Thai nhi 29 tuần nằm như thế nào

Tuần thai thứ 29, bé tiếp tục phát triển thị lực và đã đạt trọng lượng 1,13kg. Những triệu chứng khó chịu như phù chân, mệt mỏi và thay đổi hormone có thể làm mẹ khó kiểm soát cảm xúc, cần chú ý trao đổi với bác sĩ để tránh bị “trầm cảm thai kỳ”

Khi mẹ bầu bước vào giai đoạn thai 29 tuần thì cũng là lúc mẹ đang dần chuyển sang giai đoạn chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Đây cũng là giai đoạn thách thức cả về tinh thần và thể chất của mẹ bầu.

Sự phát triển của thai nhi 29 tuần

Thai 29 tuần là mấy tháng? Khi mẹ bước vào tuần thứ 29 thì thai nhi đã được 7 tháng 1 tuần rồi. Vậy sự phát triển của thai nhi tuần 29 ra sao? Mẹ hãy theo dõi tiếp những thông tin dưới đây nhé.

1. Thai 29 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Thai 29 tuần nặng bao nhiêu kg? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ [American Pregnancy Association – APA], bé trong tuần thai thứ 29 đã nặng khoảng 1,15 – 1,2kg hình ảnh thai nhi 29 tuần trong bụng mẹ tương đương một bắp một quả cà tím lớn và dài khoảng 38,6cm.

Hiện tại, đang có hơn 0,8 lít nước ối bao quanh bé, nhưng khối nước này sẽ giảm đi khi bé ngày một lớn lên và chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung. Trong 11 tuần tới, bé có thể tăng gấp đôi, hay gấp 3 trọng lượng hiện giờ.

Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số thai nhi 29 tuần khác như:

  • Đường kính lưỡi đỉnh [BPD]: 67 – 79mm, trung bình là 73mm.
  • Chiều dài xương đùi của thai [FL]: 51 – 61mm, trung bình là 54mm.
  • Chu vi bụng của bé [AC]: 233 – 272mm, trung bình là 252mm.
  • Chu vi đầu của thai nhi [HC]: 259 – 291mm, trung bình là 275mm.
  • Cân nặng thai nhi ước tính [EFW]: 1145g – 1613g, trung bình là 1379g.

\>> Bạn có thể xem thêm: Bảng cân nặng, kích thước thai nhi theo tuần tuổi

Vậy mẹ đã biết thai 29 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn; và những chỉ số thai nhi 29 tuần rồi đó. Mẹ đọc tiếp có thêm thông tin về những cột mốc phát triển của con nhé!

2. Thai 29 tuần phát triển như thế nào?

Thai 29 tuần là mấy tháng và hình ảnh thai nhi 29 tuần trong bụng mẹ

2.1 Em bé đang tích tụ nhiều mỡ và sẽ ít nếp nhăn hơn

Mẹ thắc mắc thai 29 tuần phát triển như thế nào? Khi chất béo tích tụ nhiều hơn dưới bề mặt da, làn da nhăn nheo của bé sẽ ngày càng mịn màng hơn. Mỡ trắng khác với mỡ nâu mà thai nhi tích lũy trước đó. Mỡ nâu cần thiết để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể; trong khi mỡ trắng đóng vai trò như một nguồn năng lượng.

2.2 Thị lực của bé đang dần phát triển

Thị lực của bé tiếp tục phát triển dần. Ngay cả sau khi được sinh ra, bé vẫn sẽ ngủ nhiều trong ngày. Khi mở mắt, bé sẽ phản ứng lại với sự thay đổi của ánh sáng, nhưng chỉ đạt được 1/20 thị lực – có nghĩa bé chỉ có thể thấy những thứ cách mặt mình khoảng 10cm mà thôi.

Bên cạnh tìm hiểu thai 29 tuần là mấy tháng hay bé 29 tuần nặng bao nhiêu; bạn có thể tìm hiểu thêm về thai giáo ánh sáng giúp bé phát triển thị giác từ trong bụng mẹ trong giai đoạn này nhé.

2.3 Thai 29 tuần đã quay đầu chưa?

Do ở tuổi thai này, kích thước của em bé so với lượng nước ối hay khoang chứa còn nhỏ nên em bé vẫn sẽ xoay trở mình liên tục và chưa cố định ngôi. Việc bé đã quay đầu hay chưa ở tuổi thai này không có nhiều giá trị, quay đầu sớm không sao mà chưa quay đầu cũng không sao.

Nếu đến tuần thai thứ 36, thai nhi vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu thì mẹ mới cần phải lưu tâm. Đây là thời điểm vị trí của thai nhi quyết định ngôi thai khi thai nhi chào đời.

Mẹ có thể tới bệnh viện thăm khám, siêu âm để xác định ngôi thai, tư thế nằm của thai nhi. Đây là cách nhận biết chính xác nhất thai 29 tuần đã quay đầu chưa.

\>> Bạn có thể xem thêm: Thai nhi bao nhiêu tuần thì quay đầu & dấu hiệu ngôi thai ngược là gì?

2.4 Thai nhi 29 tuần nằm như thế nào?

Thông thường, thai nhi 29 tuần tuổi sẽ nằm dọc theo bụng mẹ bầu và có thể quay đầu về phía mẹ hoặc quay đầu hướng xuống dưới. Đây là giai đoạn não bộ của bé phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, ở tuần thứ 29, mí mắt của thai nhi đã hoàn toàn hoàn thiện và em bé có thể nhắm, mở mắt. Vậy mẹ đã biết thai nhi 29 tuần nằm như thế nào rồi đó!

2.5 Thai 29 tuần tuổi biết làm gì?

  • Bé sẽ nấc cụt nhiều hơn: Đứa trẻ của mẹ đang tiếp tục nấc cụt. Chúng tạo cảm giác như những cú chạm nhẹ nhàng, nhịp nhàng đối với mẹ; và cũng không gây khó chịu cho em bé.
  • Bé sẽ bắt đầu mỉm cười: Em bé của mẹ có thể bắt đầu mỉm cười trong tuần này, đặc biệt là khi đang ngủ.

2.6 Đếm số cử động của thai nhi

Bên cạnh đó, để trả lời cho câu hỏi thai 29 tuần phát triển như thế nào, mẹ cần biết về không gian sống của bé. Vì không gian trong khu sinh hoạt của bé hiện đã chật chội, mẹ sẽ cảm nhận dễ dàng hơn các cú đạp hay huých khuỷu tay vào thành bụng. Mẹ sẽ cảm nhân con đạp nhiều, năng động hơn vì thai nhi đã lớn hơn, mạnh hơn và phản ứng với tất cả các loại kích thích – chuyển động, âm thanh, ánh sáng cũng như thực phẩm mẹ ăn.

Điều đó có nghĩa bây giờ là thời điểm tốt để bắt đầu thực hiện đếm thai máy một hoặc hai lần một ngày vào những khung giờ nhất định. Việc theo dõi này sẽ giúp mẹ nhận biết khi nào con thức – ngủ, có vấn đề gì về sức khỏe hay không.

Như vậy, mẹ đã biết thai 29 tuần phát triển như thế nào rồi phải không? Mẹ có thể tham khảo thêm cách kích thích trí não thai nhi qua 5 bài nhạc Mozart cho bà bầu nhé.

3. Mang thai 29 tuần là mấy tháng?

Nếu mẹ mang thai được 29 tuần thì mẹ đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Chỉ còn 2 tháng nữa thôi là mẹ có thể gặp mặt bé yêu rồi. Vậy mẹ đã biết thai 29 tuần là mấy tháng rồi đúng không? Mẹ đọc tiếp về những thay đổi trong cơ thể của mình ở giai đoạn này nhé.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 29 tuần

1. Cảm thấy mệt mỏi

Đến giai đoạn này, mẹ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhất là những khi khó ngủ. Bên cạnh đó, mẹ cũng thấy mình vụng về hơn bình thường. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì bây giờ mẹ không chỉ nặng nề hơn, trọng lượng dồn ở bụng bầu còn làm cho trọng tâm cơ thể mẹ thay đổi. Hơn nữa, do sự thay đổi của hormone, các dây chằng và các khớp xương lỏng hơn khiến mẹ dễ mất thăng bằng.

Việc tử cung to lên chèn ép mạch máu dẫn máu về tim dẫn tới tình trạng ứ máu dưới chân; dân gian hay gọi hiện tượng “xuống máu chân”; biểu hiện mẹ bầu sẽ thấy chân phình to hơn và ấn lõm và mẹ nên chuẩn bị một vài đôi giày mới cỡ lớn.

\>> Bạn có thể xem thêm: Phù chân khi mang thai tháng thứ 8 và nguy cơ tiền sản giật

2. Suy giãn tĩnh mạch chân

Những mạch máu sưng tấy này có thể phát triển hoặc trầm trọng hơn khi mẹ mang thai. Chúng nổi lên do lượng máu tăng lên khi mang thai, tử cung phát triển chèn ép gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và các hormone đang làm giãn tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch cũng có thể xảy ra ở trực tràng [như bệnh trĩ] hoặc âm hộ, nhưng đừng nhầm lẫn chúng với tình trạng giãn tĩnh mạch mạng nhện.

Một số phụ nữ mang thai thấy đau khi giãn tĩnh mạch, trong khi những người khác không thấy khó chịu gì cả. Giống như vết rạn da, chúng cũng có thể di truyền.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu chúng là tránh đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài. Cố gắng tập thể dục hàng ngày; ăn nhiều chất xơ, ít mặn; nâng cao chân khi nằm hay ngồi và kiểm soát cân nặng. Chứng giãn tĩnh mạch sẽ tự hết trong vòng vài tháng sau khi sinh.

3. Tâm trạng thay đổi

Mẹ còn nhớ sự thay đổi tâm trạng giai đoạn đầu thai kỳ chứ? Những triệu chứng khó chịu kết hợp cùng sự thay đổi hormone có thể khiến những cảm xúc khó kiểm soát đó quay trở lại. Cảm giác lo lắng không biết mình sẽ chuyển dạ thế nào, mình có trở thành người mẹ tốt hay không… là hoàn toàn bình thường.

Nếu mẹ không thể rũ khỏi cảm giác chán nản, ủ ê, ngày một cáu kỉnh và kích động, lo lắng thì hãy tìm gặp bác sĩ. Mẹ có thể nằm trong số 1/10 thai phụ bị trầm cảm thai kỳ đấy.

Lời khuyên của bác sĩ để thai 29 tuần tuổi phát triển tốt

1. Chế độ dinh dưỡng: thai nhi 29 tuần nên ăn gì?

Nạp đủ canxi. Hiện tại, khoảng 250mg canxi trong chế độ ăn uống của mẹ nhằm để phát triển xương của thai nhi. Việc này sẽ tiếp diễn suốt phần còn lại của thai kỳ. Thai nhi cũng cần canxi để giúp phát triển răng, tim, thần kinh và cơ bắp.

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ [ACOG] khuyến cáo phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên cần bổ sung 1.000mg canxi mỗi ngày. Khi mẹ nạp không đủ canxi, thai nhi sẽ lấy canxi từ xương của mẹ. Thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp do mang thai [huyết áp cao] và sinh non.

Mẹ cần cố gắng ăn ít nhất ba phần thực phẩm giàu canxi mỗi ngày, chẳng hạn như:

  • Sữa chua nguyên chất ít béo [225g, 415mg]
  • Nước cam [240ml, 349mg]
  • Cá mòi đóng hộp [85g, 325mg]
  • Sữa tách béo, ít béo hoặc sữa nguyên chất [240ml, 275–300mg]
  • Sữa đậu nành [240ml, 299mg]
  • Đậu phụ [112g, 253mg]
  • Cải ngọt [1 chén, 74mg]
  • Quả sung khô [2 quả sung, 65mg]
  • Bông cải xanh [1/2 bát, 21mg]

\>> Bạn có thể xem thêm: Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối không tăng cân

2. Chế độ vận động: Mẹ bầu 29 tuần nên tập thể dục như thế nào?

Chịu khó vận động để ngừa hội chứng chân không nghỉ: Trong ba tháng cuối của thai kỳ, một triệu chứng mang thai khiến mẹ khó ngủ là hội chứng chân không nghỉ [restless leg syndrome – RLS]. Không ai chắc chắn tại sao, nhưng hội chứng chân không nghỉ thường gặp trong tam cá nguyệt thứ ba. Hãy đảm bảo mẹ bổ sung đủ sắt trong chế độ ăn uống và vận động đủ trong ngày [30 – 60 phút].

\>> Mẹ có thể quan tâm Yoga cho bà bầu 3 tháng cuối: 10 bài tập không thể bỏ lỡ!

3. Chăm sóc bản thân dành cho mẹ bầu 29 tuần

Đối phó với mệt mỏi. Dưới đây là một số mẹo để chống lại sự mệt mỏi:

  • Cố gắng nghỉ ngơi trong ngày hoặc chợp mắt nếu có thể.
  • Giữ thói quen ngủ khoa học bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.
  • Ăn các bữa ăn bổ dưỡng bao gồm thực phẩm giàu chất sắt.
  • Tập thể dục hàng ngày khoảng 30 phút.
  • Tránh uống caffeine.
  • Đi khám để xét nghiệm thiếu máu do thiếu sắt, vì điều này có thể gây ra mệt mỏi.

Lắp ráp đồ dùng cho bé. Đây là công việc hoàn hảo cho bố hoặc một người bạn nào đó muốn giúp đỡ. Giường cũi, nôi đưa và xe nôi đẩy vốn khó lắp ráp, đặc biệt là khi mẹ thiếu ngủ, vì vậy hãy bắt đầu ngay bây giờ. Tiếp đến, mẹ nên lưu ý chuẩn bị đủ pin cho nôi đưa, điện thoại di động và màn hình giám sát.

\>> Bạn có thể xem thêm: 5 cách chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối

4. Những lưu ý khác dành cho mẹ mang thai 29 tuần

  • Chú ý các triệu chứng nhiễm trùng tiểu: Thật không may, một triệu chứng mang thai khó chịu khác là mẹ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn trong ba tháng cuối. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dưới và nước tiểu đục, sẫm màu, có máu hoặc có mùi hôi kèm theo mẹ có tiểu buốt, tiểu dắt. Hãy đi khám ngay khi có hiện tượng này nhé.
  • Xem xét ngân hàng máu cuống rốn khi thai nhi 29 tuần tuổi: Mẹ sẽ thắc mắc máu cuống rốn là gì? Máu cuống rốn là phần máu còn lại trong dây rốn và nhau thai sau khi sinh. Tại sao máu này lại quan trọng? Đó là bởi vì máu cuống rốn chứa các tế bào gốc có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh, chẳng hạn như một số dạng ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu và ung thư hạch.

Thủ thuật an toàn và không đau này được thực hiện ngay sau khi em bé được sinh ra – chỉ mất khoảng 5 phút.

Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ lưu trữ máu cuống rốn của con mình phòng ngừa bất trắc hoặc để hiến cho những nơi có nhu cầu sử dụng tế bào. Nếu mẹ lựa chọn lưu trữ, hãy nói với bác sĩ trước khi sinh.

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 29 tuần

1. Thai 29 tuần bị ra máu có sao không?

Hiện tượng chảy máu nửa cuối thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân. Tình trạng chảy máu âm đạo nhẹ có thể do viêm hoặc lộ tuyến tử cung, đây là các trường hợp có thể điều trị nội khoa.

Trong một số trường hợp có thể xảy ra chảy máu nửa cuối thai kỳ nặng, nguyên nhân thường là ra máu trong dọa sinh non, ngoài ra còn do bất thường bánh rau như rau bong non, rau tiền đạo. Dọa vỡ tử cung, vỡ tử cung hoặc chuyển dạ sinh non cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu khi mang thai 3 tháng cuối.

Các nguyên nhân khiến mẹ mang thai 29 tuần bị ra máu có thể là:

  • Nhau bong non: tình trạng nhau bong sớm trước khi sổ thai do bệnh lý hoặc chấn thương, đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thai 29 tuần bị ra máu.
  • Nhau tiền đạo: nhau thai bám ở đoạn dưới tử cung lan tới hoặc che lấp một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Do đó, bánh nhau sẽ cản trở toàn bộ hoặc một phần đường ra của thai nhi khi chuyển dạ.
  • Dọa vỡ tử cung: mẹ bầu cảm thấy đau nhiều do cơn co tử cung nhanh và mạnh.
  • Vỡ tử cung: Mẹ bầu sẽ có những cơn đau dữ dội, sau một cơn đau chói đột ngột thì hết đau và có thể sốc. Khi vỡ tử cung, các cơn co tử cung của sản phụ không còn, mạch nhanh, huyết áp giảm, chân tay lạnh, vã mồ hôi,..
  • Dọa sinh non: thai 29 tuần bị ra máu có thể là một dấu hiệu của chuyển dạ. Trước hoặc ngay khi bắt đầu chuyển dạ, âm đạo sẽ tiết ra một ít chất nhầy lẫn máu còn gọi là chất nhầy hồng âm đạo. Nếu xảy ra quanh 3 tuần ngày dự sinh thì đây là dấu hiệu bình thường. Nếu xuất hiện sớm hơn có thể là dấu hiệu sinh non.

2. Thai 29 tuần đạp ít có phải cảnh báo nguy hiểm?

Sẽ có một mức quy chuẩn về tần suất thai nhi đạp bình thường. Thai 29 tuần đạp ít hoặc không đạp có thể là do một trong các nguyên nhân sau:

  • Thai 29 tuần bắt đầu xoay ngôi thai, việc thay đổi tư thế sang ngôi mông với chân và lưng hướng ngược lại với chiều đứng của mẹ sẽ khiến thai máy khó cảm nhận hơn.
  • Nếu như thai 29 tuần bị thiếu oxy, thường sẽ xảy ra đối với những mẹ có bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc thai nhi chậm phát triển.
  • Thai nhi đã không còn phát triển nữa, thai lưu nhưng mẹ không nhận ra.

Số lần bé đạp trung bình mỗi ngày là 15-20 cú đạp, không những bé đạp mà còn rất nhiều chuyển động khác như nhào lộn, trườn, chơi đùa cùng dây rốn… suốt cả ngày. Bé sẽ dành ra 17 giờ một ngày để ngủ và nếu mẹ thấy thai 29 tuần đạp ít rất có thể là bé đang ngủ. Hầu hết các mẹ bầu đều có thể cảm nhận được sự di chuyển của thai nhi 29 tuần tuổi rõ nhất sau khi kết thúc bữa ăn hoặc vào lúc mẹ ngủ. Việc đếm thai máy rất quan trọng, nếu mẹ thấy thai máy bất thường nên đi khám ngay nhé.

Như vậy mẹ đã biết thai 29 tuần phát triển như thế nào, hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt để thai nhi tăng tốc trong thời gian tới nhé mẹ.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chủ Đề