thành hồ sơ đề nghị đặc xá cho 26 phạm nhân, tha tù có thời hạn có điều kiện cho 8 phạm nhân, giảm thời hạn chấp hành ánh phạt tù cho 230 phạm nhân có quá trình cải tạo tiến bộ.

Niềm hân hoan của những người mãn hạn tù được trở về với gia đình và cộng đồng cũng chính là niềm vui, thành quả của CBCS sau bao ngày chăm lo, giáo dưỡng. Sự thầm lặng và thấm đẫm tình người của cán bộ, chiến sĩ Trại giam vẫn ngày ngày cần mẫn đẩy lùi, xua tan đi những mảng tối trong con người mỗi phạm nhân, giáo hóa và gieo lên trong họ những mầm thiện để những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, ở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Chủ Đề